Tọa đàm khoa học: Một số vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu hòa nhập số trong hoạt động kinh tế của phụ nữ nông thôn

08/04/2024

      Sáng ngày 2 tháng 4 năm 2024, tại Hội trường Viện Nghiên cứu Con người, đề tài Hòa nhập số trong hoạt động kinh tế của phụ nữ nông thôn (qua nghiên cứu ở Thái Bình) đã tổ chức tọa đàm: Một số vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu hòa nhập số trong hoạt động kinh tế của phụ nữ nông thôn. Tọa đàm nhằm chia sẻ những vấn đề lý luận, phương pháp luận nghiên cứu và lấy ý kiến góp ý cho bảng hỏi khảo sát của đề tài.

         Tọa đàm đã được nghe 3 tham luận:

       Tham luận thứ nhất có tựa đề Phương pháp tiếp cận đo lường kĩ năng số cho Việt Nam: phân tích kỹ năng số đối với lao động Việt Nam do TS. Phạm Ngọc Toàn, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội trình bày. Diễn giả trình bày một số vấn đề cơ bản về phương pháp đo lường kỹ năng số cho Việt Nam, bao gồm hai phương pháp đo lường chính là phương pháp đo lường dựa trên từ điển và dựa trên mô tả nhiệm vụ. Với mỗi loại phương pháp, diễn giả đã giới thiệu minh họa một số thử nghiệm đo lường và kết quả phân tích kỹ năng số cho người lao động ở Việt Nam.

 

TS. Phạm Ngọc Toàn trình bày Tham luận Phương pháp tiếp cận đo lường kĩ năng số cho Việt Nam: phân tích kỹ năng số đối với lao động Việt Nam

 

      Tham luận thứ hai “Một số vấn đề lý luận về hòa nhập số” do TS. Vũ Thị Thanh, Viện Nghiên cứu Con người trình bày. Diễn giả trình bày các khái niệm liên quan đến hòa nhập số: hòa nhập số, tách biệt số, khoảng cách số; mối liên hệ giữa òa nhập số với sự phát triển xã hội và phát triển con người. Theo đó, hòa nhập số là một phương diện của sự hòa nhập xã hội và nó đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển con người, ví dụ như góp phần cải thiện chỉ số phát triển con người HDI; cải thiện việc làm và thu nhập; mở rộng cơ hội giáo dục; tăng cường sức khỏe. Về đánh  giá, đo lường hòa nhập số, tác giả trình bày Khung toàn cầu về hòa nhập số; Khung kết quả hòa nhập số của New Zealand; Chỉ số hòa nhập số Australia (Australian Digital Inclusion Index); và giới thiệu một số chỉ số khác được sử dụng bởi các tổ chức quốc tế liên quan đến đo lường hòa nhập số.

 

TS. Vũ Thị Thanh trình bày Tham luận Một số vấn đề lý luận về hòa nhập số

 

       Tham luận thứ ba có nội dung Bảo vệ quan điểm của Đảng liên quan đến hòa nhập số do ThS Nguyễn Thanh Huyền, Viện Nghiên cứu Con người trình bày. Diễn giả đã trình bày quan điểm, chủ trương và một số chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc thúc đẩy hòa nhập số và nêu ra một số luận điểm phân tích đấu tranh chống các luận điệu sai trái xuyên tạc của các đối tượng thù địch về vấn đề này. Có thể thấy, đẩy mạnh chuyển đối số quốc gia và phát triển nền kinh tế số là chủ trương được Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh tại Đại hội Đảng lần thứ XIII. Hiện nay, việc phát triển nền kinh tế số đã được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là một trong những định hướng để phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030 và coi đây là biện pháp giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045. Trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (được ban hành theo Quyết định số 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10 tháng 5 năm 2017), để đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, Việt Nam cũng đã đề ra những mục tiêu góp phần thúc đẩy hòa nhập số. Trong bài trình bày, tác giả dẫn chứng từ thống kê của các cơ quan chức năng, trung bình mỗi tháng có khoảng 67% bài viết được phát tán trên mạng xã hội facebook, số còn lại phát tán trên các kênh mạng xã hội youtube, blog cá nhân hoặc các kênh tin tức phản động có nội dung xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam. Điều đó cho thấy các đối tượng chống phá đã biết tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin để phục vụ việc phát tán tin tức mang tính chất phản động, xuyên tạc những thành tựu và sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy sự phát triển của quốc gia. Hiện nay các đối tượng còn lợi dụng công nghệ thông tin để tiến hành các cuộc lừa đảo gây hoang mang dư luận, tổn hại kinh tế cá nhân cũng như xã hội. Nhằm giảm thiểu tình trạng này, Chính phủ và nhà nước đang tiếp tục triển khai một số biện pháp giúp người dân không ngừng nâng cao nhận thức, hiểu biết và cách ứng phó như: ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (Bộ quy tắc này được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17 tháng 6 năm 2021); tuyên truyền khẩu hiệu "2 Phải 4 Không" để phòng, chống, ngăn chặn tội phạm lừa đảo trực tuyến, bảo vệ tài sản v.v…

 

ThS Nguyễn Thanh Huyền trình bày Tham luận Bảo vệ quan điểm của Đảng liên quan đến hòa nhập số

 

       Tọa đàm cũng nhận được nhiều ý kiến chia sẻ các vấn đề về lý luận và phương pháp nghiên cứu hòa nhập số, phương pháp đo lường tính toán kỹ năng số cho người lao động nhằm nâng cao sự hòa nhập số cho lao động, đặc biệt là lao động nữ. Một số ý kiến chia sẻ làm sâu sắc hơn về sự cần thiết của công tác đấu tranh với các luận điệu sai trái xuyên tạc của các thế lực thù địch trong bối cảnh công nghệ số, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ ngày nay. Đặc biệt, tọa đàm nhận được nhiều ý kiến đóng góp việc hoàn thiện xây dựng bộ công cụ khảo sát thực địa của đề tài.

Thu Hà

 

The older news.............................