Thông điệp của Tổ chức Y tế thế giới nhân ngày Quốc tế người Khuyết tật và những nỗ lực của Việt Nam nhằm bảo vệ quyền của Người khuyết tật trong đại dịch Covid-19

12/04/2022

 

Theo Liên hợp quốc (LHQ), những người khuyết tật (NKT) là “cộng đồng thiểu số lớn nhất thế giới”, bởi theo thống kê, trên toàn cầu cứ 7 người lại có một NKT. Dân số toàn cầu hiện khoảng 7,5 tỷ người, trong đó, hơn 1 tỷ là NKT, tương đương 15% dân số thế giới. Do NKT có những khiếm khuyết lâu dài về thể chất, tâm thần, trí tuệ hoặc giác quan nên khả năng chống chọi với dịch bệnh thấp hơn so với người không khuyết tật, và khả năng nhiễm bệnh cao hơn so với người không khuyết tật.

Suốt hơn 2 năm qua, toàn thế giới phải chống chọi với virus SARS-CoV-2 và các biến chủng của chúng gây ra gọi chung là dịch Covid-19 khiến hàng nghìn người chết mỗi ngày và hàng trăm triệu người phải chịu các ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe. Virus SARS-CoV-2 gây tổn thương rất lớn cho con người, không chỉ ở phổi mà còn tổn thương các cơ quan khác, đặc biệt là não. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra rằng, những người có sẵn bệnh nền sẽ có nhiều nguy cơ phát sinh các bệnh lý và các rối loạn tâm thần có sẵn sẽ nặng lên và để lại di chứng lâu dài nếu nhiễm virus SARS-CoV-2. WHO dự báo, số người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần sẽ tăng cao sau đại dịch Covid-19. Năm 2021, số ca mắc hội chứng rối loạn trầm cảm trên thế giới tăng 27,6%; Năm 2020 tăng 25,6%. Trẻ em gái và phụ nữ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nam giới. (Lê Ánh. TTXVN/Vietnam+, 2022).

WHO cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau bằng cách nhấn mạnh vai trò của “cộng đồng thiểu số lớn nhất thế giới”, cũng là nhóm dễ bị tổn thương nhất khi dịch xảy ra trong lĩnh vực y tế, trong một phần nỗ lực nhằm chấm dứt đại dịch Covid-19. Đó là lý do Ngày Quốc tế Người khuyết tật 03/12/2021 Liên hợp quốc lấy chủ đề “Quyền lãnh đạo và tham gia của người khuyết tật hướng tới một thế giới hậu COVID-19 toàn diện, dễ tiếp cận và bền vững”. Thông điệp đưa ra những thách thức gia tăng mà người khuyết tật phải đối mặt trong đại dịch COVID-19, đồng thời hướng tới mục tiêu, đảm bảo quyền lãnh đạo và tham gia có ý nghĩa của người khuyết tật trong tương lai, toàn diện hơn, tiếp cận thuận lợi hơn, bền vững hơn cho tất cả mọi người, sau khi đại dịch được kiểm soát.

Các thông điệp chính được WHO đưa ra nhân Ngày Quốc tế người khuyết tật:

 

Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền của người khuyết tật

Theo số liệu Điều tra Quốc gia người khuyết tật 2016, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên (TCTK, 2018). Do nhận thức đúng đắn về vấn đề quyền con người và những thiệt thòi mà người khuyết tật phải gánh chịu, Đảng và Nhà nước ta bên cạnh việc chăm lo cho toàn dân, luôn dành sự quan tâm, chăm lo cho những người dễ bị tổn thương, trong đó có người khuyết tật. Hướng tới và nỗ lực cho một xã hội không rào cản đối với người khuyết tật là đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong nhiều năm qua trên con đường thúc đẩy tiến bộ xã hội, để trở thành giá trị cốt lõi của quản trị xã hội nói chung và quản lý nhà nước nói riêng. Điều này được thể hiện trong một loạt các sự kiện, từ Cương lĩnh Chính năm 1991 của Bộ Chính trị, đến Hiến pháp năm 1992 (Điều 59) và Hiến pháp sửa đổi bổ sung năm 2001 (Điều 61); Và Nghị quyết Đại hội VIII (1996), và sự ra đời Pháp lệnh Người tàn tật năm 1998. Năm 2001, Ban Điều phối Quốc gia về Người tàn tật được thành lập. Tiếp đó là thông qua Kế hoạch hành động Quốc gia hỗ trợ Người tàn tật giai đoạn 2006-2010. Ngày 22/10/2007, Việt Nam ký Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật. Năm 2010, Quốc hội thông qua Luật Người Khuyết tật và Đề án hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2012- 2020. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011), Đảng đã đưa vấn đề phát triển con người, quyền con người trở thành Tuyên ngôn: “không ngừng nâng cao đời sống của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh, nâng cao thể chất”, “Chăm lo đời sống những người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi” (ĐCS Việt Nam, 2011).  

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận nhiều bảo đảm quyền của người khuyết tật. Điều 14, 16, 34, 59 và 61 là những đảm bảo pháp lý cao nhất của Nhà nước ta đối với người khuyết tật. Những năm gần đây, trong nhiều văn kiện Đảng ta luôn thể hiện nhất quán và ngày càng sâu sắc quan điểm không ngừng chăm lo, cải thiện đời sống của người khuyết tật. Năm 2019 Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 39 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, và khẳng định quan điểm, chủ trương, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, trách nhiệm với người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, định hướng việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo quyền của người khuyết tật (Phạm Thị Tính, 2022). Ngày 5/8/2020, Thủ tướng ký quyết định số 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030.

Những nỗ lực của Việt Nam để bảo vệ người khuyết tật trong đại dịch Covid-19

Do Đảng ta nhận thức rõ vấn đề, những NKT là nhóm dễ bị tổn thương nhất, và cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ nới rộng hơn những bất bình đẳng cố hữu giữa NKT và người không khuyết tật. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và căn cứ thực tiễn của đất nước, Chính phủ và các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19 đã sử dụng mô hình: (i) Huy động mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị vào cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19; (ii) Tạo khuôn khổ hành lang pháp lý và thể chế đối phó với dịch bệnh, đồng thời nhấn mạnh yếu tố bảo vệ quyền con người; (iii) Mọi thông tin liên quan đến dịch Covid-19 và hoạt động phòng, chống dịch của Chính phủ được công bố, cập nhật đầy đủ, nhanh chóng, dễ hiểu đối với mọi người dân; (iv) Ban hành nhiều quyết sách nhanh chóng, kịp thời và quyết liệt, hiệu quả và tạo sự công bằng trong xã hội; (v) Tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; (vi) Trách nhiệm giải trình (Thảo Anh. Website Bộ Tư pháp, 2/3/2021). Mục tiêu của cuộc chiến chống dịch Covid-19 là “bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân là ưu tiên hàng đầu”, với nhiều chính sách, gói hỗ trợ dành cho nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là NKT. Bởi, những NKT là nhóm có nguy cơ cao hơn, nếu bị mắc thì tình trạng sức khỏe chuyển biến nghiêm trọng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn. NKT cũng phải đối mặt với các nguy cơ không thể tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường kỳ của họ trong suốt giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh cũng như các thông tin về phòng chống dịch. Đặc biệt là những khó khăn mà những NKT phải đối mặt do hệ quả từ đại dịch và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh gây ra đối với kinh tế xã hội, như nguy cơ mất việc làm, số người cần bảo trợ xã hội tăng cao, cơ hội tiếp cận với giáo dục, các dịch vụ hỗ trợ,... với NKT bị suy giảm do hạn chế khả năng và nguồn lực.

Về cơ chế, chính sách, chỉ tính riêng đợt bùng phát thứ tư (từ tháng 5 đến tháng 9/2021) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã han hành 02 Nghị quyết, Chính phủ ban hành gần 10 Nghị quyết, Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 Quyết định; và hơn 10 Quyết định của các Bộ ngành, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và trên 50 văn bản là Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chưa kể các văn bản hướng dẫn thi hành (UNDP, 2022). Đây là hệ thống khung chính sách khá toàn diện, làm cơ sở pháp lý cho các ngành, các cấp tổ chức triển khai tích cực một loạt hoạt động hỗ trợ phòng chống Covid-19 với phạm vi hỗ trợ rộng về đối tượng và đa dạng về lĩnh vực (y tế, an sinh xã hội, tín dụng; thuế; phí, lệ phí....) nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phòng chống, khắc phục khó khăn, hậu quả của đại dịch Covid -19. Trong đó, người khuyết tật vừa là đối tượng được hỗ trợ đặc thù trong một số nhóm chính sách (như chăm sóc sức khỏe, trợ giúp xã hội,..) vừa là đối tượng được hỗ trợ với tư cách chủ thể bình đẳng với các chủ thể xã hội khác trong các chính sách chung.

Về bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân trong thời gian dịch Covid-19: Chính phủ đẩy mạnh cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, các bản tin về diễn biến tình hình dịch, cách phòng tránh, các tin thời sự phát trên kênh VTV1 (lúc 19 giờ), VTV2 (lúc 22 giờ), HTV9, Kênh truyền hình nhân dân (chuyên mục Thắp sáng niềm tin), chương trình Cuộc sống vẫn tươi đẹp - VTV4 truyền hình đối ngoại của Đài truyền hình Việt Nam, Website của Bộ Thông tin truyền thông,… đều có phiên dịch bằng ngôn ngữ ký hiệu cho người khuyết tật dạng nghe, nói. Nhờ vậy, có tới 88% người khuyết tật đã được tiếp cận thông tin thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, như: ti vi, các trang mạng xã hội, Clip tin nhắn trên di động, trang web của Chính phủ, của Bộ Thông tin và truyền thông. Tỷ lệ người khuyết tật được tiếp cận thông tin là 67%, trong đó 29 % NKT có được những thông tin đầy đủ về cách ứng phó, cập nhật liên tục về tình hình dịch bệnh và những lời khuyên về biện pháp phòng, chống bệnh dành riêng cho NKT, 25% có được thông tin đầy đủ về cách ứng phó và cập nhật liên tục về tình hình dịch bệnh. Khả năng tiếp cận thông tin có sự khác biệt không đáng kể theo giới tính, vùng/miền hay dạng khuyết tật. Kênh cung cấp thông tin hiệu quả nhất đến với người khuyết tật về đại dịch Covid-19, về các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu lây nhiễm, về các quy định cách ly, hạn chế tiếp xúc ở nơi công cộng và những dịch vụ hỗ trợ cần thiết ở Tivi là 64%; Các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber…) là 49%; báo mạng là 42%; tin nhắn trên di động là 34% hay trang web của Chính phủ là 24% (UNDP, 2022).

Việc phổ cập thông tin rộng rãi có phiên dịch ký hiệu cho người khuyết tật về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa đã nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe cho người khuyết tật. Các phương tiện truyền thông đại chúng thường xuyên cung cấp thông tin, hình ảnh về việc điều trị cho người bệnh nặng, cần được điều trị chuyên sâu, hình ảnh, thông tin về số người chết do Covid,… giúp cho xã hội và bản thân người khuyết tật nhận thức đầy đủ hơn về tính chất nghiêm trọng của đại dịch và sự cần thiết của việc bảo vệ sức khỏe bằng việc thực hiện nghiêm các chỉ thị về giãn cách xã hội, cách ly y tế,... Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin chính thức, chính xác về bảo vệ sức khỏe, phòng chống Covid-19, như thông tin về vắc-xin, về tiêm phòng,… giúp người khuyết tật giảm  cảm giác cẳng thẳng, lo lắng, sợ hãi và có thể chủ động ứng phó linh hoạt, tích cực, theo đúng hướng dẫn của phác đồ điều trị trong những tình huống cụ thể.

Các gói hỗ trợ về tài chính, các sản phẩm phòng chống dịch, lương thực,… trong khảo sát đối với người khuyết tật của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện với 1792 người khuyết tật tại 63 tỉnh/thành trên cả nước vào tháng 9/2021 cho thấy: Có tới 74% người khuyết tật được hỏi nhận được tối thiểu một loại hình hỗ trợ, trong đó, 33% được cung cấp các sản phẩm bảo vệ sức khỏe như xà phòng, nước rửa tay khô, nước sạch, khẩu trang…; 22% được hỗ trợ lương thực, thực phẩm, 20% được hỗ trợ Tiền hoặc các hỗ trợ khác về tài chính. Sự hỗ trợ đến từ Chính quyền địa phương (39%), tổ chức của/vì người khuyết tật (28%), Các tổ chức chính trị xã hội địa phương (19%). Nhiều người khuyết tật được hỗ trợ các gói bảo vệ và chăm sóc sức khỏe thông qua các biện pháp cung cấp Vắc-xin, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, tư vấn từ xa/các hình thức dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác, và các gói hỗ trợ tâm lý xã hội (UNDP, 2022).

Chính phủ cũng liên tục đưa ra các biện pháp, chính sách, các gói hỗ trợ dành cho việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, như cung cấp miễn phí các gói điều trị bệnh, các gói dịch vụ chăm sóc phục hồi bệnh… Điều đó giúp cho nhiều người khuyết tật cảm nhận bản thân được hỗ trợ (38%), được bảo vệ (29%), nhờ vậy mà có tới 15% cho biết sẵn sàng đương đầu với dịch bệnh và 11% cảm thấy lạc quan dù rằng dịch bệnh vẫn đang hoành hành (UNDP, 2022).

Với chủ trương đảm bảo an toàn lương thực và các vật dụng sinh hoạt thiết yếu, cung cấp miễn phí cho các nhóm xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Chính phủ và các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm đã chung tay kiến tạo các gói hỗ trợ đa dạng, thiết thực, đáp ứng ngay các nhu cầu cấp thiết của người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật. Ngoài ra, sự hỗ trợ dành cho người khuyết tật còn đến từ các doanh nghiệp/ hiệp hội nghề nghiệp/đối tác khác, quỹ việc làm/quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhà nước, các ngân hàng thương mại trong lịch trình hoàn trả khoản vay, khoản vay luân chuyển và giảm lãi suất, cũng như từ phía gia đình và người thân.

Có thể nói, với tình hình dịch diễn ra liên tiếp, căng thẳng trong thời gian dài - cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử khiến nhiều quốc gia vượt quá khả năng trống đỡ. Khẩu hiệu “đặt tính mạng và sức khỏe của người dân lên trên hết” trong đại dịch của Đảng và Chính phủ Việt Nam đã củng cố được lòng tin của người dân lên cao. Với nhóm người khuyết tật, việc cung cấp thông tin có người phiên dịch và các gói hỗ trợ kịp thời, hữu ích giúp người khuyết tật vượt qua đại dịch và có thêm lòng tin vào Đảng, Chính phủ và cộng đồng xã hội. Bên cạnh những điểm tích cực trên, cũng đã có một số vụ việc đáng tiếc xảy ra ở một số lãnh đạo về lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mưu lợi cá nhân, tuy nhiên đó chỉ là trường hợp cá nhân, họ đã, đang và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Các trường hợp đó không phải là đại diện của Đảng, Chính phủ như một số trang mạng xuyên tạc bịa đặt thời gian qua.

 

Tài liệu tham khảo và trích dẫn

 

  1. Thảo Anh. (Website Bộ Tư pháp). “Phòng, chống đại dịch Covid-19: Trách nhiệm của nhà nước, bổn phận của công dân”. Cập nhật 02/03/2021. https://pbgdpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/trao-doi-kinh-nghiem.aspx?ItemID=112
  2. Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+) WHO: Đại dịch COVID-19 gây hậu quả nặng nề về sức khỏe tâm thần, Cập nhật 03/03/2022. https://www.vietnamplus.vn/who-dai-dich-covid19-gay-hau-qua-nang-ne-ve-suc-khoe-tam-than/775995.vnp
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011).
  4. Tổng cục Thống kê (2018). Báo cáo điều tra quốc gia về Người khuyết tật năm 2016.
  5. Thu Lan. Thúc đẩy quyền và vai trò của người khuyết tật trong thế giới hậu COVID-19. Cập nhật 04/12/2021. https://dangcongsan.vn/tieu-diem/thuc-day-quyen-va-vai-tro-cua-nguoi-khuyet-tat-trong-the-gioi-hau-covid-19-598805.html
  6. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội  chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp sửa đổi bổ sung năm 2001, Hiến pháp năm 2013.
  7. Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP): Báo cáo Đánh giá nhanh lần thứ hai về các tác động KT - XH của Covid-19 đối với người khuyết tật ở Việt Nam, 2022.
  8. Phạm Thị Tính. Nhận thức về quyền của người khuyết tật và tính nhân văn trong công ước quyền của người khuyết tật. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Trường Đại học Bình Dương (Số chuyên san Luật học, chủ đề về “Quyền của người khuyết tật và nhóm dễ bị tổn thương”. 2022).

Phạm Thị Tính- Viện NCCN