Tọa đàm khoa học: “Đại dịch Covid và những tác động đối với Việt Nam”.
Báo cáo thứ nhất có tiêu đề “ĐẠI DỊCH COVID-19: Diễn biến, tác động, phản ứng chính sách và những vấn đề đặt ra” do TS. Phạm Sĩ An trình bày. Phần đầu, diễn giả đã khái quát diễn biến của bốn làn sóng đại dịch Covid ở Việt Nam từ 2020 đến nay và sự tác động của đại dịch Covid đến Việt Nam. Có hai kênh mà Covid tác động đến việc giảm sản lượng của nền kinh tế ở Việt Nam - đó là gây giảm tiêu dùng và giảm đầu tư. Sự dãn cách xã hội và sự giảm sút về thu nhập khiến cho nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm sút. Bên cạnh đó, sự đứt đắt gẫy nguồn cung ứng, gia tăng chi phí sản xuất cùng với việc giảm lao động, thu nhập và thất nghiệp khiến cho đầu tư giảm. Các số liệu thống kê cho thấy sự giảm sút từ các ngành sản xuất và dịch vụ của Việt Nam kể từ khi đại dịch xảy ra. Thậm chí, có những giai đoạn vào cuối năm 2020, một số ngành còn có tốc độ tăng trưởng âm như vận tải, kho bãi và dịch vụ lưu trú. Lao động trong ngành dịch vụ, vận tải chịu tác động nặng nề nhất từ đại dịch Covid. Diễn giả cũng trình bày những vấn đề đặt ra do sự tác động của Covid đến nền kinh tế. Việc tăng chi và giảm thu do đại dịch Covid dẫn đến bội chi của nhà nước tăng mạnh và nợ nước ngoài dự kiến tăng trong thời gian tới. Đây có thể là những rủi ro dẫn đến những bất ổn kinh tế vĩ mô trong tương lai. Nguồn tiền dành cho mua vắc-xin phải dựa vào sự huy động xã hội cũng cho thấy sự căng thẳng về chi tiêu của chính sách tài khóa. Nếu thời gian tới xảy ra thêm những cú sốc khác (ví dụ như thiên tai) thì rất khó còn nguồn lực tài chính mạnh để tiếp tục chống đỡ. Năng lực thiết kế chính sách của Việt Nam là rất nhanh nhưng năng lực thực thi thì còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Ví dụ, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ hỗ trợ được chính phủ đưa ra rất nhanh nhưng doanh nghiệp tiếp cận khó. Đối tượng và tốc độ thì đúng nhưng liều lượng thì chưa phù hợp. Ví dụ, một hộ gia đình kinh doanh chỉ được hỗ trợ 3 triệu VND, hoặc lao động tự do được hỗ trợ 1 triệu VND không đủ để thay đổi được mô hình đầu tư, tiêu dùng.
Báo cáo thứ hai có tiêu đề Chọn mẫu Phỏng vấn bằng điện thoại: Tác động của Đại dịch COVID-19 đến Hộ gia đình” do TS. Vũ Hoàng Đạt trình bày. Diễn giả đã giới thiệu về phương pháp chọn mẫu và phỏng vấn để thu thập thông tin cho nghiên cứu này. Khi đại dịch xảy ra, không có số liệu có tính đại diện để phân tích ảnh hưởng có tính thời điểm khi đại dịch xảy ra (ví dụ, các cuộc khảo sát toàn quốc là của Tổng cụ thống kê thì tiến hành 2 năm/lần; điều tra lao động việc làm thì không có thông tin về tiêu dùng và hộ gia đình). Do đó, Trung tâm Phân tích dự báo và UNDP phải tiến hành cuộc điều tra trên toàn quốc để thu thập dữ liệu về tác động của đại dịch Covid. Do bối cảnh đại dịch nên nghiên cứu tiến hành điều tra qua điện thoại. Về dàn mẫu, mẫu khảo sát được chọn trên dàn mẫu 45.000 hộ trong điều tra mức sống hộ gia đình 2018. Đây là dàn mẫu tốt đại diện cho toàn quốc của Tổng cục Thống kê tính đến thời điểm đó. Lợi thế của phương pháp này là có thể có những thông tin từ 2018 của các hộ gia đình để phân tích cho hai thời điểm giúp chúng ta thấy được sự tác động cũng như có các đặc điểm hộ gia đình để phân tích. Nghiên cứu đã chọn mẫu 1000 hộ để đảm bảo tính đại diện cho toàn quốc. Số mẫu được lựa chọn bằng việc sử dụng phương pháp PPS (không phân tầng) và sử dụng trọng số chọn mẫu để tiến hành chọn mẫu dựa trên dàn mẫu sẵn có. Hai tiêu chí chính để chọn mẫu là chọn các hộ gia đình trong các ngành bị ảnh hưởng và nhóm dân tộc thiểu số. Việc phỏng vấn qua điện thoại mặc dù tiết kiệm được chi phí, thời gian và phù hợp với bối cảnh đại dịch Covid nhưng phương pháp này gặp nhiều hạn chế, điển hình là tỷ lệ trả lời chỉ đạt 20% nên phải có chọn mẫu thay thế. Mẫu thay thế được lựa chọn theo tiêu chí hộ có đặc điểm gần nhất với hộ được thay thế. Tất cả các hộ được thay thế phải được chọn theo một nguyên tắc thống nhất. Mẫu thay thế cũng được áp dụng phương pháp PPS để lựa chọn. Ngoài nhóm thay thế tối ưu thì nghiên cứu này cũng phải sử dụng đến nhóm thay thế bắt buộc khi không sử dụng được nhóm thay thế tối ưu. Nghiên cứu sử dụng ID cho các hộ gia đình để đảm bảo thay thế ngẫu nhiên và tính hệ thống.
Báo cáo thứ ba có tiêu đề “Tác động của Covid-19 tới hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương: Kết quả khảo sát của CAF-UNDP” do TS. Pham Minh Thái trình bày. Có hai nhóm đối tượng chịu sự tác động được đánh giá trong nghiên cứu này bao gồm gồm hộ gia đình và các doanh nghiệp dễ bị tổn thương (tập trung vào 10 lĩnh vực sản xuất, dịch vụ chịu tác động mạnh của Covid gồm: Dệt may, da giày; Thực phẩm, nông sản; Xây dựng; Nông nghiệp; Thủy sản; Du lịch; Nhà hàng, khách sạn; Giáo dục; Vận tải; Bán lẻ). Đối với hộ gia đình, kết quả khảo sát cho thấy thu nhập của các hộ gia đình trong tháng 4 và tháng 5 năm 2020 (so với cùng mốc tham chiếu là tháng 12/2019) đều bị sut giảm mạnh. Tỷ lệ nghèo thu nhập tăng lên rất nhanh, đặc biệt nhất là ở ba nhóm là dân tộc thiểu số, di cư và nhóm lao động phi chính thức. Các hộ gia đình chủ yếu ứng phó bằng việc sử dụng tiền tiết kiệm. Ngoài ra cũng có một số biện pháp ứng phó phổ biến khác như cắt giảm chi phí, vay mượn. Đối với doanh nghiệp, đại dịch Covid khiến các doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu (so sánh tháng 4 và tháng 5 năm 2020 với tháng 12/2019). Các doanh nghiệp cũng có các chiến lược đối phó riêng có của mình, ví dụ, ngành may mặc áp dụng biện pháp cắt giảm sản xuất là nhiều nhất; ngành nông nghiệp áp dụng biện pháp tiếp thị trường nhiều nhất còn ngành du lịch áp dụng biện pháp giảm giá để kích cầu nhiều nhất.
Diễn giả cũng đề cập đến các chính sách hỗ trợ của chính phủ, trong đó tập trung vào gói hỗ trợ gần 61 tỷ đồng cho bảo trợ xã hội. Mặc dù gói hỗ trợ này phần nào hỗ trợ được cho lao động và doanh nghiệp nhưng có nhiều vấn đề phát sinh nên gói hỗ trợ này chưa thành công và mới thực sự triển khai được 14 nghìn tỷ (khoảng 20%). Kết quả từ nghiên cứu cũng này phản ánh các nguyên nhân dẫn tới việc người dân và doanh nghiệp chưa tiếp cận nhiều gói hỗ trợ này. Về phía người dân, quy trình thủ tục phức tạp trong việc xác định và xác minh điều kiện nhận hỗ trợ đã khiến một số nhóm mục tiêu không thể tiếp cận gói bảo trợ xã hội của Chính phủ. Các nhóm dễ bị tổn thương bị bỏ sót, chưa được chú trọng trong gói bảo trợ xã hội của Chính phủ. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ quá thấp khiến người dân không thiết tha làm thủ tục xin hỗ trợ. Về phía doanh nghiệp, những rào cản đối với việc tiếp cận gói hỗ trợ bao gồm: khó khăn trong tiếp cận thông tin cụ thể về quy trình thủ tục đăng ký hỗ trợ; khó khăn trong việc kê khai hồ sơ đăng ký hỗ trợ; khó khăn trong việc chờ đợi xác minh và phê duyệt hỗ trợ. Diễn giả cũng trình bày một số khuyến nghị của nghiên cứu về chính sách hỗ trợ của nhà nước dành cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh chịu sự ảnh hưởng của đại dịch Covid.
Ngoài ra tọa đàm đã lắng nghe các bài trình bày cũng như một số ý kiến chia sẻ về một số vấn đề như "Tác động của đại dịch Covid-19 đến sinh kế của người dân tộc thiểu số": đã nêu lên COVID - 19 đã ảnh hưởng nhiều đến sinh kế của người Tày ở biên giới, khi chưa có COVID -19 họ có thể giao lưu buôn bán qua biên giới nhưng khi đại dịch xảy ra, việc hạn chế đi lại đã khiến cho nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng, thậm chí không thể buôn bán được; hay như "Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới lao động việc làm ở nước ta hiện nay": tập trung vào trình bày ảnh hưởng của Đại dịch đến lao động việc làm ngành dịch vụ và sản xuất công nghiệp cũng như xu hướng chuyển đổi việc làm khi đại dịch ảnh hưởng sâu tới người lao động làm việc trong các lĩnh vực này.
Một số ý kiến đã đặt câu hỏi, thảo luận và chia sẻ các vấn đề, các nghiên cứu khác liên quan đến chủ đề này. Nội dung thảo luận tập trung nhiều vào việc chọn mẫu và những thách thức đối với phương pháp phỏng vấn qua điện thoại; các cách ứng phó và hiệu quả của chính sách hỗ trợ để ứng phó với Covid các chính phủ các nước; những vấn đề nghiên cứu tiếp theo liên quan đến tác động của đại dịch Covid tại Việt Nam nói chung và các vấn đề đặt ra cho các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Con người về tác động của đại dịch đến sự phát triển con người. Kết thúc buổi tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê - viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người - đã có những kết luận và cám ơn các diễn giả đã trình bày các kết quả nghiên cứu rất có ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch Covid hiện nay. Hy vọng trong thời gia tới Viện Nghiên cứu Con người và Trung tâm phân tích dự báo sẽ tiếp tục có những sự chia sẻ, hợp tác trong nghiên cứu và các hoạt động khoa học.
Vũ Thanh
Một số hình ảnh trao đổi tại tọa đàm: