Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, Đại học Văn hóa, Viện Nghiên cứu Con người và một số cơ quan nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê -Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người và TS. Nguyễn Ngọc Trung- Chủ nhiệm đề tài đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người đã trình bày sơ lược về quá trình thực hiện đề tài và một số kết quả đã đạt được sau quá trình điều tra thực địa. Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin và lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các chuyên gia cho kết quả nghiên cứu của đề tài
PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người phát biểu khai mạc
Hội thảo đã nhận được 16 bài viết của các nhà khoa học, giảng viên đến từ các cơ quan nghiên cứu, trường đại học. Nội dung chính của các bài viết tập trung vào: thực trạng vấn đề an toàn thực phẩm và những vấn đề, những tồn tại còn đang đặt ra đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân nói chung.
Các báo cáo được trình bày và các ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ hơn: 1/ bức tranh chung về tình hình an toàn thực phẩm ở nước ta trên các khía cạnh từ sản xuất, bảo quản, phân phối, tiêu dùng; 2/ nhận thức và đánh giá của người dân về vấn đề an toàn thực phẩm; 3/một số chính sách, chương trình hành động cũng như công tác quản lý nhà nước về vấn đề an toàn thực phẩm; 4/ vai trò và tác động của truyền thông, của mạng xã hội hiên nay đối với dư luận xã hội về an toàn thực phẩm.
TS. Lê Văn Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam trình bày tham luận
Ngoài ra, đề tài cũng nhận được một số ý kiến đóng góp về việc cần làm rõ hơn các yếu tố tác động đến an toàn thực phẩm như văn hóa vùng miền, mô hình từng tỉnh, địa phương, vấn đề dư luận các nơi có gì khác nhau không, về chính quyền, đơn vị sản xuất, văn hóa tập quán, v.v… Phân tích các khía cạnh tác động của DLXH đối sản xuất thực phẩm an toàn có nhìn nhận nó ở các chức năng của DLXH hay không, ví dụ chức năng kiểm soát xã hội nếu nhìn từ góc độ đó thì thấy tác động của dư luận xã hội đến sản xuất thực phẩm an toàn như nào. Khi nghiên cứu đánh giá tác động thì có nhìn như vậy không hay chỉ dựa trên đánh giá của người dân. Cần làm rõ hơn tác động tích cực, tác động tiêu cực của dư luận xã hội đối với an toàn thực phẩm cũng như các tiêu chí đánh giá.
Hội thảo đã đưa ra rất nhiều đóng góp và những gợi ý giúp chủ nhiệm đề tài và các thành viên nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện hơn làm sáng tỏ hơn các kết quả nghiên cứu đã đạt được.
Thu Hà