Trong khuôn khổ thực hiện đề tài cấp Bộ “Giáo dục và y tế khu vực biên giới trên đất liền Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” thuộc Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu tổng thể vùng biên giới đất liền ở Việt Nam góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị trong điều kiện hiện nay”, ngày 25 tháng 7 năm 2023, đề tài đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến đóng góp xây dựng bộ công cụ đề tài. Tham dự tọa đàm PGS.TS. Chu Văn Tuấn, chủ nhiệm Chương trình trọng điểm cấp Bộ, các thành viên đề tài và các nhà nghiên cứu có quan tâm ở trong và ngoài Viện Nghiên cứu Con người.
Tại phiên thứ nhất, Tọa đàm đã được nghe hai tham luận làm rõ vấn đề chung giáo dục và sức khỏe của người dân tộc thiểu số tại khu vực biên giới.
Tọa đàm đã nghe PGS.TS. Phạm Tiến Nam, Đại học Y tế Công cộng trình bày tham luận “Các vấn đề sức khỏe và chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số tại khu vực biên giới trên đất liền Việt Nam”. Tham luận đã tổng kết các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước về chăm sóc sức khỏe và vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số ở vùng biên giới đã công bố trên các trang web như Google scholar, pubmed và báo cáo tổng quan ngành y tế các năm. Nội dung tập trung vào các vấn đề: Tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế, Sức khỏe trẻ em và tình trạng dinh dưỡng của trẻ em; Phòng chống các bệnh truyền nhiễm; sức khỏe bà mẹ dân tộc thiểu số; Tiếp cận nước sạch vệ sinh môi trường. Qua tổng quan tài liệu, diễn giả cho rằng nhóm DTTS có vấn đề sức khỏe và gặp một số khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Do đó, cần đưa ra đề xuất các bên có liên quan trong việc nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS tại khu vực biên giới trên đất liền Việt Nam.
PGS.TS. Phạm Tiến Nam, Đại học Y tế Công cộng trình bày tại tọa đàm
Tọa đàm cũng nghe TS. Dương Thị Thanh Hương, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam trình bày tham luận: Đội ngũ giáo viên - yếu tố quan trọng của giáo dục vùng biên giới trên đất liền. Tham luận trình bày các đặc điểm nổi bật về vùng biên giới và giáo dục vùng biên giới; về phát triển giáo dục khu vực biên giới; Về thực trạng và vai trò của đội ngũ giáo viên vùng biên giới và những giải pháp đã được thực hiện để đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên – điều kiện tiên quyết để đảm bảo phát triển giáo dục, từ đó góp phần đảm bảo an ninh quốc gia
TS. Dương Thị Thanh Hương, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam trình bày
Tại phiên hai, tọa đàm đã nghe TS. Nguyễn Thị Hoa Mai, chủ nhiệm đề tài khái quát giới thiệu về mục tiêu, nội dung của nghiên cứu, về hệ thống cấu trúc bộ công cụ khảo sát của đề tài, bao gồm các mẫu phiếu trưng cầu ý kiến đối với cán bộ quản lý các cấp trong lĩnh vực giáo dục và y tế, giáo viên và những người làm công tác y tế tại địa phương; mẫu phiếu khảo sát định lượng đối với người dân, mẫu phiếu phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm.
TS. Nguyễn Thị Hoa Mai, chủ nhiệm đề tài trình bày tại tọa đàm
Các ý kiến phát biểu đánh giá cao những thông tin được chia sẻ trong hai tham luận đã trình bày. Những thông tin mang tính gợi mở định hướng cho việc xây dựng làm rõ hơn các tiêu chí cần đưa vào bộ công cụ khảo sát cả định tính và định lượng của đề tài. Một số ý kiến khác cũng gợi ý đề tài nên có những tiêu chí khảo sát để làm rõ giáo dục và y tế ở khu vực biên giới thì có sự khác biệt hay bất bình đẳng gì giữa người dân tộc thiểu số và người Kinh tại cùng địa bàn đó không; làm rõ giới hạn vấn đề nghiên cứu để tránh việc thiếu các yếu tố đưa vào khảo sát hoặc thừa một số tiêu chí không cần thiết hoặc trùng lặp, đồng thời làm rõ hơn tính đặc trưng khu vực, con người, văn hóa, ngôn ngữ, các yếu tố khác ảnh hưởng đến giáo dục và y tế của vùng biên. Ngoài ra trong khi hành văn các câu hỏi cần tránh các từ chuyên môn, đơn giản hóa câu hỏi giúp thu thập thông tin được chính xác hơn; nên có điều tra thử để kiểm nghiệm bộ công cụ trước khi đi thực tiễn nhằm đảm bảo hiệu quả nhất, thu được kết quả như dự kiến vì để thực hiện được khảo sát vùng biên là rất khó khăn.
Phát biểu góp ý cho đề tài, PGS.TS Chu Văn Tuấn bên cạnh việc đánh giá sự triển khai tích cực của đề tài, đề tài cũng nên lưu ý một số vấn đề để đảm bảo hiệu quả việc điều tra khảo sát của đề tài cũng như thu được những kết quả đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của chương trình, đặc biệt, trong đó cần làm rõ mối quan hệ giữa việc phát triển giáo dục y tế vùng biên gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh biên giới. Ngoài ra, PGS.TS Chu Văn Tuấn cũng mong chủ nhiệm đề tài, các thành viên nghiên cứu có mối quan tâm cũng như đồng hành, tham gia vào các hoạt động của Chương trình sắp diễn trong thời gian tới.
Phát biểu bế mạc, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê cảm ơn hai diễn giả, chủ nhiệm Chương trình cũng như các nhà nghiên cứu tham dự đã có những chia sẻ và trao đổi hữu ích cho chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu trong việc điều chỉnh, hoàn thiện bộ công cụ khảo sát. Với cương vị lãnh đạo tổ chức chủ trì, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê cũng đề nghị chủ nhiệm và nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đã góp ý, sớm chỉnh sửa hoàn thiện bộ công cụ để có thể thực hiện hoạt động khảo sát theo đúng tiến độ đã đề ra.
Thu Hà