Chuyển đổi số tại Viện Nghiên cứu Con người hướng tới phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm

10/10/2024

      Công tác chuyển đổi số tại Viện Nghiên cứu Con người không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu mà còn tạo ra những giá trị mới trong việc ứng dụng các thành tựu trong nghiên cứu khoa học vào đời sống xã hội. Vì vậy, thời gian qua, Chi ủy và Lãnh đạo Viện luôn quan tâm sát sao, tạo điều kiện và thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo chuyển đổi số Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Tổ chuyển đổi số của Viện trên tất cả các mặt công tác một cách bài bản, tích cực và hiệu quả.

      Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ con người, trên tinh thần lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển". Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng không thể thiếu trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả nghiên cứu khoa học xã hội. Viện Nghiên cứu Con người đóng một vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và phát triển các giải pháp cho các vấn đề xã hội, văn hóa và phát triển con người. Công tác chuyển đổi số tại Viện không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu mà còn tạo ra những giá trị mới trong việc ứng dụng các thành tựu trong nghiên cứu khoa học vào đời sống xã hội. Vì vậy, thời gian qua, Chi ủy và Lãnh đạo Viện luôn quan tâm sát sao, tạo điều kiện và thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo chuyển đổi số Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Tổ chuyển đổi số của Viện Nghiên cứu Con người trên tất cả các mặt công tác một cách bài bản, tích cực và hiệu quả.

     Chuyển đổi số trong công tác quản lý: Được sự hướng dẫn, chỉ đạo của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, Viện đã tích cực ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa quy trình và tiết kiệm thời gian. Bên cạnh việc điều hành, triển khai công tác, quản lý cán bộ trên các nền tảng dùng chung như Hệ thống Quản lí văn bản và điều hành tác nghiệp (https://vbdh.vass.gov.vn/), Phần mềm Quản lý cán bộ (http://vienkhoahocxahoi.vnerp.vn) và Cổng thông tin điện tử https://vass.gov.vn, trong xây dựng báo cáo, Viện đã triển khai hệ thống báo cáo trực tuyến, cho phép viên chức và người lao động xây dựng và gửi báo cáo tuần, tháng, quý một cách nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch. Hệ thống này tự động tổng hợp số liệu, trực quan hóa thông tin, giúp người quản lý dễ dàng theo dõi và đánh giá hiệu quả công việc của viên chức thuộc bộ phần mình quản lý. Nhờ đó, thời gian hoàn thành báo cáo đã giảm so với trước đây. Với các văn bản xin ý kiến góp ý, bên cạnh các cuộc họp trực tiếp, Viện đã sử dụng nền tảng trực tuyến như google driver để lấy ý kiến góp ý của viên chức và người lao động. Việc này không chỉ đảm bảo tính công khai, minh bạch mà còn giúp tăng tỷ lệ tham gia đóng góp ý kiến, đồng thời tiết kiệm thời gian và công sức cho cả người góp ý lẫn cán bộ tổng hợp ý kiến. Bên cạnh đó, Viện đang tiến hành số hóa các loại dữ liệu quan trọng như dữ liệu nhân sự, dữ liệu nghiên cứu...  nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và tham mưu chính sách. Hơn nữa, Viện cũng đang chuyển đổi các tài liệu giấy tờ, sách, báo sang dạng kỹ thuật số để dễ dàng tìm kiếm, lưu trữ và phân tích. Nhìn chung, nhờ ứng dụng chuyển đổi số, công tác quản lý của Viện đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao năng suất lao động, quy trình và hiệu quả hoạt động.

      Chuyển đổi số trong các hoạt động khoa học: Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp nâng cấp quy mô và hình thức tổ chức các hội thảo và tọa đàm khoa học. Đáng chú ý, việc triển khai phương thức trực tuyến tại tọa đàm quốc tế và hội thảo khoa học thường niên lần thứ hai về nghiên cứu con người đã tạo ra bước đột phá trong việc kết nối các nhà khoa học. Hình thức này không chỉ xóa bỏ rào cản địa lý, cho phép các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng tham gia trao đổi, thảo luận, mà còn giúp lan tỏa các kết quả nghiên cứu đến với cộng đồng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đặc biệt, Tạp chí Nghiên cứu Con người đã tận dụng hiệu quả các nền tảng trực tuyến, đặc biệt là Facebook, để quảng bá rộng rãi các hoạt động khoa học của Viện trên nền tảng số. Việc đưa tin về hội thảo khoa học thường niên lần thứ 2 và phát trực tiếp trên Facebook đã thu hút sự quan tâm và tương tác của đông đảo độc giả, góp phần lan tỏa các kết quả nghiên cứu về chất lượng cuộc sống đến với cộng đồng.

      Chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về chuyển đổi số:Viện Nghiên cứu Con người không chỉ chú trọng ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động nghiên cứu khoa học tại Viện mà còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về lĩnh vực này. Điển hình là hoạt động của PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, người đã có nhiều nghien cứu, khảo sát về năng lực số đã có nhiều bài trình bày khoa học giá trị về chuyển đổi số tại nhiều diễn đàn, hội thảo lớn. Có thể kể đến một số chủ đề nổi bật như: "Xây dựng chân dung số của nhà khoa học và tạp chí trong bối cảnh chuyển đổi số" tại Viện Hàn lâm tập trung vào vai trò của chuyển đổi số trong việc xây dựng hồ sơ năng lực số cho các nhà khoa học và tạp chí khoa học, góp phần nâng cao hiệu quả nghiên cứu và quảng bá khoa học; "Nâng cao năng lực số cho phụ nữ để thúc đẩy hòa nhập số ở một số tỉnh tây nguyên và miền trung Việt Nam" tại Đà Nẵng, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê đã chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về việc nâng cao năng lực số cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở khu vực miền núi và nông thôn, nhằm thu hẹp khoảng cách số và thúc đẩy bình đẳng giới trong thời đại số. "Năng lực số của đội ngũ cán bộ công chức người dân tộc thiểu số trong bối cảnh chuyển đổi số" tại Hà Giang, tập trung vào thực trạng năng lực số của cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số tại Mèo Vạc, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực số cho nhóm đối tượng này, góp phần đảm bảo hòa nhập số và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.

 

 

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học “Các Tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với việc chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và gia nhập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc tế” và Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024)

     Thực hiện các nghiên cứu thực tiễn về chuyển đổi số: Với mục tiêu hiện thực hóa chính sách về chuyển đổi số và đóng góp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Viện Nghiên cứu Con người đang tích cực triển khai các đề tài nghiên cứu về chuyển đổi số. Có thể kể đến đề tài "Hòa nhập số trong hoạt động kinh tế của phụ nữ nông thôn (qua nghiên cứu ở Thái Bình)", đề tài "Kỹ năng số của người lao động Việt Nam trong bối cảnh hiện nay". Các nghiên cứu này hướng tới góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực cụ thể, hướng tới một xã hội số phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm.

    Viện Nghiên cứu Con người thường xuyên chia sẻ thông tin hoạt động, kết quả nghiên cứu của mình, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam... trên cổng thông tin điện tử http://ihs.vass.gov.vn. Viên chức và người lao động của Viện cũng tích cực tham gia các hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Đầu năm 2024, có một số viên chức đã được nhận chứng chỉ Nâng cao nhận thức chuyển đổi số (triển khai theo Đề án 06) và chứng chỉ tin học trình độ B... Có thể nói, việc tích cực tham gia vào các hoạt động chuyển đổi số, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về chuyển đổi số của cán bộ Viện Nghiên cứu Con người thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội cao, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, hướng tới một xã hội số công bằng và phát triển bền vững.

 

Đoàn công tác Viện Nghiên cứu Con người

tại Chợ 4.0 - Chợ Trung tâm huyện Mèo Vạc (Hà Giang)

 

     Thông qua việc tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số như xây dựng hệ thống quản lý văn bản điện tử, ứng dụng phần mềm quản lý,..., Viện Nghiên cứu Con người đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả, hướng tới mục tiêu phục vụ con người và lấy con người làm trung tâm. Chuyển đổi số đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho viên chức và người lao động của Viện thuận lợi trong công việc và phát triển sự nghiệp. Để chuyển đổi số đi vào thực chất và hiệu quả hơn nữa, Chi ủy và Lãnh đạo Viện luôn kiên trì mục tiêu chuyển đổi số vì con người, tạo môi trường làm việc tốt nhất cho viên chức và người lao động ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đến đời sống của viên chức và người lao động. Điều này đã khích lệ tinh thần sáng tạo, làm việc tích cực trong mỗi viên chức và người lao động của Viện. Đây là những kết quả tích cực, mang tính đột phá, tạo bước đệm quan trọng cho những thành công trong thời gian tới của Viện Nghiên cứu Con người. Trong tương lai, Viện sẽ tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng các công nghệ số nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo và chia sẻ các kết quả nghiên cứu tới cộng đồng ngày càng tốt hơn.

Nguyễn Huệ