Việc làm bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững

08/12/2023

 

Chương trình nghị sự về việc làm bền vững/việc làm thỏa đáng (decent work) của Tổ chức Lao động Quốc tế xuất phát chính từ Hội nghị thượng đỉnh về phát triển xã hội, coi các vấn đề xã hội hiện nay có liên quan tới đời sống của họ tại nơi làm việc. Theo quan điểm của ILO, việc làm bền vững tổng hợp những khát vọng của con người về đời sống việc làm của họ. Nó liên quan đến các cơ hội làm việc hiệu quả và mang lại thu nhập công bằng, an ninh tại nơi làm việc và bảo trợ xã hội cho mọi người; đem lại những triển vọng tốt hơn cho sự phát triển cá nhân và thúc đẩy hội nhập xã hội; được tự do thể hiện những mối quan tâm và được tổ chức, tham gia vào các quyết định ảnh hưởng tới đời sống của họ, và có sự bình đẳng về cơ hội và đối xử cho tất cả phụ nữ và nam giới.

Việc làm bền vững là một trụ cột cơ bản của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc được thể hiện trong mục tiêu phát triển bền vững SGD8: “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm và bền vững, tạo việc làm hiệu quả và đầy đủ cũng như việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người”. Liên hợp quốc cho rằng việc làm bền vững, tạo việc làm, bảo trợ xã hội, quyền tại nơi làm việc và đối thoại xã hội là những yếu tố không thể tách rời của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Hơn nữa, các khía cạnh quan trọng của việc làm bền vững cũng được lồng ghép trong nhiều mục tiêu khác trong 16 mục tiêu phát triển bền vững SDGs mà Liên hợp quốc đưa ra trong Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững (xem United Nations, 2015). Tài liệu kết quả của Hội nghị Rio +20 đã bày tỏ quan ngại về điều kiện thị trường lao động và sự thiếu hụt phổ biến của việc sẵn có các các cơ hội việc làm bền vững. Việc làm bền vững không chỉ là mục tiêu mà còn là lực đẩy cho phát triển bền vững.

Khi phân tích việc làm bền vững trong chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030, Tổ chức lao động quốc tế (ILO, 2017) cho rằng nhiều người có công việc bền vững thì tăng trưởng kinh tế sẽ mạnh mẽ và bao trùm hơn. Tăng trưởng được cải thiện sẽ có nhiều nguồn lực hơn để tạo ra việc làm bền vững. Trong báo cáo về việc làm bền vững vì sự phát triển bền vững, ILO (2017) cho rằng việc làm bền vững vừa là động lực vừa là kết quả của sự phát triển bền vững và do đó nó được lồng ghép trong toàn bộ Chương trình nghị sự 2030. Chuyển đổi nền kinh tế để đạt được sự phát triển bền vững thông qua việc sử dụng người lao động trong các hoạt động ngày càng có năng suất cao hơn, đồng thời đảm bảo rằng họ có thể phát huy hết tiềm năng của mình về nhân phẩm và bình đẳng là vấn đề trọng tâm của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Mối liên hệ giữa SDG 8 và các mục tiêu khác nhằm mục tiêu phát triển bền vững chỉ có thể được thực hiện thông qua việc theo đuổi “việc làm đầy đủ, hiệu quả và việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người”. Một hàm ý của sự liên kết giữa các phương tiện và mục tiêu này trong Chương trình nghị sự 2030 là việc theo đuổi việc làm bền vững cho tất cả mọi người thể hiện một quan điểm tích hợp quan trọng để theo đuổi Chương trình nghị sự 2030. Khoảng cách trong việc hiện thực hóa nguyên tắc “đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau” trong các Mục tiêu SDG 1 (về chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi nghèo), SDG 2 (về xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng), SDG 3 (về sức khỏe), SDG 5 (về bình đẳng giới), SDG 9 (về công nghiệp hóa) và SDG 14 (về đại dương) thể hiện những hình thức khác nhau của sự thâm hụt việc làm bền vững. Nhìn từ góc độ toàn cầu của Chương trình nghị sự 2030, xóa nghèo đói đòi hỏi phải tăng cơ hội làm việc tốt, tăng thu nhập từ công việc, xây dựng và củng cố hệ thống bảo trợ xã hội để hỗ trợ các hộ gia đình, đặc biệt là các gia đình có trẻ em, người già và người lớn không thể làm việc. Một trụ cột cơ bản của việc làm bền vững và mục tiêu chính của SDG là tạo ra và cải tiến từng bước các hệ thống bảo trợ xã hội. Các hệ thống bảo trợ xã hội là điều cần thiết để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Chúng là nền tảng cơ bản để ngăn ngừa và giảm nghèo trong suốt vòng đời, bao gồm trợ cấp cho trẻ em, bà mẹ có con mới sinh, cho người khuyết tật, cho người thất nghiệp, người nghèo hoặc không có việc làm và cho người lớn tuổi. Bảo trợ xã hội, cùng với các chương trình tạo việc làm sử dụng nhiều lao động, cũng có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương và quá trình chuyển đổi từ xung đột sang hòa bình (ILO, 2017).

Như vậy, có thể thấy rằng việc làm bền vững là một nội dung quan trọng trong Chương trình nghị sự 2030. Tăng cường việc làm bền vững không chỉ là mục tiêu được lồng ghép trong các mục tiêu phát triển bền vững của chương trình nghị sự 2030, mà hơn thế, việc thúc đẩy việc làm bền vững còn đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Sau khi việc làm bền vững được đưa vào trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam) đã xây dựng các kế hoạch, các chương trình nhằm thúc đẩy việc làm bền vững, qua đó góp phần đảm bảo thu nhập, điều kiện làm việc, an sinh xã hội, quyền và sự bình đẳng của người lao động tại nơi làm việc.  Đối với viện Nghiên cứu Con người, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến phát triển con người bền vững, trong đó có việc làm bền vững, đã trở thành một trong những hướng nghiên cứu ưu tiên trong những năm gần đây. Các nghiên cứu của Viện đã góp làm rõ vấn đề lý luận và thực tiễn của việc làm bền vững trong mối liên hệ với các mục tiêu phát triển bền vững, phản ánh thực trang việc làm bền vững của một số nhóm lao động, đồng thời, cũng gợi mở ra những vấn đề về việc làm bền vững cần được quan tâm nghiên cứu trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.

Vũ Thanh

Tài liệu tham khảo.

1. ILO (2017). Decent Work for Sustainable Development

2. United Nations (2015). Transforming our world: the 2030 Agenda for Sustainable Development, truy cập tại https://sustainabledevelopment.un.org/content/documents/21252030%20Agenda%20for%20Sustainable%20Development%20web.pdf