Vài nét về tình hình nghiên cứu thông điệp truyền thông bình đẳng giới ở Việt Nam

01/12/2015

Việc nghiên cứu truyền thông đại chúng ở Việt Nam trước hết diễn ra ở các viện nghiên cứu báo chí - truyền thông và một số cơ sở nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Nhiều nghiên cứu về lịch sử báo chí - truyền thông trong nước đã được tiến hành, tiêu biểu như công trình của các tác giả Huỳnh Văn Tòng Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến năm 1945; Trần Ngọc Tăng, Vai trò của truyền thông đại chúng trong giáo dục thẩm mỹ ở nước ta hiện nay; Đỗ Xuân Hà, Báo chí với thông tin quốc tế;… Một số giáo trình cung cấp các tri thức về lý luận báo chí như: Cơ sở lý luận báo chí - Đặc tính và phong cách (Hà Minh Đức); Cơ sở lý luận báo chí truyền thông (Đinh Hường - Dương Xuân Sơn - Trần Quang); Truyền thông đại chúng (Tạ Ngọc Tấn),… Nhóm sách về thể loại báo chí như: Thể loại báo chí thông tấn (Đinh Hường), Thể loại báo chí chính luận nghệ thuật (Dương Xuân Sơn), Thể loại báo chí chính luận (Trần Quang), Phê bình tác phẩm văn học nghệ thuật trên báo chí (Nguyễn Thị Minh Thái),… Nghiên cứu về những vấn đề chung của ngôn ngữ truyền thông cũng như những điểm đặc thù của ngôn ngữ truyền thông Việt Nam có thể nói tới cuốn giáo trình Ngôn ngữ báo chí của Vũ Quang Hào,…

Riêng về góc tiếp cận xã hội học truyền thông đại chúng, bài viết: “Một số vấn đề về nghiên cứu truyền thông đại chúng” của tác giả Vũ Trà My, đăng trong cuốn Báo chí những vấn đề lí luận và thực tiễn, tập 6 đã đưa ra một nhận định khá chính xác về tình hình nghiên cứu truyền thông đại chúng ở Việt Nam: “Ở Việt Nam, nghiên cứu truyền thông đại chúng đã và đang phát triển. Tuy nhiên, tầm quan trọng của lĩnh vực này còn chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo và hệ thống. Cho đến nay, những đóng góp đáng ghi nhận nhất trong hoạt động này ở Việt Nam lại chủ yếu là thành quả của các nhà xã hội học, đặc biệt là các công trình nghiên cứu của Viện Xã hội học.”

Nghiên cứu về “Định kiến giới trong các sản phẩm truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay” do tác giả Nguyễn Thị Tuyết Minh và cộng sự tiến hành năm 2011 đã đi tìm kiếm và phân tích các vấn đề giới, định kiến giới, khuôn mẫu giới trong thông điệp truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng qua hình ảnh minh họa và ngôn từ được sử dụng.

Trong bản tin số 30 năm 2012, nhóm quan sát giới của CSAGA - Oxfam đã có bài viết về: “Thông điệp bình đẳng giới trên báo Gia đình & Xã hội”. Các tác giả đã khảo sát cụ thể các tin, bài trên một số mục và chuyên mục như: “Bạn đọc viết, Người nổi tiếng, Phóng sự, Thời sự - Xã hội, Sau cánh cửa gia đình, Khám phá, Chìa khóa phòng the, Hậu trường thể thao, Sức khỏe,...” trong hai loại ấn phẩm chính là các số báo Gia đình & Xã hội cuối tuần và cuối tháng tháng 11, 12 năm 2011 và tháng 1, 2 năm 2012. Bằng việc phân tích sâu một số trường hợp các bài báo được đăng trên báo Gia đình & Xã hội, nhóm nghiên cứu nhằm chỉ ra những mặt hạn chế về “Nhạy cảm giới trong việc chuyển tải thông tin”, từ đó đưa ra “Một số mong muốn đối với tòa soạn báo Gia đình & Xã hội” nhằm giúp cho các bài viết được đăng trên tờ báo này có sự nhạy cảm về giới tốt hơn.

Bên cạnh đó có thể kể tới các bài viết trên các tạp chí khoa học liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu về nội dung thông điệp trên các phương tiện truyền thông đại chúng:

Bài viết của Nguyễn Hồng Thái về “Một số vấn đề về quan hệ gia đình qua báo chí” đăng trên Tạp chí Xã hội học số 4, năm 2000, đã trình bày những vấn đề phụ nữ - hôn nhân và gia đình ở Việt Nam mà báo chí đề cập đến trong thời gian gần thời điểm nghiên cứu, qua đó cho thấy được phần nào thực trạng, xu hướng biến đổi, các chiều cạnh tác động của những biến đổi kinh tế - xã hội tới các quan hệ hôn nhân gia đình.

Bài viết của Mai Quỳnh Nam trên Tạp chí Xã hội học, số 2, 2002, “Thông điệp về trẻ em trên báo hình, báo in”, là một phần kết quả nghiên cứu phân tích quốc tế về Hình ảnh trẻ em trên báo chí do Trung tâm truyền thông ASIAN (AMIC) phối hợp với Viện Xã hội học thực hiện năm 1999. Nghiên cứu này tiến hành quan sát các thông điệp về trẻ em được thông báo trong tháng 10 năm 1999 về 10 tờ báo in và trên 2 đài truyền hình. Tác giả bài viết chủ yếu đi sâu vào nghiên cứu: nội dung thông điệp về cả: số lượng tờ báo có bài liên quan đến trẻ em, về vị trí, về thể loại, về trang mục; cách đưa tin về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên truyền hình và báo in; vấn đề trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên báo hình, báo in.

Ngoài các công trình nghiên cứu, các bài viết, còn có những luận văn thạc sỹ, luận án tiến sĩ nghiên cứu về truyền thông đại chúng với nội dung nghiên cứu là thông điệp truyền thông, gồm có:

Luận văn Thạc sỹ Xã hội học của Nguyễn Thị Lan Hương, năm 1995 về: “Các dạng mâu thuẫn gia đình và hậu quả của sự ly hôn tìm hiểu được qua mục “Tâm tình với chị Thanh Tâm trên báo Phụ nữ Việt Nam”.

Luận án Tiến sỹ Xã hội học của Phạm Hương Trà, năm 2011: “Hiệu quả của các bài viết về bạo lực gia đình trên báo điện tử Việt Nam hiện nay”. Tác giả sử dụng phương pháp phân tích tài liệu là các bài báo viết về bạo lực gia đình trên một số trang báo mạng, qua đó tìm hiểu việc phản ánh về bạo lực gia đình trên báo điện tử. Đồng thời tác giả còn tiến hành điều tra bằng phiếu hỏi để tìm hiểu nhận thức, thái độ, hành vi của công chúng về bạo lực gia đình, nhờ đó mà nghiên cứu cho thấy tác động của những nội dung thông điệp này đến với công chúng.

Đặc biệt cần phải nói tới tài liệu Bộ chỉ số về giới trong truyền thông do Bộ Thông tin và Truyền thông mới cho xuất bản năm 2014. Tài liệu này được biên soạn dựa trên cơ sở tôn trọng những nội dung cơ bản của Bộ chỉ số về giới trong truyền thông mà UNESCO ban hành vào năm 2012. Tài liệu này đã thể hiện mối quan tâm và ưu tiên hàng đầu của UNESCO trong lĩnh vực bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ nói chung và phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực truyền thông nói riêng. Bộ chỉ số về bình đẳng giới trong quản lý truyền thông và nội dung truyền thông đã cơ bản bao quát các lĩnh vực, cụ thể hoá bằng những tiêu chí nội dung bình đẳng giới tại cấp ra quyết định cũng như trong tác nghiệp và nội dung truyền thông từ việc sản xuất tin tức, thời sự đến lĩnh vực quảng cáo tại các tổ chức, hiệp hội, câu lạc bộ báo chí truyền thông. Trong Bộ chỉ số này cũng đưa ra những công cụ kiểm chứng tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức giám sát trong quá trình triển khai thực hiện. Trong phần “Lời nói đầu”, những người biên soạn đã khẳng định: “Bộ chỉ số cơ bản áp dụng được trong các cơ quan truyền thông của các quốc gia trên thế giới, tạo cơ hội để thực hiện vấn đề bình đẳng giới trong truyền thông, được xây dựng đặc biệt cho truyền thông ở mọi hình thức. Tuy nhiên, Bộ chỉ số cũng phù hợp và hữu ích cho các cơ quan truyền thông, các tổ chức phi chính phủ; các hiệp hội truyền thông, các câu lạc bộ báo chí; các bộ, ngành chủ quản; các học viện và trung tâm nghiên cứu như các trường báo chí, truyền thông và công nghệ, các trường đại học và các cơ sở đào tạo khác.” Mục đích của việc xây dựng Bộ chỉ số là đưa ra các tiêu chí cụ thể, tạo điều kiện để các tổ chức truyền thông có thể đánh giá một cách hiệu quả việc thực hiện bình đẳng giới; và khuyến khích các tổ chức truyền thông làm cho các vấn đề bình đẳng giới trở nên công khai và công chúng có thể nhận biết được, cũng như phân tích những chính sách và việc thực hiện những chính sách đó để có hành động cần thiết tạo sự biến chuyển. Các chỉ số có thể sử dụng như một công cụ để xã hội đánh giá việc thực hiện đó.

Nội dung của tài liệu này được bố trí theo cách giải quyết các vấn đề liên quan tới: Các yêu cầu chính sách nội bộ cần thiết để đảm bảo bình đẳng giới trong truyền thông; Nâng cao năng lực cho các nhà báo; Vai trò của các tổ chức/hiệp hội chuyên môn và các cơ sở học thuật. Các chỉ số về giới tổng hợp này có tính tới việc thu thập các số liệu định lượng và định tính, bao gồm cả những ý kiến và quá trình cần thiết để giám sát bình đẳng giới trong truyền thông. Bộ chỉ số được chia thành hai loại có liên quan với nhau, mỗi loại giải quyết các trục chính của giới và truyền thông: Loại A - Các hành động tăng cường bình đẳng giới trong các tổ chức truyền thông (chia làm 5 tiểu nhóm) và Loại B - Phản ánh giới trong nội dung truyền thông (chia làm 2 tiểu nhóm). Mỗi loại được bố trí theo 5 lĩnh vực: Nhóm sử dụng; Đối tượng/Lĩnh vực quan tâm chính; Mục tiêu chiến lược; Các Chỉ số và Phương tiện kiểm chứng.

Nhìn chung, các nghiên cứu của Xã hội học Truyền thông đại chúng ở nước ta đã hướng đến sự gắn kết với các lĩnh vực của đời sống xã hội ở Việt Nam được thể hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng và cũng đã có những sự quan tâm nhất định tới việc nghiên cứu thông điệp truyền thông bình đẳng giới. Tuy nhiên, đa phần những nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở việc phản ánh thực trạng về vấn đề xã hội mà chỉ ra được rất ít tính tiêu cực của các thông điệp truyền thông đối với nhận thức của công chúng, và đề xuất các giải pháp trong việc xây dựng các thông điệp về bình đẳng giới.

Có thể thấy, các phương tiện truyền thông đại chúng với tư cách là một thiết chế xã hội cần được nghiên cứu nhiều hơn để thấy rõ ý nghĩa của nó đối với đời sống xã hội. Bên cạnh đó, trong nghiên cứu xã hội học về truyền thông đại chúng, hướng nghiên cứu nội dung của thông điệp là một hướng nghiên cứu cơ bản, bởi việc nghiên cứu này sẽ cho thấy động cơ, mục đích của nhà truyền thông đối với các sự kiện xã hội được được phản ánh trong báo chí để trình bày với công luận. [Mai Quỳnh Nam (2001), “Về vấn đề nghiên cứu hiệu quả của Truyền thông đại chúng”, Tạp chí Xã hội học, số 4].  

Vì vậy, cùng với những hướng nghiên cứu xã hội học về truyền thông đại chúng gồm: công chúng truyền thông, các nhà truyền thông, ảnh hưởng xã hội thì hướng nghiên cứu thông điệp truyền thông có vị trí quan trọng, nhưng chưa có nhiều công trình theo hướng này.

Nguyễn Thắm