Phương pháp luận về an ninh con người và sự cần thiết triển khai nghiên cứu ở Việt Nam

09/10/2013

PHƯƠNG PHÁP LUẬN VỀ AN NINH CON NGƯỜI

                           VÀ SỰ CẦN THIẾT TRIỂN KHAI NGHIÊN CỨU Ở VIỆT NAM                                     

                                                                              ĐÀO THỊ MINH HƯƠNG *

An ninh là một trong số những thuật ngữ được các nhà chính trị, học giả, các nhà hoạch định chính sách sử dụng phổ biến nhất trong vòng hơn nửa thế kỷ qua kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chủ đề của các nghiên cứu về an ninh tập trung hầu như toàn bộ vào lĩnh vực an ninh quốc gia liên quan đến chiến tranh, hòa bình, quốc phòng, ngoại giao chính trị, liên minh quân sự,... Mối quan tâm đến an ninh con người chủ yếu hướng vào khía cạnh an toàn của dân thường trong điều kiện chiến tranh hay vấn đề thảm họa và tội ác chiến tranh.

Kết thúc Chiến tranh Lạnh, bối cảnh toàn cầu hóa không chỉ làm thay đổi căn bản trật tự an ninh thế giới mà còn chuyển dịch mối quan tâm về các vấn đề an ninh, thúc đẩy sự mở rộng chưa từng có chủ đề nghiên cứu về an ninh, từ lĩnh vực an ninh truyền thống (traditional security) – tức là an ninh quốc gia (national security) và an ninh công cộng (public security) sang các lĩnh vực khác được gọi chung là an ninh phi truyền thống (non- traditional security). Kết quả của sự mở rộng này là việc hình thành lý luận về an ninh bao gồm 4 nhánh nghiên cứu chính: an ninh quốc tế (international security) (còn gọi là an ninh xuyên quốc gia, an ninh khu vực, an ninh toàn cầu), an ninh quốc gia, an ninh công cộng và an ninh con người (human security). Bốn nhánh nghiên cứu này tuy có chủ thể và đối tượng an ninh khác nhau nhưng không tách rời nhau, mà liên hệ chặt chẽ, thậm chí có nhiều điểm đan xen, chồng xếp lên nhau.    

1. Từ an ninh quốc gia đến an ninh con người

1.1. Lý luận về an ninh

 Mặc dù an ninh là một chủ đề nghiên cứu lớn, luôn thu hút sự quan tâm của giới học giả, nhưng trong một thời gian dài, gần như thiếu vắng các công trình lý luận về an ninh, bản thân khái niệm an ninh cũng được hiểu theo những cách khác nhau. Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, các nghiên cứu về chủ đề an ninh chủ yếu tập trung vào hai lĩnh vực: an ninh quốc gia và an ninh công cộng với các chủ đề quân sự, quốc phòng. Chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế nên các nghiên cứu thường nhấn mạnh đến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ chống lại các đe dọa quân sự từ bên ngoài, cũng như bảo vệ chế độ chính trị bên trong chống lại các mối đe dọa bạo loạn, lật đổ (Arnold Wolfer, 1952). Khái niệm an ninh, lấy quốc gia làm trung tâm và do đó thường bị lẫn lộn với khái niệm sức mạnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu mang tính lý thuyết của một số học giả như Arnold Wolfer (1952), Lester Brown (1977), Richard H. Ullman (1983), Barry Buzan (1984), David A. Baldwin (1989) vẫn góp phần quan trọng vào việc mở rộng nội hàm của khái niệm an ninh. Nghiên cứu mang tính nền tảng đầu tiên về lý thuyết an ninh là công trình An ninh quốc gia như một biểu tượng mơ hồ (National Security as an Ambiguous Symbol) của Arnold Wolfer vào năm 1952, trong đó an ninh được định nghĩa như là trạng thái “không có các đe dọa đối với các giá trị có được”. Tác giả cũng phân biệt hai chiều cạnh khách quan (liên quan đến các mối đe dọa hiện hữu từ bên ngoài), và chủ quan (liên quan đến trạng thái bất ổn về tinh thần, lo lắng, sợ hãi của chủ thể an ninh) của khái niệm an ninh, bằng cách đó đã đặt nền móng cho quan niệm về an ninh con người như “thoát khỏi thiếu thốn” và “thoát khỏi sợ hãi” sau này. Hay như B. Buzan đưa ra luận điểm “an ninh cho ai” hay nói cách khác là sự tồn tại các cấp độ đối tượng an ninh khác nhau như an ninh cá nhân, an ninh quốc gia và an ninh quốc tế, và cho rằng vấn đề an ninh không thể giải quyết riêng rẽ trên từng cấp độ mà tùy thuộc lẫn nhau, đòi hỏi phải có sự gắn kết, phối hợp giữa các cấp độ an ninh, cũng như những điều kiện đảm bảo cụ thể. R. Ullman bổ sung quan điểm về các mức độ an ninh khác nhau. Theo ông, đảm bảo an ninh bao giờ cũng là vấn đề mức độ, đòi hỏi phải có những chi phí tương ứng.

Lĩnh vực an ninh công cộng tập trung vào vấn đề trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ dân thường chống lại tình trạng bạo lực, tội phạm, khủng bố. Khái niệm an ninh công cộng cũng nhấn mạnh vai trò của nhà nước như chủ thể chính bảo đảm an ninh công cộng.

 Cũng trong giai đoạn này, “Câu lạc bộ Roma” tập hợp một số nhà hoạt động chính trị, xã hội nổi tiếng thế giới đã công bố các báo cáo “Những giới hạn của tăng trưởng” (The Limits of Growth) vào năm 1972 và “Loài người đứng trước bước ngoặt” (Mankind at Turning Point) vào năm 1974, mặc dù không sử dụng khái niệm an ninh, nhưng lần đầu tiên đề cập tới “những vấn đề cốt yếu đối với con người” như nghèo đói, ô nhiễm môi trường, bùng nổ dân số, thiếu lương thực, cạn kiệt tài nguyên, đô thị hóa, lạm phát, khủng hoảng kinh tế,... như những mối đe dọa đối với tất cả mọi người ở tất cả các quốc gia, đồng thời kêu gọi các chính phủ cùng hành động nhằm tạo ra sự thay đổi toàn cầu về mô hình phát triển theo hướng “tăng trưởng hữu cơ” bền vững. Có thể nói, đây là lần đầu tiên các mối đe dọa phi truyền thống được đặt ngang hàng với các đe dọa truyền thống về chiến tranh, xung đột quân sự, các đe dọa an ninh này được gắn với vấn đề phát triển. 

1.2. Sự chuyển dịch từ an ninh quốc gia sang an ninh con người

 Cùng với những thay đổi trong trật tự an ninh toàn cầu do sự biến mất của mối đe dọa chiến tranh hạt nhân hủy diệt Xô-Mỹ, sự tăng tốc của quá trình toàn cầu hóa sau Chiến tranh Lạnh và trào lưu dân chủ hóa kéo theo sự trỗi dậy của xã hội dân sự tại nhiều quốc gia, quan niệm về an ninh được cởi trói khỏi khuôn khổ an ninh truyền thống, lý luận về an ninh có bước phát triển căn bản. Thứ nhất, các nghiên cứu đã xác định cấu trúc đa chiều cạnh của an ninh dựa trên việc phân loại cách thức, các mối đe dọa, các cấp độ chủ thể xã hội bị đe dọa, các giá trị quan trọng bị đe dọa Barry Buzan (1991) và David A. Baldwin (1997). Thứ hai, đã chỉ rõ các chiều cạnh khác nhau của an ninh không độc lập với nhau, mà có quan hệ tương tác, tùy thuộc lẫn nhau rất chặt chẽ. Ví dụ, khủng hoảng kinh tế đối với một quốc gia có thể dẫn tới khủng hoảng lương thực đối với một số vùng lãnh thổ và cộng đồng dân cư; hoạt động khủng bố, bạo loạn lật đổ từ một vài vùng có thể lan rộng thành nội chiến hay chiến tranh, xung đột quân sự giữa các quốc gia, vi phạm nghiêm trọng về quyền công dân có thể dẫn đến các bất ổn chính trị - xã hội,... (John Peterson và Hugh Ward, 1995). Thứ ba, chứng minh rằng, việc đảm bảo an ninh chống lại các mối đe dọa khác nhau không phải là đòi hỏi tuyệt đối, mà cần căn cứ vào lợi ích tương đối mà nó mang lại trong tương quan với các mục đích khác (J. Ann Tickner, 1995; John Peterson và Hugh Ward, 1995). Thứ tư, trong bối cảnh toàn cầu hóa, do tính chất liên kết và lan truyền xuyên quốc gia của các thách thức, đe dọa về an ninh, việc bảo đảm an ninh phải tiến hành một cách hệ thống, có sự phối hợp hành động của các cấp độ chủ thể khác nhau từ cá nhân, cộng đồng đến quốc gia và hợp tác, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, không phải mọi vấn đề liên quan đến an ninh đều được làm sáng tỏ. Chẳng hạn, vẫn chưa đạt được sự nhất trí về những thách thức nào được coi là đe dọa đối với an ninh, còn thách thức nào chỉ là nhân tố cản trở sự phát triển? Bản chất mối quan hệ giữa an ninh và phát triển là gì? Mức độ an ninh như thế nào là hợp lý, vừa đủ? Ranh giới giữa nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ và can thiệp nhân đạo quốc tế là ở đâu,...? 

 Cùng với sự chuyển hướng mục tiêu phát triển từ tăng trưởng kinh tế sang con người, vấn đề an ninh cũng có sự chuyển dịch trọng tâm từ an ninh quốc gia sang an ninh con người. Chính vì vậy, nhiều học giả đã cố gắng định vị an ninh con người trong tổng thể các nghiên cứu an ninh nói chung. Mặc dù việc nghiên cứu về những mối đe dọa đối với tài sản, việc làm, sức khỏe, nhân phẩm của con người đã được tiến hành từ khá lâu, nhưng vấn đề an ninh con người chỉ mới bắt đầu được nghiên cứu một cách hệ thống từ thập niên 1990. Sự mở rộng khái niệm an ninh từ sau Chiến tranh Lạnh đã diễn ra theo 4 hướng: hướng xuống dưới – từ quốc gia đến các cá nhân; hướng lên trên –  từ quốc gia lên toàn hệ thống quốc tế; theo chiều ngang – từ lĩnh vực quân sự sang lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường; khuếch tán theo mọi hướng – mở rộng trách nhiệm bảo đảm an ninh từ nhà nước sang các thể chế quốc tế, chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ, thị trường, truyền thông và dư luận xã hội. Như vậy, khái niệm an ninh con người được phát triển từ khái niệm an ninh khi mở rộng hướng xuống dưới và hướng theo chiều ngang (Emma Rothschild, 1995). Các nghiên cứu về an ninh giai đoạn này hướng tới phân biệt các mối đe dọa (các mối đe dọa theo tính chất quân sự hay phi quân sự (như kinh tế, môi trường), phân biệt các cấp độ của chủ thể an ninh như xã hội, các nhóm và cá nhân. Và từ đây đã đưa ra ma trận các nghiên cứu về an ninh nói chung với 2 chiều cạnh: chiều cạnh các mối đe dọa và chiều cạnh đối tượng bị đe dọa (Roland Paris, 2002). Trong ma trận này, an ninh con người chiếm vị trí là một trong 4 lĩnh vực an ninh cùng với an ninh quốc gia, an ninh nội địa, an ninh phi truyền thống. Trong đó an ninh con người không những không mâu thuẫn với an ninh quốc gia, an ninh công cộng mà trái lại còn bổ sung cho khái niệm an ninh quốc gia vốn thiên về bảo vệ lãnh thổ và chế độ chính trị, và do đó giúp củng cố cho an ninh quốc gia thông qua việc hóa giải các nguy cơ, đe dọa có thể tích tụ thành khủng hoảng. Cũng do đó cần thiết lập một khuôn khổ pháp lý chung, trong đó hai khái niệm này có thể phối hợp, bổ sung cho nhau như những điểm nút trong một mạng lưới các vấn đề an ninh rộng lớn (Thomas và W. Tow, 2002; Silva Guilherme, 2011). Cụ thể hơn, Gerd Oberleitner (2005) lập luận rằng, trong các xã hội hiện đại ngày nay, các cộng đồng, tổ chức xã hội dân sự có thể và cần phải đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp với chính quyền để tự bảo vệ an ninh cho mình.     

1.3. Lý luận về an ninh con người

Khái niệm an ninh con người được chính thức đưa vào chương trình nghị sự của thế giới lần đầu tiên trong “Báo cáo phát triển con người năm 1994” (Human Development Report 1994) của UNDP do nhà kinh tế học nổi tiếng người Pakistan, một trong những người đi tiên phong về lý luận phát triển con người - Mahbub ul Haq lãnh đạo nhóm soạn thảo. An ninh con người đã được định nghĩa như là “sự an toàn trước các đe dọa thường xuyên như đói khát, bệnh tật và áp bức; bảo vệ khỏi sự gián đoạn bất ngờ và gây tổn hại trong cuộc sống hàng ngày cho dù tại nơi làm việc, ở nhà hay trong các cộng đồng” (UNDP, HDR, 1994). Báo cáo chỉ rõ, nếu bản chất của phát triển con người là nâng cao năng lực và mở rộng cơ hội lựa chọn cho mọi cá nhân, thì an ninh con người hàm ý bảo đảm “thoát khỏi thiếu thốn” và “thoát khỏi sợ hãi” cho mỗi con người, mỗi cộng đồng. Bốn đặc trưng quan trọng của an ninh con người được xác định là: tính chất phổ biến đối với mọi người và mọi nơi, tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các thành tố an ninh con người, ngăn ngừa sớm dễ hơn là để muộn và lấy con người làm trung tâm. Kết cấu an ninh con người bao gồm bảy lĩnh vực cơ bản, bao gồm: an ninh cá nhân (tránh những hành vi bạo lực thân thể và bị đe dọa), an ninh môi trường (tiếp cận tới nguồn nước, đất, không khí sạch), an ninh kinh tế (đảm bảo thu nhập cơ bản), an ninh chính trị (bảo đảm tự do và các quyền con người cơ bản), an ninh cộng đồng (giữ gìn được bản sắc văn hóa), an ninh sức khỏe (tránh được bệnh dịch một cách tương đối), và an ninh lương thực (tiếp cận được nguồn lương thực). Cần thấy rằng, việc phân chia an ninh con người thành 7 lĩnh vực không dựa trên một cơ sở lý luận thống nhất nào, mà xuất phát từ thực tế rằng đây là các lĩnh vực tập trung hầu hết các thách thức, cản trở, đe dọa trực tiếp đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của con người. Do vậy, các lĩnh vực này không hoàn toàn độc lập với nhau, mà trái lại, có sự giao thoa, trùng lặp nhất định. Cũng cần lưu ý rằng, tuy an ninh con người được cho là lĩnh vực cốt lõi của an ninh phi truyền thống, nhưng cách phân chia an ninh con người thành 7 lĩnh vực không hoàn toàn đồng nhất với cách phân chia an ninh phi truyền thống[1].  

“Báo cáo phát triển con người 1994” của UNDP đã khơi nguồn cho hàng loạt các nghiên cứu mang tính lý luận về an ninh con người. Tuy nhiên, khái niệm an ninh con người và các thành tố của nó được trình bày trong các công trình này vẫn còn rời rạc và đôi khi tùy tiện. Đối với một số tác giả, phạm vi chủ yếu của an ninh con người bao gồm sức khỏe, học vấn, thu nhập, tự do chính trị và dân chủ (Gary King và Christopher Murray, 2001). Từ đây, họ đề xuất cách tính chỉ số an ninh con người và xác định mức tới hạn cho từng lĩnh vực mà dưới đó cá nhân được cho là mất an ninh. Trong khi đó Caroline Thomas  cho rằng, an ninh con người chính là việc đáp ứng được các nhu cầu vật chất cơ bản, phẩm giá và dân chủ (Caroline Thomas, 2000). An toàn thể chất, các quyền tự do cơ bản, sự bảo đảm các nhu cầu và lợi ích kinh tế cơ bản lại được Fen Hampson và các cộng sự xem như các thành phần then chốt của an ninh con người (Fen Hampson và các cộng sự, 2002). Theo Sam Arie và Jennifer Leaning, an ninh con người là điều kiện tiền đề cho phát triển con người, do đó không chỉ dừng lại ở những nhu cầu vật chất mà còn phải bao gồm cả những yếu tố tâm lý và xã hội của cá nhân và cộng đồng.

Mặc dù bị một số tác giả như Roland Paris (2001, 2004) phê phán sự thiếu cơ sở trong việc lựa chọn các thành tố hay chiều cạnh của an ninh con người, nhưng các công trình tiêu biểu trên đã góp phần quan trọng vào việc từng bước hình thành cơ sở lý luận về an ninh con người, và không chỉ dừng ở việc xác định các lĩnh vực an ninh con người mà còn xác định các nhóm giá trị của con người cần được bảo vệ đó là giá trị vật chất, thể chất, tinh thần.

Mối quan hệ hữu cơ giữa an ninh con người và phát triển con người, cũng như giữa an ninh con người và quyền con người cũng được phân tích một cách sâu sắc để thấy rõ vai trò an ninh con người trong phát triển. An ninh con người và phát triển con người cùng lấy con người làm mục tiêu (chứ không phải phương tiện), đều có tính chất đa chiều cạnh và bổ sung cho nhau, nhưng phát triển con người hướng vào nâng cao mọi năng lực và mở rộng các cơ hội lựa chọn cho con người, còn an ninh con người hướng vào bảo vệ những giá trị cốt lõi, sống còn nhất của con người khỏi các mối đe dọa. An ninh con người được xem như sự bảo đảm an toàn cho sự phát triển con người khỏi các mối đe dọa và các thất bại trong phát triển (S. Tadjbakhsh và A. Chenoy). Tương tự,  quyền con người và an ninh con người liên hệ chặt chẽ với nhau, quyền con người nhấn mạnh khía cạnh pháp lý, còn an ninh con người trong lĩnh vực quyền con người lại nhấn mạnh đến khía cạnh thực tiễn phối hợp giữa các nỗ lực của nhà nước, cộng đồng và các cá nhân giải quyết những vi phạm các quyền cơ bản của con người (S. Alkire, 2003). Chính vì vậy, không chỉ nhấn mạnh vai trò của an ninh con người trong việc “bảo vệ cốt lõi sống còn” của con người khỏi các mối đe dọa kịch phát và bao trùm, mà cần đòi hỏi sự bảo vệ này phải phù hợp với sự phát triển con người về dài hạn.

Bên cạnh việc phân tích mối quan hệ của an ninh con người với phát triển con người và quyền con người, các học giả thấy rằng cần phải làm rõ vai trò của nhà nước trong việc bảo đảm an ninh con người, trách nhiệm và quyền hạn của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện cứu trợ và can thiệp nhân đạo (S. Tadjbakhsh và A. Chenoy). Các tác giả cũng đã phản bác các lập luận phê phán, phủ nhận tính khoa học, tính hợp lý và tính hữu dụng của khái niệm an ninh con người, đồng thời chứng minh rằng việc áp dụng khái niệm này vào quá trình hoạch định chính sách cho phép các nước đang phát triển tiếp cận tốt hơn đến vấn đề quyền con người.    

Bối cảnh toàn cầu hóa không chỉ làm thay đổi sâu sắc trật tự an ninh thế giới, mà còn làm thay đổi tính chất và tác động của các mối đe dọa an ninh con người, cũng như cách thức mà chúng ta đối phó với các mối đe dọa này. Đặc biệt, tác động của toàn cầu hóa làm biến đổi các mối đe dọa đối với an ninh con người như tội phạm quốc tế, khủng hoảng tài chính, di cư, lan truyền dịch bệnh, HIV/AIDS, buôn bán người, sự lan truyền của các xung đột ra khu vực. Chính đòi hỏi từ thực tiễn này cho ra đời hàng loạt nghiên cứu tìm hiểu thách thức đối với an ninh con người hiện nay cũng như những biện pháp ứng phó mới dựa vào hợp tác và hội nhập quốc tế như của Sadako Ogata (2002); Sakiko Fukuda-Parr (2005); Anthony McGrew và Nana K. Poku (2007); Paul Battersby và Joseph M. Siracusa (2009); David T. Graham và Nana Poku (2012),...

Nghiên cứu lý luận về an ninh nói chung và an ninh con người nói riêng cho thấy:

Thứ nhất, lý luận về an ninh con người là bước phát triển logic, tất yếu của lý luận về an ninh theo hướng kết hợp với lý luận về phát triển con người trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sau Chiến tranh Lạnh. Nghiên cứu của các tác giả ngoài nước đã từng bước xây dựng nền tảng lý luận về an ninh con người: nội hàm khái niệm, kết cấu, các chiều cạnh chủ yếu,... Nhiều nghiên cứu đã phân tích thực tiễn bảo đảm an ninh con người tại các quốc gia, đánh giá các mặt được và chưa được của các chính sách bảo đảm an ninh con người, từ đó đúc rút các bài học kinh nghiệm quý báu.

Thứ hai, các nghiên cứu cho thấy, việc vận dụng lý luận về an ninh con người trong thực tiễn ngày càng được chấp nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm thực thi quyền con người, góp phần vào sự phát triển bền vững quốc gia, bền vững con người. Cách tiếp cận đa chiều cạnh vấn đề an ninh con người cho phép nhìn nhận các mối đe dọa đối với con người một cách tổng thể, hệ thống, đánh giá được tính chất, mức độ các mối đe dọa này, từ đó có chiến lược ứng phó, xử lý hiệu quả. Việc tính toán chỉ số an ninh con người tuy vẫn cần thời gian để hoàn thiện nhưng đã gợi ý các cách thức đánh giá định lượng mức độ an ninh con người dựa trên các chiều cạnh của khái niệm này.

Thứ ba, bản thân lý luận về an ninh con người vẫn còn một số điểm chưa đạt được sự thống nhất cao, các chiều cạnh an ninh con người có sự chồng chéo, trùng lặp, chưa được cô lập ở mức độ cần thiết, vẫn còn có những quan điểm cực đoan, giáo điều cản trở việc tạo ra sự đồng thuận và chuyển biến về nhận thức xã hội sâu rộng trên toàn thế giới. Mặc dù vậy, những nghiên cứu mang tính sáng tạo cao cho thấy, tiếp cận an ninh con người một cách đúng đắn, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng nước, từng khu vực, vùng, miền sẽ cho phép động viên, tập hợp được sức mạnh của cộng đồng quốc tế, các nhà nước, các cộng đồng và các cá nhân trong việc đối phó với các nguy cơ, thách thức đối với cả an ninh quốc tế, an ninh quốc gia, an ninh công cộng và an ninh con người.

2. Sự cần thiết nghiên cứu lý luận về an ninh con người và áp dụng trong thực tiễn tại Việt Nam

2.1. Sự cần thiết nghiên cứu lý luận về an ninh con người tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

Lý luận về an ninh con người đã hình thành và phát triển liên tục trong hai thập niên qua. Lý luận này là sự mở rộng của lý thuyết về an ninh nói chung, và an ninh quốc gia nói riêng theo hướng lấy con người làm trung tâm, đồng thời là sự bổ sung quan trọng cho lý luận về phát triển con người theo hướng chú trọng đến các nhân tố thách thức, đe dọa sự sống còn của con người, cũng như cản trở sự phát triển bền vững của con người. Có thể nói, lý luận về an ninh con người đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện nhận thức của chúng ta không chỉ về lĩnh vực an ninh mà còn về bản chất của quá trình phát triển, cũng như những điều kiện cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước và con người. Trên thực tế, lý luận về an ninh con người ngày càng nhận được sự đồng thuận quốc tế, đã được đưa vào chương trình nghị sự của Liên hiệp quốc, các tổ chức và diễn đàn quốc tế lớn, từng bước trở thành công cụ hữu hiệu góp phần bảo vệ cuộc sống, phẩm giá và sự phát triển toàn diện của con người.

Trong khi đó, nhận thức của các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách trong nước về vấn đề an ninh con người còn sơ khai, thậm chí có nhiều điểm phiến diện, sai lệch, dẫn đến một số nghi ngại nhất định trong việc triển khai cách tiếp cận này trong thực tiễn. Mặc dù đã tiến hành nghiên cứu và triển khai chủ đề phát triển con người ngay từ đầu thập niên 1990, nhưng Việt Nam tiếp cận lý luận về an ninh con người tương đối muộn. Các công trình trong nước mới chỉ bước đầu tìm hiểu, làm quen với khái niệm an ninh con người, số lượng các nghiên cứu còn khá ít ỏi, chưa có tính hệ thống, chưa có các cuộc thảo luận, trao đổi ý kiến sâu rộng về chủ đề này. Việt Nam cũng đã tiến hành nghiên cứu và triển khai lý luận an ninh phi truyền thống từ năm 2000, nhưng đối với an ninh con người lại chưa có sự nhận thức đầy đủ do vẫn còn một số lo ngại về khả năng các thế lực bên ngoài có thể lợi dụng khẩu hiệu an ninh con người để kích động, can thiệp vào vấn đề dân chủ, nhân quyền ở trong nước. Hơn nữa, mặc dù cho đến nay đã có một số lượng không nhỏ các nghiên cứu thực tiễn liên quan tới các khía cạnh an ninh con người Việt Nam, nhưng thiếu vắng một cách tiếp cận chung mang tính liên ngành, đa chiều cạnh, cho phép xâu chuỗi, liên kết những nghiên cứu theo từng chiều cạnh riêng biệt vào một khuôn khổ lý luận chung, trên cơ sở đó đề xuất những chính sách mang tính hệ thống và hiệu quả, tránh được sự chồng chéo, trùng lặp hiện nay. Cho đến nay cũng chưa có bất cứ nghiên cứu thực địa và khảo sát chọn mẫu nào được thực hiện nhằm đánh giá thực trạng an ninh con người ở Việt Nam. Trong khi tập trung vào phân tích thực trạng an ninh con người ở Việt Nam trên một số chiều cạnh riêng biệt, các nghiên cứu trong nước còn ít quan tâm đến việc làm rõ những điều kiện, cơ chế đảm bảo an ninh con người ở Việt Nam phù hợp với trình độ phát triển của đất nước trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các giải pháp đề xuất thường chỉ tập trung vào một hai loại nguy cơ, thách thức, ít đề cập tới các thách thức mang tính liên kết giữa các chiều cạnh an ninh khác nhau hay chuyển hóa nhanh chóng từ chiều cạnh này sang chiều cạnh khác. Chính vì thế, việc chủ động cập nhật tri thức, tích cực tham gia vào quá trình hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn về an ninh con người là yêu cầu cấp bách để Việt Nam sớm tiếp cận với lý luận còn tương đối mới mẻ này.

Thực tiễn triển khai áp dụng lý luận về an ninh con người ở hàng loạt quốc gia, trong đó có các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia,… đã chứng minh tính hiệu quả của cách tiếp cận này trong việc hoạch định chính sách an ninh và phát triển quốc gia nói chung, cũng như ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh và phát triển con người nói riêng. Các phương pháp tính toán chỉ số an ninh con người lần đầu tiên đã đánh giá, phân loại các quốc gia, vùng, miền, lãnh thổ theo mức độ bảo đảm an ninh con người, làm cơ sở cho việc phân bổ các nguồn lực, xây dựng các chính sách bảo đảm an ninh con người hiệu quả.

Bối cảnh toàn cầu hóa và tình hình thế giới phức tạp sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đang đặt ra những thách thức, nguy cơ đe dọa đa dạng, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải trang bị công cụ lý luận mới, phù hợp và hiệu quả, cho phép nắm bắt, phân tích, đánh giá đúng tình hình, từ đó đề ra những chính sách, giải pháp hiệu quả đảm bảo vững chắc an ninh và phát triển của đất nước, con người Việt Nam.  Hiểu biết thấu đáo về an ninh con người cung cấp một cách nhìn tổng thể, hệ thống về các nguy cơ đe dọa an ninh con người từ bất bình đẳng về thu nhập, tình trạng bạo lực trong xã hội, sự xuống cấp về môi trường cho đến các vi phạm quyền con người, phân biệt rõ các nguy cơ khách quan và chủ quan với việc lợi dụng tình hình khó khăn để kích động, phá hoại. Hơn thế nữa, nắm vững lý luận về an ninh con người cho phép xử lý hài hòa mối quan hệ giữa an ninh con người với an ninh quốc gia, giữa phát triển con người với phát triển đất nước, giữa thực thi quyền con người với bảo vệ chủ quyền quốc gia.

 Lĩnh vực an ninh phi truyền thống và phát triển con người như các tiền đề quan trọng cho an ninh con người đều đã được nghiên cứu và triển khai tương đối sâu rộng ở Việt Nam, mặt khác, hầu hết các chiều cạnh của an ninh con người đều đã và đang được tích cực nghiên cứu và triển khai. Thực tế này chứng tỏ đã đến lúc an ninh con người với tư cách là một lĩnh vực nghiên cứu cần được Việt Nam quan tâm một cách đầy đủ, nghiêm túc.

2.2. Sự cần thiết của việc triển khai áp dụng lý luận về an ninh con người vào thực tiễn Việt Nam hiện nay

An ninh là một trong những nhu cầu căn bản nhất và điều kiện thiết yếu nhất đối với sự sống còn của mọi chủ thể xã hội từ toàn thể loài người, cộng đồng quốc tế, đến các quốc gia, các nhóm xã hội, và cuối cùng là đến từng con người.

An ninh không tách rời sự phát triển. An ninh là điều kiện cần, là nền móng cho sự phát triển, còn phát triển lại góp phần đảm bảo, củng cố nền móng an ninh; mất an ninh tất yếu sẽ hủy hoại sự phát triển, còn không có sự phát triển tất yếu sẽ dẫn đến mất an ninh. Hơn thế nữa, bản thân kết cấu an ninh phải thay đổi tùy thuộc vào trình độ phát triển, cũng như mỗi trình độ phát triển muốn duy trì tính bền vững đều phải dựa trên một kết cấu an ninh tương ứng. An ninh và phát triển có nhiều cấp độ, tùy thuộc vào chủ thể xã hội: quốc tế hay toàn cầu, quốc gia, cộng đồng, cá nhân. Tính chất đa chiều của an ninh và phát triển được quyết định bởi tính chất đa chiều cạnh của bản thân các chủ thể xã hội đó.

Sự khác biệt căn bản giữa an ninh và phát triển là an ninh hướng đến việc bảo vệ an toàn cho chủ thể xã hội khỏi các mối đe dọa bên trong và bên ngoài, còn phát triển hướng tới việc tăng cường năng lực, sức mạnh và mở rộng khả năng, cơ hội lựa chọn cho các chủ thể xã hội đó.

Sau gần ba thập niên Đổi mới, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm nước kém phát triển, đứng vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình và phát triển con người ở mức trung bình. Tuy nhiên, cùng với thời gian, xuất hiện ngày càng nhiều với tính chất ngày càng phức tạp các thách thức, cản trở sự phát triển bền vững và đe dọa an ninh con người Việt Nam. Mô hình phát triển kinh tế thiên về chiều rộng, chủ yếu dựa vào thâm dụng sức lao động và tài nguyên thiên nhiên giá rẻ ngày càng mất hiệu quả, có nguy cơ rơi vào khủng hoảng. Xã hội Việt Nam đang trải qua những biến đổi to lớn về cơ cấu, với các chuyển động di cư, đô thị hóa,... Hệ thống chính trị đang đứng trước những thách thức to lớn về tính hiệu quả và hiệu lực, tình trạng tham nhũng, sự suy giảm lòng tin,... Các giá trị văn hóa bị xói mòn, mai một dưới tác động của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

 Môi trường bất ổn đó đang làm thay đổi nhanh chóng tính chất, quy mô và cách thức kết hợp các thách thức và nguy cơ đe dọa đối với an ninh và phát triển con người. Thứ nhất, đó là sự chuyển hóa nhanh chóng và phức tạp giữa các thách thức bao trùm trên diện rộng, thường mang tính dài hạn với các đe dọa kịch phát, nhưng có khả năng phá hoại lớn. Chẳng hạn, nạn phá rừng tràn lan có thể làm bùng nổ thảm họa môi trường trên diện rộng, hay việc thu hồi đất trái pháp luật tại một địa bàn nhỏ có thể gây bất bình, thậm chí bất ổn lớn trong cả nước. Thứ hai, đó là sự kết hợp các mối đe dọa về vật chất, tinh thần, thể chất và trí tuệ. Ví dụ, tình trạng bỏ học ở trẻ em có liên quan đến nghèo đói, tan vỡ gia đình, bạo lực học đường, thậm chí có thể dẫn các em đến việc tự tử. Thứ ba, đó là sự lan truyền nhanh chóng các đe dọa về an ninh con người từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Chẳng hạn, mất đất, nghèo đói, tàn phá môi trường, thất học, bạo lực xã hội,.. tạo thành một vòng xoáy lôi con người vào tình thế không lối thoát.

Mặt khác, quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các cải cách trong nước trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Trong khi đó, các thế lực thù địch nhân cơ hội Việt Nam mở cửa hội nhập, tăng cường sử dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo nhằm gây bất ổn chính trị, tiến tới kích động bạo loạn lật đổ chế độ. Có thể thấy, cả trên bình diện vĩ mô và bình diện vi mô, tình hình an ninh và phát triển của Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức to lớn. Nếu trên bình diện vĩ mô, cần phải tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo các bước đột phá phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, thì trên bình diện vi mô, cần áp dụng những cách tiếp cận mới thực sự hướng vào con người, lấy con người làm trung tâm, “con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển”. Rõ ràng là trong tình hình đó, việc triển khai cách tiếp cận an ninh con người – cách tiếp cận đa chiều, mang tính tổng thể, liên ngành – dựa trên bảo vệtrao quyền, trong đó bảo vệ được thực hiện từ trên xuống (top-down approach) thông qua các thể chế tương ứng, còn trao quyền là nhằm mở rộng và bảo đảm thực thi các quyền của con người và cộng đồng để họ có thể thực hiện các lựa chọn sáng suốt, hàm ý một cách tiếp cận từ dưới lên (bottom-up approach) thực sự mang tính cấp bách. Ưu thế chính của cách tiếp cận này thể hiện trong khả năng  xử lý một cách hệ thống, đa chiều các nguy cơ, thánh thức đang bùng nổ, đan xen, chuyển hóa phức tạp như hiện nay ở nước ta. Việc áp dụng lý luận an ninh con người vào thực tiễn Việt Nam là sự bổ sung thiết yếu cho chính sách phát triển con người đã thực hiện thành công trong nhiều năm qua, góp phần đắc lực vào sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của đất nước.

 

 

Tài liệu tham khảo

1.      Alkire, Sabina (2003), A Conceptual Framework for Human Security, Working Paper 2, CRISE Working Paper, Centre for Research on Inequality, Human Security  and Ethnicity, CRISE, Queen Elizabeth House, University of Oxford.

2.      Bary Buzan (2001), “Human Security in International Perspective”, Mely C. Anthony and Mohamed Jawhar Hassan (editor), The Asia Pacific in the New Millenium: Political and Security Challenges, Kuala Lumpur: Institute of Strategic and International Studies.

3.       Brown, Lester (1977), “Redefining Security”, Worldwatch Paper, Vol. 14, Worldwatch Institute, Washington, DC.

4.       Brundtland Comission, United Nations (UN) (1987), Report of the World Commission on Environment and Development: Our Common Future.

5.       Buzan, Bary (2001), “Human Security in International Perspective”, In Mely C. Anthony and Mohamed Jawhar Hassan, eds, The Asia Pacific in the New Millenium: Political and Security Challenges,  Kuala Lumpur: Institute of Strategic and International Studies.

6.       Commission on Human Security (2003), “Human Security Now,” New York.

7.       Leaning, Jennifer and Sam Arie (2000), “Human Security: A Framework for Assessment in Conflict and Transition”.

8.       McDonald, Matt (2010), “Human Security and the Construction of Security”, Global Society, vol. 16, Issue 3, p. 277 - 295.

9.       Paris, Roland (2001), “Human Security: Paradigm Shift or Hot Air?”, International Security, 26:2, 87 - 102.

10.    Rothschild, Emma (1995), “What is Security?”, Daedalus,  124:3, 53-98.

11.    Seidensticker, E (2002), Human Security, Human Rights and Human Development, Kennedy School, Havard University, 2002.

12.   Simon and Schuster (1982), “Common Security: A Blueprint for Survival”, The  Independent  Commission  on  Disarmament  and  Security  Issues, New York.

13.   Thomas, Caroline (2000), “Global governance, development and human security the challenge of poverty and inequality”, London and Sterling, VA: Pluto Press.

14.    United Nations Development Program, “New Dimensions of Human Security,” In Human Development Report 1994.

15.   UNDP (1994), Human Development Report 1994, New York: United Nations.

16.  Fukuda-Parr, Sakiko and Carol Messineo, “Human Security: A critical review of the literature”, Centre for Research on Peace and Development (CRPD), Working Paper No.11, January, 2012.

17.  Gasper, Des, “Human Rights, Human Needs, Human Development, Human Security: Relationships between four international Human Discourses’, Forum for Development Studies No.1, 2007.

18.  Goucha, Moufida and John Crowley (Eds.), “Rethinking Human Security”, Wiley-Blackwell and UNESCO, October, 2008.

19.  Ogata, Sadako (2013), “Human Security: A New Response to Complex Threats”, AView from UN, January 2013.

20.  Tadjbakhsh, Sharbanou and Anuradha Chenoy, “Human Security, Concepts and Implications”, London: Routledge Advances in International Relations and Global Politics, 2006.

 


* TS.; Viện Nghiên cứu Con người.

[1] An ninh phi truyền thống thường được phân chia thành 7 lĩnh vực: mất an ninh về dân số, bất bình đẳng kinh tế, vấn đề di dân, các thách thức về môi trường, chủ nghĩa khủng bố, buôn bán ma túy và hình thức tội phạm quốc tế khác, nguy cơ phổ biến vũ khí giết người hàng loạt.