Ngày 21/6/2023, Tọa đàm khoa học quốc tế: “Vai trò của thanh niên trong truyền thông về môi trường” đã được tổ chức bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến tại hội trường trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội. Đây là hoạt động khoa học nằm trong khuôn khổ hoạt động khoa học chung của Viện Nghiên cứu Con người, giao cho Chi đoàn Viện làm đầu mối tổ chức. Tọa đàm có sự phối hợp với mạng lưới các nhà khoa học trẻ đến từ SUMERNET, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Môi trường Stockholm khu vực Châu Á (SEI Asia) nhằm trao đổi, thảo luận các vấn đề về môi trường, vai trò của thanh niên trong truyền thông bảo vệ môi trường, kinh nghiệm của Việt Nam và các nước trong khu vực châu Á.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người đánh giá cao ý nghĩa của tọa đàm trong bối cảnh môi trường khu vực sông Mê Công bị ô nhiễm như hiện nay. Truyền thông về các vấn đề môi trường có vai trò rất quan trọng để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của thanh niên về các vấn đề môi trường và có thể tác động đến việc đề xuất thay đổi chính sách phù hợp. Tọa đàm cũng là cơ hội để đoàn viên thanh niên bày tỏ tiếng nói của thanh niên đối với các vấn đề môi trường, nâng cao năng lực ngoại ngữ, giao tiếp quốc tế và khả năng tổ chức các hoạt động khoa học.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê và
Phó Bí thư Chi đoàn Viện, TS. Phan Thanh Thanh khai mạc Tọa đàm
Các tham luận trình bày tại Tọa đàm đã khái quát cả các vấn đề lí luận và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong nghiên cứu, triển khai các hoạt động truyền thông về môi trường. Đặc biệt là có cả những sáng kiến rất mới mẻ và sáng tạo của các bạn sinh viên trong việc tổ chức các hoạt động truyền thông về môi trường.
Bà Variya Plungwatana, Trợ lý truyền thông của SEI Asia, thành viên tổ chức SUMERNET đã nêu bật các hoạt động truyền thông về môi trường mà tổ chức này đang triển khai qua 3 kết quả nghiên cứu chính là về việc sử dụng mạng xã hội ở châu Á vào năm 2021 (trên cơ sư thu thập các dữ liệu về việc sử dụng các mạng xã hội, thời gian sử dụng, xem video ngắn trên các mạng xã hội). Kết quả cho thấy: Twiter ngày càng được nhiều người trẻ tuổi sử dụng hơn, vì vậy mà chương trình SUMERNET của tổ chức tạo ra kênh truyền thông chủ đạo trên nền tảng này, bên cạnh đó là trên Facebook và các video ngắn trên Youtube, Tiktok. Những kênh truyền thông này ngày càng thu hút nhiều lượt theo dõi, đồng thời cũng giúp mở rộng và kết nối mạng lưới nghiên cứu, đặc biệt ở khu vực sông Mê Kông.
Việc nâng cao tiếng nói của những nhóm bị gạt ra ngoài lề xã hội cũng được SUMERNET quan tâm nghiên cứu, ví dụ như vấn đề về an ninh nguồn nước của cộng đồng địa phương ở Myanmar trong thời gian xảy ra Covid-19. Ông Kyaw Nyunt Linn, nhà nghiên cứu về Nước và Khí hậu, Đối tác SUMERNET khẳng định rằng giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu thì không thể từ góc độ cá nhân mà cần lắng nghe từ cộng đồng, những câu chuyện của người dân địa phương, học hỏi kiến thức từ những người nghiên cứu đi trước thì mới có thể hiểu rõ vấn đề nghiên cứu. Truyền thông về môi trường có vai trò rất quan trọng để chia sẻ kiến thức, truyền tải thông điệp truyền thông bằng cách đơn giản hóa ngôn ngữ để truyền thông hiệu quả.
TS. Nguyễn Đình Đáp, Viện Địa lý Nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong bài tham luận của mình đa chỉ ra một số vấn đề thực tiễn về truyền thông về môi trường tại Việt Nam, đặc biệt là truyền thông tới đối tượng đoàn viên thanh niên. Ông cũng kiến nghị nên tổ chức các hoạt động truyền thông về môi trường vào đầu năm (mùa xuân) vì Việt Nam có truyền thống trồng cây thời gian này, cũng là hưởng ứng phong trào 1 tỉ cây xanh.
TS. Phạm Thị Hồng Phương, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Bộ Tài Nguyên và Môi trường trình bày kết quả nghiên cứu qua trường hợp cụ thể về ô nhiễm không khí tại Việt Nam; Vai trò của thanh niên trong truyền thông về vấn đề này thông qua việc tham gia vào các hoạt động xanh - vườn ươm cây xanh, làm vệ sinh môi trường, tham gia vào các dự án bảo vệ môi trường; Khuyến khích sử dụng năng lượng sạch…
Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi lý thú về các kênh truyền thông xã hội liên quan đến chủ đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm, và phương pháp truyền thông hiệu quả về môi trường, trong đó, sinh viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đưa ra các ví dụ cụ thể để khuyến khích các sinh viên trẻ tham gia vào hoạt động truyền thông bảo vệ môi trường và tạo ra sự ảnh hưởng tới các chính sách liên quan.
Ảnh: Các đại biểu tham dự Tọa đàm
Kết luận Tọa đàm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người và đại diện của mạng lưới các nhà khoa học trẻ SUMERNET thuộc Viện Môi trường Stockholm khu vực Châu Á đánh giá cao nội dung khoa học của tọa đàm, trong đó các tham luận đã nêu bật các góc cạnh đa chiều liên quan đến vấn đề truyền thông về môi trường và chỉ ra hành động của thanh niên có ý nghĩa lớn với cộng đồng. Đồng thời, người đại diện từ hai cơ quan cũng bày tỏ sự cảm ơn đến các diễn giả Việt Nam và quốc tế đến từ đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Viện Địa lý Nhân văn và từ Viện Môi trường Stockholm và chương trình SUMERNET; các đoàn viên thanh niên đến từ Đoàn thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, từ các trường đại học, cơ quan truyền thông và tổ chức quốc tế cùng toàn thể cán bộ của Viện Nghiên cứu Con người đã đến tham dự và có ý kiến tại Tọa đàm.
Nguyễn Thắm