Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”

17/03/2023

 

Sáng ngày 14/3/2023, tại trụ sở Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra cuộc Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”.

Chủ trì Hội thảo có TS. Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Đức Minh - Phó chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và TS. Phạm Thị Thúy Nga - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nhà nước và Pháp luật.

Chủ trì hội thảo

 

Tham dự hội thảo có đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và đại diện một số cơ quan của Đảng, Quốc hội, đại diện một số Bộ, ngành và sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài Viện Hàn lâm, các luật sư, các nhà quản lý…

 

Đại biểu tham dự

 

TS. Phan Chí Hiếu phát biểu khai mạc chào mừng và cảm ơn các đại biểu tham dự hội thảo. Tiến sĩ khẳng định vị thế quan trọng của Luật Đất đai trong hệ thống pháp luật Việt Nam và cho rằng, hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học và các chuyên gia, các đại biểu đưa ra ý kiến, quan điểm, trao đổi góp ý để trình Ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

 

TS. Phan Chí Hiếu phát biểu khai mạc

 

Tham luận mở đầu do PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật) trình bày: Đánh giá mức độ thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 18-NQ/TW trong dư thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Diễn giả đưa ra các quan điểm, định hướng của Đảng trong Đại hội XIII về đất đai, và 5 quan điểm về đất đai được nêu trong NQ 18 (ĐH XIII), từ đó đưa ra 7 nhận xét, đánh giá về mức độ thể chế hóa các Nghị quyết về một số quan điểm, giải pháp, nhiệm vụ liên quan đến đất đai, như: các điểm mới, những vấn đề chưa được làm rõ, những vấn đề cần bổ sung hoàn thiện trong Dự thảo. Báo cáo được đông đảo các đại biểu tham dự đồng tình và đánh giá cao.

Tham luận “Bảo đảm tính đầy đủ, đồng bộ, khả thi, logics và thân thiện” của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do GS.TS. Lê Hồng Hạnh (Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN) trình bày đã đưa ra những đánh giá khái quát và có một số các số liệu định lượng minh chứng cùng các trao đổi học thuật. Diễn giả đánh giá cao tính đầy đủ của Dự thảo “vượt giới hạn cần thiết”. Tuy nhiên, trong tính đồng bộ thì còn nhiều vấn đề bất cập với các dẫn chứng được chỉ ra trong báo cáo. Ví dụ, Luật Quy hoạch, Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ luật Dân sự; nội hàm dự thảo Luật còn nhiều quy định chồng chéo. Về tính khả thi của Dự thảo được diễn giả đánh giá không cao, bởi khía cạnh qui phạm hóa khá yếu (Điều 6, 9, 13, 16, 17, 21-23, 26,…); ở khía cạnh phù hợp, còn nhiều quy đinh chưa phù hợp với yêu cầu cân bằng tối đa lợi ích của các chủ thể. Chẳng hạn, ở các Điều: 42, 78, 116, 121. Về tính logics, diễn giả cho rằng Dự thảo thiếu tính logics cần thiết cho một văn bản Luật, có khá nhiều điều sắp xếp thiếu logic. Chẳng hạn, Khoản 3, Điều 116 quy định quyền của người sử dụng đất lại được quy định trong Điều về căn cứ giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Hay, từ Điều 170-183 các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất được lặp lại và gắn với loại đất cụ thể; Khoản 2, Điều 52;... Diễn giả chỉ ra các quy định của Dự thảo là thiếu tính thân thiện vì nhiều quy định trong đó rất khó xác định nội hàm, có thể hiểu khác nhau tùy theo nhận thức, trình độ của người đọc. Chẳng hạn, Điều 3, 147, 154, 222,… Báo cáo nhận được sự đồng tình của đồng đảo các đại biểu tham dự.

Tham luận “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng phát triển bền vững” do TS. Trần Thị Thu Hương - Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng trình bày. Diễn giả cho rằng, Dự thảo Luật thiếu những nội dung quy định chi tiết, mới chỉ dừng ở một số quy định mang tính chung chung, khó đi vào cuộc sống. Các quy định cần cụ thể hơn, theo hướng ít giao nhiệm vụ cho Chính phủ hay các Bộ, ngành có liên quan ban hành quy định chi tiết, nếu không chưa biết khi nào Luật mới đi vào thực tiễn. Diễn giả đưa ra 7 ý kiến góp ý cụ thể, chi tiết.

Tham luận thứ 4 do PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện  trưởng Viện Kinh tế Việt Nam góp ý về nội dung “nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất” đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Diễn giả đã đưa ra 5 ý kiến góp ý, cụ thể là: các nguyên tắc và phương pháp định giá đất (Điều 153); về Bảng giá đất (Điều 154); về Hội đồng thẩm định giá đất (Điều 156); về quản lý, khai thác, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và thiết lập cơ sở thông tin dữ liệu số công khai minh bạch về đất và giao dịch quyền sử dụng đất (Điều 161).

Tham luận của TS. Hà Huy Ngọc - Viện Kinh tế Việt Nam lại tập trung vào vấn đề cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm. Diễn giả đề cập đến nhiều quyền, trong đó có “quyền bề mặt”, diễn giả cho rằng  quyền này đã được quy định trong Bộ Luật Dân sự 2015, từ Điều 267 - 273. Tuy nhiên, đây là nội dung mới trong Dự thảo Luật Đất đai, do đó khái niệm này cần được cụ thể hóa để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Tham luận 6 do TS. Phạm Thị Hương Lan - Viện Nhà nước và Pháp luật trình bày với vấn đề: Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư. Diễn giả đưa ra 2 nhóm ý kiến góp ý, đó là: các quy định về giao đất, cho thuê đất; và cho phép chuyển nhượng mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư. Tham luận 7 do TS Nguyễn Đình Đáp - Viện Địa lý Nhân văn trình bày với nội dung: Hoàn thiện các quy định về lấn biển (Điều 9, 111). Diễn giả cho rằng đây là nội dung mới trong dự thảo Luật Đất đai và đánh giá cao điều này. Diễn giả đã phân tích các qui định về đất lấn biển được nêu trong Dự thảo và có những bình luận, đề xuất một số nội dung nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai.

Hội thảo nhận được 9 lượt ý kiến phát biểu góp ý của các nhà khoa học - chuyên gia đầu ngành, các Luật sư, như: PGS.TS. Dương Đăng Huệ; Luật sư Trương Thanh Đức; GS.TS. Lê Minh Tâm; PGS.TS. Nguyễn Thị Nga; GS.TS. Võ Khánh Vinh; TS. Trần Đình Thiên;… Các ý kiến đều cho rằng, khái niệm quan trọng nhất cần được làm rõ ở Dự thảo Luật này là “quyền sử dụng đất” lại chưa hề được đề cập trong khi Điều 3 - Giải thích từ ngữ lại có đến 52 mục từ được giải thích, trong đó nhiều mục từ không cần thiết phải đưa vào. Các ý kiến tham luận và góp ý đều cho rằng cần bổ sung định nghĩa “thế nào là quyền sử dụng đất”, và đồng ý với ý kiến của GS.TS. Võ Khánh Vinh cho rằng, Luật Đất đai cần được nâng lên thành Bộ luật, bởi hiện nó có đến 26 luật có liên quan và 52 Nghị định theo Luật và rất nhiều Thông tư,… Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến đề nghị Dự thảo Luật cần giải thích rõ thế nào là quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất để tránh chồng chéo, nhầm lẫn giữa nhiều thuật ngữ về quy hoạch; cần bổ sung quy định về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, xác định nguyên tắc khi có sự mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch; đề nghị cân nhắc nội dung “phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất đến từng vùng kinh tế - xã hội”; đề nghị bổ sung căn cứ lập quy hoạch cấp tỉnh “khả năng sử dụng đất” của cấp tỉnh để hạn chế tình trạng quy hoạch treo, lãng phí tài nguyên đất…

Để chuẩn bị cho Hội thảo này, Lãnh đạo Viện Hàn lâm đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo tại đơn vị, Viện Nghiên cứu Con người cũng đã tổ chức thu thập ý kiến góp ý bằng văn bản từ các viên chức và người lao động trong. Phòng Hành chính - Tổng hợp đã thu nhận các góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi về Ban tổ chức Hội thảo theo quy định. Các ý kiến góp ý tập trung vào các vấn đề cơ bản, như:

  • Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường (Điều 154) về bảng giá đất;
  • Làm rõ và cụ thể hóa hơn các trường hợp thu hồi đất vì các mục đích khác nhau tại các Điều 77, 78 và 79;
  • Làm rõ hơn các quy định cưỡng chế đất đai (Điều 86, 77)
  • Về tăng cường kiểm tra, giám sát khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai tại Điều 226;
  • Về quy định tại Điều 6 “cá nhân người nước ngoài” không được xem là người có quyền sử dụng đất;
  • Nội dung thu hồi đất, trưng dụng đất được quy định tại Chương VI (từ Điều 77 - Điều 88);
  • Vấn đề về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Phạm Thị Tính