Sáng ngày 6/9/2021, trong khuôn khổ hoạt động khoa học chung năm 2021, Viện Nghiên cứu Con người đã tổ chức tọa đàm khoa học “An ninh kinh tế nhìn từ góc độ việc làm”.
Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học đã nghe các bài tham luận và thảo luận tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất là tham luận và thảo luận về an ninh kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid. Đây là chủ đề thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Các bài tham luận đã xoay quanh các vấn đề liên quan đến an ninh kinh tế, đảm bảo an ninh kinh tế, việc làm và thu nhập ở Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid. Đối với nền kinh tế, đại dịch Covid gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế (GDP); Thương mại (Xuất nhập khẩu; đầu tư (FDI, FII); Việc làm và tiền lương; Sức khỏe của người lao động. Một trong những vấn đề tham luận mà các nhà khoa học quan tâm khi bàn đến an ninh kinh tế trong bối cảnh đại dịch là sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Nguyên nhân của tình trạng này là thiếu hụt nguyên liệu (do hạn chế các chuyến bay, tắc nghẽn tại cảng, thiếu container…); Giá cước vận chuyển cao (do giá năng lượng tăng cao); Nhà máy đóng cửa (do có bệnh nhân Covid); Lao động thiếu hụt (do giãn cách xã hội và đóng cửa cac cơ sở sản xuất). Bối cảnh Covid đã đe dọa đến an ninh kinh tế nói chung và an ninh việc làm nói riêng - đó là tình trạng thất nghiệp gia tăng, đồng thời, thu nhập/tiền lương của người lao động bị giảm do các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Người lao động cũng gặp các rủi ro về sức khỏe khi làm việc trong bối cảnh đại dịch. Mặc dù các doanh nghiệp và chính quyền đã có những giải pháp nhằm đảm bảo an toàn về sức khỏe và duy trì hoạt động sản xuất kinh tế nhưng hiệu quả chưa cao (ví dụ như các mô hình “3 tại chỗ” và “một cung đường 2 điểm đến”) do doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các mô hình này. Các nhà khoa học cũng đã thảo luận, trao đổi về những giải pháp góp phần đảm bảo an ninh việc làm và an ninh kinh tế trước bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid đang trở nên nghiêm trọng dẫn tới việc giãn cách xã hội có thể tiếp tục kéo dài trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay.
TS. Phí Vĩnh Tường, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới trình bày tham luận
Thứ hai là tham luận và thảo luận về an ninh tài chính quốc gia. Các bài tham luận đã trình bày các vấn đề mang tính lý thuyết về an ninh tài chính và thảo luận về những vấn đề đặt ra đối với an ninh tài chính ở Việt Nam hiện nay. An ninh tài chính được hiểu là tình trạng tài chính được ổn định, an toàn, vững mạnh và không bị ảnh hưởng. Đối lập với an ninh tài chính là mất ổn định tài chính hay khủng hoảng tài chính. Một số dạng khủng hoảng tài chính bao gồm khủng hoảng ngân hàng, khủng hoảng nợ quốc gia, khủng hoảng tiền tệ, khủng hoảng thị trường chứng khoán, khủng hoảng cán cân thanh toán quốc tế, khủng hoảng thanh toán, khủng hoảng ngân sách v.v.. Có nhiều loại an ninh tài chính phân loại theo các cách khác nhau, ví dụ như theo cấp độ (an ninh tài chính quốc gia; an ninh tài chính doanh nghiêp; an ninh tài chính cá nhân, hộ gia đình); theo lĩnh vực (an ninh tài chính vĩ mô; an ninh tài chính các trung gian tài chính); theo địa lý (an ninh tài chính địa phương; an ninh tài chính quốc gia; an ninh tài chính khu vực; an ninh tài chính toàn cầu); theo mức độ (an ninh tài chính ở mức độ cao; an ninh tài chính được đảm bảo; an ninh tài chính không được đảm bảo và mất an ninh tài chính). Khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng tài chính là khác nhau nhưng có điểm giao thoa. Có những khủng hoảng tài chính dẫn đến khủng hoảng kinh tế và ngược lại. Đối với Việt Nam, vấn đề cần đặc biệt quan tâm là an ninh tài chính cá nhân và hộ gia đình. Các nghiên cứu cho thấy nhiều người dân ở Việt Nam không có tiết kiệm hoặc chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này khiến họ chưa đảm bảo được an toàn tài chính cá nhân và hộ gia đình. Bối cảnh đại dịch Covid diễn ra nghiêm trọng ở thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua khiến nhiều gia đình không thể đảm bảo được đời sống sinh hoạt đã cho thấy an ninh tài chính của cá nhân và gia đình không được đảm bảo khiến họ không có khả năng đối phó trước những rủi ro như đại dịch.
PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia; Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược tài chính, Bộ Tài chính; Nguyên Giám đốc trường Bồi dưỡng cán bộ Vietinbank trình bày tại tọa đàm
Thứ ba là các bài tham luận và thảo luận về việc làm và an ninh kinh tế. Các bài tham luận đã tập trung vào vấn đề về quyền lao động, đảm bảo quyền và sự an toàn cho người lao động. Các bài viết đã khái quát những quy định liên quan đến việc đảm bảo quyền, đảm bảo an toàn cho người lao động theo quy định của luật pháp, đồn thời bàn thảo những kết quả và thách thức đối với việc đảm bảo quyền, đảm bảo an toàn cho người lao động ở Việt Nam trong bối cảnh thực tiễn. Bên cạnh đó, một số bài viết tập trung vào vấn đề việc làm ở Việt Nam và an ninh việc làm của những nhóm yếu thế như người dân tộc thiểu số, nhóm lao động phi chính thức.
Một số thành viên tham dự Tọa đàm
Kết thúc buổi tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người đã tổng kết những nội dung chính đã được trình bày, trao đổi tại buổi tọa đàm, trong đó nhấn mạnh, vấn đề lao động, việc làm gắn kết rất chặt chẽ với an ninh kinh tế nói chung hay an ninh tài chính quốc gia nói riêng, cũng gắn kết với an ninh ở từng cấp độ vĩ mô hay vi mô, nhất là trong điều kiện con người đang phải chống chọi lại đại dịch covid thì an ninh việc làm đang bị đe dọa nghiêm trọng, đòi hỏi cần có thêm nhiều nghiên cứu để nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh và đảm bảo an ninh việc làm cho người lao động. Thay mặt Viện Nghiên cứu Con người, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê cám ơn các diễn giả và hy vọng tiếp tục có sự chia sẻ và hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Con người và các diễn giả trong tương lai.
Vũ Thanh