Lý thuyết hệ thống của Niklas Luhmann về sự phân hóa của xã hội

15/04/2014

               LÝ THUYẾT HỆ THỐNG CỦA NIKLAS LUHMANN  

            VỀ SỰ PHÂN HÓA CỦA XÃ HỘI 1

LÊ NGỌC HÙNG *

Giới thiệu

Phiên bản bằng tiếng Anh có lẽ thuộc loại sớm nhất của lý thuyết này được nhà xã hội học người Đức tên là Niklas Luhmann2 gửi đăng trên Tạp chí Xã hội học Canada năm 1977. Đó là một bài viết có sức nặng như một “cuộc cách mạng khoa học”3 trong lý thuyết hệ thống về xã hội với nhan đề “Sự phân hóa của xã hội” (Differentiation of society: khác biệt hóa xã hội, phân hóa xã hội)4. Bài viết dài 25 trang với 32 mục giải thích ở cuối mỗi trang và danh mục hơn 70 tài liệu tham khảo, trong đó có 7 tài liệu của ông, 5 tài liệu của tác giả nổi tiếng là Talcott Parsons, nhưng không thấy tài liệu nào của những nhà xã hội học kinh điển như Karl Marx, Emile Durkheim, Max Weber, Georg Simmel, cũng không thấy tên Ludwig von Bertalanffy, tác giả nổi tiếng của lý thuyết hệ thống tổng quát (1950).

1. Phân hóa hệ thống

Cần ghi nhận ngay công lao to lớn của Luhmann trong công cuộc biến đổi có tính chất cách mạng hệ khái niệm (paradigm) của lý thuyết hệ thống qua việc ông thay thế quan niệm cũ, coi hệ thống là một tập hợp gồm các bộ phận và mối quan hệ của chúng bằng quan niệm mới, coi hệ thống như là sự khác biệt giữa hệ thống và môi trường. Luhmann phê phán cách tiếp cận lý thuyết kinh điển ít nhất ở hai điểm: một là quá tập trung vào hệ thống mà quên môi trường, hai là ngay cả khi có nói đến mối quan hệ giữa các hệ thống thì cũng chỉ tập trung ở bên trong hệ thống, khi xem xét các hệ thống sinh thái (ecosystems) và môi trường thì vẫn coi chúng như là một hệ thống bao chứa mà xem nhẹ mối quan hệ với môi trường và các giới hạn cùng các yếu tố can thiệp bên ngoài hệ thống. Trong bối cảnh biến đổi hệ khái niệm như vậy, Luhmann đã đặt ra nhiệm vụ là sử dụng sự khác biệt hệ thống và môi trường để đưa ra lý thuyết về phân hóa hệ thống nhằm làm rõ hệ thống xã hội của xã hội5. Luhmann kế thừa quan niệm của Talcott Parsons về thời gian, theo đó một hệ thống phức tạp không thể dựa vào mối quan hệ “một - một” giữa các biến bên ngoài và các biến bên trong mà yêu cầu phải có thời gian để xử lý thông tin và lựa chọn các phản ứng, điều này đòi hỏi phải có những cấu trúc hay những bộ phận khác thực hiện những phản ứng đó6. Các sự kiện bên ngoài đòi hỏi phải biến đổi mọi thứ ở bên trong cùng một lúc có thể sẽ làm phá hủy toàn bộ hệ thống7, do vậy sự phân hóa hệ thống là một biện pháp kĩ thuật cấu trúc để giải quyết những vấn đề như vậy của các hệ thống phức tạp trong các môi trường phức tạp. Nhưng Luhmann cũng lưu ý ngay là lý thuyết của Parsons mặc dù có phân biệt môi trường bên ngoài và môi trường bên trong nhưng vẫn chủ yếu nói đến các mối quan hệ liên hệ thống (intersystem). Luhmann cho rằng môi trường không đơn giản chỉ bao gồm các hệ thống khác với môi trường bên trong gồm các bộ phận của hệ thống với tính cách là một toàn thể, một siêu hệ thống (supersystem) mà còn chứa đựng cả các cơ hội lựa chọn, biến đổi hoặc lảng tránh các quan hệ với các hệ thống khác. Xuất phát từ những quan niệm này, Luhmann định nghĩa8: sự phân hóa hệ thống (system differentiation: khác biệt hóa hệ thống) như là sự tái lặp lại sự khác biệt giữa hệ thống và môi trường bên trong các hệ thống và là hình thức phản chiếu quá trình xây dựng hệ thống.

Khác hẳn cách tiếp cận lý thuyết hệ thống như là toàn thể và bộ phận, cách tiếp cận mới của Luhmann phân biệt hai loại môi trường trong các hệ thống được phân hóa: một là môi trường bên ngoài chung cho tất cả các tiểu hệ thống và hai là môi trường bên trong riêng cho từng tiểu hệ thống. Theo cách hiểu này, mỗi một tiểu hệ thống kiến tạo lại toàn bộ hệ thống và lại là toàn bộ hệ thống dưới một hình thức đặc biệt của sự khác biệt giữa hệ thống và môi trường. Phân hóa hệ thống thực hiện quá trình tái sản xuất hệ thống trong chính nó bằng cách phân chia nó thành các hệ thống bên trong và các môi trường, nhưng không phải là sự phân hủy thành các bộ phận nhỏ hơn mà là quá trình tăng trưởng bằng cách tách rời bên trong và do vậy làm phức tạp lên gấp bội các quan hệ, các tác động và ý nghĩa của những gì xảy ra trong hệ thống và môi trường. Luhmann lấy ví dụ9: giáo dục phổ cập bắt buộc và giáo dục đại chúng là vấn đề môi trường khác biệt đối với hệ thống chính trị, hệ thống kinh tế, hệ thống tôn giáo, hệ thống y tế,...

Luhmann chỉ ra một chức năng của phân hóa hệ thống là tăng cường tính chọn lọc của hệ thống trong một thế giới vô hạn, đầy biến động và bất ngờ10. Còn chức năng chủ yếu của hệ thống xã hội là vừa mở rộng và vừa giảm bớt tính phức tạp của các môi trường bên ngoài và bên trong sao cho các hệ thống khác tìm được cấu trúc đủ để hỗ trợ cho các ranh giới và các cấu trúc chọn lọc cao hơn. Điều này có nghĩa là sự phân hóa hệ thống diễn ra ở cấp độ hệ thống và tiếp tục xảy ra ở cấp độ các tiểu hệ thống, ở cấp độ tổ chức và các tương tác cụ thể với mức độ phức tạp đủ để hành động lựa chọn duy lý phải dành chỗ cho các bất ngờ và các cơ hội chọn lọc kiểu như chọn lọc tự nhiên ngoài tầm kiểm soát của người hành động11.

1.1. Các hình thức phân hóa hệ thống: phân mảng, phân tầng và phân hóa chức năng

Luhmann cho rằng, thuyết tiến hóa chỉ đúng một phần khi cho rằng sự tiến hóa là quá trình tăng lên của sự phân hóa hệ thống. Tuy nhiên, các xã hội rất khác nhau và do vậy khó có thể chỉ dựa vào mức độ phân hóa hay phức tạp hóa để đánh giá trình độ tiến hóa của các xã hội. Luhmann đã chỉ ra về mặt lý thuyết và lịch sử, tiến hóa chỉ có thể xuất hiện một số hình thức phân hóa hệ thống và đó là những hình thức kết hợp của hai sự lưỡng phân không đối xứng nhau là lưỡng phân hệ thống - môi trường và lưỡng phân bình đẳng - bất bình đẳng. Dựa vào nguyên lý của Alexander Goldenweiser (1937) về các khả năng có hạn về số lượng các giải pháp đối với các vấn đề cấu trúc, Luhmann chỉ ra ba hình thức phân hóa hệ thống của các xã hội là phân mảng, phân tầng, phân hóa chức năng và cho rằng ba hình thức đó là đủ để phát triển các xã hội rất phức tạp12.

Phân mảng (segmentation, phân khúc, phân đoạn)

Theo Luhmann, trong hình thức này xã hội bị phân hóa thành các tiểu hệ thống bình đẳng nhau, mà ở đây bình đẳng được hiểu là nguyên lý xây dựng hệ thống tự chọn lọc. Trong các xã hội cổ xưa đó là sự thừa kế hoặc thỏa thuận hoặc kết hợp cả hai. Bất bình đẳng được hiểu là kết quả của sự khác biệt do các điều kiện môi trường, do vậy bất bình đẳng không có chức năng hệ thống nhưng vẫn có ảnh hưởng quyết định đối với sự khác biệt có tính chất tiến hóa của các hệ thống xã hội khác nhau.

Phân tầng (stratification)

Theo Luhmann, đây là hình thức phân hóa xã hội thành các tiểu hệ thống bất bình đẳng. Điều này xảy ra do sự trùng hợp ngẫu nhiên của các cặp bất đối xứng là hệ thống/ môi trường và bình đẳng/ bất bình đẳng với nghĩa bình đẳng trở thành chuẩn mực đối với giao tiếp bên trong và bất bình đẳng là chuẩn mực đối với giao tiếp với môi trường. Trong xã hội phân tầng, bình đẳng xảy ra giữa các công dân cùng một tầng lớp của xã hội và bất bình đẳng xảy ra giữa các tầng lớp của xã hội.

Mặc dù không viện dẫn Weber nhưng Luhmann cũng cho rằng sự phân tầng đòi hỏi sự phân phối không đều của cải và quyền lực nói riêng, và sự phân phối bất bình đẳng các khả năng giao tiếp nói chung theo cách của Luhmann. Luhmann cho rằng không nên quá chú trọng khía cạnh bất bình đẳng của phân tầng theo nghĩa thống trị và bóc lột như xã hội học mác xít và cả xã hội học tư sản vẫn thường nhấn mạnh. Bởi vì ông cho rằng bình đẳng cũng quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn với tính cách là một nguyên lý xác định bản sắc của các tiểu hệ thống.

Theo Luhmann, vấn đề đạo đức của bình đẳng và bất bình đẳng là vấn đề vốn có của các xã hội phân tầng, được diễn đạt theo lý thuyết về công bằng nhưng không thể “giải quyết” theo nghĩa này13. Đạo đức hóa chỉ có chức năng thứ hai, tức là các chức năng hệ tư tưởng. Vấn đề cấu trúc của các xã hội phân tầng là việc nhận dạng các tiểu hệ thống đòi hỏi việc xác định môi trường của chúng theo trật tự cấp bậc hoặc sự lưỡng phân bình đẳng/ bất bình đẳng. Theo nghĩa này, tầng lớp trên thường được nhận diện là toàn thể xã hội và là mục tiêu xác định các vị trí của các tầng lớp khác ở bên dưới với tính cách như là các bộ phận và như là phương tiện. Vấn đề cấu trúc của phân hóa dưới hình thức phân tầng là ở chỗ nó kiềm chế tính phức tạp của hệ thống toàn xã hội và nó có thể được thiết chế hóa chỉ khi nào không thể đạt được một mức độ phức tạp cao hơn, do vậy, Luhmann đồng ý với Tocqueville rằng sự gia tăng của cải có xu hướng cách mạng hóa các hệ thống phân tầng14. Luhmann nói đến vấn đề giao tiếp của các tầng lớp bên dưới trong xã hội phân tầng: để gây chú ý và để trở thành chủ đề của các giao tiếp quan trọng, các tầng lớp dưới có thể phải sử dụng các phương tiện duy nhất là mâu thuẫn, xung đột dưới hình thức các phong trào xã hội, các cuộc phản kháng, phản ứng hay khởi nghĩa15. Cách gây chú ý này có thể dẫn đến các hệ quả là thúc đẩy xã hội phát triển nhưng Luhmann cũng cho biết ngay là rất hiếm khi xã hội biến đổi bằng giao tiếp16. Tuy nhiên, Luhmann cũng chi ra rằng trong xã hội hiện đại, các phương tiện, kĩ thuật giao tiếp đã thay đổi nhanh chóng và điều này làm tăng cơ hội giao tiếp giữa các tầng lớp xã hội và cách thức gây chú ý dưới hình thức phản ứng, phản kháng của tầng lớp dưới có vẻ giảm đi. Luhmann cũng lưu ý rằng, trong xã hội ngày nay, các thành viên của tầng lớp trên trở thành những người được thông tin17, những “người của công chúng” và họ phải biết những gì xảy ra ngay sau khi những thông tin về họ được công bố. Trong mọi trường hợp, cần tìm hiểu và triển khai ý tưởng này của Luhmann trong việc dự phòng và giải quyết các mâu thuẫn, xung đột xã hội có thể xảy ra do sự phân hóa xã hội mà cụ thể ở đây là do sự tắc nghẽn giao tiếp giữa các tầng lớp gây ra. Giải pháp chung mà ta có thể rút ra từ lý thuyết của Luhmann ở đây là cần phải xem xét và cải tiến cách thức và phương tiện, kĩ thuật giao tiếp giữa các tầng lớp trong xã hội sao cho giao tiếp được thông suốt và thông tin được minh bạch, tức là tăng cường dân chủ hóa18.

Phân hóa chức năng (functional differentiation)

Theo Luhmann, vì tất cả các chức năng cần thiết của xã hội đều phải được thực hiện và đều phụ thuộc lẫn nhau nên xã hội tự nó khó có thể quyết định ưu tiên chức năng nào. Lúc đó xã hội phải sử dụng cấp độ thứ hai của việc xây dựng tiểu hệ thống để thiết chế hóa thứ tự ưu tiên của các chức năng đối với một tập hợp đặc biệt các mối quan hệ giữa hệ thống và môi trường. Trên cấp độ này, phân hóa xã hội bắt đầu từ phân hóa các vai, ở mức độ ít nhất và cụ thể nhất là phân biệt hai vai, có thể gọi là lưỡng phân vai, tạo nên các kỳ vọng bổ sung nhau xung quanh một chức năng: ví dụ, phân hóa vai người dạy và người học xung quanh chức năng giáo dục.

Phân hóa chức năng làm thay đổi sự phân bố bình đẳng và bất bình đẳng trong xã hội và điều này thể hiện ở chỗ các tiểu hệ thống chức năng không bình đẳng nhau nhưng các môi trường tương ứng của chúng lại bình đẳng nhau. Do vậy, như là một nghịch lý, Luhmann cho rằng một xã hội phân hóa chức năng sẽ trở thành hoặc phải tỏ ra là một xã hội bình đẳng với tính cách là một tập hợp toàn bộ các môi trường bình đẳng nhau của các tiểu hệ thống chức năng bất bình đẳng19. Lịch sử của xã hội cho thấy, sự phân hóa chức năng tăng lên bao gồm sự phân hóa kinh tế, giáo dục, khoa học đã làm thay đổi mô hình lý tưởng quy chuẩn về sự bình đẳng ở thế kỷ XVIII.

Luhmann cho rằng bằng cách phân hóa chức năng, xã hội có thể làm tăng gấp bội các đặc trưng của các quan hệ chức năng và đồng thời làm tăng tính mở của các môi trường bên trong mà với chúng, các tiểu hệ thống thực hiện các chức năng của mình20. Xã hội làm tăng sự phụ thuộc bên trong bằng cách phân định và thiết chế hóa các chức năng, đồng thời làm giảm sự phụ thuộc lẫn nhau ở bên trong bằng cách nới lỏng mối tương quan bù trừ của hệ thống và môi trường.

Tóm lại, Luhmann đã áp dụng lý thuyết phân hóa hệ thống trong phân tích các xã hội và cho thấy một sự khác biệt quan trọng giữa cách tiếp cận lý thuyết mới và cũ như sau: Quan hệ của từng tiểu hệ thống chức năng riêng biệt với xã hội là không đồng nhất với quan hệ của từng tiểu hệ thống với môi trường xã hội của nó. Mối quan hệ của từng tiểu hệ thống với môi trường bên trong cũng không đơn giản là một tập hợp các quan hệ liên hệ thống (inter-system) giữa các hệ thống.

1.2. Các hệ quy chiếu hệ thống: chức năng, biểu diễn, phản chiếu

Theo Luhmann, mỗi một tiểu hệ thống định hướng các thao tác chọn lọc của nó vào ba hệ quy chiếu hệ thống khác nhau như sau21: i) định hướng vào hệ thống của xã hội với nghĩa là thực hiện chức năng của nó đối với xã hội; ii) định hướng vào các tiểu hệ thống khác trong môi trường bên trong của xã hội với nghĩa là các biểu diễn đầu vào và đầu ra; iii) định hướng vào bản thân với nghĩa là phản chiếu.

Các hệ quy chiếu hệ thống này cũng như các tiêu chuẩn chọn lọc đối với chức năng, biểu diễn và phản chiếu là không đồng nhất. Do vậy, theo Luhmann, các xã hội phân hóa chức năng khó có thể chỉ huy được bởi những bộ phận dẫn đầu. Ví dụ, các nhóm tinh hoa (elites) giống như ở các xã hội phân tầng và cũng không hợp lý hóa được bởi các chuỗi quan hệ gồm phương tiện và mục đích. Để nắm bắt được tính phức tạp cấu trúc của các xã hội phân hóa chức năng cần phải đồng thời tính đến một số hệ quy chiếu hệ thống và môi trường như vừa nêu.

Luhmann cho rằng, sự phân hóa chức năng đòi hỏi các tiểu hệ thống phải có năng lực phân hóa và tái kết hợp chức năng, biểu diễn và phản chiếu22. Đây là cách duy nhất mà các tiểu hệ thống có thể đạt được sự tự chủ thao tác như là các hệ thống - trong - môi trường - của chúng mà hệ quả quan trọng được kỳ vọng ở đây là các cấu trúc thời gian của xã hội. Trong đó định hướng biểu diễn chủ yếu nhằm vào thời tương lai, định hướng phản chiếu nhằm vào thời quá khứ và định hướng chức năng nhằm vào thời hiện tại. Luhmann lấy ví dụ về hệ thống giáo dục23: chức năng của giáo dục là xã hội hóa các cá nhân cho phù hợp với môi trường của các hệ thống xã hội tương lai, sự biểu diễn của nó là chuẩn bị nghề nghiệp cho mọi người ở thời hiện tại và giáo dục nhân văn là sự phản chiếu bản sắc đã được hình thành trong lịch sử tức là thời quá khứ. 

Theo thuyết chức năng cổ điển và quy chuẩn, xã hội luôn có một tập hợp nhất định các vấn đề “tồn tại” ở cấp độ toàn xã hội và các vấn đề này như là các yêu cầu chức năng đòi hỏi “phải được giải quyết” để xã hội tiếp tục sống sót24. Tuy nhiên, Luhmann cho rằng sự phân hóa chức năng có khả năng thay thế các vấn đề ở cấp độ toàn xã hội bằng các vấn đề ở cấp các tiểu hệ thống, nhưng không đơn giản bằng cách ủy quyền hay phi tập trung hóa các trách nhiệm mà bằng cách phân hóa các hệ quy chiếu chức năng, biểu diễn và phản chiếu của các tiểu hệ thống. Ông phát hiện thấy các tiểu hệ thống rất khác nhau về năng lực phân hóa và do vậy có khả năng lựa chọn hoặc thay thế các chức năng, biểu diễn và phản chiếu một cách rất khác nhau, ví dụ: tiểu hệ thống nghệ thuật có thể sử dụng sự phản chiếu thay cho chức năng và biểu diễn25. Từ những phân tích này, Luhmann kết luận: phân hóa chức năng có tác động chọn lọc đối với các chức năng với nghĩa là thúc đẩy phát triển chức năng này và kiềm chế các chức năng khác, do vậy ảnh hưởng đến sự tiến hóa của các xã hội.

2. Các quan điểm tiến hóa

Luhmann áp dụng quan điểm tiến hóa trong phân biệt và phân tích ba hình thức phân hóa căn cứ vào các lưỡng phân hệ thống và môi trường, bình đẳng và bất bình đẳng để chỉ ra rằng các xã hội khác nhau không đơn giản là do sự khác biệt về hình thức phân hóa theo kiểu lưỡng phân26. Bởi vì các hình thức phân hóa gồm phân mảng, phân tầng và phân hóa chức năng không loại trừ nhau mà còn bao hàm nhau theo kiểu tiến hóa nhưng với những hạn chế nhất định. Ví dụ, các xã hội phân mảng có thể phát triển sự phân tầng nhưng chỉ dưới hình thức “tổ chức kiểu kim tự tháp”, các xã hội này phân hóa các tình huống và các vai gia đình liên quan tới chức năng nhưng không có khả năng phát triển các hệ thống xã hội bền vững xung quanh các chức năng cụ thể. Trong khi đó, các xã hội phân tầng phải sử dụng sự phân mảng bởi vì các tầng lớp được tạo bởi các gia đình và các cá nhân. Sự phân tầng phụ thuộc vào sự phân mảng nhưng nó chỉ sử dụng sự phân mảng ở cấp độ thứ hai của sự phân hóa khi xác định sự bình đẳng của các tiểu hệ thống và môi trường bên trong của các nhóm vị thế. Sự phân tầng cũng tương thích với sự phân hóa chức năng ở cấp độ các vai cụ thể và ở cấp độ các hệ thống vai, ví dụ các tổ chức lao động, tôn giáo hay hành chính.

Luhmann chỉ ra rằng, sự phân hóa chức năng phụ thuộc vào sự phân mảng bên trong các tiểu hệ thống chức năng. Ông nêu một ví dụ rõ nhất ở đây là hệ thống chính trị: ngay cả hệ thống toàn cầu của xã hội trong thế giới ngày nay cũng không thay đổi được một thực tế là chức năng chính trị cần phải có nền tảng lãnh thổ để ra các quyết định cũng như để thực thi các quy tắc đồng thuận và dân chủ. Do vậy, hệ thống chính trị bị phân hóa theo lãnh thổ tức là phân mảng thành các nhà nước chính trị không phải với tính cách là “tàn dư” của lịch sử mà rõ ràng với tính cách là điều kiện tiên quyết để thực hiện các chức năng cụ thể của nó27.

Sự phân tầng cũng phải thay đổi hình thức và nội dung của nó để thích nghi với xã hội phân hóa chức năng cũng như để tiếp thu sự phê phán của các nhà xã hội học mác xít và các nhà xã hội học tư sản28. Luhmann cho biết: phân tầng không còn là hình thức hàng đầu của sự phân hóa xã hội và không còn đóng khung ở hệ thống phân chia đẳng cấp mà biến đổi sang hệ thống phân tầng giai cấp mở, liên tục được tái sản xuất dưới tác động của phân hóa chức năng mà sự khác nhau giữa xã hội “tư bản chủ nghĩa” và “xã hội chủ nghĩa” chủ yếu là ở mức độ can thiệp của bộ máy tổ chức hành chính29. Luhmann rút ra kết luận về sự tăng dần mức độ phức tạp  các môi trường của các tiểu hệ thống và mức độ tương thích của hình thức phân hóa trong quá trình phát triển từ xã hội phân mảng sang xã hội phân tầng và sang xã hội phân hóa chức năng, trong đó mức độ tương thích phụ thuộc vào mức độ phức tạp của các môi trường bên trong của các tiểu hệ thống30. Do vậy, theo quan điểm tiến hóa, phân hóa hệ thống là yếu tố tạo ra sự biến đổi, chọn lọc, ổn định các kết quả tiến hóa và do vậy xác định các điều kiện cho sự tiến hóa tiếp theo. 

3. Các điều kiện và các tác động phụ của sự phân hóa hệ thống

Theo Luhmann, các hình thức phân hóa phụ thuộc vào các điều kiện cấu trúc khác nhau và do vậy có thể tạo ra các tác động phụ khác nhau thể hiện ở31: Ranh giới hệ thống; quy mô; cấu trúc thời gian; và cấp độ kỳ vọng.

Về các ranh giới hệ thống, bất kỳ một hình thức phân hóa nào cũng bao hàm các ranh giới của hệ thống bị phân hóa. Các ranh giới phân định môi trường bên trong và thiết lập các quan hệ chọn lọc giữa các môi trường bên trong và bên ngoài. Các ranh giới không ngăn chặn mà xúc tiến sự hợp tác và mâu thuẫn xuyên qua ranh giới. Luhmann nêu ví dụ: quan niệm cổ điển của Trung Quốc phân biệt văn minh với dã man ngoại lai và tỏ ra ưu tiên cho văn hóa và quân sự, trong khi đó quan niệm châu Âu về biên giới phân biệt các hệ thống pháp luật và chính trị lại có xu hướng chính trị hóa các quan hệ bên ngoài.

Về quy mô hệ thống, Luhmann cho rằng khái niệm này nói đến số lượng các yếu tố của hệ thống mà các mối quan hệ giữa chúng tạo thành hệ thống. Do vậy, sự mở rộng các ranh giới hệ thống là cách làm tăng quy mô của hệ thống, nhưng đó không phải là cách duy nhất. Ưu thế của quy mô không nằm ở năng lực hiện thực hóa tất cả các quan hệ có thể có giữa các yếu tố mà ở cơ hội chọn lọc những quan hệ quan trọng nhất. Do vậy, tăng quy mô có nghĩa là tăng tính chọn lọc. Cùng với mức độ phân hóa tăng dần, quy mô của hệ thống và tính chọn lọc của hệ thống cũng tăng lên. Các lý thuyết xã hội học khác nhau có xu hướng lựa chọn khác nhau các biến dân số và giao tiếp khi giải quyết vấn đề tăng quy mô của hệ thống mà theo Luhmann là cần phải kết hợp cả hai loại biến này. Các biến dân số nói đến mức tăng trưởng của dân số và là các biến bên ngoài bởi vì các cá nhân là các hệ thống hữu cơ - tâm lý thuộc về môi trường của hệ thống giao tiếp xã hội. Chỉ có các biến giao tiếp mới liên quan đến các quá trình bên trong của các hệ thống xã hội. Do vậy, một cộng đồng có mật độ dân số thấp vẫn có thể có mật độ giao tiếp cao, tức là vẫn có quy mô lớn và ngược lại.

Theo Luhmann, giao tiếp với mật độ cao32 được phát triển theo ba bước, từ giao tiếp cơ thể sang giao tiếp lời nói, sang giao tiếp viết và giao tiếp đại chúng. Giao tiếp đại chúng không đơn giản là cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề giao tiếp mà nó có ảnh hưởng chọn lọc đối với hầu như tất cả các tiểu hệ thống và toàn bộ hệ thống bởi vì một khi thông tin được công bố đại chúng thì ngay lập tức hình thành tri thức chung, có sẵn, gán cho mà hành động phải dựa vào bất chấp các ý kiến có thực sự thay đổi hay không. Giao tiếp đại chúng ảnh hưởng đến cấu trúc thời gian, đến các khung thời gian của sự trải nghiệm và hành động do sự phản chiếu xã hội của việc phải tính đến những gì mà người khác biết. Luhmann phát hiện ra vấn đề của giao tiếp đại chúng không phải là vấn đề thống nhất các ý kiến mà là vấn đề co lại của thời gian, làm giảm các cơ hội ở các tiểu hệ thống chức năng khác, do vậy yêu cầu kiểm soát chính trị đối với giao tiếp đại chúng không chỉ là yêu cầu vì sự đồng thuận nhiều hơn mà còn là yêu cầu phải giữ cho được một tương lai mở đầy khuyến khích. 

Về các cấu trúc thời gian, phân hóa chức năng làm thay đổi hiện thực của thời hiện tại bằng thời nối tiếp nhau của các sự kiện và các hành động khác nhau, và như thế là thời gian hóa tính phức tạp của hệ thống nói chung và môi trường bên trong nói riêng. Theo Luhmann, các quan niệm về thời gian và phạm vi thời gian đã thay đổi như sau: vào đầu thế kỷ XVII bắt đầu diễn ra sự thay đổi quan niệm về thời hiện tại theo hướng quy giản nó vào thời tức khắc mà thiếu sự liên tục vốn có và phụ thuộc vào các nguyên nhân thứ cấp cùng sự nỗ lực của con người trong việc bảo tồn, duy trì nó. Đến nửa sau thế kỷ XVIII mới có các thử nghiệm thay đổi phạm vi của thời quá khứ và thời tương lai, đồng thời kiến tạo lại thời hiện tại thành điểm xuất phát thậm chí là thời điểm quyết định giữa các thời quá khứ và các thời tương lai rất khác nhau. Cũng trong hai thế kỷ này đã diễn ra sự chuyển hóa xã hội châu Âu từ xã hội phân tầng sang xã hội phân hóa chức năng. Mối tương quan của các cấu trúc thời gian và các hình thức phân hóa của xã hội được lý thuyết phân hóa của Luhmann giải thích bằng cách chỉ ra tính phức tạp tăng lên của các môi trường bên trong và các hệ quả của sự hội nhập và giao tiếp liên hệ thống. Nói cách khác, sự phân hóa chức năng dẫn đến sự tách biệt việc tạo ra vấn đề ra khỏi việc giải quyết vấn đề với nghĩa là vấn đề không còn được giải quyết bởi một hệ thống tạo ra nó nữa mà phải được chuyển cho một hệ thống khác được trang bị và chuyên môn hóa để giải quyết. Điều này cũng có nghĩa là sự phụ thuộc lẫn nhau được gián tiếp hóa thông qua thời gian và áp lực thời gian tăng lên khi các xã hội phân hóa chức năng cần nhiều thời gian hơn nhưng lại có ít thời gian hơn, quá khứ và tương lai phức tạp hơn, gắn kết với nhau hơn nhưng phạm vi thời gian lại thu hẹp hơn so với các xã hội phân tầng và xã hội phân mảng33.

Về các cấp độ kỳ vọng, Luhmann cho rằng các áp lực thời gian gây ảnh hưởng đặc biệt đến cấu trúc thể hiện ở chỗ làm tăng tốc độ biến đổi cấu trúc và hơn nữa làm thay đổi các kỳ vọng về các cấu trúc của cuộc sống hàng ngày. Rất khó phân biệt một kỳ vọng này với một kỳ vọng khác bởi vì các kỳ vọng xuất hiện trong những tình huống cụ thể và thường gắn với nhau thành từng nhóm. Do vậy, thường là các cá nhân phải biết giá phải trả của một kỳ vọng trước khi có thể ra quyết định nắm giữ hay từ bỏ một kỳ vọng.

Theo Luhmann, các kỳ vọng của hành vi con người có thể được xác định bởi các hệ giá trị, bởi các chương trình hay chuẩn mực hoặc mục tiêu, bởi các vai hoặc bởi những người được quy chiếu34. Đây là các cấp độ kỳ vọng theo trật tự từ trừu tượng đến cụ thể và được hình thành, sử dụng trong các tình huống cụ thể. Luhmann nêu ví dụ: việc chào hỏi lẫn nhau hoặc một cuộc trò chuyện nhỏ giữa các bạn bè có thể được kỳ vọng như là một giá trị, như một điều kiện của quy tắc, chuẩn mực hoặc như một phần của vai người bạn, hoặc đơn giản như hành vi của một người được biết tên. Khi làm điều này chúng ta không cần phải xác định xem mức độ nào là phù hợp nhưng khi kỳ vọng bị buộc phải thay đổi thì lúc đó sẽ phải tìm hiểu xem mức độ đối lập nào là phù hợp. Do vậy, sự phân hóa về các giá trị, chương trình, vai và các bản sắc cá nhân sẽ tăng lên khi sự phân hóa chức năng của hệ thống toàn xã hội tăng tốc quá trình thay đổi và phủ nhận. Trong xã hội ngày nay, tính phức tạp cấu trúc của nó chủ yếu được thể hiện ở cấp độ các chương trình và các vai rất đa dạng trong khi hệ giá trị trở thành hệ tư tưởng và con người trở thành các cá nhân35

Theo Luhmann, xã hội phân tầng tạo ra quan niệm về “cuộc sống tốt đẹp” theo cách cảm hứng và hiện thực hóa của tầng lớp trên. Nhưng xã hội phân hóa chức năng lại tạo ra những kỳ vọng rất khác nhau về cuộc sống và điều này tùy thuộc vào tình huống cụ thể, thời gian cụ thể kể cả những quyết định “phải thay đổi mà không rõ chuyện gì tiếp theo”. Tình huống này được Luhmann coi như là sự phân ly của sự hội nhập xã hội và hội nhập hệ thống và chỉ có thể được giải thích như là một vấn đề thỏa hiệp của phân hóa chức năng trong xã hội hiện đại36.  

Kết luận

Trong mục cuối bài viết của mình, Luhmann nhấn mạnh lại rằng, cách tiếp cận cũ về lý thuyết hệ thống sử dụng hệ khái niệm toàn thể và bộ phận đã bỏ qua mối tương thích cấu trúc của các môi trường đối với các hệ thống và cũng bỏ qua các quan điểm phát triển. Các hạn chế lý luận này dẫn đến hệ quả là tách rời lý thuyết về trật tự ra khỏi lý thuyết về phát triển, tách rời tĩnh học ra khỏi động học, cấu trúc khỏi quá trình mà các mối tương quan này vốn là trọng tâm hàng đầu của lý thuyết xã hội học. Tuy nhiên, Luhmann cho rằng cách tiếp cận lý thuyết phân hóa không nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra như vậy mà làm tăng tính phức tạp của cả hai cách tiếp cận lý thuyết này để tạo ra các cơ hội tốt hơn cho sự kết hợp của chúng.  

Về nhiệm vụ thứ nhất, làm tăng tính phức tạp của cả hai lý thuyết tiến hóa và lý thuyết hệ thống, có thể thấy Luhmann đã hoàn thành một cách tốt nhất ngay trong một bài viết 25 trang của ông về sự phân hóa của xã hội. Lý thuyết phân hóa về xã hội của Luhmann đã được cấu trúc một cách rất phức tạp theo kiểu phân hóa hệ thống với nghĩa là tái lặp lại sự khác nhau giữa hệ thống và môi trường trong các hệ thống, cụ thể ở bài viết của ông là sự tái lặp lại một cách khác nhau quan niệm phân hóa về xã hội trong cả sáu mục lớn cùng với nhiều thuật ngữ, khái niệm, quan niệm mới phức tạp. Bằng cách làm tăng tính phức tạp lý luận như vậy, Luhmann đã có thể tạo ra nhiều hơn các khả năng cho sự kết hợp hai lý thuyết tiến hóa và lý thuyết hệ thống, tức là bắt đầu hoàn thành nhiệm vụ thứ hai của mình. Tuy nhiên, để xây dựng một lý thuyết tổng quát, lý thuyết vĩ đại (grand theory)37, không chỉ cần nhiều hơn tính phức tạp của hai lý thuyết này mà cả những lý thuyết khác nữa, đồng thời cũng cần nhiều hơn các bằng chứng lịch sử và các bằng chứng nghiên cứu kinh nghiệm như chính Luhmann tự nhận rõ ở cuối bài viết của mình. Rất khó có thể rút ra được một kết luận cụ thể nào từ một mê cung lý thuyết như Luhmann đã xây dựng và do vậy, có lẽ cách tốt nhất là nêu lại nhưng theo một cách khác những tóm tắt của chính Luhmann như sau: Phiên bản tiếng Anh có thể nói là đầu tiên về của lý thuyết phân hóa của Luhmann (1977) bàn về sự biến đổi có tính cách mạng trong hệ khái niệm, mặc dù ông chưa sử dụng thuật ngữ “cách mạng” của lý thuyết hệ thống, theo đó hệ thống như một toàn thể và các bộ phận của nó được ông thay thế bằng một hệ thống như sự phân hóa hệ thống và môi trường38. Cách tiếp cận lý thuyết mới này được Luhmann sử dụng để: a) phân tích ba hình thức phân hóa của xã hội là phân mảng, phân tầng và phân hóa chức năng; b) xem xét các vấn đề bên trong của các xã hội phân hóa trong phạm vi các hệ quy chiếu chức năng, biểu diễn, phản chiếu; và c) đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu tiếp theo là phân hóa và kết hợp lý thuyết hệ thống và lý thuyết tiến hóa nhằm xây dựng lý thuyết hệ thống tổng quát, “lý thuyết vĩ đại” mà mãi sau này ông mới có thể hoàn thành. Tóm lại, cần ghi nhận công lao của Luhmann không chỉ ở việc ông tiến hành một “cuộc cách mạng khoa học” trong hệ khái niệm của lý thuyết hệ thống về xã hội theo cách tiếp cận phân hóa, mà còn ở những nhận định rất quan trọng và cần thiết mà ông đã gợi ra cho các nghiên cứu tiếp theo về các giải pháp thực tiễn đối với những vấn đề đặt ra ở cấp độ hệ thống toàn xã hội và những vấn đề của các tiểu hệ thống của xã hội, nhất là trong xã hội đang đổi mới hiện nay.   

 

Tài liệu tham khảo

1. Emile Durkheim (1893), The division of labour in society, London: Macmillan Press, 1984.  

2. Lê Ngọc Hùng (2013), Lý thuyết xã hội học hiện đại, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. Thomas Kuhn (1962), Cấu trúc các cuộc cách mạng, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2008. 

4. Niklas Luhmann (1977), “Differentiation of society”, in trong Canadian Journal of Sociology, Vol 2. No. 1. 1977. Pp. 29-53.

5. Niklas Luhmann (1990), “The Paradox of System Differentiation and the Evolution of Society” in trong Jeffrey C. Alexander and Paul Colomy (Eds.) (1990), Differentiation Theory and Social Change: Comparative and Historical Perspectives, Columbia University Press, New York, tr. 409-440.

6. Robert K. Merton (1967), On Theoretical Sociology: Five essays, old and new, New York: The Free Press.  

7. Wright Mills (1959), The Sociological Imaginatio,  New York: Oxford University Press.

8. Talcott Parsons, The Social System (1951), Glencoe Illinois: Free Press.   

 

 


* GS.TS.: Viện Xã hội học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

1 “Nghiên cứu này được tài trợ bởi Qũy phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia ( NAFOSTED) trong đề tài mã số I3.2-2011.17”.

 

2 Niklas Luhmann (1927-1998) học luật ở Đại học Freiburg năm 1946 - 1949. Năm 1961, ông đến dự khóa học do nhà xã hội học Talcott Parsons là người hướng dẫn khoa học tại Đại học Harvard. Từ năm 1963 đến năm 1975, ông đã cho xuất bản hơn 15 công trình khoa học của mình,trong đó có 2 cuốn sách được chấp nhận như là luận án tiến sĩ và tác giả được coi là có đủ tư cách nhận chức danh giáo sư tại Đại học Münster năm 1966. Năm 1965-1966 ông tham dự một học kỳ về xã hội học tại Đại học Mũnster, năm 1968-1969, ông làm giảng viên Đại học Frankfurt, sau đó được bổ nhiệm giáo sư tại Đại học Bielefeld (Đức) và làm việc ở đó cho đến năm 1993. Trong thời gian nghỉ hưu ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và cho xuất bản hơn chục công trình khoa học, trong đó có tác phẩm chính tên tiếng Đức là Die Gesellschaft der Gesellschaft dịch nguyên văn sang tiếng Anh là "The Society of Society" (Xã hội của xã hội) xuất bản năm 1997.

3 Thuật ngữ của Thomas Kuhn (1962) đưa ra để bàn về con đường phát triển bất thường của khoa học, khác hẳn con đường “chính thường”, “bình thường” kiểu tích lũy các bằng chứng, tri thức khoa học. (Thomas Kuhn (1962), Cấu trúc các cuộc cách mạng, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2008). 

4 Bài này giới thiệu theo kiểu “phân hóa hệ thống”, nguyên văn bài viết tiếng Anh của Niklas Luhmann (1977), “Differentiation of society” trong Canadian Journal of Sociology, Vol 2. No. 1, 1977, Pp. 29-53.

5 Cần ghi nhận công lao của Luhmann trong việc phân biệt xã hội (society) với hệ thống toàn xã hội (societal system: hệ thống toàn thể xã hội), hệ thống xã hội (social system), hệ thống bao chứa (encompassing system) bởi vì nhiều người nghiên cứu lý thuyết và người thực hành thường lẫn lộn các thuật ngữ này.

6 Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 30.

7 Điều này có lẽ tương tự như sự kiện: nếu tất cả các khách hàng có tiền gửi ở ngân hàng đều cùng một lúc đòi rút tiền của họ ra khỏi ngân hàng thì toàn bộ hệ thống ngân hàng có thể bị sụp đổ, phá sản.

8 Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 31.

9 Niklas Luhmann (1977), Sđd,  tr. 31.

10 Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 31.

11 Luhmann không trích dẫn tài liệu nào của Max Weber nhưng có nhắc đến tên Weber ở đây khi lưu ý rằng lý thuyết hệ thống của ông không dựa vào khái niệm của Weber về hành động có ý nghĩa. Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 32. Lý thuyết của Luhmann không phủ nhận hành động và người hành động nhưng hệ thống của ông không trực tiếp bao gồm hành động (action) cũng không bao gồm người hành động (actors) như quan niệm của Weber, Parsons và một số tác giả khác mà bao gồm các tương tác (interactions) và giao tiếp (communication). Nhưng rõ ràng là Luhmann sẽ rất khó có thể xem xét các tương tác và giao tiếp mà không nói đến những con người thực hiện những hành vi, hành động tạo nên hai quá trình này.

12 Niklas Luhmann (1977), Sđd. tr. 33. Trong phiên bản tiếng Anh của Luhmann (1977), chữ “phân hóa”  (differentiation: khác biệt hóa) được tái sử dụng một lần trong ba hình thức phân hóa hệ thống. Trong phiên bản tiếng Anh sau này của Luhmann (1990), xuất hiện thêm một hình thức phân hóa nữa là phân hóa trung tâm - ngoại vi của các xã hội và chữ “phân hóa” được tái sử dụng bốn lần tương ứng với bốn hình thức là segmentary differentiation, differentiation of center and periphery, stratificatory differentiation, functional differentiation. Xem: Niklas Luhmann (1990), “The Paradox of System Differentiation and the Evolution of Society” in trong: Jeffrey C. Alexander and Paul Colomy (Eds.), Differentiation Theory and Social Change: Comparative and Historical Perspectives, Columbia University Press, New York, 1990, tr. 409 - 440, tr. 423.

13 Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 34.

14 Nhưng Luhmann ghi chú ngay trường hợp ngoại lệ, thậm chí trái ngược là nước Trung Quốc cổ đại: người Trung Quốc đã rất thành công trong việc sử dụng tiểu hệ thống chức năng giáo dục để thực hiện chức năng kép là thu hút người giàu vào hệ thống vị thế hiện hành lúc bấy giờ và hóa giải tính phức tạp xã hội bằng các chủ đề kinh điển của giáo dục. Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 34. Nhận xét tinh tế này của Luhmann có thể gợi ra giải pháp đối với những vấn đề mâu thuẫn, xung đột có thể xảy ra từ phân hóa xã hội nói chung và phân hóa giàu nghèo nói riêng ở Việt Nam hiện nay.

15 Theo xã hội học mác xít, các phản ứng này không chỉ để gây chú ý mà có lẽ chủ yếu là để giải quyết những vấn đề lợi ích kinh tế.

16 Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 35. Lý thuyết hệ thống của Luhmann coi trọng giao tiếp có lẽ là do phát hiện thấy xã hội có thể tự biến đổi, tự phát triển bằng cách tự làm phức tạp hóa, tự tái sản xuất tức là (tự) phân hóa hệ thống. Nếu coi giao tiếp như là đối thoại, thì các xã hội ngày nay đang có xu hướng đề cao giải quyết các vấn đề tranh chấp và cả vấn đề của phát triển bằng đối thoại tức là giao tiếp.

17 Điều này có vẻ như lý thuyết phân hóa xã hội tự mâu thuẫn với chính nó khi lý thuyết này cũng cho rằng xã hội khó có thể biến đổi bằng giao tiếp. Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 35.

18 Có thể coi lý thuyết phân hóa xã hội của Luhmann nói chung và khái niệm về giao tiếp của ông nói riêng là cơ sở lý luận của dân chủ hóa xã hội ngày nay với các trụ cột là thông tin công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình.

19 Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 36.

20 Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 36.

21 Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 36.

22 Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 37.

23 Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 39.

24 Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 39. Luhmann không nêu rõ tên tác giả của thuyết chức năng này nhưng có thể quy chiếu đến Talcott Parsons, tác giả của lý thuyết về hệ thống xã hội phân hóa thành các tiểu hệ thống AGIL do các yêu cầu chức năng (functional imperatives) tương ứng là thích nghi (Adaptation), hướng đích (Goal-attainment), hội nhập (Integration) và duy trì khuôn mẫu lặn (Latent-pattern maintanance). Talcott Parsons (1951), The Social System, Glencoe Illinois: Free Press. Xem thêm Lê Ngọc Hùng (2013), Lý thuyết xã hội học hiện đại, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 131-158. 

25 Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 39.

26 Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 40.

27 Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 41.

28 Đây là lần thứ hai trong bài viết này Luhmann vừa phân biệt, vừa kết hợp xã hội học mác xít với xã hội học tư sản khi bàn về sự phân tầng.

29 Luhmann không giải thích rõ hơn, nhưng có thể hiểu rằng ở xã hội xã hội chủ nghĩa, sự can thiệp theo kiểu phân phối lại bởi bàn tay hữu hình của cơ quan quản lý hành chính nhà nước có vẻ mạnh và theo kiểu bình quân chủ nghĩa với mức độ rõ ràng hơn là ở xã hội tư bản chủ nghĩa.

30 Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 42.

31 Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 42.

32 Điều này gợi nhớ quan niệm của Emile Durkheim về mật độ đạo đức “moral density”, hay mật độ năng động “dynamic density” biểu thị các mối quan hệ xã hội dày đặc, các trao đổi tích cực và mối tương quan của nó với mật độ dân số, sự phân công lao động và đoàn kết xã hội. Xem Emile Durkheim (1893), The division of labour in society, London: Macmillan Press, 1984, tr. 201. 

 

33 Luhmann đưa ra một nhận xét đáng chú ý là kết quả của sự biến đổi cấu trúc thời gian do sự phân hóa chức năng gây ra là trong đời sống hàng ngày, áp lực thời gian tăng lên và các cuộc hẹn gặp được ưu tiên hơn các giá trị (khác). Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 45-46.

34 Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 46.

35 Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 47.

36 Niklas Luhmann (1977), Sđd, tr. 47.

37 Năm 1959, Wrigh Mills đã dành cả một chương sách để bàn về lý thuyết vĩ đại (Grand theory), trong đó ông coi lý thuyết hệ thống xã hội của Parsons là loại “lý thuyết vĩ đại”. Cần đánh giá tham vọng và nỗ lực của Luhmann trong xây dựng lý thuyết vĩ đại, nhất là trong bối cảnh cả Mills và Merton đều đã từng phê phán “lý thuyết vĩ đại” của Parsons và cho rằng xã hội học chưa đủ trưởng thành để xây dựng lý thuyết loại này và do vậy chỉ nên tập trung làm lý thuyết trung gian. Xem Wright Mills (1959), The Sociological Imaginatio, New York: Oxford University Press; Robert K. Merton (1967), On Theoretical Sociology: Five essays, old and new, New York: The Free Press.  

38 Có thể thấy: lý thuyết phân hóa làm rõ sự khác nhau giữa hệ thống và môi trường và do vậy cũng góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa con người và xã hội với tính cách là đối tượng của xã hội học. Lê Ngọc Hùng (2013), Lý thuyết xã hội học hiện đại, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.