Thực hiện kế hoạch hoạt động khoa học của Viện Nghiên cứu Con người năm 2023, trong khuôn khổ đề tài cấp cơ sở “Năng lực giáo viên tiểu học đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới trong bối cảnh chuyển đổi số” do ThS. Nguyễn Thị Huệ làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Con người là tổ chức chủ trì, đã tổ chức Toạ đàm khoa học với chủ đề “Lý luận và thực tiễn triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong trường tiểu học” ngày 4/10/2023. Tham dự Toạ đàm phía Viện Nghiên cứu Con người có PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng-chủ trì Toạ đàm cùng đông đảo các cán bộ nghiên cứu và cán bộ khác có quan tâm. Toạ đàm còn có sự tham dự của chuyên gia khách mời là TS. Đỗ Đức Lân, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê giới thiệu một số nét khái quát về cơ cấu tổ chức và các chủ đề nghiên cứu chính mà Viện đang theo đuổi đồng thời cảm ơn TS. Đỗ Đức Lân đã tham dự và trình bày tham luận tại toạ đàm. Trong đáp lời, TS. Đỗ Đức Lân hi vọng rằng với sự tương đồng về lĩnh vực nghiên cứu giữa hai cơ quan sẽ mở ra các cơ hội hợp tác khoa học trong tương lai.
Tọa đàm đã nghe hai tham luận. Thứ nhất, TS Đỗ Đức Lân đã trình bày tham luận “Một số vấn đề về phát triển năng lực số dành cho giáo viên phổ thông trong bối cảnh chuyển đổi giáo dục”, tập trung vào một số vấn đề như bối cảnh xây dựng và ra đời của chương trình giáo dục phổ thông 2018, Quyết định 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030", tiếp cận về chuyển đổi số trong giáo dục, giai đoạn 2021-2025, chương trình ETEP, các hình thức giáo dục trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng như sự thích ứng của giáo viên, khung năng lực số cho giáo viên, phương pháp kiểm tra đánh giá và các vấn đề liên quan đến dạy học hiệu quả.
Tham luận thứ hai với chủ đề “Báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát của đề tài Năng lực giáo viên tiểu học đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới trong bối cảnh chuyển đổi số qua thực tiễn khảo sát tại 3 trường Tiểu học công lập trên địa bàn huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang”do ThS. Nguyễn Thị Huệ - chủ nhiệm đề tài trình bày. Tham luận cho biết chuyển đổi số trong giáo dục mang lại rất nhiều lợi ích ở cấp độ từ vi mô đến vĩ mô, chính vì nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục, tỉnh Bắc Giang đã đặt quyết tâm rất cao thực hiện chuyển đổi số giáo dục. Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Hiệp Hòa đã tích cực chuyển đổi số trên nhiều mặt từ quản lý giáo dục đến các hoạt động giảng dạy và phòng chống dịch, qua đó đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. một số khái niệm, cách tiếp cận, đối tượng và địa bàn nghiên cứu. Sau đó, ThS. Nguyễn Thị Huệ đã báo cáo một số kết quả khảo sát sơ bộ tại 3 trường tiểu học bao gồm Tiểu học Hương Lâm 1, Tiểu học Mai Đình 1 và Tiểu học thị trấn Thắng. Theo kết quả ban đầu thu được từ phỏng vấn sâu, khảo sát bằng bảng hỏi và các báo cáo thứ cấp, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các trường tiểu học, bối cảnh thực hiện lại gặp phải COVID-19, cơ sở vật chất và nguồn lực giáo viên đều khá khó khăn. Đề tài cũng phân tích năng lực giáo viên, trong đó có sự so sánh giữa nam và nữ, độ tuổi, số năm kinh nghiệm giảng dạy… Đồng thời cũng chỉ ra các khó khăn thách thức đối với giáo viên và nhà trường khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới gắn với chuyển đổi số.
Về các quan điểm, chủ trương của Đảng đối với việc thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông cũng như chuyển đổi số: nhóm nghiên cứu đã tổng hợp các quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước cũng như lộ trình cụ thể thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, chuyển đổi số quốc gia trong đó có lĩnh vực giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông mới đã bám sát quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới giáo dục; gắn với nhu cầu phát triển của đất nước và những tiến bộ của thời đại về khoa học - công nghệ và xã hội; phù hợp với đặc điểm con người, văn hóa Việt Nam, các giá trị truyền thống của dân tộc và những giá trị chung của nhân loại. Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng nền tảng, có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hoá, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới. Thực tiễn cho thấy, Nhà nước, Chính phủ đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các bộ ngành tham gia và bố trí ngân sách thực hiện. Kết quả là đến nay chương trình giáo dục phổ thông mới và chuyển đổi số giáo dục đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để quá trình thực hiện được hiệu quả, đồng bộ, nhất là để phù hợp với điều kiện cụ thể tại từng địa phương, đề tài cho rằng cũng cần nghiên cứu sâu thêm để có các nhận định xác đáng hơn.
Trong phần thảo luận, ngoài việc đặt câu hỏi để làm rõ các vấn đề các diễn giả đã trình bày, các đại biểu còn chia sẻ những hiểu biết và thông tin liên quan làm sáng tỏ hơn thực tiễn triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong trường tiểu học hiện nay.
Tổng kết và bế mạc tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê đánh giá cao các tham luận đã trình bày, cũng như những ý kiến đóng góp, thảo luận quý báu của các chuyên gia, các nhà khoa học, đặc biệt cảm ơn TS. Đỗ Đức Lân đã tham dự và chia sẻ các ý kiến tại toạ đàm và hi vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành trong các hoạt động tiếp theo của viện Nghiên cứu Con người trong thời gian tới. Nhóm đề tài cũng bầy tỏ sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý để chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo của đề tài, đảm bảo thực hiện đề tài nghiêm túc và đúng tiến độ.
Nguyễn Thị Huệ