Tọa đàm khoa học “Một số kết quả nghiên cứu về vai trò của Thiết chế xã hội đối với Phát triển con người”

31/08/2023

Ngày 29 tháng 8 năm 2023, tại hội trường Viện Nghiên cứu Con người, tọa đàm khoa học “Một số kết quả nghiên cứu về vai trò của Thiết chế xã hội đối với Phát triển con người” đã được tổ chức. Đây là sinh hoạt chuyên môn của đề tài khoa học cấp cơ sở “Một số vấn đề lý luận về vai trò của thiết chế xã hội đối với phát triển con người” do TS. Nguyễn Thị Lê làm chủ nhiệm, đề tài thuộc hệ đề tài cấp cơ sở năm 2023 của Viện Nghiên cứu Con người.

 

Tham dự Tọa đàm có PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người; TS. Đào Thị Minh Hương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người cùng toàn thể viên chức, người lao động của Viện. Khách mời của Tọa đàm là PGS. TSKH. Lương Đình Hải, chuyên gia đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Tham luận “Một số vấn đề lý luận về vai trò của thiết chế xã hội đối với phát triển con người” của chủ nhiệm đề tài được trình bày đầu tiên nhằm giúp cho những người tham dự tọa đàm hiểu rõ hơn về đề xuất nghiên cứu này, đồng thời nêu một số kết quả nghiên cứu của đề tài. Khái niệm Thiết chế xã hội (TCXH) được trình bày từ nhiều khía cạnh khác nhau, đặc biệt chú trọng vào TCXH từ cách tiếp cận phát triển con người (PTCN). Các TCXH cơ bản gồm (i) Thiết chế kinh tế; (ii) Thiết chế chính trị; (iii) Thiết chế tôn giáo; (iv) Thiết chế giáo dục; (v) Thiết chế gia đình. Trong cách tiếp cận năng lực, thiết chế có nhiều “vai trò sống còn” trong quá trình phát triển: 1) Các thiết chế có vai trò sống còn trong việc thúc đẩy và nâng cao năng lực gián tiếp của con  người; 2) Các thiết chế có vai trò quan trọng trong phát huy và nâng cao trực tiếp năng lực của con người. Vai trò của TCXH đối với PTCN trong tiếp cận năng lực thường được đánh giá thông qua năng lực xã hội (social capabilities). Thuật ngữ “năng lực xã hội” đề cập đến khả năng kết hợp giữa kiến thức, chuẩn mực và hành vi khuynh hướng của các thành viên trong xã hội khiến họ có khả năng thực hiện. Các TCXH và năng lực xã hội cực kỳ quan trọng trong việc xác định năng lực cá nhân: (i) Có ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cá nhân; (ii) Chuẩn mực xã hội ảnh hưởng đến các lựa chọn mà mọi người đưa ra trong bất kỳ năng lực nào và các hành vi cá nhân đối với người khác, do đó ảnh hưởng đến năng lực của người khác; (iii) Ảnh hưởng đến hoạt động của tất cả các TCXH khác, tức là cả nhà nước và thị trường thiết chế; và (iv) các TCXH và năng lực xã hội là yếu tố rất quan trọng quyết định quyền lực và ảnh hưởng của các nhóm cụ thể (và các cá nhân trong các nhóm này).

                 PGS. TSKH. Lương Đình Hải trình bày tham luận “Thiết chế xã hội trong nghiên cứu khoa học và một số quan điểm của Đảng về thiết chế xã hội trong xây dựng đất nước hiện nay”. Bài trình bày tập trung chủ yếu vào hai vấn đề: Thứ nhất là tổng quát các vấn đề lí luận về Thể chế (Lược sử vấn đề; Phân loại thiết chế; Vai trò của thể chế; Quan điểm triết học về thiết chế; Những tính chất căn bản của thiết chế), trong đó có đề cập riêng đến Thiết chế hoạt động khoa học. Thứ hai là Quan điểm về hoàn thiện TCXH của Đảng Cộng sản Việt Nam và phản bác một vài luận điểm sai trái về TCXH. Những nội dung then chốt đó là: (i) Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh, bền vững; (ii) Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; (iii) Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (iv) Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người; (v) Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạng khoa học và công nghệ; (vi) Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; (vii) Quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến độ, công bằng xã hội; (viii) Quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; (ix) Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; (x) Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân.

Các ý kiến trao đổi tại tọa đàm đều thống nhất rằng đây là một nghiên cứu rất khó, TCXH hiện vẫn còn nhiều quan điểm tranh cãi kể cả về mặt khái niệm.

Bài trình bày của PGS. TSKH. Lương Đình Hải rất khái quát và bao trùm, vì vậy, đề tài xem xét để lựa chọn một số vấn đề phù hợp để đưa vào phân tích sâu trong đề tài.

Tổng kết Tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người bày tỏ sự cảm ơn hai diễn giả chia sẻ vấn đề về TCXH. Đây là vấn đề rất khó, vì vậy mà việc tổng kết được về lí luận và phân tích mối quan hệ đối với phát triển con người là hướng nghiên cứu có ý nghĩa đối với công tác nghiên cứu của Viện. Bên cạnh đó, việc đề tài cơ sở tập trung vào TCXH nhưng cũng cần quan sát, phân tích để thấy rõ lịch sử phát triển của khái niệm thiết chế ở các chế độ xã hội khác nhau để góp phần làm rõ thêm về lí luận; thực tế các TCXH ở các nước và việc nghiên cứu TCXH ở các nước. Đặc biệt, khi đi sâu về cơ sở lí luận thì cần phải làm rõ các vấn đề như khái niệm, phân loại, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của TCXH.

Tổng kết Tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người cảm ơn hai diễn giả chia sẻ vấn đề về TCXH. Đây là vấn đề rất khó, vì vậy mà việc tổng kết được về lí luận và phân tích mối quan hệ đối với phát triển con người là hướng nghiên cứu có ý nghĩa đối với công tác nghiên cứu của Viện. Bên cạnh đó, việc đề tài cơ sở tập trung vào TCXH nhưng cũng cần quan sát, phân tích lịch sử phát triển của khái niệm thiết chế như thế nào ở các chế độ xã hội khác nhau như thế nào, làm rõ thêm về mặt lí luận; Khi đi sâu về cơ sở lí luận thì cần phải làm rõ khái niệm, phân loại, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của TCXH. Chủ nhiệm đề tài bày tỏ sự trân trọng cảm ơn đối với diễn giả khách mời và ý kiến của các nhà khoa học tham dự Tọa đàm. Đề tài sẽ cố gắng chắt lọc để có thể tiếp thu tối đa các ý kiến này để bổ sung hoàn thiện các sản phẩm của đề tài.

Nguyễn Thắm

 

 

 

The older news.............................