Tọa đàm khoa học: Một số vấn đề lý luận về lối sống xanh

19/07/2024

      Sáng 8h30 ngày 18/7/2024, tại hội trường Viện Nghiên cứu Con người đã diễn ra tọa đàm Một số vấn đề lý luận về lối sống xanh. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ đề tài cơ sở Lối sống xanh: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam. Tọa đàm do TS Vũ Thị Thanh - Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển con người - Nguồn lực con người chủ trì.

      Tọa đàm đã nghe hai tham luận:

      Tham luận thứ nhất: Một số vấn đề lý luận về lối sống xanh và quan điểm về xây dựng lối sống xanh ở Việt Nam do ThS. Lê Thị Thu Hà - chủ nhiệm đề tài trình bày. Bằng phương pháp tổng quan tài liệu, các công trình nghiên cứu quốc tế  được giới thiệu trên cơ sở dữ liệu của Science Direct và các công trình nghiên cứu trong nước, tác giả làm rõ hơn và hệ thống hoá một số vấn đề lý luận về lối sống xanh.

Về khái niệm "lối sống xanh" và khái niệm liên quan, diễn giả giới thiệu khái niệm "lối sống", "lối sống xanh" dưới góc độ văn hóa, góc độ xã hội học. Ngoài ra, các khái niệm "lối sống hài hòa với tự nhiên", "sống cạnh thiên nhiên", "lối sống sinh thái", "lối sống bền vững", "lối sống lành mạnh và bền vững", "lối sống ít carbon", "lối sống không rác thải"... cũng được đưa ra để giới thiệu, phân tích.

      Về bối cảnh và các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển lối sống xanh: diễn giả đã phân tích những thách thức về môi trường và bối cảnh thay đổi về phát triển kinh tế - xã hội trong mối liên hệ với môi trường. Tác giả đã tổng hợp và chia thành 4 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của lối sống xanh: giá trị sống xanh và nhận thức về môi trường, hành vi công dân xanh và các yếu tố liên quan (ý định hành vi xanh, hành vi có trách nhiệm với môi trường), quy định pháp luật về môi trường (quy định chính thức và phi chính thức), các yếu tố cá nhân (điều kiện sống, tương tác xã hội, v.v..).

      Về vai trò của lối sống xanh đối với phát triển bền vững được thể hiện ở các khía cạnh: Lối sống xanh góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh thông qua các hoạt động tiêu dùng sản phẩm xanh, bền vững, mang lại cơ hội nâng cao sức khỏe cho con người; Lối sống xanh góp phần bảo vệ môi trường sống của loài người thông qua những hành động bảo vệ môi trường, giảm thiếu gánh nặng đặt lên thiên nhiên và các tài nguyên trên trái đất; Lối sống xanh thúc đẩy sự bình đẳng trong phát triển khi mà sự phát triển của thế hệ này không làm tổn hại đến thế hệ tương lai.

      Chủ nhiệm đề tài cũng trình bày quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng và thúc đẩy lối sống xanh: Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới việc xây dựng lối sống xanh và bảo vệ môi trường. Quan điểm này được thể hiện thông qua "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020" được Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012; "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” ban hành theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng "Về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường"; "Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020" theo Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014; "Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030" theo Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022. Cùng với một số văn bản pháp lý khác, đây là những cơ sở pháp lý vững chắc cho bảo vệ môi trường và xây dựng lối sống xanh ở Việt Nam.

      Bên cạnh đó, chủ nhiệm đề tài cũng đưa ra các bằng chứng để đấu tranh với luận điệu sai trái đã được các thế lực thù địch rêu rao trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và xây dựng lối sống xanh ở Việt Nam. Chủ nhiệm đề tài khẳng định: “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành”. Các bằng chứng mạnh mẽ về những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy lối sống xanh vì sự phát triển bền vững của con người… cũng đã được cung cấp để phản bác lại các luận điệu xuyên tạc cho rằng Việt Nam không quan tâm tới bảo vệ môi trường, không chú ý tới môi trường sống của người dân.

      Tham luận thứ hai Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng lối sống xanh do TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn trình bày. Diễn giả đã giới thiệu kinh nghiệm của Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc trong các hoạt động sử dụng thực phẩm, sản phẩm tái chế và tiết kiệm năng lượng - là những khía cạnh quan trọng của lối sống xanh.

     Các bài học tiêu biểu mà diễn giả giới thiệu như: Liên quan đến lĩnh vực sử dụng thực phẩm, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và Ủy ban Hữu cơ Quốc gia (NOSB) đã ban hành các quy định về chứng nhận hữu cơ. Theo đó, các sản phẩm được yêu cầu phải chứa 95% thành phần hữu cơ để đủ điều kiện sử dụng nhãn chứng nhận hữu cơ của USDA.

      Năm 2019, Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu rác thải thực phẩm được Nội các Liên bang Đức thông qua và ban hành. Theo chiến lược này, giảm lãng phí thực phẩm là một nhiệm vụ của toàn xã hội, được các bên liên quan từ xã hội dân sự, doanh nhân và các nhà khoa học cùng chung tay đóng góp. Đức cũng đưa ra chính sách giảm thiểu bằng các nỗ lực thay đổi hành vi của các tác nhân (người tiêu dùng, tổ chức, ...) bao gồm: sáng kiến thùng rác tốt nhất; mạng xã hội; kêu gọi các nhà điều hành kinh doanh thực phẩm lồng ghép vấn đề giảm lãng phí thực phẩm vào các chương trình đào tạo nâng cao nhận thức, kiến thức cho nhân viên và khách hàng; tích hợp môn học vào các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức cho trẻ em, thanh thiếu niên. Liên quan đến việc sử dụng sản phẩm tái chế: Đức khá thành công với Đạo luật Bao bì sửa đổi, có hiệu lực từ năm 2019. Đức cũng đưa ra biện pháp cụ thể thúc đẩy tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa/bao bì nhựa (cấm sử dụng các sản phẩm dùng 1 lần; cấm bán và sử dụng các hộp thức ăn bằng Styrofoam (xốp); các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức).

      Từ năm 2007, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu quản lý chất thải thực phẩm và đưa ra các quy định nhằm khuyến khích các phương pháp xử lý không độc hại và quy trình thu hồi tài nguyên để thay thế cho chôn lấp và đốt rác. Trung Quốc cũng ban hành Luật chống lãng phí thực phẩm năm 2021. Họ cũng đưa ra Chiến dịch “Clean Your Plate” (Sạch bát sạch đĩa) khởi động từ 2013.

      Liên quan đến việc tiết kiệm năng lượng, Nhật Bản là quốc gia có những kinh nghiệm tiêu biểu trong lĩnh vực này. Luật Tiết kiệm năng lượng Nhật Bản 1979 cho đến nay vẫn là tiêu chuẩn về hiệu suất sử dụng đối với máy móc, thiết bị và các mặt hàng khác ở Nhật Bản. "Nghị định thư Kyoto" ký kết năm 1998 với các yêu cầu về mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính đã làm cho quốc gia này có những bước tiến mạnh mẽ trong việc chống lại sự nóng lên toàn cầu. Ngoài ra, Nhật cũng ban hành "Kế hoạch thực hiện chiến lược năng lượng từ năm 2012": đề xuất giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân đến mức có thể, đồng thời thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng, mở rộng năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu suất của các nhà máy nhiệt điện. Quốc gia này cũng đưa ra hai chương trình cụ thể là Chương trình Top Runner (đặt tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng cho các sản phẩm tiêu thụ nhiều năng lượng như đồ gia dụng và xe cơ giới) và Dán nhãn năng lượng (giúp người tiêu dùng phân biệt các sản phẩm có hiệu suất năng lượng tốt và thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm có hiệu suất năng lượng).

     Trên cơ sở phân tích một số bài học kinh nghiệm của Hoa Kỳ, Đức, Nhật bản, Trung Quốc, diễn giả Nguyễn Song Tùng nêu ra một số bài học cho Việt Nam: cần hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến thực phẩm và tái chế các sản phẩm từ nhựa, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng…

 

TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn

trình bày tham luận

 

      Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm chia sẻ và đóng góp ý kiến để làm rõ hơn một số vấn đề lý luận về lối sống xanh. Trên thực tế, những biểu hiện của lối sống xanh rất rộng, bao trùm các hành động, hành vi của con người từ sản xuất, tiêu dùng đến các sinh hoạt thường ngày. Một số ý kiến chia sẻ về những khó khăn, thách thức khi xây dựng và phát triển lối sống xanh tại Việt Nam hiện nay.

     Cuối buổi toạ đàm, chủ nhiệm đề tài đã ghi nhận cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện, chỉnh sửa đề tài một cách tốt nhất và đảm bảo đúng thời gian cam kết thực hiện. 

 

Toàn cảnh Tọa đàm

Thu Hà

 

 

 

The older news.............................