Trong khuôn khổ hoạt động khoa học công nghệ cấp Tỉnh “Nghiên cứu tác động của du lịch đến sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Bình giai đoạn hiện nay” do PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê làm chủ nhiệm, Viện NCCN là tổ chức chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch Tỉnh Ninh Bình thực hiện, ngày 2/5/2024, Viện Nghiên cứu Con người (sau đây gọi là Viện) đã tổ chức Toạ đàm khoa học với chủ đề “Cơ sở lý luận về tác động của du lịch đến phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng bộ công cụ khảo sát của đề tài”. Tham dự Toạ đàm phía Viện Nghiên cứu Con người có PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng - chủ trì Toạ đàm, các thành viên đề tài từ Viện Nghiên cứu Con người, Sở Du lịch, Sở Tài chính, Tỉnh đoàn và một số cán bộ quan tâm.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê tuyên bố mục tiêu của buổi toạ đàm, giới thiệu các đại biểu tham dự, và thông qua chương trình làm việc.
Đầu tiên, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê - Chủ nhiệm đề tài trình bày tham luận về “Cơ sở lý luận về tác động của du lịch đến phát triển kinh tế-xã hội và bộ công cụ khảo sát của đề tài”. Trước hết, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê trình bày khái quát một số thông tin chung về đề tài, trong đó nhấn mạnh tới mục tiêu nghiên cứu là làm rõ cơ sở lí luận, cách đo lường về tác động của du lịch đến sự phát triển kinh tế - xã hội để làm căn cứ phân tích, đánh giá ảnh hưởng của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015-2022, từ đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn tiếp theo, hướng tới du lịch bền vững. Đề tài sẽ đi vào các nội dung nghiên cứu chính, bao gồm: Đánh giá thực trạng du lịch tỉnh Ninh Bình; Đánh giá tác động của du lịch đến kinh tế, xã hội, văn hoá, môi trường; Một số đề xuất nhằm thúc đẩy vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hướng tới phát triển bền vững giai đoạn 2025-2030. Trong phần trình bày của mình, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê đã đưa ra các khái niệm căn bản như du lịch, du lịch bền vững, phát triển du lịch, phát triển kinh tế,… Một số chỉ tiêu đo lường quan trọng cũng được đề cập tới, bao gồm các chỉ tiêu về tổng lượt khách du lịch nội địa, tổng lượt khách du lịch quốc tế, chi tiêu của khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch, đóng góp của du lịch vào tổng sản phẩm trong nước,…Chủ nhiệm đề tài phân tích một số phương pháp dự kiến sử dụng để đánh giá tác động của du lịch đến phát triển kinh tế, trong đó nhấn mạnh mô hình tài khoản vệ tinh du lịch TSA:TMF 2008, Mô hình phân tích quan hệ giữa du lịch và GDRP, Mô hình Input – Output (I-O). Một phần nội dung rất quan trọng là bộ công cụ khảo sát của đề tài, trong đó, nhóm đề tài đã xây dựng bảng hỏi để khai thác các thông thông tin cá nhân và một số nhìn nhận ban đầu về du lịch ở Ninh Bình, tác động của du lịch đến kinh tế, tác động của du lịch đến văn hoá-xã hội và vấn đề phát triển du lịch thân thiện với môi trường, cảnh quan. Bộ câu hỏi được giới thiệu tại tọa đàm để các đại biểu để đóng góp ý kiến góp phần hoàn thiện bảng hỏi.
Tiếp theo, TS. Vũ Thị Thanh trình bày tham luận về “Một số vấn đề lý luận nghiên cứu tác động của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội”. Tham luận tập trung vào hai nội dung chính: (1) Các khái niệm liên quan và (2) Quan điểm về phát triển du lịch và vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. TS. Vũ Thị Thanh đã chỉ ra những tác động hai mặt của du lịch, cả tích cực và tiêu cực. Du lịch có những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua tạo việc làm và thu nhập, tăng nguồn thu ngoại tệ, bảo vệ di sản và môi trường tự nhiên, phát triển cơ sở hạ tầng. Đồng thời, du lịch cũng tiềm ẩn những tác động tiêu cực bởi nó có thể dẫn tới những sự thay đổi không được mong đợi về mặt văn hóa, xã hội, và những tác động đến môi trường và sinh thái. Đối với tăng trưởng kinh tế, du lịch có thể tác động tuchs cực ở nhiều cấp độ, từ vĩ mô đến vi mô và cấp độ địa phương. Theo TS. Vũ Thị Thanh, du lịch có tác động tích cực lẫn tiêu cực đối với địa phương là điểm đến. Về mặt tích cực, du lịch giúp chủ nhà và khách du lịch có thể tìm hiểu tốt hơn về nhau thông qua sự tương tác trực tiếp; đòi hỏi cộng đồng địa phương phải phản ứng nhanh hơn và được giáo dục tốt hơn để cung cấp dịch vụ có chất lượng cho khách du lịch; sự tương tác giữa người dân địa phương và khách du lịch tạo ra sự xuất hiện của những ý tưởng, giá trị và động lực mới cho tiến bộ kinh tế và xã hội; Du lịch có thể đem lại sức sống mới cho đời sống văn hóa của cộng đồng; Ngành du lịch đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành sự phát triển văn hóa xã hội ở điểm đến, giáo dục, tiến bộ và hòa bình. Nhờ đó, các giá trị con người, hành vi ứng xử, lối sống tốt đẹp, v.v. được hình thành. Về mặt tiêu cực, du lịch có thể làm gia tăng chủ nghĩa tiêu dùng; xuất hiện xung đột giữa khách du lịch và cộng đồng điểm đến; tội phạm gia tăng; ở một số điểm đến, người dân địa phương buộc phải di dời khỏi nơi họ sinh sống để nhường chỗ cho phát triển du lịch. Điều này đặt ra đòi hỏi cần phát triển du lịch bền vững.
Phần thảo luận diễn ra sôi nổi và cởi mở. Ngoài việc hỏi-đáp để làm rõ các vấn đề các diễn giả đã trình bày, các đại biểu dành phần lớn thời lượng của phần thảo luận để góp ý chi tiết cho bộ công cụ của đề tài nhằm giúp nhóm tác giả hoàn thiện bộ công cụ trước khi đưa vào khảo sát trên diện rộng.
Tổng kết Toạ đàm, PGS. TS Nguyễn Thị Hoài Lê trân trọng cảm ơn sự tham gia của các đại biểu tham dự Toạ đàm, đặc biệt là các ý kiến góp ý để hoàn thiện bộ công cụ. Chủ nhiệm đề tài khẳng định những góp ý này là vô cùng quý báu, giúp nhóm đề tài có thể chỉnh sửa để có được bộ công cụ khảo sát hiệu quả nhất. PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê cũng bày tỏ hi vọng các nhà khoa học sẽ tiếp tục đồng hành trong các hoạt động tiếp theo của viện Nghiên cứu Con người trong thời gian tới.
Huyền Nguyễn