Ngày 21 tháng 9 năm 2023, tại Hội trường Viện Nghiên cứu Con người diễn ra tọa đàm khoa học với chủ “Xây dựng bộ công cụ khảo sát đánh giá về thực trạng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi”. Đây là hoạt động khoa học nằm trong khuôn khổ hoạt động của đề tài cấp Bộ “Tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi ở nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng và Tây Bắc nước ta hiện nay” do Ths. NCVC. Nguyễn Thị Nga làm chủ nhiệm. Tham dự tọa đàm gồm toàn thể cán bộ Viện Nghiên cứu Con người và khách mời.
Tọa đàm được nghe tham luận do ThS. Nguyễn Thị Nga (Viện Nghiên cứu Con người) trình bày với chủ đề: “Giới thiệu về mục tiêu, phương pháp nghiên cứu và định hướng xây dựng bộ công cụ khảo sát”. Báo cáo tham luận tập trung trình bày tổng quát về mục tiêu, cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và khung phân tích của đề tài. Trong đó định hướng xây dựng nghiên cứu bộ công cụ khảo sát tập trung ở ba khía cạnh là: 1/ Tính sẵn có (cơ sở y tế và nguồn nhân lực y tế); 2/ Khả năng tiếp cận (tập trung vào khoảng cách đến các cơ sở y tế, thời gian, chi phí, tiếp cận thông tin); 3/ Khả năng chấp nhận (điều kiện cơ sở y tế, về văn hóa). Ba khía cạnh này cũng được đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội và đặc điểm nhân khẩu học để có thể tìm hiểu việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi trong khuôn khổ nghiên cứu của đề tài.
TS. Nguyễn Đình Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày phiếu khảo sát của đề tài “Tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi ở nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng và Tây Bắc nước ta hiện nay”. Phiếu khảo sát gồm ba phần chính, gồm: 1/ Đặc điểm nhân khẩu học là các thông tin định danh, các thông tin liên quan đến các thế hệ trong gia đình và điều kiện sinh sống của người cao tuổi; 2/ Việc làm và đời sống kinh tế của người cao tuổi như việc làm, thu nhập (thu nhập bình quân tháng, khả năng đáp ứng chi tiêu cho đời sống hàng ngày, mức sống...); 3/ Chăm sóc sức khỏe tập của người cao tuổi và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe (tình trạng sức khỏe hoặc cơ hội tiếp cận các dịch vụ này, thực trạng hệ thống cơ sở y tế phân theo tuyến, trong đó có cả phần y tế tư nhân...).
Các nhà khoa học đã thảo luận để góp ý cho bảng hỏi như kỹ thuật thiết kế bộ câu hỏi, phiếu hỏi cần phù hợp với người cao tuổi không được quá dài. Ngoài ra, các ý kiến còn cho rằng dự thảo phiếu mới tập trung vào phần người cao tuổi hưởng lợi từ dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà chưa đề cập đến tính chủ động của người cao tuổi, cũng cần lược bỏ một số câu hỏi có thể phân tích từ tài liệu thứ cấp và thêm một số câu hỏi để thu được các thông tin đặc trưng cho các nghiên cứu của Viện Con người; cũng cần có các câu hỏi thể hiện đặc thù tiếp cận dịch vụ y tế của người cao tuổi theo vùng miền để so sánh giữa hai địa bàn nghiên cứu, có thêm điểm mới cho đề tài. Qua đóng góp của các nhà nghiên cứu, nhóm đề tài đã tiếp thu, trao đổi để làm rõ vấn đề nghiên cứu trước khi đề tài thực hiện nghiên cứu thực tiễn tại các địa phương.
Kết thúc tọa đàm, Viện trưởng đã yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để hoàn thiện bảng hỏi và bộ công cụ. Chủ nhiệm đề tài cũng thể hiện tinh thần cầu thị, tiếp thu các ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Nguyễn Nga