Tọa đàm khoa học: Dịch vụ hỗ trợ nạn nhân người dân tộc thiểu số bị bạo lực gia đình.

06/08/2021

Sáng ngày 5/8/2021, Đề tài cơ sở năm 2021: “Tiếp cận dịch vụ hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số là nạn nhân bạo lực gia đình (Nghiên cứu trường hợp huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang)” do Ths. Nguyễn Thị Thắm làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Con người là cơ quan chủ trì đã tổ chức tọa đàm khoa học “Dịch vụ hỗ trợ nạn nhân người dân tộc thiểu số bị bạo lực gia đình”.

 

 

Tham dự tọa đàm khoa học, về phía Viện Nghiên cứu Con người có sự tham dự của PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng; TS. Đào Thị Minh Hương và TS. Nguyễn Đình Tuấn, Phó Viện trưởng; cùng toàn thể các nhà khoa học, viên chức công tác tại Viện. Về phía khách mời có TS. Lê Minh Thi, giảng viên, Trưởng bộ môn Dân số - Sức Khỏe sinh sản trường Đại học Y tế công cộng, một số giảng viên đến từ Đại học Y tế công cộng và Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Tọa đàm đã nghe hai báo cáo khoa học.

Báo cáo thứ nhất: “Nghiên cứu về chính sách giới và bạo lực gia đình” do TS. Lê Minh Thi trình bày. Diễn giả đã trình bày khung lý thuyết trong nghiên cứu chính sách (Khung tam giác chính sách y tế của Walt và Gilson; Khung các yếu tố ảnh hưởng tới cung cấp dịch vụ phòng chống bạo lực gia đình), chỉ ra một số tồn tại trong khái niệm về bạo lực gia đình ở nước ta hiện nay, phân tích thực trạng bạo lực gia đình và bạo lực giới ở Việt Nam, một số chính sách tại Việt Nam liên quan đến vấn đề bạo lực gia đình, từ đó chia sẻ một số phát hiện trong phạm vi chính sách và nội dung chính sách. Diễn giả cũng đưa ra một số ví dụ về các tác động của chính sách đến hoạt động trong thực tiễn của dịch vụ chăm sóc y tế cho người bị bạo lực gia đình, cụ thể là so sánh tại hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương.

 

TS. Lê Minh Thi trình bày tham luận tại tọa đàm

 

Báo cáo thứ hai: “Chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực gia đình và một số vướng mắc còn tồn tại” do Ths. Nguyễn Thị Thắm - chủ nhiệm đề tài trình bày. Thực hiện yêu cầu công tác thực hiện các nhiệm vụ về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong khuôn khổ tọa đàm của đề tài, diễn giả đã lồng ghép phân tích một số quan điểm sai lầm về bình đẳng giới hiện vẫn tồn tại trong xã hội. Một trong những nguyên nhân sâu xa của bạo lực đối với phụ nữ là do bất bình đẳng giới. Nó tồn tại trong hầu hết mọi xã hội, bao gồm cả Việt Nam. Diễn giả đã trình bày nền tảng quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về bình đẳng giới bắt nguồn từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới. Báo cáo cũng trình bày cụ thể về hệ thống chính sách, văn bản pháp luật về công tác phòng chống bạo lực gia đình ở nước ta hiện nay nói chung, các văn bản quy định về dịch vụ hỗ trợ chăm sóc y tế và trợ giúp pháp lý cho đối tượng bị bạo lực gia đình nói riêng - đây là hai dịch vụ thiết yếu hỗ trợ cho người bị bạo lực gia đình mà đề tài tập trung nghiên cứu. Từ đó, chỉ ra một số vướng mắc trong văn bản pháp luật liên quan đến bạo lực gia đình. Trong cách tiếp cận năng lực của Lý thuyết phát triển con người thì hệ thống các chính sách, pháp luật, chương trình hỗ trợ người bị bạo lực gia đình thuộc về chiều cạnh cơ hội tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho nhóm đối tượng này.

 

Ths. Nguyễn Thị Thắm - chủ nhiệm đề tài trình bày tham luận tại tọa đàm

 

Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của những người tham dự. Các ý kiến trao đổi, chia sẻ tập trung vào một số khía cạnh: việc xác định khái niệm về bạo lực gia đình; so sánh các chính sách về bạo lực gia đình của Việt Nam và một số nước trong khu vực châu Á; nguyên nhân sâu sa của bạo lực gia đình liên quan đến vấn đề hệ tư tưởng ở Việt Nam; lý thuyết và các chương trình can thiệp trong dịch vụ chăm sóc y tế cho người bị bạo lực gia đình; mối quan hệ bạo lực giữa vợ và chồng trong tình hình hiện nay; việc chắt lọc số liệu trong các nghiên cứu về bạo lực gia đình có mẫu lớn; xác định rõ ý nghĩa của đề tài trong bối cảnh các nghiên cứu về bạo lực gia đình đã được triển khai rất nhiều ở Việt Nam; thể hiện rõ hơn cá tính của người nghiên cứu từ cách tiếp cận phát triển con người; các vấn đề cần chuẩn bị để giải quyết được các khó khăn khi đi khảo sát nghiên cứu đối tượng người Mông ở Hà Giang, giúp có thể thu nhận được các kết quả tốt, làm nền tảng cho các phát hiện mới của đề tài.

 

 

 

Các diễn giả đã trao đổi, chia sẻ thêm các thông tin, phản hồi lại các ý kiến, đồng thời tiếp thu và trân trọng các gợi ý cho đề tài về góc nhìn của nhà nghiên cứu khi tiếp cận vấn đề bạo lực gia đình ở nhóm dân tộc thiểu số, cụ thể là nhóm người Mông và các lưu ý khi triển khai nghiên cứu thực địa tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Nguyễn Thắm

 

 

The older news.............................