Toạ đàm khoa học “Tiếp cận giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện nay”

15/12/2021

 

Tọa đàm do PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê và TS. Đào Thị Minh Hương chủ trì.

Mở đầu toạ đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện nghiên cứu Con người đã chỉ rõ nghiên cứu về giáo dục nói chung, các vấn đề về tiếp cận giáo dục và vấn đề công bằng giáo dục là các nội dung nghiên cứu mà Viện nghiên cứu rất coi trọng từ trước đến nay, Viện trưởng đã đánh giá cao các chuyên gia đã đã tham dự và chia sẻ các kết quả nghiên cứu với Viện. Trong chương trình toạ đàm, ba bài toạ đàm của các diễn giả đã được trình bày và nhận được nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu.

Thứ nhất, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Phương – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã trình bày về “Giáo dục phổ thông 2011 – 2020: Tiếp cận và công bằng”. Diễn giả đã trình bày và phân tích các số liệu làm rõ vấn đề tiếp cận trong giáo dục, vấn đề công bằng trong giáo dục, hiệu quả của giáo dục phổ thông trong 10 năm vừa qua, từ đó chỉ ra các nhóm học sinh cần quan tâm, các vấn đề về giáo dục phổ thông đang gặp phải.

Thứ hai, TS. Nguyễn Thế Thắng – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày tham luận “Xu hướng và chủ đề trong nghiên cứu bỏ học”. Phương pháp được TS. Nguyễn Thế Thắng trình bày có tên “phương pháp nghiên cứu thư mục lượng”, bản chất là phương pháp căn cứ vào dữ liệu lớn (big data) để chỉ ra các ứng dụng trong nghiên cứu giáo dục và bỏ học của học sinh bậc phổ thông. Phương pháp này được nhận định là hiện đại, mới mẻ. Thông qua phương pháp này, nhà nghiên cứu có thể truy cập vào hệ thống dữ liệu khổng lồ các nghiên cứu đi trước trên phạm vi toàn cầu, qua đó có thể nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách đa chiều và toàn diện hơn, có căn cứ khoa học tốt cho các kết quả nghiên cứu.

Thứ ba, ThS. Lê Hoài Thu – Trung tâm Công nghệ Giáo dục trình bày tham luận “Giáo dục lòng yêu nước cho học sinh tiểu học qua môn đất nước học – Giáo dục vì sự phát triển bền vững”. Diễn giả đã phân tích yêu cầu giáo dục lòng yêu nước trong bối cảnh mới; Giáo dục lòng yêu nước với giáo dục vì sự phát triển bền vững; Giáo dục lòng yêu nước cho học sinh Tiểu học; Môn Đất nước học bậc Tiểu học và một số kết quả triển khai. Diễn giả đã khuyến nghị rằng: Nên đưa nội dung giáo dục lòng yêu nước trở thành một nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông.

Tọa đàm đã nhận nhiều ý kiến trao đổi về các nội dung được trình bày, đi sâu vào phân tích và bình luận về một số kết quả nghiên cứu mà các tham luận đã chia sẻ như: tỷ lệ đi học đúng tuổi của người Tày cao hơn cả nhóm học sinh người Kinh, tỷ lệ học sinh nam học lên cao có xu hướng thấp hơn so với học sinh nữ; về các chính sách đối với học sinh chuyển sang học nghề thay vì học lên THPT; chất lượng của đội ngũ giáo viên giảm. Về vấn đề giáo dục lòng yêu nước cho học sinh tiểu học, các ý kiến của nêu và làm rõ cách thức để truyền tải kiến thức về lòng yêu nước đến học sinh tiểu học khi học online; việc có cần tách nội dung thành môn học riêng hay lồng ghép vào các môn học khác như Đạo đức, Lịch sử, Địa lý. ThS. Lê Hoài Thu cho rằng trong bối cảnh hội nhập hiện tại, cần phải gia tăng việc giáo dục lòng yêu nước hơn so với trước đây để các em “hoà nhập nhưng không hoà tan”. ThS. Lê Hoài Thu nhận định, nội dung giáo dục lòng yêu nước trong các môn học như Đạo đức, Lịch sử, Địa lý vẫn còn ít, nên cần phải được tăng cường thêm việc dạy và học môn đất nước học như một hoạt động giáo dục trong trường học. Các hoạt động giáo dục được diễn ra trong quỹ thời gian dôi ra mỗi tuần nên không ảnh hưởng đến thời gian học chính khoá của học sinh.

Kết thúc buổi tọa đàm, TS. Đào Thị Minh hương - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người đã có những kết luận và cám ơn các diễn giả đã trình bày những kết quả nghiên cứu và hy vọng tiếp tục có những sự chia sẻ, hợp tác trong nghiên cứu và các hoạt động khoa học thời gian tới.

Lưu Thị Lịch