Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu “Hệ thống lương thực và sức khỏe của người Hmông ở miền Bắc Việt Nam”

16/10/2023

 

Ngày 12/10/2023, Viện Nghiên cứu Con người và Ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu “Hệ thống lương thực và sức khỏe của người Hmông ở miền Bắc Việt Nam” tại huyện Đồng văn tỉnh Hà Giang. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án nghiên cứu “Hệ thống lương thực và sức khỏe của người H’mông ở miền Bắc Việt Nam”do Quỹ Rosa Luxembourg Stiftung, CHLB Đức tài trợ.

Tham dự hội thảo, có PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người; Ông Nguyễn Văn Chinh, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cùng đông đảo các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của huyện; lãnh đạo UBND 19 xã thị trấn của huyện Đồng Văn và người dân hai xã Tả Phìn và Phố Cáo.

Phát biểu chào mừng hội thảo, Ông Nguyễn Văn Chinh, phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho rằng, Đồng Văn là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn với 87,22% là dân tộc H’mông sinh sống, người DTTS ở đây do điều kiện canh tác, địa hình núi cao nên vẫn phải đối diện với tình trạng thiếu lương thực, tình trạng sản xuất chế biến thực phẩm có nguy cơ mất an toàn, bên cạnh đó thực phẩm thiếu nguồn gốc, thiếu an toàn đã có biểu hiện đang xâm nhập vào cuộc sống người dân… điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của nhân dân. Chính vì vậy, hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu này là diễn đàn để các nhà khoa học, đặc biệt là các lãnh đạo xã, cùng người dân địa bàn khảo sát để thảo luận, trao đổi với mục tiêu nâng cao nhận thức của người H’mông về công tác chăm sóc sức khỏe cũng như thúc đẩy các hành vi tốt trong tiêu thụ thực phẩm nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe của người dân ở Đồng Văn.

 

Ông Nguyễn Văn Chinh phát biểu chào mừng hội thảo

 

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người khẳng định, sức khỏe đóng vai trò thiết yếu cho phát triển con người, tạo nên năng lực của con người. Vấn đề sức khỏe và dinh dưỡng đã được đưa vào các chương trình hành động cụ thể của thế giới. Mặc dù Việt Nam đã đạt được một số thành tựu trong xóa đói giảm nghèo nhưng với cộng đồng người DTTS, trong đó có người H’mong vẫn còn nhiều khó khăn, tình trạng suy dinh dưỡng, thực phẩm không an toàn… vẫn là thách thức đối với sức khỏe người dân.

Kể từ khi thành lập đến nay, vấn đề an ninh con người, bao gồm an ninh lương thực là một trong những trọng tâm nghiên cứu chính của Viện Nghiên cứu Con người. Việc thực hiện nghiên cứu “Hệ thống lương thực và sức khỏe của người H’mông ở miền Bắc Việt Nam” nhằm tìm hiểu hệ thống lương thực của cộng đồng người H’mông ở Đồng Văn, bao gồm các hệ thống lương thực truyền thống, hiện đại, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt chú trọng đến các yếu tố rào cản và thúc đẩy tạo điều kiện cho một hệ thống thực phẩm tốt cho sức khỏe sẽ góp phần làm dày dặn hơn các kết quả nghiên cứu liên quan đến an ninh con người của Viện, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác giữa hai cơ quan trong tương lai.

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê phát biểu đề dẫn hội thảo

 

Tại hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Lê Thị Đan Dung và TS. Nguyễn Thị Lê đã chia sẻ kết quả nghiên cứu chính của dự án. Hội thảo cũng lắng nghe các tham luận của các đồng chí lãnh đạo huyện, xã và các khách mời về các chủ đề lương thực, thực phẩm và vấn đề sức khỏe của người H’mông ở Đồng Văn; Lương thực, thực phẩm của người H’mông: truyền thống và thay đổi Mông; Chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong công tác thúc đẩy và tiếp cận liên ngành hướng tới nông nghiệp dinh dưỡng tại vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Kon Plong, Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững: Bài học rút ra từ thực tiễn cho huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

 

TS. Lê Thị Dan Dung chia sẻ kết quả dự án

 

Phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi, các ý kiến trao đổi tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến lương thực và sức khoẻ của người H’mông hiện nay, vấn đề liên quan đến nông nghiệp, lương thực, sức khỏe, du lịch của các DTTS. Phân tích, đánh giá về tình trạng đói, nghèo và đưa ra những giải pháp đảm bảo an ninh lương thực đối với sức khỏe và khả năng cung cấp lương thực trong dài hạn trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu. Hội thảo đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu, đây là những tư liệu thực tế góp phần làm rõ thực trạng hệ thống lương thực thực phẩm của người dân trên địa bàn để từ đó có các giải pháp nhằm gia tăng khả năng tiếp cận thực phẩm an toàn, đảm bảo dinh dưỡng cho người dân. 

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê đánh giá cao các ý kiến thảo luận tại hội thảo. Đây là những tư liệu quan trọng giúp cho Viện Nghiên cứu Con người có những tư vấn chính sách xác đáng để góp phần nâng cao khả năng tiếp cận thực phẩm của người dân tộc thiểu số, trong đó có người H’mong, tiếp cận và sử dụng thực phẩm an toàn hướng tới mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Đồng thời, PGS Viện trưởng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia đã đọc kỹ các tài liệu hội thảo, đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, quí báu cho nhóm nghiên cứu; cảm ơn các cơ quan, các tổ chức đã giúp đỡ, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả tham dự Hội thảo quan trọng và giàu ý nghĩa này. Đặc biệt PGS Viện trưởng đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Lãnh đạo UBND huyện Đồng Văn và các đồng chí trong Ban tổ chức hội thảo đã dành tình cảm và sự tiếp đón tiếp chân tình dành cho đoàn công tác của Viện Nghiên cứu Con người. Hi vọng, thông qua hoạt động hội thảo này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác khác giữa Viện Nghiên cứu Con người và UBND huyện Đồng Văn nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung trong thời gian tới.

Huệ Nguyễn

 

Các cơ quan đưa tin về hội thảo:

Đài Truyền hình Hà Giang (bản tin cơ sở ngày 15/10/2023): http://hagiangtv.vn/thoi-su/202310/ban-tin-co-so-ngay-15102023-44c325f/

Trang thông tin điện tử huyện Đồng văn: https://dongvan.hagiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/news/44717/hoi-thao-chia-se-ket-qua-nghien-cuu-he-thong-luong-thuc-va-suc-khoe-nguoi-mong.html

 

 

The older news.............................