Tọa đàm khoa học: Thảo luận kết quả nghiên cứu, xin ý kiến các nhà khoa học hoàn thiện báo cáo tổng hợp"

30/04/2021

 

Sáng ngày 29 tháng 4 năm 2021, tại Hội trường Viện Nghiên cứu Con người đã diễn ra Tọa đàm khoa học: "Thảo luận kết quả nghiên cứu, xin ý kiến các nhà KH hoàn thiện báo cáo tổng hợp". Tọa đàm được thực hiện trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp bộ “An ninh sức khỏe: một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam” do TS. Đào Thị Minh Hương làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Con người là cơ quan chủ trì.

Tham dự Tọa đàm có PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người, TS. Nguyễn Đình Tuấn, Phó Viện trưởng; các nhà khoa học là thành viên đề tài cũng và các viên chức trong Viện có quan tâm.

TS. Đào Thị Minh Hương, chủ nhiệm đề tài phát biểu khai mạc Tọa đàm, nêu lý do tổ chức Tọa đàm và điều hành chương trình. Nội dung buổi Tọa đàm tập trung vào thảo luận về những kết quả nghiên cứu mà đề tài đã đạt được trong thời gian thực hiện từ 2019.

Tọa đàm được nghe các thành viên trình bày về các kết quả nghiên cứu của đề tài. Kết quả nghiên cứu tập trung tại một số điểm chính:

Một số vấn đề lý luận về an ninh sức khỏe: các cách tiếp cận về an ninh sức khỏe, khung lý luận và cách tính chỉ số an ninh sức khỏe toàn cầu. Đề tài sử dụng hai cách tiếp cận chính là tiếp cận an ninh sức khỏe như chiều cạnh của an ninh con người và như chiều cạnh của phát triển. Diễn giả cũng phân tích yếu tố tác động đến sức khỏe con người. Ngoài ra, diễn giả còn phân tích bài học của Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh hiện nay.

Kết quả nghiên cứu thực trạng an ninh sức khỏe tại Việt Nam. Dựa trên số liệu thống kê thu thập được, đề tài đã nêu lên thực trạng an ninh sức khỏe tại Việt Nam được phân tích trên các khía cạnh: Tuổi thọ trung bình; Tỷ lệ tử vong; Tình trạng bệnh tật, suy dinh dưỡng; Tình trạng sức khỏe.

Các yếu tố ảnh hưởng đến an ninh sức khỏe, thực trạng an ninh sức khỏe ở Việt Nam. Các yếu tố được lựa chọn phân tích gồm: Môi trường tự nhiên (biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường); môi trường xã hội (chi tiêu y tế, chi tiêu dùng lương thực, thực phẩm, khả năng tiếp cận dịch vụ CSSK, mối nguy từ an toàn thực phẩm, tỷ lệ tiêm chủng); Dịch bệnh; Lối sống trong chăm sóc sức khỏe.

Một vài đánh giá về sức khỏe của người dân tại địa bàn khảo sát là Lào Cai, Việt Nam.: Đánh giá sức khỏe bản thân và gia đình về tình trạng sức khỏe; Đánh giá của người dân về đe dọa của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe; Tỷ trọng chi cho y tế và chăm sóc sức khỏe trong chi tiêu đời sống hộ gia đình; Đánh giá về việc khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế; Đánh giá sự thuận tiện cho việc đi lại khám chữa bệnh đến sức khỏe; Đánh giá của người dân về ảnh hưởng của lối sống đến sức khỏe; Đánh giá của người dân về các nhân tố đe dọa đến sức khỏe.

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đã được phát biểu thảo luận, phản biện một số kết quả đề tài đã nêu: cần làm rõ định nghĩa an ninh sức khỏe cũng như khung lý thuyết của đề tài, khung phân tích lý luận cần bao quát toàn diện hơn. Các số liệu cần cập nhật, bổ sung hoàn thiện phân tích bộ số liệu khảo sát; phân biệt rõ giữa các yếu tố ảnh hưởng và thực trạng sức khỏe.

Chủ nhiệm đề tài giải thích làm rõ hơn về lịch sử quan niệm về an ninh sức khỏe bởi thực tiễn cho thấy an ninh sức khỏe như một chiều cạnh của an ninh con người nhưng việc thể hiện chỉ số này trong chỉ số chung là rất mờ nhạt, chưa có định nghĩa rõ ràng mà mới có sự liên hệ đến an ninh y tế công cộng (liên quan đến dịch bệnh, nguy cơ bùng phát và khả năng kiểm soát dịch bệnh). Đề tài đã cố gắng nêu ra vấn đề và tiếp cận vấn đề từ chiều cạnh dịch bệnh và chiều cạnh phát triển. Tuy nhiên, dựa trên chiều cạnh phát triển là chủ yếu, đề tài mong muốn làm rõ hơn thực trạng an ninh sức khỏe ở Việt Nam. Chủ nhiệm đề tài cũng ghi nhận các ý kiến góp ý để tiếp tục chỉnh sửa thêm báo cáo tổng hợp trước khi đưa ra hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở.

Lê  Hà

 

 

The older news.............................