Hoạt động điều tra thực địa đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở 2023: Thực trạng việc làm bền vững của nữ công nhân ngành dệt may (Nghiên cứu trường hợp tại Nam Định)

06/07/2023

 

 

Thực hiện kế hoạch của đề tài khoa học cấp Bộ “Thực trạng việc làm bền vững của nữ công nhân ngành dệt may (Nghiên cứu trường hợp tại Nam Định)’’ do TS. Vũ Thị Thanh làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Con người là tổ chức chủ trì, từ 12- 16 tháng 6 năm 2023 chủ nhiệm đề tài và các thành viên đã tiến hành khảo sát tại một số công ty và cơ sở dệt may trên địa bàn thành phố Nam Định.

Mục tiêu của cuộc khảo sát là thu thập thông tin phản ánh thực trạng việc làm của lao động nữ làm việc trong lĩnh vực dệt may tại Nam Định dưới năm chiều cạnh chính bao gồm: Thu nhập thỏa đáng;  Sự ổn định và an ninh của công việc; Điều kiện làm việc; Môi trường làm việc;  An sinh xã hội.

Trong quá trình thực địa, đoàn nghiên cứu đã tiến hành các hoạt động khảo sát tại Nam Định bao gồm thu thập các văn bản, tài liệu về sự phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực dệt may nói riêng tại Nam Định và tiến hành phỏng vấn người lao động, chủ lao động và cán bộ công đoàn tại một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài, công ty cổ phần nhà nước, công ty cồ phần tư nhân và cơ sở sản xuất dệt may của hộ gia đình trên địa bàn Nam Định. Cụ thể, đề tài đã thực hiện 50 phỏng vấn bằng bảng hỏi bán cấu trúc đối với lao động nữ hiện đang làm việc tại các công ty có vốn FDI, công ty cổ phần nhà nước, công ty cổ phân tư nhân (công ty Maxsport, Young One, May Sông Hồng, Dệt Sơn Nam, Dệt may Nam Định) và một số cơ sở may của tư nhân và hộ gia đình trên địa bàn Nam Định. Về phương pháp định tính, đề tài đã thực hiện 12 phỏng vấn sâu bao gồm: 1 phỏng vấn sâu với chủ doanh nghiệp, 1 phỏng vấn sâu với cán bộ công đoàn; 8 phỏng vấn sau lao động nữ; 2 phỏng vấn sâu lao động nam làm việc trong lĩnh vực dệt may. Các yếu tố về sự đa dạng lứa tuổi, đa dạng về nơi làm việc được đưa vào xem xét khi lựa chọn đối tượng phỏng vấn. Trong quá trình khảo sát, nhóm nghiên cứu đã có dịp đến tham quan một số cơ sở dệt may để hiểu rõ hơn về điều kiện, môi trường làm việc của nữ công nhân. Qua khảo sát ban đầu cho thấy những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19 đang khiến cho tình trạng việc làm của nữ công nhân ngành dệt may của Nam Định gặp nhiều rủi ro. Cơ hội cải thiện năng suất lao động và thu nhập của phụ nữ ngành dệt may tại Nam Định là không nhiều và họ ít được đào tạo nâng cao tay nghề. Tình trạng làm việc quá dài khiến đôi khi khiến lao động nữ cảm thấy mệt mỏi, kém hiệu quả và đôi khi gây ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống của người lao động. Do môi trường làm việc chủ yếu là nữ nên tình trạng phân biệt đối xử trên cơ sở giới và quấy rối tình dục hầu như ít xảy ra. Tuy nhiên, vai trò giới đã cản trở phụ nữ dành thời gian tham gia các khóa đào tạo để thăng tiến và phát triển nghề nghiệp.

Nhóm khảo sát đã triển khai đảm bảo tiến độ và chất lượng các hoạt động thu thập thông tin như kế hoạch đặt ra. Các hoạt động thực địa đã giúp đoàn nghiên cứu thu thập được các thông tin phản ánh thực trạng việc làm bền vững của nữ công nhân trên nhiều phương diện khác nhau, đồng thời, ghi nhận những câu chuyện, chia sẻ của người lao động về những khó khăn và lo lắng của họ khi làm việc trong lĩnh vực dệt may. Nhóm nghiên cứu trân trọng cảm ơn những người tham gia khảo sát dành thời gian tham gia vào các cuộc phỏng vấn. Nhờ đó, các nhà nghiên cứu đã thu thập được những dữ liệu hữu ích và có cái nhìn sâu sắc hơn về thực trạng việc làm bền vững của lao động nữ trong lĩnh vực dệt may tại địa phương.  

Thanh Vũ