Sáng 19 tháng 8 năm 2021, Đề tài cấp cơ sở: “Vốn con người: một số lý thuyết và phương pháp đo lường”, do Ths. Lê Thị Thu Hà làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Con người là đơn vị chủ trì đã tổ chức tọa đàm khoa học online với chủ đề “Vốn con người: lý thuyết và phương pháp đo lường”.
Tham dự tọa đàm có Lãnh đạo viện, các nhà khoa học và cán bộ Viện Nghiên cứu Con người. Tọa đàm đã nghe hai báo cáo do TS. Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc, Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo Chiến lược- Viện Khoa học Lao động & Các vấn đề Xã hội (ILSSA) và ThS. Lê Thị Thu Hà - Viện Nghiên cứu Con người trình bày.
Trong bài báo cáo “Vốn nhân lực và một số phân tích ứng dụng ở cấp độ cá nhân và hộ gia đình”, TS Phạm Ngọc Toàn đã trình bày một số vấn đề: Lý thuyết về vốn nhân lực; Vai trò của vốn nhân lực đối với việc làm và tiền lương; Một số ứng dụng đo lường và phân tích, cụ thể: 1/ Vận dụng lý thuyết Vốn con người (coi giáo dục là một thành phần, một chỉ báo đại diện cho nguồn vốn con người/vốn nhân lực) và lý thuyết Phát tín hiệu trên thị trường lao động để phân tích ảnh hưởng vốn nhân lực đến tiền lương bình quân của người lao động. Một số kết quả phân tích đáng lưu ý như: giáo dục đào tạo có vai trò quan trọng đến tăng tiền lương của người lao động, bên cạnh đó nó còn thể hiện vai trò phát tín hiệu. Điều này được thể hiện ở sự khác biệt về tiền lương giữa những lao động ở các cấp trình độ khác nhau và ở các mức kinh nghiệm khác nhau. Tuy nhiên. thông tin không đối xứng (thông tin không đầy đủ) có thể làm sai lệch tác động của giáo dục và đào tạo đến tiền lương của người lao động. Nếu chỉ nhìn vào bằng cấp chứng chỉ của người lao động để trả lương có thể dẫn đến thiếu hụt thông tin trong đánh giá năng suất của người lao động và từ đó xác định mức lương sai nếu chỉ dựa trên bằng cấp. 2/ Sử dụng phương pháp đo lường dựa trên cách tiếp cận giáo dục (lấy trình độ giáo dục làm biến đại diện cho vốn nhân lực) và cách tiếp cận của Greene (2008); Demaris (1995); và Wooldridge (2009) để đánh giá tác động của vốn nhân lực đến giảm nghèo đa chiều vùng Tây Bắc.
TS. Phạm Ngọc Toàn trình bày tham luận tại Tọa đàm
Ở bài báo cáo thứ hai “Một số quan điểm lý thuyết về vốn con người và đo lường vốn con người”, ThS. Lê Thị Thu Hà đã trình bày một số nội dung: 1/Một số quan điểm lý thuyết về vốn con người trên một số khía cạnh: sự hình thành và phát triển lý thuyết Vốn con người; nội hàm khái niệm Vốn con người; mối liên hệ Vốn con người, Vốn nhân lực và Nguồn nhân lực; mối liên hệ Vốn con người và các loại vốn khác (vốn kinh tế, vốn văn hóa, vốn xã hội); mối liên hệ Vốn con người và phát triển con người; vai trò của vốn con người; đầu tư và phát triển Vốn con người; quan điểm phê phán lý thuyết Vốn con người. 2/ Phương pháp đo lường vốn con người, bao gồm phương pháp đo lường Phương pháp đo lường thông thường (phương pháp đo lường dựa trên cách tiếp cận chi phí, dựa trên cách tiếp cận thu nhập, dựa trên cách tiếp cận giáo dục và cách tiếp cận tích hợp); Phương pháp đo lường của OECD; Cách tiếp cận bổ sung mới trong đo lường Vốn con người. Ngoài giới thiệu về phương pháp đo lường, diễn giả cũng tổng quan giới thiệu số nghiên cứu đã vận dụng các cách đo lường trên trong đo lường Vốn con người trên thế giới và Việt Nam. 3/Chỉ số đo lường vốn con người bao gồm: Chỉ số Vốn con người (HCI); Chỉ số vốn con người phân tách theo tình trạng kinh tế xã hội (SES-HCI); Chỉ số vốn con người được điều chỉnh theo mức sử dụng (Utilizing Human Capital Index-UHCI).
Ngoài ra, trong báo cáo này, diễn giả đã liên hệ vấn đề bảo vệ tư tưởng của Đảng đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch liên quan đến các vấn đề về đầu tư nâng cao và phát triển nguồn lực con người ở Việt Nam hiện nay. Từ góc nhìn trong quan điểm lý thuyết về vốn con người nói chung, diễn giả đã nêu tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân, coi đây là một trong những nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Trên cơ sở nền tảng ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu lên những quan điểm nhất quán, xuyên suốt về phát triển nguồn nhân lực, về giáo dục đào tạo, về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đồng thời có sự bổ sung, làm mới các quan điểm chỉ đạo để phù hợp với thực tiễn thay đổi của từng giai đoạn phát triển của đất nước và bối cảnh phát triển của thế giới. Xuyên suốt đó là quan điểm coi “nguồn lực quý báu nhất, có vai trò quyết định nhất là nguồn lực con người Việt Nam; là sức mạnh nội sinh của chính bản thân dân tộc Việt Nam”, “giáo dục phải nhằm mục tiêu: tất cả vì con người, cho con người, do con người”; “sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta”. Diễn giả cũng nêu một số luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai lầm cần phải đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh hiện nay.
|
|
ThS. Lê Thị Thu Hà trình bày tham luận tại tọa đàm
Tọa đàm nhận được một số ý kiến trao đổi, thảo luận làm rõ hơn về quan niệm, phương pháp đo lường, một số khía cạnh mà lý thuyết vốn con người chưa phản ánh được hoặc cần phải thận trọng trong việc đưa ra khuyến nghị. Hai diễn giả cũng có những trao đổi lại để làm rõ hơn về vấn đề đã nêu, giải thích thêm về yếu tố kĩ năng trong vốn con người, những khó khăn khi đo lường đánh giá kĩ năng của người lao động; một số vấn đề về vốn con người với việc làm, chuyển dịch việc làm; yếu tố đóng góp trong thu nhập của người lao động, v.v…
Kết thúc tọa đàm, TS. Đào Thị Minh Hương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người đã gợi ý thêm một số ý kiến để đề tài hoàn thiện hơn báo cáo tổng hợp cuối cùng và đặc biệt gửi lời cảm ơn đến TS. Phạm Ngọc Toàn đã có những chia sẻ rất có ý nghĩa đặc biệt về phương pháp thực hiện các nghiên cứu dựa trên phân tích dữ liệu định lượng và các phương pháp toán học, đồng hy vọng trong thời gian tới, giữa hai đơn vị sẽ có những sự hợp tác chặt chẽ hơn trong nghiên cứu và chia sẻ các kết quả nghiên cứu.
Lê Hà