Nhằm góp phần hỗ trợ các nhà khoa học, các nghiên cứu viên tiếp cận với các nguồn học liệu mở và các vấn đề có liên quan với công bố công trình nghiên cứu và đánh giá chất lượng các tạp chí uy tín cho các nhà nghiên cứu... Viện nghiên cứu Con người, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức tọa đàm khoa học “Tài nguyên giáo dục mở hỗ trợ nghiên cứu khoa học xã hội” nhằm chia sẻ thông tin về các nguồn học liệu mở, cách tìm kiếm các nguồn học liệu mở uy tín, miễn phí trên thế giới, các chỉ số đánh giá nhà nghiên cứu phổ biến (h-index, impact factor, v.v,), các công cụ hỗ trợ xuất bản, đánh giá chất lượng của tạp chí. Tham dự tọa đàm có nhóm chuyên gia đến từ đại học RMIT gồm bà Trịnh Thu Hà, Phó quản lý thư viện phụ trách nghiên cứu và giảng dạy, Thư viện Đại học RMIT Việt Nam, Ông Đỗ Văn Châu và Bà Huỳnh Tôn Nữ Minh Nguyệt - Đại học RMIT Việt Nam; đại diện nhà nghiên cứu, các viên chức làm công tác thông tin thư viện tại các Viện nghiên cứu của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Bà Trịnh Thu Hà, Thư viện Đại học RMIT Việt Nam phát biểu tại tọa đàm
Đầu tiên, Ông Đỗ Văn Châu - Thạc sĩ Thư viện số, chuyên gia Nguồn tài nguyên giáo dục mở và bản quyền trong thư viện - Đại học RMIT Việt Nam trình bày tham luận: “Tài nguyên giáo dục mở (OER) phụ vụ dạy và học”. Diễn giả đã trình bày một số nội dung: Một số vấn đề chung về OER như cách nhận biết tài liệu miễn phí và hợp pháp để sử dụng, những điều kiện cần tuân thủ khi sử dụng nguồn tài liệu miễn phí trên internet; các loại giấy phép sử dụng tài liệu mở; hướng dẫn cách tìm kiếm các nguồn học liệu mở miễn phí uy tín trên thế giới thông qua sử dụng công cụ tìm kiếm: RMIT OER guide; RMIT OER Textbook collection và Google Advanced Search; thông qua sử dụng bộ lọc trên các nền tảng sẵn có như YouTube/Vimeo hay Flickr v.v…
ThS. Đỗ Văn Châu trình bày tham luận tại tọa đàm
Tiếp theo, Bà Huỳnh Tôn Nữ Minh Nguyệt - Chuyên gia Công cụ hỗ trợ nghiên cứu, xuất bản nghiên cứu và đánh giá chất lượng nguồn tài liệu - Đại học RMIT Việt Nam trình bày tham luận “Giới thiệu công cụ đánh giá chất lượng nghiên cứu và nguồn tài liệu hỗ trợ nghiên cứu”. Tham luận đã giới thiệu công cụ đánh giá năng suất và sự ảnh hưởng của nghiên cứu khoa học: chỉ số h-index, impact factor; Các công cụ hỗ trợ xuất bản, đánh giá chất lượng của tạp chí để lựa chọn tạp chí uy tín xuất bản các công trình, các kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, cũng giới thiệu một số nguồn tài liệu mở và các dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu tại thư viện RMIT Việt Nam.
Bà Huỳnh Tôn Nữ Minh Nguyệt phát biểu tại tọa đàm
Các đại biểu khách mời, các nhà khoa học và đại biểu tham dự Toạ đàm đã có những trao đổi, thảo luận sôi nổi làm rõ hơn một số vấn đề, cụ thể: làm rõ nguồn tài nguyên mở là nguồn tài nguyên có giá trị bởi nó được tạo ra theo các quy trình nghiêm ngặt, có giấy phép xuất bản, là nguồn tin đảm bảo về chất lượng, độ chính xác và có giá trị; phân tích vai trò của việc tạo dựng profile/chân dung của nhà nghiên cứu nhằm cung cấp các thông tin chính xác, có xác thực về giá trị bản thân cũng như thúc đẩy việc chia sẻ rộng rãi các kết quả nghiên cứu; kinh nghiệm lựa chọn để đăng bài trên các tạp chí uy tín trên thế giới v.v…
Kết luận Toạ đàm, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người đã cảm ơn bài trình bày tâm huyết và đã cung cấp nhiều thông tin, công cụ và kỹ năng hữu ích của hai diễn giả khách mời. Cả hai tham luận cũng như các trao đổi tại buổi tọa đàm đã đưa ra nhiều gợi mở và trợ giúp hữu ích cho các nhà nghiên cứu từ quá trình tìm kiếm tài liệu, đầu vào cho các nghiên cứu cho đến các kênh đầu ra đẻ chia sẻ các kết quả nghiên cứu. PGS cũng bày tỏ mong muốn được tiếp tục hợp tác với các chuyên gia, nhất là trong bối cảnh xây dựng tạp chí điện tử của Viện Nghiên cứu Con người trong tương lai.
Thu Hà