Tọa đàm khoa học “Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng XIII vào cuộc sống: bảo đảm quyền con người, an ninh con người và thúc đẩy phát triển con người”

15/09/2021

Sáng 14 tháng 9 năm 2021, Viện Nghiên cứu Con người tổ chức tọa đàm khoa học online với chủ đề “Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng XIII vào cuộc sống: bảo đảm quyền con người, an ninh con người và thúc đẩy phát triển con người”. Tọa đàm được thực hiện trong khuôn khổ hoạt động chung của Viện do TS. Đào Thị Minh Hương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người chủ trì.

 

 

Tọa đàm đã nghe các một số báo cáo xung quanh chủ đề này, cụ thể như sau:

Thứ nhất, báo cáo “Bảo đảm an ninh con người trong mối quan hệ với quyền con người và phát triển theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” do TS. Trần Thị Hồng Hạnh, Viện Quyền con người - Học viện CTQG Hồ Chí Minh trình bày.

 

 

TS. Trần Thị Hồng Hạnh, Viện Quyền con người - Học viện CTQG Hồ Chí Minh trình bày tham luận

 

Diễn giả trình bày sự hình thành, phát triển và nội hàm của khái niệm An ninh con người theo quan điểm quốc tế; Quan điểm của Đảng ta về ANCN và Bảo đảm an ninh con người trong mối quan hệ với quyền con người và phát triển ở Việt Nam hiện nay.

Vấn đề An ninh con người đã được Liên hợp quốc và nhiều nước trên thế giới tiếp nhận như một tư duy mới có sức thuyết phục và có giá trị thực tiễn cao. Con người được đặt ở vị trí trung tâm của thời cuộc, của xã hội là hoàn toàn đúng. Xã hội suy cho cùng là xã hội do con người, của con người và vì con người. Thực hiện an ninh con người sẽ bổ sung và làm phong phú cho an ninh quốc gia và an ninh toàn cầu”. Ở Việt Nam. Thuật ngữ An ninh con người được chính thức sử dụng trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.

Đại hội Đảng lần thứ XIII nhận định về vấn đề còn tồn tại, tầm quan trọng, mối quan tâm và yêu cầu về thực hiện với vấn đề ANCN trên thế giới cũng như trong nước. Diễn giả cũng nêu và phân tích 05 nguyên tắc cơ bản trong phương pháp tiếp cận An ninh con người của LHQ đã được vận dụng ở Việt Nam một cách phù hợp, theo bối cảnh và gắn bó với vấn đề quyền con người và bảy khía cạnh của an ninh con người trong thực tiễn cần tiếp tục được thúc đẩy, bảo đảm trong đời sống con người.

Một số khía cạnh cần quan tâm để Bảo đảm ANCN trong mối quan hệ với QCN & PT ở Việt Nam hiện nay được diễn giả nêu và phân tích như vấn đề Nghèo; Chênh lệch giàu nghèo; Sự gia tăng dân số không được kiểm soát, tình trạng di cư; Nạn khủng bố, vũ khí giết người hàng loạt; Ô nhiễm môi trường và BĐKH & Phụ nữ; Các tệ nạn xã hội và dịch bệnh có tính quốc tế: ma túy, mại dâm, buôn bán người, dịch bệnh HIV/AIDS, H5N1, COVID 19…; Tác động của CM công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, Diễn giả cũng nêu một số phương hướng và biện pháp bảo vệ ANCN gắn với bảo đảm QCN và PT trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

Thứ hai, báo cáo “Quán triệt, vận dụng và phát triển quan điểm về quyền con người trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng ở Việt Nam hiện nay” do TS. Chu Thị Thúy Hằng, Viện Quyền con người - Học viện CTQG Hồ Chí Minh trình bày.

 

 

TS. Chu Thị Thúy Hằng, Viện Quyền con người - Học viện CTQG Hồ Chí Minh trình bày tham luận

 

Diễn giả trình bày quan điểm nhất quán của Đảng về Quyền con người; Quan điểm mới, cách tiếp cận mới về QCN trong Văn kiện Đảng 13. Quan điểm nhất quán của Đảng ta về Quyền con người : Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013, gắn quyền công dân với nghĩa vụ trách nhiệm công dân đối với xã hội; Nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, trong đó có cam kết quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Quan điểm mới, cách tiếp cận mới về QCN trong Văn kiện Đảng 13 được diễn giải nêu và phân tích gồm: chủ thể hưởng quyền: Nhân dân; Yêu cầu: “Đảng và Nhà nước ban hành đường lỗi, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân”, trong đó nhấn mạnh vai trò lập pháp của Quốc hội; vai trò các cơ quan tư pháp và Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền trong hoạch định chính sách phát triển: hướng trọng tâm vào chủ thể hưởng quyền. Văn kiện đại hội XIII cũng rất quan tâm các nhóm dễ bị tổn thương gồm trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi và người Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, diễn giải khái quát một số vận dụng quan điểm của Đảng về Quyền con người trên các khía cạnh Thi hành Hiến pháp 2013; Cải cách tư pháp; Xây dựng các thiết chế bảo đảm QCN; Giáo dục quyền con người ở Việt Nam; bác bỏ các luận điệu sai trái nhằm xuyên tác quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền con người và ANCN.

Thứ ba, báo cáo “Bảo đảm Quyền trẻ em trên không gian mạng trong mùa dịch Covid từ quan điểm của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ con (UNCRC) và Luật trẻ em Việt Nam (VCL)” do ThS. Phan Thanh Thanh, Viện Nghiên cứu Con người trình bày.

 

 

ThS. Phan Thanh Thanh, Viện Nghiên cứu Con người trình bày tham luận

 

Diễn giả trình bày mối liên hệ của internet đối với quyền con người (cụ thể là quyền trẻ em). Sự xuất hiện của Internet bên cạnh việc thúc đẩy một số quyền trẻ em (được công nhận thông qua CRC cũng như được công nhận trong VCL) còn làm cho việc bảo vệ quyền trẻ em đứng trước những thách thức mới, một số ví dụ cụ thể cũng được tham luận đề cập. Đồng thời, bài tham luận cũng đưa ra một số giải pháp để hạn chế những nhược điểm đó. Bài viết phân tích các văn bản luật Quốc tế và Quốc gia cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (UNCRC) và Luật Trẻ em Việt Nam 2016 (VCL) để tìm hiểu xem hai văn bản này bao hàm những vấn đề chung về quyền trẻ em cũng như những vấn đề nổi cộm về bảo vệ quyền trẻ em trên không gian mạng trên các khía cạnh Quyền được bảo vệ (Rights to Protection); Quyền được cung cấp (Rights to Provision) và Quyền được tham gia (Rights to Participation).

Một số vấn đề về việc bảo vệ quyền của trẻ trên không gian mạng được diễn giả nêu và phân tích: Cân bằng giữa quyền tham gia và quyền được bảo vệ; bảo vệ nhưng không vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư của trẻ em; Tính đến sự chênh lệch giữa các vùng miền và giới trong việc thực hiện các quyền của trẻ em và vai trò của người giám hộ trong việc thực hiện quyền trẻ em.

Sự xuất hiện của internet đã làm cho các quyền cơ bản của trẻ em được thực hiện tốt hơn, đặc biệt một số quyền chính trị dân sự của trẻ em cũng được phát huy. Tuy nhiên, cùng với những tác động tích cực đó, internet cũng đặt ra những thách thức trong việc bảo vệ trẻ em. Đồng thời, nó cũng đặt ra các yêu cầu làm thế nào để bảo vệ quyền trẻ em nhưng không làm xâm phạm các quyền khác.

Do khuôn khổ thời gian có hạn, báo cáo thứ tư “Thực trạng pháp luật bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân và quan điểm của Đảng ta” do TS Phạm Thị Tính đã được  gửi tới các đại biểu và được trình bày tóm tắt. Bài viết trình bày Quyền tiếp cận thông tin trong pháp luật quốc tế, khu vực và quốc gia; Quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam; Quan điểm của Đảng ta về bảo đảm quyền tiếp cận thông tin qua các Văn kiện Đảng.

Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, tập trung các vấn đề: việc thực thi quyền con người, ví dụ thực thi quyền cho nhóm người LGBT đặc biệt trong chứng nhận về giới tính, nhân thân hay các vấn đề liên quan đến kết hôn; Vấn đề bảo đảm quyền học tập cho trẻ em trong đại dịch Covid-19; Làm rõ hơn mối liên hệ giữa Quyền con người và An ninh con người thông qua làm rõ khía cạnh và nguyên tắc tiếp cận ANCN và đặc trưng, nguyên tắc phổ quát của QCN; Vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận thông tin, internet và giáo dục hay các vấn đề liên quan đến hiệu quả và chất lượng học tập online trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 liên quan đến “sóng và máy tính” cho em, chương trình giảng dạy như thến nào để phù hợp và thu hút sự tham gia của học sinh; Sự khác biệt trong năng lực tiếp cận giáo dục online dẫn đến khoảng cách trong tiếp cận giáo dục; Vấn đề xung đột quyền như thế nào mặc dù có nguyên tắc “đảm bảo quyền của người này nhưng phải tôn trọng quyền của người khác”, lấy một dẫn chứng cụ thể trong lĩnh vực giáo dục online hiện nay, gắn với đó cũng lý giài về quyền tham gia của trẻ; Vấn đề rác thải từ máy tính và các thiết bị điện tử đặt ra thách thức an ninh con người từ khía cạnh an ninh môi trường trong thời gian tới; Vấn đề đảm bảo quyền của đối tượng bị “tổn thương kép” trong bối cảnh covid-19; v.v…

Trong phát biểu bế mạc, TS. Đào Thị Minh Hương, cảm ơn các diễn giả và những người tham dự tọa đàm đã tham gia trình bày, và chia sẻ, bổ sung thông tin cho tọa đàm, đồng thời mong tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự hợp tác của các diễn giả, các vị đại biểu  trong thời gian tới.

Thu Hà