Hoạt động điều tra thực địa của đề tài khoa học cấp Bộ “Bảo đảm quyền tiếp cận việc làm của người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội’’

30/11/2023

Thực hiện kế hoạch của đề tài khoa học cấp Bộ “Bảo đảm quyền tiếp cận việc làm của người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội’’ do TS. Phạm Thị Tính làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Con người là tổ chức chủ trì, từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2023 chủ nhiệm đề tài và các thành viên đề tài đã tiến hành nhiều đợt khảo sát thực địa tại các quận huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Mục tiêu của chuyến khảo sát nhằm tìm hiểu thực trạng việc làm của người khuyết tật (ở sáu dạng khuyết tật khác nhau), mà cụ thể là tiếp cận thông tin việc làm, việc di chuyển từ nhà tới nơi làm việc, tiếp cận cơ sở - nơi làm việc, môi trường và điều kiện làm việc, chế độ tiền công, tiền lương và các chế độ trợ cấp cho người lao động khuyết tật, chế độ an sinh xã hội,…

Đoàn công tác đã làm việc với Ban Lãnh đạo Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội, Hội người khuyết tật huyện Sóc Sơn, Hội người mù huyện Sóc Sơn. Các bên đã lắng nghe, trao đổi và thảo luận một số vấn đề liên quan đến việc làm của người khuyết tật, việc thực hiện các chính sách cho người khuyết tật nói chung và trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng; những thuận lợi và khó khăn khi người khuyết tật tham gia thị trường lao động/việc làm; về giá trị của việc làm đối với người khuyết tật vì mục tiêu phát triển con người; các khó khăn, bất cập trong thực hiện chính sách đối với người khuyết tật nói chung và với đảm bảo việc làm cho người khuyết tật nói riêng hướng tới mục tiêu “không để ai ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển.

Các thảo luận, trao đổi về vai trò của Đảng bộ và chính quyền địa phương các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách về/liên quan đến người khuyết tật; sự quan tâm của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, các nhà hảo tâm,… quan tâm đến người khuyết tật thông qua các hoạt động, như: mở các khóa đào tạo nghề, hỗ trợ công cụ, dụng cụ di chuyển, làm việc, hỗ trợ trang thiết bị làm việc; đào tạo kiến thức, kỹ năng nâng cao nhận thức cho người khuyết tật; kiểm tra sức khỏe và khám chữa bệnh cho người khuyết tật, hỗ trợ thuốc và các nhu yếu phẩm cần thiết cho người khuyết tật,…

Các trao đổi cũng đề cập đến vấn đề cần tăng cường các hoạt động của Hội người khuyết tật, Hội người mù với sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội chữ thập đỏ,…để truyền thông thay đổi nhận thức của người dân; lan tỏa vai trò và sự tham gia của người khuyết vào mọi hoạt động của đời sống xã hội, đặc biệt là tham gia lao động, có thu nhập sẽ giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập xã hội. Khi người khuyết tật tham gia vào đời sống xã hội sẽ dần cảm thấy tự tin, vui vẻ, sức khỏe sẽ tốt hơn cả về thể chất và tinh thần. Khi đó, người khuyết tật sẽ nỗ lực hơn, nhiều người có thể tự lo được cho bản thân - sẽ là tấm gương cho người khuyết tật khác noi theo. Khi đó gia đình giảm gánh nặng về việc chăm sóc, người chăm sóc sẽ có cơ hội tham gia thị trường lao động tạo ra của cải vật chất, thúc đẩy kinh tế phát triển. Người khuyết tật tự chăm sóc được bản thân, tự tham gia thị trường lao động có thu nhập trang trải cuộc sống - kinh nghiệm và kỹ năng làm việc, kỹ năng sống được tích lũy, cơ hội việc làm sẽ nhiều hơn và thu nhập có thể sẽ cao hơn - năng lực làm việc và cơ hội lựa chọn sẽ nhiều hơn.

Tại các địa bàn khảo sát, đoàn công tác đã tiến hành khảo sát bằng bảng hỏi và phỏng vấn sâu đối với lãnh đạo, cán bộ phụ trách hội người khuyết tật ở một số phường mà đề tài khảo sát. Đồng thời, nhóm khảo sát đi thăm quan một số mô hình sản xuất kinh doanh do người khuyết tật làm chủ như hợp tác xã Tâm Ngọc, cơ sở tẩm quất do người mù làm chủ, mô hình trang trại chăn nuôi (vườn - ao – chuồng), cơ sở việc làm cho một số người khuyết tật thần kinh: chế bản điện tử, phô tô,… Tại các buổi trao đổi, nội dung làm việc xoay quanh các vấn đề về tiếp cận việc làm, việc di chuyển từ nhà tới nơi làm việc, trải nghiệm việc làm, những khó khăn và bất cập trong quá trình làm việc của những người khuyết tật khác nhau, phục hồi chức năng trong quá trình làm việc, nhìn nhận của xã hội đối với lao động là người khuyết tật, các rào cản để người khuyết tật tham gia làm việc, giá trị về việc làm đối với người khuyết tật, những hỗ trợ để người khuyết tật tiếp cận việc làm và duy trì việc làm bền vững,…

Với vai trò là nhà nghiên cứu đi thâm nhập vào đời sống việc làm của người khuyết tật, đoàn công tác rất xúc động trước những nỗ lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống của người khuyết tật, họ thực sự là những tấm gương “tàn nhưng không phế” đang ngày ngày truyền cảm hứng và gây dựng hình ảnh người khuyết tật có thể làm việc tốt nếu được tạo điều kiện và được xã hội xem trọng, đặc biệt là không phân biệt kỳ thị họ, tạo điều kiện để họ được tiếp cận bình đẳng - gỡ bỏ rào cản trong tiếp cận giao thông, tòa nhà, tiếp cận thông tin,….

Nhóm đề tài trân trọng cảm ơn Bà Đỗ Thị Huyền - Chủ tịch Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội, Ban lãnh đạo và các thành viên Hội người khuyết tật huyện Sóc Sơn, Ban lãnh đạo Hội người mù huyện Sóc Sơn, cùng cán bộ cộng tác viên các hội đã tạo điều kiện thuận lợi, nhiệt tình hỗ trợ, cung cấp thông tin và số liệu cho nghiên cứu này. Đặc biệt nhóm nghiên cứu gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới toàn thể những người khuyết tật và gia đình người khuyết tật đã trả lời khảo sát, cung cấp thông tin và các câu chuyện có ý nghĩa cho khảo sát này. Kết quả thu được từ đợt khảo sát là những tư liệu, dữ liệu quan trọng để đề tài có cơ sở thực tiễn phân tích, đánh giá và đề xuất các kiến nghị trong báo cáo tổng hợp của đề tài.

Một số hình ảnh của các đợt khảo sát:

 

Đoàn công tác làm việc với Hội NKT và Hội người mù huyện Sóc Sơn

 

Đoàn công tác thăm gia đình NKT vươn lên làm kinh tế giỏi tại huyện Sóc Sơn

 

Đoàn công tác thăm quan, trao đổi và trải nghiệm tại cơ sở sản xuất kinh doanh do người mù làm chủ

 

Phạm Thị Tính, Nguyễn Thị Huệ

 

The older news.............................