Những thách thức trong đo lường An ninh con người và khả năng áp dụng tại Việt Nam

07/03/2017

 

1.      Những thách thức trong các cách đo lường ANCN

Qua quan sát một cách khái quát về những phương pháp thức đo lường hiện có về ANCN cho thấy có sự khác nhau trong cách hiểu và tiếp cận khái niệm ANCN. Đây chính là khó khăn cho việc đến thống nhất chung về khía cạnh công cụ đo lường ANCN từ đó cũng gây ra trở ngại cho việc công nhận những số liệu đã đo lường về ANCN giữa các nhà nghiên cứu cũng như cộng đồng quốc tế. GECHS với chỉ số IHI nhấn mạnh đến vấn đề về môi trường như một trong những biến số trung tâm nhất trong đo lường. Trong khi đó, King và Murray thì lại chỉ ra rằng vai trò của phát triển là rất quan trọng. Cách tiếp cận của họ tập trung nhiều hơn vào những vấn đề có liên quan đến “thoát khỏi những thiếu thốn” khi họ nhận định nghéo đói như nguồn gốc gây ra những xung đột và mâu thuẫn trong xã hội.

Nhiều cách đo lường sau này cũng đo chi tiết hơn về ANCN bao gồm một vài chiều cạnh theo như khái niệm mở rộng được đưa ra bởi UNDP. Nhưng rõ ràng là những cách đo lường này vẫn có sự khác nhau trong cách tiếp cận, đặc biệt trong việc lựa chọn những chiều cạnh và chỉ báo đầu vào để đo lường.

Liên quan đến tính khả thi của phương pháp cần phải nhấn mạnh đến tình trạng sẵn có, đáng tin cậy và tổng hợp dữ liệu trở nên ngày càng khó khăn. Hơn nữa, dù có nhiều cố gắng để gần hơn với khái niệm mở rộng theo quan điểm của UNDP nhưng điều đáng bàn ở đây là thách thức đối với tính khả thi của việc đo lường tất cả các chiều cạnh của ANCN trong quá trình thực hiện và phân tích.

Ngoài ra, hầu hết những cách đo lường này là ở cấp độ quốc gia (ngoại trừ phương pháp bản đồ của Owen) qua việc áp dụng một loạt các chỉ báo cho từng quốc gia và giả định những chỉ báo này là có mức độ quan trọng tương đương nhau. Nhưng những đo lường này sẽ chỉ tiếp cận được đến những đe dọa phổ biến ở cấp độ toàn cầu hơn là những đe dọa ở mức độ vùng miền trong lãnh thổ một quốc gia. Trong khi đó, hầu hết những đe dọa là rải rác trong phạm vi vùng miền, không chỉ đơn giản giữa các quốc gia.

Một trong số những vấn đề được nêu ở trên cũng là những khó khăn chung cho việc đo lường nhiều chỉ số mới khác trên thế giới. Tuy nhiên, ANCN được xem xét theo quan điểm tiếp cận rộng, là vấn đề đa chiều và có mối quan hệ lẫn nhau, do đó việc đo lường được nó sẽ còn nhiều thách thức hơn nữa trong thời gian tới với bối cảnh xã hội và môi trường biến đổi nhanh chóng như hiện nay.

2.      Khả năng áp dụng tính toán chỉ số ANCN tại Việt Nam

Mặc dù còn nhiều thách thức cho việc đo lường ANCN, nhưng có thể nói, khả năng áp dụng tính toán chỉ số ANCN tại các quốc gia trên thế giới là khả thi qua những con số tính toán mà các tác giả đã đưa ra.

Việc tính toán chỉ số này hiện nay phần lớn dựa trên quan điểm của UNDP theo nghĩa rộng với 7 chiều cạnh cơ bản của ANCN. Mặc dù trong thực tiễn việc lựa chọn chiều cạnh nào, chỉ báo nào cho từng chiều cạnh lại không có sự đồng nhất và nhất quán, bởi ANCN không phải là vấn đề có thể tách rời bối cảnh môi trường và xã hội chung của con người. Do đó, việc lựa chọn này cho mục đích đo lường được các nhà nghiên cứu tính toán sao cho phù hợp nhất với tình hình nội tại ở quốc gia và khu vực đó, đồng thời xem xét đến tính sẵn có của số liệu cho việc tính toán của một quốc gia. Trên thực tế, hầu hết các số liệu cho nhiều chiều cạnh của ANCN đều được tính toán và công bố bởi nhiều tổ chức trên thế giới. Vì vậy, việc cần làm là xem xét những số liệu có độ tin cậy và phù hợp với từng chiều cạnh hơn là nghi ngờ khả năng tính toán của chỉ số ANCN như Hasting đã nhấn mạnh trong nghiên cứu về chỉ số HSI phiên bản 2 của mình vào năm 2010.

Ví dụ như trường hợp đo lường ANCN của Campuchia, các chiều cạnh được sử dụng trong đo lường gồm 6 chiều cạnh: An ninh môi trường, an ninh kinh tế, an ninh chính trị, an ninh cá nhân, an ninh sức khỏe và an ninh lương thực, không tính đến an ninh cộng đồng. Trong đó, an ninh kinh tế lại đi xem xét chỉ báo về tình trạng nghèo đói do nó được đánh giá là vấn đề đang gây mất an ninh kinh tế ở quốc gia này. Tiếp theo đến chiều cạnh an ninh sức khỏe được xem xét bởi các chỉ báo về HIV/AIDS, sốt xuất huyết, bệnh sởi và tiêu chảy. Những chiều cạnh khác không được tính đến. Còn trường hợp của Philippines, do đặc thù địa lý chịu ảnh hưởng của thiên tai liên tục hàng năm, do đó việc tính toán ANCN chỉ tính các chiều cạnh về an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị.[1]

Với trường hợp của Việt Nam, việc tính toán chỉ số ANCN được cho là hoàn toàn có thể thực hiện được, thứ nhất, đó là do sự chấp nhận của Việt Nam về định nghĩa và các chiều cạnh của ANCN theo quan điểm của UNDP. Đây là cơ sở đồng thuận về mặt lý luận cho việc áp dụng chỉ số này trên thực tiễn. Thứ hai, với hầu hết các cách tính toán được nêu ở trên, đặc biệt với cách tính toán theo chỉ số HISI, số liệu cho các chỉ số thành phần cấu thành trong từng chiều cạnh của chỉ số hầu hết là có sẵn tại Việt Nam. Ví dụ như số liệu cho GDP bình quân đầu người, tỷ lệ người dân tiếp cận nước sạch… Thứ ba, độ tin cậy của các số liệu này là có thể được đảm bảo bởi những số liệu này hầu hết đều do các cơ quan, tổ chức uy tín tại Việt Nam cũng như quốc tế thực hiện. Cuối cùng, một cơ sở nữa cho việc khẳng định việc tính toán chỉ số ANCN tại Việt Nam là bởi việc làm này đã được thực hiện lần đầu tiên bởi tác giả Đặng Xuân Thanh và cộng sự (2016). Tác giả đã xác định được các chỉ số đầu vào cho từng chiều cạnh của ANCN tại Việt Nam. Chiều cạnh an ninh kinh tế bao gồm 9 chỉ số đầu vào, an ninh lương thực bao gồm 7 chỉ số, an ninh môi trường bao gồm 9 chỉ số, an ninh sức khỏe gồm 10 chỉ số, an ninh cộng đồng gồm 9 chỉ số, an ninh chính trị gồm 6 chỉ số và cuối cùng an ninh cá nhân gồm 9 chỉ số đầu vào. (Hương, 2016). Đây được xem là báo cáo đo lường đầy đủ đầu tiên tại Việt Nam về cả 7 chiều cạnh theo quan điểm của UNDP.

Tuy nhiên, cơ sở để lựa chọn những chỉ số thành phần cho việc tính toán này tại Việt Nam cần được giải thích và phân tích một cách chi tiết hơn trong thời gian tới nhằm đảm bảo độ tin cậy cho số liệu được lựa chọn tính toán và tính khả thi của chỉ số trong việc áp dụng tính toán rộng rãi ở cả cấp độ quốc gia và địa phương.

Phạm Thu Hương

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Đào Thị Minh Hương (2016). An ninh con người và các chiều cạnh an ninh con người: một số vấn đề lý luận và khả năng áp dụng tính toán. Hội thảo Một số vấn đề lý luận về an ninh con người. Viện nghiên cứu Con người.

2.      Đặng Xuân Thanh (2016). Đảm bảo an ninh con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Hà Nội.

3.   Commission Human security (2003). Human security now.

4.   Eldering, M. (2010). "Measuring Human (in-)security." Human security perspectives 7(1): 17-49.

5.   Owen, T. (2008). Measuring Human Security, Methodological Challenges and the importance of Geographically referenced determinants. Environmental Change and Human Security. P. H. Liotta. The University of Oxford, Jesus College: 35-64.



[1] Xem thêm trong bài tham luận hội thảo “Một số vấn đề lý luận về ANCN” của Đào Thị Minh Hương (2016). An ninh con người và các chiều cạnh an ninh con người: Một số vấn đề lý luận và khả năng áp dụng tính toán.  Và đề tài khoa học cấp Nhà nước thuộc chương trình KX03.11-15 về: Đảm bảo an ninh con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.