Trong khuôn khổ hoạt động của đề tài cấp Nhà nước CTDT.44.18/16-20 “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển con người vùng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu Công nghiệp hóa, hiện đại hóa” do TS. Nguyễn Đình Tuấn làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Con người là cơ quan chủ trì, ngày 11 tháng 09 năm 2020, tại Thành phố Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Con người và chủ nhiệm đề tài đã tổ chức hội thảo có chủ đề: “Phát triển con người các dân tộc thiểu số ở Tây Nam Bộ trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay: thành tựu và thách thức”. Hội thảo nhằm trao đổi, phân tích để làm rõ hơn những vấn đề thực tiễn về phát triển con người vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nam Bộ trong bối cảnh hiện nay.
Tham dự hội thảo, về phía khách mời có ông Nguyễn Hoàng Hoành, Phó Vụ trưởng Vụ địa phương 3, Ủy Ban Dân tộc; Ông Trương Văn Kiệm, Phó chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam Thành phố Cần Thơ; TS. Phú Văn Hẳn, Phó Viện trưởng Viện KHXH vùng Nam Bộ - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; TS. Bùi Thanh Thảo, Phó Trưởng khoa Khoa Xã hội học, Trường Đại học Cần Thơ cùng nhiều nhà khoa học, giảng viên, cán bộ đến từ Viện Khoa học Công nghệ MêKông, Trường Chính trị tỉnh Cần Thơ, Hội liên hiệp Khoa học kỹ thuật tỉnh Cần Thơ, Đại học Cần Thơ, Đại học Nam Cần Thơ, Viện Kinh tế - Xã hội Thành phố Cần Thơ, v.v…
Về phía Viện Nghiên cứu Con người có PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng, đại diện đơn vị chủ trì, TS. Nguyễn Đình Tuấn, Phó Viện trưởng, chủ nhiệm đề tài và một số nhà khoa học, cán bộ của Viện.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê đã nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn sự có mặt của toàn thể đại biểu, khách mời đồng thời bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới Lãnh đạo Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ và Khoa KHXH&NV thuộc Trường Đại học Cần Thơ đã cùng hỗ trợ tổ chức Hội thảo. PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê cho rằng hội thảo này được tổ chức trong bối cảnh đất nước đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và xây dựng định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn phát triển 2021-2025. Với quan điểm phát triển “không bỏ ai lại ở phía sau”, trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã đưa ra những chủ trương và chính sách hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và vì con người. Trong đó, người dân ở vùng dân tộc thiểu số được đặc biệt quan tâm và ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, trong quá trình đó, người dân ở vùng dân tộc thiểu số hiện nay vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn ở nhiều mặt, cả trong phát triển kinh tế, phát triển xã hội và phát triển con người. Điều này làm cho việc nâng cao mức sống của người vùng dân tộc thiểu số và giúp họ tiếp cận với các dịch vụ xã hội để phục vụ phát triển con người còn có nhiều hạn chế. Vì vậy, các ý kiến thảo luận, chia sẻ về thực tiễn những vấn đề phát triển con người vùng Tây Nam Bộ sẽ là những gợi ý để đề xuất chính sách phù hợp với đặc thù phát triển con người của vùng.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê phát biểu chào mừng Hội thảo
Tiếp theo phát biểu chào mừng của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người là lời cảm ơn và chia sẻ về kết quả nghiên cứu của TS. Nguyễn Đình Tuấn, Phó Viện trưởng, chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước CTDT.44.18/16-20.
Phát biểu của TS. Nguyễn Đình Tuấn, Phó Viện trưởng, chủ nhiệm đề tài
TS. Phú Văn Hẳn đến từ Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ trình bày tham luận “Một số vấn đề về phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nam Bộ hiện nay” Tham luận cho thấy Tây Nam Bộ là vùng đất đa dân tộc, trong đó người Kinh, Khơ-me, Hoa và người Chăm là những cư dân có mặt sớm nhất, đênn thời phong kiến và đặc biệt là sau đổi mới năm 1986 đã có rất nhiều dân tộc cùng chung sống. Đây là vùng đất có vị trí quan trọng đối với đất nước về mặt kinh tế và quan hệ quốc tế cũng như an ninh quốc gia. Vùng đất Tây Nam Bộ hiện nay vẫn còn tồn tại hàng loạt khó khăn và thách thức, trong đó có vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số tại chỗ, mỗi dân tộc có những đặc thù khác nhau từ nguồn gốc lịch sử, văn hóa. Văn hóa của các dân tộc được coi như nội lực để phát huy ở nhiều vấn đề, trong đó có kinh tế, xã hội. Do vậy, cần quan tâm hơn nữa đến đội ngũ người dân tộc thiểu số, trong đó phải nghiên cứu tính toán thận trọng và có định hướng phát triển rõ ràng đối với từng dân tộc cụ thể. Đối với vấn đề giáo dục, đào tạo, không chỉ đào tạo mà phải sử dụng được và phát huy được thế mạnh của họ.
TS. Phú Văn Hẳn trình bày tham luận tại hội thảo
ThS. Trần Thế Như Hiệp, Viện Khoa học Công Nghệ MêKông trình bày tham luận “Các chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam Bộ” Bài tham luận cho thấy Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người Khơ-me ở Tây Nam Bộ nói riêng, Tuy nhiên, việc quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số nơi còn chậm; một số chế độ, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc Khơ-me còn bất cập, chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi; đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc Khơ-me còn nhiều khó khăn; vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao; tái mù chữ có chiều hướng gia tăng; đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý là người Khơ-me vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Từ sự phân tích nêu trên, tác giả bài tham luận cho rằng nguyên nhân của những hạn chế là do: 1) Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đối với vùng đồng bào dân tộc Khơ-me; 2) Nguồn lực đầu tư cho vùng có đông đồng bào dân tộc Khơ-me còn hạn chế; 3) Chậm đổi mới nội dung, phương thức vận động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; 4) Công tác chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng cơ chế, chính sách đối với đội ngũ cán bộ người Khơ-me. Từ đó tác giả dã mạnh dạn đề xuất một số giải pháp và kiến nghị chính sách hướng đến phát triển bền vững cho người Khơ-me vùng Tây Nam Bộ trong bối cảnh hiện nay.
ThS. Lữ Minh Đăng đến từ Trường Chính trị thành phố Cần Thơ trình bày tham luận: “Phân tích đặc điểm và đề xuất một số giải pháp chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long”. Bài tham luận đã tập trung vào phân tích một số đặc điểm nhân khẩu học của người Khơ-me vùng đồng bằng sông Cửu Long, qua đó cho thấy cấu trúc quy mô hộ của người Khơ-me thuộc nhóm khá cao so với các dân tộc khác trong cả nước (4,9 người/hộ), tuổi thọ trung bình xấp xỉ bằng tuổi thọ trung bình của cả nước (72,8), tỷ lệ biết đọc biết viết vẫn còn thấp hơn so với bình quân của cả nước và người Khơ me còn nhiều khó khăn trong tiếp cận hệ thống giáo dục hiện nay. Từ sự phân tích trên, tham luận đã đề ra một số giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách, an sinh xã hội đến kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực cho sự phát triển của người Khơ-me vùng đồng bằng sông Cửu Long.
ThS. Lữ Minh Đăng trình bày tham luận
ThS. Phạm Trung Hiếu đến từ Viện Kinh tế - Xã hội Thành phố Cần Thơ trình bày tham luận “Thách thức đối với sự phát triển con người của các dân tộc thiểu số ở Tây Nam Bộ trong bối cảnh hiện nay”. Bài tham luận cho rằng Tây Nam Bộ là vùng đất cư trú của nhiều dân tộc, có lịch sử phát triển lâu đời, điều kiện tự nhiên thuận lợi, là vựa lúa lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì cũng có nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, giáo dục và tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản còn thấp. Ngoài ra, các dân tộc thiểu số ở Tây Nam Bộ cũng đang phải đối mặt với thách thức không nhỏ về văn hóa. Từ những thách thức đó, các tác giả tham luận cho rằng chủ động hội nhập là con đường tốt nhất đề phát triển các tộc người thiểu số của vùng.
Tham luận cuối cùng của hội thảo là “Chuyển đổi văn hóa xã hội trong phát triển bền vững vùng đồng bào Khmer Tây Nam Bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” do ThS. Trương Thị Kim Thủy đến từ Đại học Cần Thơ trình bày. Tham luận cho rằng bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, đặc biệt là vùng đồng bào Khơ-me Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu thì cũng phát sinh nhiều thách thức cần phải giải quyết, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến các trụ cột của phát triển bền vững.
Các ý kiến trao đổi tập trung vào phân tích thực trạng sự phát triển các dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Khơ-me vùng Tây Nam Bộ, trong đó chỉ ra một số thành tựu về chủ trương chính sách đã có nhiều, kịp thời, đồng bộ, đã có những chính sách chung đồng thời cũng có những chính sách riêng cho các dân tộc thiểu số trong vùng.
Bên cạnh các trao đổi về một số thành tựu, các ý kiến hội thảo cũng chỉ ra không ít thách thức đối với phát triển con người vùng Tây Nam bộ gồm:
1) Cơ sở hạ tầng của vùng còn nhiều hạn chế thấp kém, đồng bào Khơ-me ở vùng thấp; 2) Nguồn nhân lực còn thấp, dân trí chưa cao; 3) Tương quan với các vùng miền với cả nước thì được đầu tư thấp hơn; 4) Sự nhận thức về tầm quan trọng học vấn còn thấp nên đầu tư về giáo dục của người dân chưa nhiều; 5) Chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, ngập nước và xâm nhập mặn, đặc biệt là thiếu nước ngọt; 6) Chất lượng nguồn nhân lực còn bất cập so với sự phát triển của thời đại; 7) Vấn đề di cư đã làm cho vùng Tây Nam Bộ có sự thiếu hụt trầm trọng về lao động; 8) Một số chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn có sự bất cập từ nội dung cho đến quá trình thực hiện.
Từ những thành tựu và thách thức, các ý kiến trong Hội thảo cũng tập trung đề ra các giải pháp cho sự phát triển con người vùng Tây Nam Bộ, trong đó chủ yếu đề cập đến việc tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ: “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Ngoài ra cũng cần có sự đánh giá, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị có liên quan đến vùng Tây Nam Bộ, chú trọng đến các chỉ số cụ thể. Bên cạnh đó cần bổ sung các chính sách cho phù hợp với tình hình mới, nên có sự tham khảo chính sách dân tộc của các quốc gia trong khu vực.
Một số ý kiến của Hội thảo cũng cho rằng nên xây dựng các mô hình điển hình về nhiều mặt, đặc biệt là phát triển kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số để giới thiệu, tổ chức hội thảo khích lệ tinh thần tạo và tạo tính lan tỏa cao trong cộng đồng.
Nhìn chung, hội thảo đã nhận được nhiều câu hỏi cũng như ý kiến trao đổi sôi nổi, tâm huyết của các đại biểu, các nhà quản lý, các nhà khoa học. Các ý kiến này phần lớn đều xuất phát từ thực tiễn công tác và thực tế tại địa phương , đó sẽ là những gợi ý vô cùng cần thiết đóng góp cho đề tài nói riêng và những gợi ý chính sách cho phát triển con người vùng dân tộc thiểu số vùng Tây Nam Bộ nói riêng.
Kết thúc hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê và TS. Nguyễn Đình Tuấn thay mặt cơ quan chủ trì và nhóm nghiên cứu của đề tài phát biểu cảm ơn các nhà khoa học, các đại biểu tham dự và hy vọng nhận được nhiều sự hợp tác trong thời gian tới.
Lê Mạnh Hùng