Hội thảo: Phát triển con người ở Việt Nam nhìn từ góc độ kinh tế

14/12/2020

Tham dự hội thảo, về phía Viện Nghiên cứu Con người có PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê – Viện trưởng, TS. Đào Thị Minh Hương - Phó Viện trưởng, TS. Nguyễn Đình Tuấn - Phó Viện trưởng, PGS.TSKH. Lương Đình Hải - nguyên Viện trưởng cùng đông đảo cán bộ Viện. Về phía khách mời có ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải Quan (Tổng cục Hải Quan), Bà Quỳnh Anh – giảng viên trường Học Viện Tài Chính (Bộ Tài Chính), PGS.TS.Nguyễn Tài Đông – Viện trưởng Viện Triết học, PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, TS.Nguyễn Thắng - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, TS. Phạm Sỹ An -Viện Kinh tế Việt Nam, cùng các nhà khoa học đến từ Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Triết học và Trung tâm Đào tạo Phát triển Cộng đồng.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê nhấn mạnh: trong Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 của chính phủ Việt Nam, quan điểm coi Con người là trung tâm của phát triển bền vững đã được thể hiện rõ nét, trong đó phát triển kinh tế là nhằm đem lại thu nhập và cuộc sống ổn định cho con người. Tuy nhiên, phát triển kinh tế cũng tồn tại những mặt trái của nó. Hội thảo nhằm đánh giá những ảnh hưởng nổi bật của tình hình kinh tế hiện nay đến phát triển con người và vấn đề quản trị xã hội theo hướng đảm bảo phát triển con người toàn diện, góp phần giúp người dân có điều kiện tận dụng các cơ hội, đồng thời giảm thiểu các thiệt hại, rủi ro có thể có do quá trình phát triển kinh tế mang lại. Bên cạnh việc đánh giá thành tựu, thách thức trong việc phát triển con người, các đề xuất, giải pháp phát triển con người ở Việt Nam từ góc độ kinh tế cũng được bàn thảo.

Hội thảo đã nhận được 26 bài viết của các nhà khoa học trong và ngoài Viện Nghiên cứu Con người, trong khuôn khổ tổ chức hội thảo có 12 tham luận được trình bày theo hai phiên. Các tham luận tập trung vào vấn đề phát triển con người từ góc độ kinh tế: lý luận về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển con người; mối quan hệ tương tác của phát triển kinh tế bền vững và phát triển con người bền vững; phát triển con người Việt Nam trong bối cảnh mới; mục tiêu và chính sách của việc thúc đẩy nền kinh tế vì con người ở Việt Nam trong giai đoạn mới; tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội ở Việt Nam; tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam, v.v… Một số tham luận trình bày sâu hơn vào một số vấn đề cụ thể như: việc làm của lao động vùng dân tộc thiểu số;  tiếp cận việc làm của phụ nữ dân tộc thiểu số từ góc nhìn về tính của chủ thể của phụ nữ; vấn đề an ninh cá nhân của lao động việt Nam ở một số nước Châu Á; nhân lực công nghệ thông tin với phát triển kinh tế đất nước; di cư và tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ khía cạnh kinh tế, v.v…

Sau khi nghe các tham luận, hội thảo đã có phiên trao đổi, thảo luận sôi nổi giữa các nhà quản lý, các nhà khoa học và các diễn giả xung quanh các vấn đề mà các tham luận nêu ra. Các ý kiến đều nhất trí cho rằng các tham luận trình bày có giá trị khoa học, đi sâu vào phân tích các vấn đề của hội thảo, gợi mở ra các vấn đề nghiên cứu mới sâu hơn của phát triển con người nhìn từ góc độ kinh tế.

Hội thảo đã nhận được nhiều lượt ý kiến đến từ các bộ ngành khác nhau tạo nên không khí thảo luận sôi nổi mang tính học thuật, cho thấy kinh tế là điều kiện cần cho phát triển con người, mối quan hệ giữa kinh tế và phát triển con người là mối quan hệ phi tuyến tính, là mối quan hệ 2 chiều. Làm thế nào để gia tăng chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hướng tới phát triển con người là bài toán cần nghiên cứu sâu hơn nữa. Hội thảo đã thành công về mặt học thuật, tạo ra sự chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan với Viện Nghiên cứu Con người

Nguyễn Thị Huệ

Một số hình ảnh tại hội thảo