Sáng ngày 15 tháng 6 năm 2023, tại Hội trường Viện Nghiên cứu Con người, số 9, Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội diễn ra buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “đô thị hóa và vấn đề môi sinh: Thực trạng và giải pháp”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hoạt động khoa học chung năm 2023 của Viện. Tham dự tọa đàm có đại diện của Viện Xã hội học, Viện địa lý Nhân văn, Học viện Phụ nữ Việt Nam và cán bộ Viện Nghiên cứu Con người tham dự.
Tọa đàm được nghe trình bày báo cáo của GS.TS. Trịnh Duy Luân (Viện Xã hội học) với chủ đề “Đặc điểm của Đô thị hóa và một số vấn đề Môi trường tại các đô thị lớn ở nước ta hiện nay”. Báo cáo tập trung vào trình bày và phân tích đặc điểm đô thị trên thế giới và ở Việt Nam, cũng như một số vấn đề môi trường hiện nay. Đô thị hóa diễn ra khá sớm, nó phát triển qua từng giai đoạn lịch sử của xã hội, qua mỗi thời kỳ nó có đặc điểm phát triển khác nhau giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Từ việc chỉ ra đặc điểm của quá trình đô thị hóa ở những nước phát triển, tham luận đã trình bày đặc điểm của đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay là diễn ra nhanh, theo chiều rộng, thiếu vốn, thiếu năng lực quản lý dẫn đến nhiều hệ quả xã hội, trong đó tác động rõ nhất là vấn đề môi trường. Quá trình đô thị hóa đặt ra thách thức đối với vấn đề môi trường như xây dựng, giao thông, lấn chiếm vỉa hè, công nghiệp hóa…đã tạo ra “đặc điểm” môi trường đô thị Việt Nam đó là ngập lụt đô thị, rác thải đô thị, giao thông đô thị. Những vấn đề môi trường này tác động không nhỏ đến xã hội như xung đột xã hội liên quan đến môi trường ví dụ điển hình là chặn xe đổ rác vào khu tập kết rác thải do bãi rác quá tải ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

GS. Trịnh Duy Luân trình bày tham luận tại tọa đàm
Chủ đề về ngập nước đô thị được trình bày trong tham luận của TS. Trần Thị Tuyết (Viện Địa lý Nhân Văn) với chủ đề “Ngập lụt đô thị và thực hiện chính sách chống ngập tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội”. Tham luận trình bày vấn đề ngập lụt nói chung cũng như ở quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội nói riêng. Ngập lụt đô thị ảnh hưởng đến đời sống của người dân như ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, tới sức khỏe con người và tới cảnh quan đô thị tại quận Thanh Xuân. Đi vào phân tích vấn đề này, tác giả cũng đã trình bày nguyên nhân ngập lụt tại quận Thanh Xuân là do đặc điểm tự nhiên, đô thị hóa và kinh phí vận hành hạn chế, hệ thống thoát nước chưa đủ năng lực…đã gây ra tình trạng ngập úng tại quận khi có mưa. Từ những nguyên nhân đưa ra, tác giả cũng đưa ra một số giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ngập lụt khi có mưa tại quận Thanh Xuân như thay đổi tư duy về nước mưa, đó là cần phải coi nước mưa là dạng tài nguyên cần phải bảo vệ và đưa vào sử dụng để tránh lãng phí; đẩy mạnh công cụ kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương, nhất là sớm đưa vào vận dụng giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải theo chủ trương của thành phố; Nâng cao chất lượng của các kế hoạch triển khai như xã hội hóa một cách đầy đủ, phù hợp với đặc điểm kinh tế- xã hội của địa phương.
Tham luận của ThS. Trương Thị Thúy Hà với chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong quản lý rác thải và bảo vệ môi trường tại đô thị Hà Nội”. Tham luận tập trung nhấn mạnh vai trò của giới, cụ thể là nữ giới trong quản lý rác thải tại thành phố Hà Nội. Các thuyết nữ quyền như nữ quyền sinh thái, nữ quyền quyền sinh thái văn hóa và nữ quyền sinh thái xã hội đã khẳng định phụ nữ có kinh nghiệm trong sử dụng và quản lý nguyên do phụ nữ gần gũi với tự nhiên so với nam giới, phụ nữ đóng vai trò to lớn trong tiêu thụ và thu gom rác thải… Bên cạnh đó, phụ nữ cũng chịu tác động nặng nề của ô nhiễm môi trường từ hoạt động hàng ngày như lao động tại vùng nước bị ô nhiễm (lao động nông thôn), hoạt động thu gom rác ở đô thị (chủ yếu là phụ nữ). Lao động trong lĩnh vực này tập trung chủ yếu là nữ giới cả công nhân chính thức và phi chính thức (lực lượng lao động tại công ty môi trường đô thị lao động chính chủ yếu là nữ, cụ thể tại Công ty URENCO, lao động nữ chiếm 60% tập trung chủ yếu ở thu gom rác, vệ sinh môi trường, xử lý phân loại rác…). Không những thế họ cũng chịu tác động tiêu cực từ việc thu gom rác thải như thiếu bảo hộ lao động, tiếp xúc với các loại chất thải độc hại, quấy rối tình dục… Vai trò của phụ nữ trong quản lý rác thải và bảo vệ môi trường là không thể phủ nhận.

ThS. Trương Thị Thúy Hà trình bày tham luận tại tọa đàm
Cuối buổi tọa đàm là tham luận của ThS. Nguyễn Thị Nga với chủ đề “Quan điểm của Đảng và Nhà nước về đô thị hóa và môi trường”. Tham luận tập trung trình bày và hệ thống các quan điểm của đảng ta về vấn đề đô thị hóa và môi trường từ sau khi thành lập nước đến nay. Những quan điểm của đảng về đô thị hóa và môi trường đã được hệ thống qua các thời kỳ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước được thể hiện qua các nhiệm kỳ đại hội của Đảng. Đảng ta luôn coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường, cũng như vấn đề đô thị hóa. Quan điểm chỉ đạo của Đảng về môi trường là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, phát triển kinh tế luôn đồng hành cùng với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tham luận cũng trình bày quan điểm của Đảng ta về vấn đề đô thị hóa, cụ thể là Nghị quyết về quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị. Nghị quyết đã chỉ ra thực trạng, tồn tại và nguyên nhân của những tồn tại, cũng như định hướng phát triển của đô thị ở nước ta trong thời gian tới. Tham luận cũng khẳng định, quan điểm của Đảng về môi trường nói chung và môi trường đô thị nói riêng luôn nhất quán, xuyên xuyết từ khi đất nước giành độc lập cho đến ngày nay. Vấn đề môi trường luôn được quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng bằng những Nghị quyết cụ thể gắn liền với thực tiễn của đất nước. Trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, viêc gặp phải những bất cập về môi trường và quy hoạch là thự tế diễn ra ở nhiều nước. Nhận thức được vấn đề này, Đảng và Nhà nước ta luôn nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đi trước để hạn chế thấp nhất tác động mặt trái của phát triển kinh tế đến môi trường, không chấp nhận đánh đổi môi trường và phát triển. Đảng cũng luôn nhìn “thẳng vào sự thật”, không bao che, dung túng cho bất kỳ hành động nào ảnh hưởng đến môi trường. Chính vì thế, các kênh truyền thông hải ngoại, trang mạng xã hội, block cá nhân… xuyên tạc, thổi phồng, cũng như làm giảm uy tín của Đảng, pháp luật của Nhà nước là những hành vi đáng lên án và cần bóc trần, việc làm này giúp người dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế từ hiểu rõ sẽ ủng hộ, tuân thủ các chính sách của Việt Nam.

Ths. Nguyễn Thị Nga trình bày tham luận tại tọa đàm
Các nhà khoa học thảo luận sôi nổi về các vấn đề liên quan đến chủ đề buổi tọa đàm, như là đặc điểm của đô thị, xung đột môi trường liên quan đến quy hoạch, vai trò của đội ngũ lao động (cả chính thức và phi chính thức) trong việc phân loại rác thải tại đô thị và các công tác bảo vệ môi trường khác đã được trao đổi một cách thẳng thắn tại buổi tọa đàm. Tọa đàm khoa học này không chỉ là diễn đàn trao đổi khoa học, còn tạo thêm cơ hội hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng về vấn đề đô thị hóa và vấn đề môi sinh trong tương lai.
Nguyễn Nga