Thực hiện kế hoạch hoạt động khoa học của Viện Nghiên cứu Con người năm 2024, trong khuôn khổ đề tài cấp cơ sở Kỹ năng xanh của người lao động đáp ứng xu hướng nền kinh tế xanh: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam do ThS. Nguyễn Thanh Huyền làm chủ nhiệm, ngày 27/6/2024, tại Hội trường trụ sở 9A Kim Mã Thượng, Viện Nghiên cứu Con người đã tổ chức Toạ đàm khoa học với chủ đề Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong phát triển kỹ năng xanh của người lao động.
Tham dự tọa đàm, phía Viện Nghiên cứu Con người có PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê - Viện trưởng, chủ trì toạ đàm cùng đầy đủ các cán bộ nghiên cứu của Viện và nhà khoa học quan tâm đến vấn đề. Toạ đàm còn có sự tham dự của chuyên gia khách mời là TS. Phạm Ngọc Toàn, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê cảm ơn TS. Phạm Ngọc Toàn đã dành thời gian đến Viện để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu, giúp cho chủ nhiệm đề tài làm rõ cơ sở lý luận nghiên cứu, đồng thời, đây cũng là vấn đề nghiên cứu mà Viện đang quan tâm hiện nay.
Tham luận đầu tiên Khả năng có việc làm xanh của người lao động do TS. Phạm Ngọc Toàn trình bày. Bài viết cho thấy, trong những thập kỷ gần đây, biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Việt Nam đã có sự chuyển đổi trong mô hình phát triển, hướng tới nền kinh tế xanh, thể hiện rõ nhất gần đây ở việc Chính phủ đã ra quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Quá trình phát triển kinh tế xanh, ngoài việc sẽ tạo ra việc làm mới, còn thúc đẩy chuyển đổi các việc làm “nâu” hiện tại sang việc làm “xanh”. Hiện nay, còn ít nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng có việc làm xanh và đề tài mà chủ nhiệm đang muốn làm rõ có ý nghĩa cần thiết cả về lý luận và thực tiễn.
Diễn giả cho biết báo cáo mới nhất của Linked In (2023) chỉ ra rằng tốc độ tăng việc làm xanh đã cao hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng của lao động có việc làm xanh trong giai đoạn 2018 – 2023. Điều này đặt ra sự cần thiết phải nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng có việc làm xanh của người lao động để có thể đáp ứng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững.
Diễn giả cũng trình bày về mô hình sử dụng cách tiếp cận việc làm xanh của Ngân hàng thế giới (WB) và bộ dữ liệu Điều tra lao động việc làm (LFS) trong giai đoạn 2018 - 2022 để đánh giá các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng có việc làm xanh của lao động ở Việt Nam; lượng hóa việc làm xanh và ước lượng mô hình ảnh hưởng của một số yếu tố đến cơ hội việc làm xanh của người lao động Việt Nam. Theo diễn giả, các lý thuyết gắn với thị trường lao động, cơ hội việc làm của người lao động bị ảnh hưởng bởi các yếu tố về phía cung và phía cầu trên thị trường lao động. Trong đó, bên cạnh các yếu tố đặc điểm/khả năng của bản thân người lao động, các yếu tố liên quan đến quy mô của nền kinh tế, chính sách và công nghệ cũng là các thành phần chính có tác động đến khả năng có việc làm nói chung và việc làm xanh nói riêng.
Tham luận thứ hai do ThS. Nguyễn Thanh Huyền - Chủ nhiệm đề tài trình bày với chủ đề Phát triển kỹ năng xanh của người lao động: cơ hôị và thách thức. Tham luận đã đưa ra những khái niệm cơ bản cũng như khung lý thuyết liên quan đến đề tài. Trong các ngành nghề đào tạo khác nhau, kĩ năng xanh được nhìn nhận từ các góc nhìn đa đạng mang tính chất đặc trưng của lĩnh vực đào tạo, nhưng tựu chung là những kỹ năng hướng tới bảo vệ và tái tạo môi trường một cách bền vững. Các nhóm kỹ năng đặc biệt quan trọng đối với các ngành nghề xanh bao gồm: kỹ năng kỹ thuật; kỹ năng khoa học; kỹ năng quản lý hoạt động; kỹ năng giám sát và các kỹ năng mềm khác. Nhu cầu phát triển kỹ năng xanh gia tăng mạnh mẽ, là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển.
Cuối bài, chủ nhiệm đề tài trình bày về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chuyển đổi xanh/kinh tế xanh; qua đó, làm rõ sự nhất quán trong quan điểm, chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước ta về Chiến lược thúc đẩy kinh tế xanh. Diễn giả cũng trình bày một số luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với chủ trương đường lối chính sách của Đảng ta trong kế hoạch phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi xanh đã rất rõ ràng, có lộ trình bài bản và quyết tâm chính trị mạnh mẽ, thể hiện qua nhiều các Quyết định, Nghị quyết, Chương trình hành động xuyên suốt. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững” và phát triển kinh tế xanh: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, trong bối cảnh sau dịch COVID-19, nhiều quốc gia đang thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh hay “phục hồi xanh”. Với Việt Nam, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới
Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch, phản động tăng cường công kích, xuyên tạc, phủ nhận các quan điểm, đường lối, chính sách trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta. Các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng những sự kiện môi trường hay một số hạn chế trong quá trình phát triển để kích động, xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân. Vì vậy, để không bị mắc bẫy chống phá của các thế lực thù địch mỗi đảng viên và quần chúng nhân dân cần phải tỉnh táo, đoàn kết để nhận diện và có biện pháp bảo vệ sự hòa bình, ổn định và phát triển bền vững đất nước, và các nhà khoa học cũng là một trong những nguồn lực chất lượng cao góp phần đẩy lùi các luận điệu này nhờ các kết quả nghiên cứu khách quan, khoa học của mình.
Phần thứ hai của tọa đàm là chương trình luận diễn ra sôi nổi và cởi mở. Ngoài việc đặt câu hỏi để làm rõ vấn đề các diễn giả đã trình bày, các đại biểu còn chia sẻ những hiểu biết và thông tin của mình để cùng nhau trao đổi tại Toạ đàm.
Toàn cảnh tọa đàm
Tổng kết và bế mạc tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê đánh giá cao các tham luận trình bày tại toạ đàm cũng như những ý kiến đóng góp, thảo luận quý báu của các chuyên gia. Viện trưởng dồng thời nhấn mạnh chủ nhiệm đề tài cần tiếp thu các ý kiến để tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện đề tài một cách có chất lượng. Viện trưởng cũng bày tỏ mong muốn kết nối được các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Con người và Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - nơi TS. Phạm Ngọc Toàn đang công tác. Cuối cùng, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê trân trọng cảm ơn các nhà khoa học đã tham dự và đóng góp ý kiến tại toạ đàm và hy vọng các nhà khoa học sẽ tiếp tục đồng hành trong các hoạt động tiếp theo của viện Nghiên cứu Con người trong thời gian tới.
Huyền Nguyễn