Trong khuôn khổ thực hiện đề tài cấp cơ sở: “Tiếp cận giáo dục bậc mầm non của trẻ em trong gia đình lao động di cư làm việc trong khu công nghiệp (nghiên cứu trường hợp tỉnh Bắc Ninh)”, do Viện Nghiên cứu Con người chủ trì, ngày 16 tháng 8 năm 2021, đề tài đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Những thách thức đặt ra đối với tiếp cận giáo dục mầm non của trẻ em trong gia đình lao động di cư làm việc trong các khu công nghiệp”.
Tham dự tọa đàm có Lãnh đạo viện, các nhà khoa học và cán bộ Viện Nghiên cứu Con người. Tọa đàm đã nghe hai bài báo cáo do PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và TS. Nguyễn Đình Tuấn - Chủ nhiệm đề tài, Viện Nghiên cứu Con người trình bày.
Trong bài báo cáo “Tiếp cận giáo dục mầm non của nhóm trẻ di cư tại các khu vực có khu công nghiệp”, PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh đã phân tích làm rõ: 1/ Thực trạng tiếp cận với giáo dục mầm non của trẻ em dưới 6 tuổi ở nước ta hiện nay nói chung và ở các khu công nghiệp nói riêng; 2/ Các chính sách có liên quan đến tiếp cận giáo dục mần non của trẻ em di cư; 3/ Những rào cản, hạn chế trong tiếp cận giáo dục mầm non của trẻ em di cư; 4/ Xu hướng phát triển và những định hướng giải pháp về giáo dục mầm non. Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh, giáo dục mần non ở nước ta luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, điều này được thể hiện rõ ở hệ thống chính sách, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước và sự phát triển cơ sở hạ tầng (trường, lớp). Giáo dục mầm non ở nước ta cũng đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ như tăng trẻ em đến trường, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non… Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những thách thức trong cơ hội tiếp cận, nhất là đối với những trẻ em là con người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tại những khu vực này do có sự tăng nhanh về số lượng trẻ em nên hệ thống trường công không đáp ứng được yêu cầu, vì vậy, trẻ em di cư thường phải tiếp cận với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục thiếu các điều kiện đảm bảo chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Để trẻ em nói chung và trẻ em di cư nói riêng có cơ hội tiếp cận giáo dục mầm non cần phải có nhiều giải pháp, trong đó, có những giải pháp như: Tăng cương phối hợp liên ngành trong chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em dưới 36 tháng; Tạo cơ chế chính sách thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư, phát triển giáo dục mầm non; Quy định pháp luật phù hợp với sự đa dạng của cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng nhu cầu khác nhau của xã hội về chất lượng.
PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh trình bày tại tọa đàm
Ở bài báo cáo thứ hai “Tiếp cận giáo dục mầm non của trẻ em trong gia đình lao động di cư làm việc trong các khu công nghiệp tại Bắc Ninh”, TS. Nguyễn Đình Tuấn đã phân tích làm rõ: 1/ Bối cảnh lao động di cư tại Bắc Ninh trong những năm gần đây; 2/ Phân tích thực trạng tiếp cận giáo mầm non của trẻ em trong gia đình lao động di cư làm việc trong các khu công nghiệp tại Bắc Ninh qua 4 khía cạnh: tính sẵn có, có thể tiếp cận, có thể chấp nhận và có thể thích ứng. Báo cáo của diễn giả cho thấy, số lượng lao động di cư đến làm việc tại Bắc Ninh trong những năm gần đây tăng lên nhanh chóng, trong đó chủ yếu là lao động trong độ tuổi từ 20-35 và hơn 60% là nữ giới (đang trong độ tuổi kết hôn và sinh con). Đặc điểm này của người lao động di cư tạo ra những áp lực không nhỏ cho hệ thống giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh hiện nay. Để tạo cơ hội tiếp cận giáo dục mầm non cho con em lao động làm việc trong các khu công nghiệp, tỉnh Bắc Ninh cũng đã triển khai nhiều chính sách như: Đề án 404 (thực hiện theo Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ); Nghị quyết số 149/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2025; Nghị quyết số: 05/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 149/2018/NQ-HĐND (thực hiện theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ)… Từ những chính sách này đã giúp cho hệ thống trường, lớp mầm công lập và ngoài công lập, đội ngũ giáo viên mầm non của tỉnh Bắc Ninh tăng lên trong những năm qua. Mặc dù vậy, đối với con của người lao động di cư, việc tiếp cận với giáo dục mầm non vẫn gặp nhiều khó khăn từ việc tiếp cận với hệ thống trường công lập, chất lượng các lớp, trường học tư thục, đến việc chi phí học tập cho con em…
TS. Nguyễn Đình Tuấn trình bày tại Tọa đàm
Trao đổi tại tòa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp cận giáo dục mầm non của trẻ em hiện nay vẫn còn thiếu chính sách tài chính để đảm bảo công bằng cho trẻ em theo các độ tuổi, theo mức thu nhập, vùng miền và giữa giáo dục công lập, tư thục; đối với những địa phương có các khu công nghiệp, khu chế xuất hệ thống trường mầm non công lập mới chủ yếu đáp ứng nhu cầu của trẻ em có hộ khẩu tại địa phương, còn đối với trẻ em di cư khó có cơ hội tiếp cận. Đây cũng là lý do con của lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất chủ yếu tiếp cận với cơ sở mầm non ngoài công lập và các nhóm trẻ tư thục - nơi vẫn còn hạn chế về chất lượng và tiềm ẩn nguy cơ bạo hành trẻ em. Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi cũng đã được đặt ra cho hai diễn giả liên quan đến những thách thức trong cơ hội tiếp cận giáo dục mầm non của trẻ em di cư, đặc biệt trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hiện nay; vấn đề bình đẳng trong cơ hội tiếp cận với giáo dục mầm non công lập, giáo dục mầm non có chất lượng…
Kết thúc tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người đã gửi lời cảm ơn đến PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh đã có những chia sẻ rất có ý nghĩa giúp đề tài có thêm những dữ liệu để hoàn thiện báo cáo tổng hợp, đồng thời hy vọng trong thời gian tới Viện sẽ có cơ hội tiếp tục cộng tác trong nghiên cứu và chia sẻ các kết quả nghiên cứu khoa học.
NĐTK