Tọa đàm khoa học: “Việc làm bền vững cho phát triển con người: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn nghiên cứu”

01/09/2021

Sáng 30 tháng 8 năm 2021, Đề tài cấp cơ sở năm 2021 do TS. Nguyễn Ngọc Trung làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Con người là đơn vị chủ trì đã tổ chức tọa đàm khoa học, được tổ chức dưới hình thức online với chủ đề “Việc làm bền vững cho phát triển con người: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn nghiên cứu”.

 

 

Tham dự tọa đàm có Lãnh đạo viện, các nhà khoa học và cán bộ Viện Nghiên cứu Con người. Tọa đàm đã nghe hai báo cáo do TS. Chử Thị Lân, Viện Khoa học Lao động, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội và TS. Nguyễn Ngọc Trung - Viện Nghiên cứu Con người trình bày các tham luận.

Trong bài báo cáo “Việc làm và phát triển con người: một số vấn đề lý luận và thực tiễn nghiên cứu”, TS Nguyễn Ngọc Trung đã trình bày một số vấn đề: 1/ khái niệm việc làm và một số khái niệm có liên quan như nghề nghiệp, người lao động, việc làm bền vững; mối quan hệ việc làm bền vững và phát triển con người. 2/ Việc làm và thực trạng mối quan hệ giữa việc làm bền vững và phát triển con người: nghiên cứu thực địa tại địa bàn tỉnh Nam Định.

 

TS. Nguyễn Ngọc Trung trình bày tham luận

 

Mối quan hệ giữa việc làm bền vững và phát triển con người tại tỉnh Nam Định được phân tích ở các trụ cột bao gồm: Việc làm có cơ hội phát triển và hoàn thiện các kĩ năng cá nhân (cụ thể phân tích làm rõ khía cạnh bình đẳng, kĩ năng); Việc làm có an sinh xã hội (ASXH), an toàn tại nơi làm việc và phòng ngừa rủi ro (phân tích làm rõ khía cạnh an sinh xã hội, an toàn nơi làm việc). Một số kết quả bước đầu cho thấy: những người có trình độ giáo dục cao hơn thì cơ hội bình đẳng cao hơn. Người có trình độ học vấn cao cho rằng lương thưởng hiện tại chưa đảm bảo giúp cho bản thân họ và người phụ thuộc có cuộc sống hạnh phúc, thể hiện qua số điểm trung bình thấp hơn so với nhóm còn lại. Với kết quả định lượng qua mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM), trong bốn trụ cột nghiên cứu, thì yếu tố an toàn nơi làm việc - phòng ngừa rủi ro có tác động lớn nhất đến Phát triển Con người với giá trị 0,764 điểm.

Ở bài báo cáo thứ hai “Việc làm thỏa đáng nội hàm, chỉ số đo lường và thực trạng ở Việt Nam”, TS. Chử Thị Lân đã trình bày một số nội dung: 1/Nội hàm việc làm thoả đáng (decent work)  khái niệm này do ILO giới thiệu năm 1999. Các khái niệm việc làm tử tế, việc làm bền vững và việc làm thỏa đáng về cơ bản là như nhau tuy nhiên để thể hiện hết nội hàm của khái niệm này thì khái niệm việc làm xứng đáng sẽ được sử dụng chính thức trong các Chương trình nghị sự. Cho đến nay, việc làm thỏa đáng đang được đưa vào mục tiêu số 8 của Chương trình mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc. Bốn trụ cột về việc làm thỏa đáng: tạo việc làm, đảm bảo quyền lợi nơi làm việc, bảo trợ xã hội (an sinh xã hội), đối thoại xã hội; 2/ Chỉ số đo lường việc làm thỏa đáng (9 nhóm chỉ số bao gồm: Cơ hội việc làm, Thu nhập và việc làm hiệu quả, Thời gian làm việc, Công việc và cuộc sống, Công việc cần loại bỏ; Tính ổn định và bảo mật của công việc; Công bằng và bình đẳng trong việc làm; Môi trường làm việc an toàn; An sinh xã hội; Đối thoại xã hội trong doanh nghiệp; Bối cảnh kinh tế và xã hội và các chỉ số thống kê tương ứng); 3/Thực trạng một số khía cạnh về việc làm thỏa đáng ở Việt Nam (Một số chỉ số đánh giá việc làm thỏa đáng dựa trên số liệu LFS của TCTK: Cơ hội việc làm; thu nhập và hiệu quả việc làm; thời gian làm việc; công bằng và bình đẳng trong việc làm; an sinh xã hội); và 4/Hàm ý chính sách.

 

TS. Chử Thị Lân trình bày tham luận tại tọa đàm

 

Một số hàm ý chính sách được đưa ra trên cơ sở chỉ ra khoảng trống trong một số khía cạnh của việc làm thỏa đáng, chẳng hạn:  Về cơ hội việc làm, Mặc dù tỷ lệ có việc làm cao nhưng chất lượng việc làm còn hạn chế: tỷ lệ lao động phi chính thức, lao động dễ bị tổn thương còn cao, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp và không tham gia đào tạo còn cao. Do đó, cần chính thức hoá việc làm phi chính thức; hỗ trợ thanh niên tham gia đào tạo kỹ năng và tiếp cận thị trường lao động; Phát triển giáo dục & đào tạo nhằm trang bị kỹ năng phù hợp cho thanh niên đáp ứng nhu cầu thị trường lao động hiện tại và tương lai; về Thu nhập việc làm, mức thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương chưa phản ánh đẩy đủ về hiệu quả việc làm, do đó cần phải có những khảo sát đánh giá thu nhập theo giờ; về Sự công bằng và bình đẳng trong việc làm, Phân biệt nghề nghiệp theo giới tính thể hiện mức độ bất bình đẳng giới trong việc làm. Vấn đề giới trong việc làm thể hiện ở những khác biệt về ngành nghề, khu vực làm việc và vị thế việc làm của nữ và nam. Lao động nữ vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn nam giới ở những nghề “Lao động giản đơn”. Do đó, cần quan tâm nhiều hơn chính sách bình đẳng giới trong việc làm như:  Tạo các điều kiện để phụ nữ được tiếp cận đầy đủ và bình đẳng tới các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ phụ nữ tiếp cận đầy đủ và bình đẳng tới các chính sách, chương trình giáo dục nghề nghiệp v.v...

Tọa đàm nhận được một số ý kiến trao đổi, thảo luận làm rõ hơn về vấn đề thuật ngữ việc làm bền vững/việc làm thỏa đáng; về một số trụ cột của chỉ số đo lường; vấn đề chủ động của công đoàn (đi sâu vào thực chất năng lực công đoàn); Sự linh hoạt trong lựa chọn các tiêu chí đánh giá về việc làm thỏa đáng theo thực tiễn của quốc gia hay bối cảnh cụ thể của địa phương; Tác động của việc làm bền vững đến phát triển con người là như nào, tiêu chí đánh giá như nào; Sự khác nhau tiêu chuẩn thống kê lao động ICLS 13 và ICLS 19, việc áp dụng tiêu chuẩn thống kê lao động mới và lý giải sự gia tăng của tỉ lệ thất nghiệp ít bị ảnh hưởng bởi thay đổi do áp dụng tiêu chuẩn thống kê lao động mới và chủ yếu tỉ lệ thất nghiệp cao hiện nay là do ảnh hưởng của dịch Covid-19; gợi mở khuyến nghị liên quan chủ thể người lao động đặc biêt về mặt hiểu biết pháp luật lao động và nâng cao kĩ năng lao động v.v… Một số ý kiến được trao đổi lại, tuy nhiên một số vấn đề theo diễn giả cần nghiên cứu sâu hơn trong thời gian tới mới có thể có những đáp lời thỏa đáng.

 

TS. Chử Thị Lân chia sẻ một số ý kiến trao đổi tại tọa đàm

 

Kết thúc tọa đàm, TS. Nguyễn Ngọc Trung thay mặt nhóm nghiên cứu đã cảm ơn sự quan tâm chia sẻ của những người tham dự và đặc biệt của diễn giả, TS. Chử Thị Lân. Những thông tin, chia sẻ đã giúp nhóm đề tài nghiên cứu có cách nhìn  toàn diện hơn về việc làm bền vững và mong muốn có nhiều sự chia sẻ hơn trong thời gian tới.

Lê Hà