Quan điểm, chính sách của Việt Nam về thúc đẩy việc làm bền vững
Tăng cường việc làm bền vững đã trở thành một trong những ưu tiên của Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm. Đảng và nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy việc làm bền vững cho mọi người. Quan điểm của Đảng về việc làm bền vững được phản ánh qua Văn kiện Đại hội XIII. Đảng ta nhấn mạnh nguyên tắc phân phối theo lao động, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc. Ngoài ra, phải chú trọng cải cách chính sách tiền lương, nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, tiếp tục bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân; phát triển thị trường lao động, hướng đến việc làm bền vững, phù hợp với sự phát triển của thị trường, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ (Đảng cộng sản Việt Nam, 2021).
Sau khi Liên hợp quốc ban hành chương trình nghị sự 2030 vì mục tiêu phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký quyết định số 622/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Để thích ứng với mục tiêu phát triển bền vững SDG8 của Liên hợp quốc về việc làm bền vững và tăng trưởng kinh tế, các mục tiêu phát triển bền vững SDG 8 của Việt Nam hướng tới việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ và tốt cho tất cả mọi người. Trong đó, mục tiêu phát triển bền SDG 8.3 của Việt Nam đã đưa ra những mục tiêu cụ thể như tăng cường các chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất có năng suất cao, tạo việc làm tốt và bền vững thông qua các ưu đãi về thuế, đất, tín dụng, hỗ trợ thị trường; đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp... (Thủ tướng Chính phủ, 2017).
Tại Việt Nam, ngày 5/12/2017, đại diện Chính phủ Việt Nam cùng với Các tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người lao động và Tổ chức Lao động Quốc tế đã ký bản ghi nhớ về Chương trình hợp tác quốc gia Việc làm bền vững tại Việt Nam giai đoạn 2017-2021 (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các tổ chức khác, 2017). Ưu tiên của chương trình này là Thúc đẩy việc làm bền vững và môi trường thuận lợi với các cơ hội kinh doanh bền vững; giảm nghèo đói thông qua mở rộng an sinh xã hội cho tất cả mọi người và giảm bớt các hình thức việc làm không thể chấp nhận được, đặc biệt đối với nhóm dễ bị tổn thương; Xây dựng cơ chế quản trị thị trường lao động hiệu quả tuân thủ các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các đối tác, tr.ii-iii, 2017). Chương trình hợp tác quốc gia Việc làm bền vững tại Việt Nam 2017-2021 đã kết thúc với những kết quả đáng ghi nhận. Báo cáo đánh giá việc thực hiện chương trình này của ILO và các đối tác (2021) cho thấy ngày càng có nhiều người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức (bao gồm cả phụ nữ và nam giới) tại Việt Nam được tiếp cận việc làm bền vững và thoả đáng. Các hoạt động hỗ trợ người lao động đã mở ra nhiều triển vọng cho lao động nam và nữ được tự do lựa chọn việc làm, tiếp cận việc làm thoả đáng và hiệu quả, góp phần giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Các hoạt động trong chương trình này cũng nâng cao hiệu quả của hệ thống quan hệ lao động, đảm bảo phù hợp hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế cũng như các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Khung pháp lý về an toàn, sức khoẻ lao động tiếp tục được củng cố; các thiết chế về an toàn, sức khoẻ lao động đang được xây dựng và tăng cường (ILO và các tổ chức khác, 2021). Những kết quả đạt được từ chương trình này là cơ sở để tiếp tục thực hiện Chương trình hợp tác quốc gia Việc làm bền vững tại Việt Nam giai đoạn 2022-2026 hướng tới việc đảm đảm việc làm bền vững cho người dân. Trong đó, những ưu tiên mới tập trung vào tạo việc làm thỏa đáng; mở rộng phạm vi và mức độ đầy đủ của an sinh xã hội; quản trị thị trường lao động tốt hơn thông qua việc thúc đẩy các quyền và nguyên tắc cơ bản trong lao động và đối thoại xã hội.
Có thể thấy rằng thúc đẩy việc làm bền vững đã và đang là một vấn đề được Đảng và nhà nước Việt Nam quan tâm và lồng ghép vào trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Do việc làm bền vững liên quan đến nhiều chiều cạnh như các thu nhập thỏa đáng, quyền của người lao động tại nơi làm việc, bình đẳng giới, điều kiện và môi trường làm việc, an sinh xã hội, đối thoại xã hội…, vì thế, việc tăng cường việc làm bền vững đòi hỏi phải có sự vào cuộc và hợp tác giữa các bộ ngành và các bên liên quan để đưa ra các chính sách, ưu tiên phù hợp góp phần thúc đẩy các chiều cạnh của việc làm bền vững của người lao động trong những lĩnh vực khác nhau.
V.T
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ILO. (2017). Chương trình khung hợp tác Việc làm bền vững giai đoạn 2017-2021, truy cập tại https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---asia/---ro-bangkok/---ilo-hanoi/documents/publication/wcms_630362.pdf
2. Đảng cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII
3. ILO, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam. (2021). Đánh giá Chương trình hợp tác quốc gia về việc làm bền vững giai đoạn 2017-2021, truy cập tại https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---asia/---ro-bangkok/---ilo-hanoi/documents/publication/wcms_822760.pdf
4. Thủ tướng chính phủ (2017). Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững