YÊU CẦU CỦA NHÀ TUYỂN DỤNG VỀ NHỮNG KỸ NĂNG CƠ BẢN DƯỚI GÓC NHÌN CỦA SINH VIÊN TỐT NGHIỆP NGÀNH KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
NGUYỄN THỊ LAN*
MAI LINH**
Đặt vấn đề
Sinh viên được đào tạo chính quy tại các trường đại học nói chung và sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) nói riêng, sau khi tốt nghiệp ra trường vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Nhiều sinh viên sau khi được tuyển dụng vào làm việc tại các tổ chức, cơ quan hay doanh nghiệp đã phải đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều sinh viên đại học tốt nghiệp ra trường nhưng vẫn thất nghiệp. Bài viết này sẽ tập trung phân tích khả năng đáp ứng những kỹ năng cơ bản của sinh viên tốt nghiệp đại học ngành KHXH&NV nhằm làm rõ hơn những tiêu chí, những yêu cầu của các nhà tuyển dụng cần khi tuyển dụng sinh viên khối ngành KHXH&NV vào các vị trí làm việc trong các cơ quan, tổ chức, hay doanh nghiệp.
Bài viết dựa trên số liệu của đề tài “Yêu cầu của nhà tuyển dụng về những kỹ năng cơ bản đối với sinh viên tốt nghiệp đại học các ngành khoa học xã hội và nhân văn” (Đề tài cấp Đại học Quốc gia - Mã số: QGTĐ.13.20 do PGS.TS Nguyễn Thị Kim Hoa làm chủ nhiệm). Đề tài đã tiến hành khảo sát vào tháng 6/2014 với 400 cựu sinh viên đã tốt nghiệp từ hai đến bốn năm của 8 chuyên ngành đào tạo: Xã hội học, Triết học, Khoa học Quản lý, Văn học, Sử học, Công tác xã hội, Đông phương, Báo chí và Truyền thông thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đề tài cũng tiến hành phỏng vấn sâu đối với 30 nhà tuyển dụng, nhà quản lý giáo dục và giảng viên các trường đại học khối KHXH&NV; đồng thời thực hiện phỏng vấn sâu 15 cựu sinh viên thuộc 8 chuyên ngành đào tạo nói trên.
Bảng 1: Đặc điểm nhân khẩu của mẫu nghiên cứu
Đặc điểm
|
Số lượng
|
Tỉ lệ (%)
|
Giới tính
|
Nam
|
75
|
18.75
|
Nữ
|
325
|
81.25
|
Quê quán
|
Miền núi
|
30
|
7.5
|
Nông thôn
|
180
|
45.0
|
Thị trấn/thị xã
|
98
|
24.5
|
Thành phố
|
92
|
23.0
|
Chuyên ngành
|
Xã hội học
|
58
|
14.5
|
Triết học
|
50
|
12.5
|
Quản lý khoa học
|
43
|
10.8
|
Văn học
|
45
|
11.3
|
Lịch sử
|
50
|
12.5
|
Công tác xã hội
|
51
|
12.8
|
Đông phương
|
55
|
13.8
|
Báo chí và Truyền thông
|
48
|
12.0
|
Xếp loại tốt nghiệp
|
Trung bình
|
2
|
0.5
|
Trung bình khá
|
8
|
2.0
|
Khá
|
275
|
68.8
|
Giỏi
|
109
|
27.3
|
Xuất sắc
|
6
|
1.4
|
Các kỹ năng cơ bản cần có của sinh viên trong bài viết tập trung vào hai mảng chính là kỹ năng chuyên môn và kỹ năng “mềm” cơ bản và nâng cao. Đối với mỗi nhóm kỹ năng, bài viết sẽ phân tích hai khía cạnh chính về “mức độ cần thiết” của các kỹ năng cần có để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và “mức độ đáp ứng” các kỹ năng cần thiết của các cựu sinh viên (CSV) trong thời điểm hiện tại. Trong bài viết này, các kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của nhà tuyển dụng được đánh giá một cách gián tiếp dưới góc nhìn của CSV các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
1. Yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với nhóm kỹ năng chuyên môn
Nhóm kỹ năng về chuyên môn hay còn gọi là kỹ năng cứng, là những kiến thức mà sinh viên có được thông qua hoạt động học tập, liên quan đến trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Có thể coi đây là những kỹ năng có tính nền tảng. Trong nghiên cứu này, nhóm kỹ năng này được thể hiện thông qua một số tiêu chí cụ thể như: kỹ năng sử dụng Tin học văn phòng, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ; kỹ năng đọc - hiểu văn bản; nhận diện vấn đề; phân tích, tổng hợp, đánh giá vấn đề; phản biện, áp dụng kiến thức để giải quyết vấn đề, và kỹ năng sử dụng các công cụ, phương pháp nghiên cứu có liên quan tới nghề,… Có thể nói, đây là những kỹ năng chuyên môn cơ bản, có tính bắt buộc đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công việc, đặc biệt là yêu cầu đối với sinh viên khối ngành KHXH &NV.
Theo kết quả nghiên cứu thì với thang đo 1: “Không cần thiết” đến 3: “Rất cần thiết”, CSV đều đã đánh giá 10 kỹ năng chuyên môn cơ bản nêu trên là cần thiết để đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng mặc dù điểm đánh giá về mức độ cần thiết của các kỹ năng chỉ ở mức độ trung bình là từ 1,4 đến 1,6 trên thang điểm 3. Theo đó, hai kỹ năng được CSV đánh giá là cần thiết nhất là: kỹ năng sử dụng Tin học văn phòng (1,63 điểm) và kỹ năng sử dụng ngoại ngữ (1,57 điểm). Một số kỹ năng chuyên môn được đánh giá cần thiết ở mức độ trung bình với 1,51 điểm đó là phân tích vấn đề, tổng hợp và đánh giá vấn đề. Kỹ năng chuyên môn “Sử dụng phương pháp nghiên cứu” được đánh giá là ít có tính ứng dụng nhất đối với nghề nghiệp hiện tại của CSV với chỉ 1,39/3 điểm. Điều này có thể là do số lượng sinh viên hiện nay làm những công việc ít hoặc không phù hợp với chuyên môn là khá cao, do đó CSV không có điều kiện để áp dụng các phương pháp và công cụ đã được học trên giảng đường vào thực tế nghề nghiệp.
Những đánh giá về mức độ cần thiết của các kỹ năng chuyên môn nêu trên của sinh viên cũng khá tương ứng với yêu cầu của nhà tuyển dụng, đặc biệt là đối với yêu cầu về kỹ năng Tin học và sử dụng ngoại ngữ. Yêu cầu của nhà tuyển dụng về khả năng Tin học và ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp đại học thường khá cao, đặc biệt là tiếng Anh. Theo số liệu của dự án: “Đánh giá chất lượng giáo dục bậc Đại học ở Việt Nam (Cách tiếp cận từ thị trường lao động)” được Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tiến hành trong hai năm 2009 - 2010, thì yêu cầu về trình độ ngoại ngữ phổ biến và chiếm tỉ lệ cao nhất là tiếng Anh cơ bản và nâng cao (85,7%). Đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng về trình độ ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng, là lợi thế cạnh tranh rất lớn bởi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để các nhà tuyển dụng cân nhắc trước khi đánh giá các yếu tố khác.
Cũng theo nghiên cứu của VUSTA, bên cạnh trình độ ngoại ngữ, yêu cầu của nhà tuyển dụng về khả năng Tin học văn phòng của sinh viên tốt nghiệp đại học cũng là khá cao, chiếm tỉ lệ 82,3%. Đây có thể coi là kỹ năng cơ bản tối thiểu nhất mà người lao động có trình độ Đại học cần có để đáp ứng được yêu cầu công việc.
Có thể nói, những kỹ năng như Tin học hay ngoại ngữ hiện nay là cần thiết với đại đa số ngành nghề. Đây cũng là những yêu cầu gần như mặc định trong yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Đáp ứng các yêu cầu này là yếu tố đầu tiên, cơ bản để các ứng viên có thể tham gia vào môi trường làm việc thực tế một cách tự tin, chủ động.
1.1. Đánh giá của cựu sinh viên về mức độ đáp ứng các kỹ năng chuyên môn theo yêu cầu của nhà tuyển dụng
Việc đáp ứng những kỹ năng chuyên môn là đặc biệt quan trọng, nhất là đối với những cựu sinh viên (CSV) đang theo đuổi những ngành nghề có liên quan tới chuyên ngành được đào tạo trong trường đại học.
Trên đây là đánh giá về mức độ đáp ứng các kỹ năng chuyên môn của bản thân người trả lời trong thời điểm hiện tại. Với thang điểm từ 1 - 4, trong đó 1 là “kém” và 4 là “rất tốt”, nhìn chung các kỹ năng này đều được CSV đánh giá chỉ ở mức trung bình khá - khoảng từ 2 - 3 điểm. Trong đó, kỹ năng được CSV tự đánh giá khá nhất là “sử dụng Tin học văn phòng” (2,85 điểm) và “đọc hiểu văn bản chuyên môn” (2,81 điểm). Hai kỹ năng CSV tự đánh giá chưa tốt là “phản biện” (2,55 điểm) và “sử dụng ngoại ngữ” (2,54 điểm).
Kỹ năng phản biện được coi là một trong những kỹ năng khó có thể thành thạo và đáp ứng nhất. Đây cũng là một trong những kỹ năng còn thiếu hụt ở sinh viên Việt Nam nói chung, với sinh viên các ngành khoa học xã hội nói riêng. Bởi lẽ, ở Việt Nam, sinh viên chưa có thói quen hình thành tư duy phê phán, dẫn tới kỹ năng phản biện và tự phản biện còn kém.
Theo kết quả nghiên cứu của đề tài, có tới 66,5% sinh viên sau khi tốt nghiệp đã tham gia khóa đào tạo thêm về ngoại ngữ, nhưng nhìn chung, mức độ tự tin về việc sử dụng kỹ năng ngoại ngữ trong công việc của sinh viên còn chưa cao. Đây gần như là tình trạng khá phổ biến của sinh viên hiện nay. Đặc biệt khi giao tiếp bằng ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng, phần lớn sinh viên còn nhiều hạn chế, nếu không muốn nói là yếu kém. Kết quả khảo sát trình độ tiếng Anh của Hội đồng Anh và Trung tâm giáo dục Appolo trên phạm vi 20 quốc gia cho thấy: trình độ tiếng Anh theo chuẩn quốc tế của học sinh Việt Nam xếp thứ 8/20 về khả năng đọc và viết nhưng lại xếp áp chót (18 - 19/20) về khả năng nghe nói[1]. Điều này phản ánh rõ nét thực trạng “học” nhưng chưa đi đôi với “hành” trong hoạt động dạy và học tiếng Anh hiện nay ở nước ta.
1.2.Yêu cầu của nhà tuyển dụng về sự phù hợp của chuyên ngành đào tạo với công việc tuyển dụng
Ngoài yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, Tin học, thì tiêu chí học đúng ngành nghề cũng được các nhà tuyển dụng coi trọng và đánh giá cao. Theo khảo sát của đề tài “Đánh giá chất lượng giáo dục bậc đại học ở Việt Nam” (Cách tiếp cận từ thị trường lao động) được Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) thực hiện thì yêu cầu về tiêu chí này xuất hiện trong các mẫu tin tuyển dụng khá cao, với tỉ lệ 67% coi là tiêu chí bắt buộc.
Tuy nhiên, cũng có những vị trí tuyển dụng không đòi hỏi người lao động có chuyên môn đào tạo đúng ngành nghề vẫn đảm nhận được. Theo nghiên cứu của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) thì có đến 33% mẫu tuyển dụng không xét đến tiêu chí về sự phù hợp của chuyên môn đào tạo với nghề tuyển dụng.
Về phía sinh viên khối KHXH & NV, kết quả nghiên cứu cho thấy, trong số những người trả lời có 37,2% trả lời phù hợp; 17,2% trả lời đang làm công việc rất phù hợp với chuyên môn được đào tạo; số có công việc ít phù hợp là 32,7%; và cũng có 12,9% CSV ra trường có công việc hoàn toàn không phù hợp với chuyên môn.
Tổng hợp số liệu từ đề tài cho thấy, những nguyên nhân sau khiến sinh viên ra trường làm việc chưa hoặc ít phù hợp với chuyên môn được đào tạo.

Như vậy, nguyên nhân chính của nhóm sinh viên làm việc không đúng hoặc ít phù hợp với chuyên môn là làm tạm thời để chờ việc khác phù hợp hơn (37%) và do không tìm được việc đúng chuyên môn (32.7%).
Những số liệu trên cho thấy rằng, hiện nay có một tỉ lệ không nhỏ sinh viên ra trường đang làm việc trái ngành. Điều này có thể là do chất lượng đào tạo theo chuyên ngành của giáo dục đại học ở ta còn yếu kém, hạn chế, do đó, không nhận được sự tin tưởng của nhà tuyển dụng. Hoặc cũng có thể là do giáo dục đại học đang thiếu hụt một số chuyên ngành nhất định buộc nhà tuyển dụng phải tuyển nhân sự không đúng chuyên môn đào tạo. Rõ ràng đang tồn tại một thực tế là, các trường đại học đang được mở ra ngày càng nhiều, với nhiều ngành học mới, ngành “nóng” nhưng không xuất phát từ dự báo chính quy nào về nhu cầu nhân lực trong tương lai. Điều này đã dẫn đến tình trạng “vừa thừa - vừa thiếu”. Trong khi nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm thì cũng rất nhiều ngành nghề không tuyển được nhân lực phù hợp với yêu cầu của ngành và cơ quan tuyển dụng. Chỉ khi nào tỉ lệ sinh viên ra trường làm đúng ngành nghề cao thì mới đảm bảo rằng các cơ sở đào tạo đã đi đúng hướng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đầu ra của giáo dục đại học.
Ngay chính một số trường cũng không xác định chính xác hướng đào tạo nên việc đào tạo đang chưa có kế hoạch rõ ràng: “Nên có sự định hướng cho các trường để chúng tôi biết tập trung vào những ngành đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Ví dụ: nhà tuyển dụng đến đặt hàng họ cần sinh viên tốt nghiệp những ngành gì? Chuyên môn, kỹ năng như thế nào? Như vậy, đầu ra sẽ đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Tóm lại, là cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và nhà tuyển dụng” (Nữ, 45 tuổi, giảng viên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội).
Như vậy là, đối với kỹ năng chuyên môn, hầu hết các nhà tuyển dụng thường có yêu cầu khá cao về Tin học và ngoại ngữ. Tuy nhiên, sự đáp ứng yêu cầu về kỹ năng ngoại ngữ của sinh viên còn khá hạn chế. Bên cạnh đó, tiêu chí học đúng ngành nghề cũng được các nhà tuyển dụng coi trọng trong tuyển dụng. Tuy vậy, vẫn còn một tỉ lệ không nhỏ sinh viên đang làm việc trái ngành, trái nghề. Đồng thời cũng vẫn có một tỉ lệ nhất định nhà tuyển dụng không xét đến tiêu chí về sự phù hợp của chuyên môn đào tạo với nghề tuyển dụng. Điều này càng cho thấy đang có sự bất cập giữa đầu ra của các trường đại học với nhu cầu công việc thực tế của thị trường lao động.
1.3. Một số yếu tố tác động đến kỹ năng chuyên môn của sinh viên
1.3.1. Việc tham gia các nhóm/tổ chức, mạng xã hội
Việc tham gia các nhóm/tổ chức qua mạng xã hội có liên quan trực tiếp tới việc sử dụng máy tính và các kỹ năng Tin học văn phòng cơ bản. Với mức ý nghĩa sig = 0.045 (<0.05), cho thấy mối liên hệ của việc tham gia các nhóm qua mạng xã hội với kỹ năng Tin học của CSV.
Bảng 2: Tương quan giữa mức độ tham gia các nhóm/tổ chức
thông qua mạng xã hội và kỹ năng sử dụng Tin học văn phòng
Mức độ tham gia các nhóm/tổ chức thông qua mạng xã hội
|
Giá trị trung bình
|
|
|
Kỹ năng
sử dụng
Tin học
văn phòng
|
Không là thành viên
|
2.9265
|
|
Là thành viên ít tham gia hoạt động
|
2.7753
|
|
Là thành viên tích cực tham gia hoạt động
|
3.0204
|
|
Tổng
|
2.8508
|
|
Thông thường, khi tham gia các nhóm qua mạng, sinh viên phải thông thuộc các tính năng của máy tính, thành thạo trong việc truy cập internet. Cho dù trước khi tham gia các nhóm này họ có thể không biết hoặc chưa thông thạo các kỹ năng này. Khi đã tham gia như một thành viên, hoặc thành viên tích cực, họ sẽ phải thường xuyên truy cập và sử dụng máy tính - điều này sẽ trực tiếp nâng cao kỹ năng Tin học của người dùng.
Như vậy, có thể thấy, với việc tham gia các nhóm khác nhau, các kỹ năng khác nhau của sinh viên sẽ được cải thiện và bản thân họ cũng tự đánh giá là kỹ năng của mình tốt khi tham gia vào các nhóm này. Nhìn chung, có sự khác biệt rõ rệt giữa nhóm sinh viên tham gia tích cực các hoạt động của nhóm và nhóm sinh viên ít tham gia các hoạt động này trong việc tự đánh giá kỹ năng của bản thân.
1.3.2. Vùng, miền
Qua đánh giá của sinh viên về khả năng ngoại ngữ cũng cho thấy có sự khác biệt rõ rệt giữa sinh viên xuất cư ở các vùng miền khác nhau. Với mức ý nghĩa sig=0.003 (<0.05), kiểm định có ý nghĩa thống kê đã cho thấy, các vùng, miền nơi sinh viên sinh sống có mối liên hệ với kỹ năng ngoại ngữ của họ.
Bảng 3: Tương quan giữa quê quán và kỹ năng sử dụng ngoại ngữ
Quê quán của người trả lời
|
Giá trị trung bình
|
|
|
Kỹ năng sử dụng ngoại ngữ
|
Miền núi
|
2.35
|
|
Nông thôn
|
2.4122
|
|
Thị trấn/thị xã
|
2.56
|
|
Thành phố
|
2.8169
|
|
Tổng
|
2.5421
|
|
Bảng trên cho thấy, các sinh viên có xuất thân từ thành phố có khả năng ngoại ngữ tốt nhất (2.81), tiếp theo là các sinh viên đến từ các thị trấn/thị xã (2.56). Các sinh viên đến từ nông thôn và miền núi ít có cơ hội trau dồi các kỹ năng ngoại ngữ của mình khi còn học phổ thông tại quê nhà, do đó, kỹ năng này của họ chỉ ở mức thấp.
Tuy vậy, xuất thân và quê quán cũng chỉ ảnh hưởng một phần tới kỹ năng ngoại ngữ của sinh viên, nhất là trong thời kỳ đầu, khi sinh viên mới rời quê lên thành phố học tập. Việc học tập, nâng cao khả năng ngoại ngữ hoàn toàn có thể được bù đắp với sự nỗ lực của bản thân sinh viên khi học đại học.
Tóm lại, một số yếu tố như quê quán của sinh viên, sự tham gia vào các nhóm, các tổ chức, kết nối mạng xã hội đã có những tác động nhất định đến kỹ năng chuyên môn của sinh viên khối ngành KHXH&NV. Điều này giúp cho sinh viên đáp ứng được yêu cầu chuyên môn khi tuyển dụng.
2. Yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với nhóm kỹ năng mềm cơ bản và nâng cao
Ngày nay, thị trường lao động đang phát triển đòi hỏi người tham gia tuyển dụng không chỉ trình độ chuyên môn mà phải thể hiện những năng lực khác như kỹ năng mềm (KNM) để chinh phục được nhà tuyển dụng. Kỹ năng này không dễ dàng lượng hóa được như các kỹ năng liên quan đến trình độ chuyên môn. Kỹ năng mềm chủ yếu được thể hiện qua các ứng xử cụ thể. Nó được rèn luyện, tích lũy trong một quá trình lâu dài - thường được nhà tuyển dụng đánh giá cao.
“Chúng tôi đánh giá cao những người lao động có KNM tốt, đào tạo lại về chuyên môn dù sao vẫn dễ hơn đào tạo về KNM. Nếu đã được trang bị một nền tảng, vốn liếng KNM tốt thì không có lý do gì không thể đáp ứng được yêu cầu công việc” (Nữ, 39 tuổi, phụ trách nhân sự, doanh nghiệp NGO, Hà Nội).
2.1. Đánh giá của sinh viên về mức độ cần thiết và khả năng đáp ứng các kỹ năng mềm cơ bản
2.1.1. Đánh giá của sinh viên về mức độ cần thiết của các kỹ năng mềm cơ bản
Bản thân sinh viên cũng đánh giá cao mức độ cần thiết của các KNM cơ bản cần có để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, thực tế kết quả nghiên cứu cho thấy, sinh viên đánh giá về mức độ cần thiết của các kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp cao hơn so với các KNM. Cựu sinh viên coi các kỹ năng chuyên môn như là đòi hỏi bắt buộc trong ứng tuyển, còn các KNM chỉ coi là lợi thế của ứng cử viên trước nhà tuyển dụng.
Với thang điểm từ 1 - 3, trong đó 1 là “không cần thiết” và 3 là “rất cần thiết ”. Số liệu tổng hợp từ đề tài cho thấy, kỹ năng giao tiếp thuyết trình (2,47) và làm việc nhóm (2,4),… là hai trong số những kỹ năng cần thiết nhất và có mục đích ứng dụng trong nghề nghiệp khá rõ ràng. Tư duy sáng tạo (2,45), quản lý thời gian (2,43), lắng nghe (2,39), thích nghi với môi trường làm việc (2,37) là những kỹ năng khá phổ biến và thường xuyên được nhắc tới. Bên cạnh đó, CSV cũng nắm khá rõ về khả năng ứng dụng của chúng trong lĩnh vực nghề nghiệp và cũng đánh giá mức độ cần thiết của những KNM này ở mức khá cao.
Những kỹ năng còn lại là những kỹ năng ít được nhắc tới hơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy với 54,4% CSV hiện đang làm những công việc rất phù hợp hoặc phù hợp với chuyên ngành được đào tạo (về KHXH) song những KNM này lại không có nhiều mối liên hệ với nghề nghiệp của họ. Như vậy là, sinh viên tốt nghiệp hiện nay mới chỉ chú trọng tới những kỹ năng cần thiết cho công việc hay những KNM liên quan tới quá trình làm việc chứ chưa chú trọng nhiều tới các kỹ năng có liên quan tới các mối quan hệ, việc cư xử và cách ứng xử trong môi trường nghề nghiệp. Đây có thể coi là một hạn chế của sinh viên tốt nghiệp hiện nay.
2.1.2. Đánh giá của sinh viên về mức độ đáp ứng các kỹ năng mềm cơ bản
Thực tế đối với mỗi KNM, rất khó để phân định rạch ròi giữa việc đâu là kỹ năng bổ sung cho nghề nghiệp và đâu là kỹ năng cần thiết cho đời sống nói chung. Một kỹ năng có thể là kỹ năng bổ trợ cho nghề nghiệp trong hoàn cảnh này nhưng lại là KNM có liên quan tới cách thức ứng xử phù hợp với môi trường trong hoàn cảnh khác. Đề tài nghiên cứu này đã chia các kỹ năng cơ bản thành 3 nhóm chính. Trong đó, nhóm 1 là các kỹ năng hỗ trợ cho công việc - bao gồm các kỹ năng trực tiếp hỗ trợ cho công việc chuyên môn, nâng cao hiệu suất công việc. Nhóm 2 là các kỹ năng có liên quan đến cách thức ứng xử với các mối quan hệ và môi trường làm việc. So với các kỹ năng ở nhóm 1 thì tính hỗ trợ trực tiếp cho công việc của các KNM nhóm 2 thấp hơn. Nhóm thứ 3 là những KNM ít có sự liên quan với công việc hiện tại của hầu hết CSV. Nhìn chung, mức độ đáp ứng các kỹ năng nhóm 1 và 2 của CSV hiện nay tốt hơn các kỹ năng ở nhóm 3. Đánh giá của CSV được hỏi cho thấy như sau:
Trên thang điểm 4, trong đó 1 là “kém” và 4 là “rất tốt”, mức độ đáp ứng các KNM do sinh viên tự đánh giá nằm trong khoảng từ trên 2,0 đến 2,8 điểm - tương đương với mức trung bình khá (giữa 2 và 3). Các kỹ năng nhóm đầu mà CSV tự cho rằng mình đáp ứng ở mức tốt nhất bao gồm: thích nghi với môi trường làm việc (2,87), làm việc nhóm (2,83), lắng nghe (2,81), giao tiếp hiệu quả thông qua các kênh như email, điện thoại,… (2,81). Trong nhóm này, kỹ năng thích nghi với môi trường và lắng nghe là hai kỹ năng liên quan tới cách thức hòa nhập và ứng xử với các đồng nghiệp xung quanh. Trong khi đó, kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp hiệu quả thông qua các phương tiện là những kỹ năng trực tiếp liên quan và cần thiết cho quá trình làm việc hiệu quả.
Như vậy, có thể thấy rằng, những KNM mà nhà tuyển dụng yêu cầu đối với các ứng viên tham gia tuyển dụng là rất cụ thể và mỗi kỹ năng đều chứa đựng được những mong đợi, kỳ vọng của nhà tuyển dụng. Những kỹ năng này chủ yếu được hình thành nhờ quá trình tự đào tạo, tự học hỏi và hoàn thiện của người lao động thông qua thực tiễn công việc. Do đó, song song với nhiệm vụ học tập và nghiên cứu nhằm nâng cao vốn kiến thức chuyên môn, sinh viên không thể coi nhẹ việc trang bị những KNM cần thiết làm hành trang sau khi tốt nghiệp ra trường.
2.2. Đánh giá của sinh viên về mức độ cần thiết và khả năng đáp ứng các kỹ năng mềm nâng cao
Bên cạnh những KNM cơ bản nói trên, nghiên cứu cũng đã đưa ra một số những KNM nâng cao và kỹ năng dành cho nhà quản lý, tổng hợp số liệu điều tra từ CSV cho thấy: Đa số CSV vẫn đánh giá các KNM nâng cao là cần thiết (với mức điểm 2 trên thang điểm 3). Tuy nhiên so với đánh giá về mức độ cần thiết của những KNM cơ bản, thì CSV đánh giá mức độ cần thiết của các KNM nâng cao thấp hơn.
Bảng 4: Đánh giá của cựu sinh viên
về mức độ đáp ứng các kỹ năng mềm nâng cao trong thời điểm hiện tại
Các kỹ năng mềm nâng cao
|
Số người trả lời
|
Giá trị trung bình
|
Kỹ năng đàm phán và thương lượng
|
303
|
2.5644
|
Kỹ năng quản lý nhóm/lãnh đạo
|
304
|
2.5362
|
Kỹ năng ra quyết định
|
300
|
2.5167
|
Kỹ năng phỏng vấn tuyển dụng
|
298
|
2.4933
|
Kỹ năng phân công và giám sát công việc
|
299
|
2.4916
|
Kỹ năng quản trị nguồn nhân lực
|
296
|
2.4459
|
Kỹ năng quản lý ngân sách
|
300
|
2.4133
|
Kỹ năng ghi nhận và khen thưởng thành tích
|
298
|
2.396
|
Kỹ năng quảng bá thương hiệu trên mạng
|
290
|
2.3241
|
Trên thang điểm 4, trong đó 1 là “kém” và 4 là “rất tốt”, CSV tự đánh giá mức độ đáp ứng các kỹ năng nâng cao này của họ chưa được tốt (ở mức trung bình khá đến trung bình). Trong đó CSV cho rằng các kỹ năng như đàm phán và thương lượng (2,56), quản lý nhóm/lãnh đạo (2,53), ra quyết định (2,51) là những KNM hiện nay họ đáp ứng tốt nhất, mặc dù số lượng là không thật cao.
Một số kỹ năng khác như phân công và giám sát công việc, quản trị nguồn nhân lực, quảng bá thương hiệu trên mạng, ghi nhận và khen thưởng thành tích làm việc, phỏng vấn tuyển dụng là những kỹ năng sinh viên mới ra trường khó có cơ hội trải nghiệm - do đó mức độ đáp ứng những kỹ năng này của CSV đều không cao.
Như vậy, KNM nâng cao là nhóm kỹ năng giúp các ứng viên tạo được ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng. Với những kỹ năng này không phải ai sinh ra cũng đã sẵn có mà chỉ dành cho một số cá nhân xuất sắc nhất định. Điều này lý giải vì sao nhà tuyển dụng đánh giá rất cao những ứng viên hội tụ được các kỹ năng này. Tuy nhiên, sau tuyển dụng, việc sắp xếp công tác lại phụ thuộc vào đặc điểm của từng vị trí cũng như ngành nghề tuyển dụng.
2.3. Một số yếu tố tác động tới việc học tập kỹ năng mềm của sinh viên
2.3.1. Lý do kỹ năng mềm của sinh viên còn hạn chế
Một trong những yếu tố tác động tới việc học tập và tạo lập kỹ năng của sinh viên trước hết, phụ thuộc vào nhận thức và ý thức của bản thân sinh viên trong quá trình học tập, đào tạo và yêu cầu tìm việc khi ra trường.
Biểu đồ 3: Lý do các kỹ năng của sinh viên còn hạn chế (%)

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 55,4% (219/395) CSV tự đánh giá KNM của mình còn hạn chế vì lý do “chương trình đào tạo KNM chưa hiệu quả” - đây là yếu tố thuộc môi trường học tập. Ngoài ra, ba lý do còn lại đều là các yếu tố có liên quan tới bản thân người học, bao gồm: 44,1% (174/395) thuộc về “ý thức tự nâng cao KNM thông qua các hoạt động tập thể của họ chưa cao”, 30,4% (120/395) thuộc về “ý thức tự nâng cao KNM thông qua các hoạt động học tập và nghiên cứu chưa cao”, 24,1% (95/395) thuộc về “chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học KNM”.
Có thể thấy rằng, hơn một nửa số CSV được hỏi không thấy KNM của mình được nâng cao thông qua chương trình đào tạo KNM của nhà trường. Điều này cho thấy, hình thức đào tạo hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu của sinh viên, vì vậy, cũng chưa mang lại những chuyển biến tích cực cho KNM của họ.
Trong số ba lý do thuộc về chủ quan của CSV, “ý thức tự nâng cao KNM thông qua các hoạt động tập thể (câu lạc bộ, tổ - đội - nhóm, tình nguyện,…)” được nhìn nhận là lý do quan trọng dẫn tới những hạn chế trong KNM của họ. Như vậy, có thể thấy, phần lớn CSV cho rằng cách tốt hơn để tự nâng cao kỹ năng là tham gia vào các hoạt động đoàn thể, xã hội. Điều này giúp sinh viên có cơ hội áp dụng những kiến thức (cả chính thống và không chính thống) được học trong giảng đường đại học vào thực tế.
Ngoài ra, vẫn có gần 1/4 người trả lời cho rằng họ chưa nhận thức được tầm quan trọng của KNM do đó chưa chủ động trau dồi và nâng cao KNM của bản thân. Đây cũng là điều cần chú ý trong việc đào tạo kỹ năng cho sinh viên.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc làm thêm, tham gia các tổ chức xã hội và câu lạc bộ trong và ngoài trường đại học là một trong những cách thức hữu ích giúp sinh viên nâng cao các KNM và kinh nghiệm thực tế trong đời sống.
Kiểm định Anova một yếu tố đã cho thấy có sự liên hệ giữa hai biến “tham gia các tổ chức/câu lạc bộ khi còn đi học” và “khả năng đáp ứng kỹ năng mềm” của sinh viên, với chỉ báo về kỹ năng đàm phán thương lượng (sig = 0.021 <0.05) và phân công giám sát thực hiện công việc (sig = 0.004 <0.05).
Bảng 5: Mức độ tham gia trong tổ chức Đảng, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên
Các kỹ năng
|
Giá trị trung bình
|
|
|
Kỹ năng
đàm phán, thương lượng
|
Không là thành viên
|
2.4444
|
|
Là thành viên tích cực tham gia vào hoạt động
|
2.6615
|
|
Tổng
|
2.4916
|
|
Kỹ năng phân công, giám sát thực hiện công việc
|
Không là thành viên
|
2.4553
|
|
Là thành viên tích cực tham gia vào hoạt động
|
2.7385
|
|
Tổng
|
2.5167
|
|
Theo đó, sinh viên tham gia tích cực vào các hoạt động của nhóm này tự đánh giá kỹ năng đàm phán, thương lượng và kỹ năng phân công, giám sát thực hiện công việc tốt hơn đáng kể so với sinh viên không là thành viên nhóm, 2,66/4 và 2,73/4. Như vậy, trong quá trình làm việc nhóm, trong môi trường tập thể tồn tại nhiều vấn đề và nhiều công việc chung bao gồm nhiều khâu cần giải quyết, sinh viên có cơ hội để trau dồi các kỹ năng liên quan tới việc giải quyết công việc bằng đàm phán/thương lượng hoặc phân công, giám sát người khác trong quá trình làm việc. Có thể khẳng định rằng, việc cá nhân tham gia vào càng nhiều nhóm, nhiều tổ chức, cơ hội để họ có thể quan sát và học hỏi những kỹ năng này từ các đồng nghiệp sẽ càng cao.
Kết luận
Tóm lại, hiện nay, yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp là khá toàn diện bao gồm cả kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm. Trong nhóm kỹ năng chuyên môn, hầu hết các nhà tuyển dụng thường yêu cầu khá cao, đặc biệt với hai kỹ năng: kỹ năng Tin học và khả năng ngoại ngữ của sinh viên dự tuyển. Đối với nhóm KNM, nhà tuyển dụng cũng ngày càng chú ý và coi đó là lợi thế cạnh tranh cho sinh viên trong quá trình tuyển dụng. Về phía sinh viên, mặc dù nhận thức được mức độ cần thiết của các kỹ năng chuyên môn và KNM đối với công việc, tuy nhiên, CSV tự đánh giá khả năng đáp ứng của bản thân đối với hai nhóm kỹ năng này đều chưa cao, chỉ ở mức độ trung bình khá. Đối với nhóm kỹ năng chuyên môn, trong khi kỹ năng được CSV tự đánh giá khá nhất là “sử dụng Tin học văn phòng” thì hai kỹ năng CSV tự đánh giá kém nhất là kỹ năng phản biện và kỹ năng sử dụng ngoại ngữ. Đối với KNM cơ bản và nâng cao, mặc dù đều cho rằng các kỹ năng này là cần thiết, tuy nhiên, so với đánh giá về mức độ cần thiết của những KNM cơ bản thì CSV đánh giá mức độ cần thiết của các KNM nâng cao thấp hơn. Về mức độ đáp ứng các KNM cơ bản, các kỹ năng mà CSV tự cho rằng mình đáp ứng ở mức tốt nhất bao gồm: thích nghi với môi trường làm việc, làm việc nhóm, giao tiếp hiệu quả thông qua các kênh như email, điện thoại,… Có thể thấy đây cũng là nhóm kỹ năng khá ưu thế của nhóm người trẻ tuổi. Một số KNM, CSV tự đánh giá mức độ đáp ứng thấp hơn là: kỹ năng quản lý và giải quyết xung đột, kỹ năng quản lý thời gian,… Đây cũng là những kỹ năng mà những người trẻ tuổi thường còn yếu và cần có thời gian để rèn luyện. Trong các nhóm kỹ năng, CSV đánh giá mức độ đáp ứng của mình đối với nhóm KNM nâng cao là thấp nhất. Mặc dù đây là nhóm kỹ năng giúp các ứng viên tạo được ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng nhưng lại là những kỹ năng chỉ có ở một số cá nhân xuất sắc nhất định.
Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng cho thấy, vẫn có một tỉ lệ không nhỏ sinh viên ra trường làm việc không đúng ngành nghề và cũng có những nhà tuyển dụng không yêu cầu bằng cấp đúng ngành nghề. Điều này cho thấy sự chưa cân xứng giữa nội dung, quá trình đào tạo của các trường đại học với nhu cầu công việc thực tế của thị trường lao động hiện nay.
Như vậy, nếu như trước đây, trình độ học vấn là yếu tố quyết định trong yêu cầu của nhà tuyển dụng, thì nay, những thay đổi từ nhu cầu của thị trường lao động và thực tiễn xã hội đã bổ sung thêm các tiêu chí tuyển dụng khác, trong đó những kỹ năng liên quan đến năng lực cá nhân như KNM cơ bản và KNM nâng cao,… được coi là những yếu tố quan trọng và có vai trò quyết định đến kết quả tuyển dụng. Điều này cho thấy tiêu chí tuyển dụng của nhà tuyển dụng lao động đang dần thay đổi, theo đó nhóm KNM cơ bản và nâng cao là những căn cứ chủ yếu quan trọng để đánh giá về năng lực của người lao động. Bên cạnh đó, đối với mỗi vị trí tuyển dụng và mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những kỹ năng ưu tiên buộc người lao động tham gia ứng tuyển phải thể hiện. Do đó, song song với việc trang bị các kiến thức chuyên môn như trước đây, cần bổ sung, rèn luyện thêm các KNM thiết yếu cần thiết cho sinh viên nhằm đáp ứng yêu cầu đang thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay.
Tài liệu tham khảo
1. Công ty cổ phần Khoa học và Công nghệ giáo dục Việt Nam (2012), “Dự án khảo sát sinh viên tốt nghiệp 2010 - 2011”.
2. Nguyễn Minh Đường, Phan Văn Kha (2006), Đề tài KX-05-10, “Đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
3. Hồng Hạnh (2010), “Bộ Giáo dục - Đào tạo thừa nhận 5 yếu kém của Giáo dục đại học”, truy cập ngày 15/4/2015, http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bo-gddt-thua-nhan-5-yeu-kem-cua-giao-duc-dh-357276.htm.
4. Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) (2009 - 2010), “Đánh giá chất lượng giáo dục bậc đại học ở Việt Nam (Cách tiếp cận từ thị trường lao động)”.
5. Trần Thị Thu Thắm (2006), “Khảo sát nhu cầu của nhà tuyển dụng tại Tp. Hồ Chí Minh về năng lực của ứng viên mới tốt nghiệp đại học”, Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh.
6. Trung tâm phân tích chính sách trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (2011), Giải pháp gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động ở Việt Nam, Hà Nội.
7. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (2010) , “Báo cáo kết quả điều tra thông tin cựu sinh viên K49, K50, K51”. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (2013), “Báo cáo kết quả điều tra thông tin cựu sinh viên K52, K53”.
* ThS.; Khoa Xó hội học, Trường Đại học Khoa học Xó hội và Nhõn văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
** ThS.; Khoa Xó hội học, Trường Đại học Khoa học Xó hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nguyễn Thị Lan; Mai Linh