Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh và theo sự chỉ đạo của Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, sáng ngày 13/11/2024, tại trụ sở số 9A Kim Mã Thượng - Cống Vị - Ba Đình - Hà Nội, Chi bộ Viện Nghiên cứu Con người đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề mở rộng với chủ đề "Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền của phụ nữ và lao động nữ".
Mục đích tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề là tiếp tục phổ biến, tuyên truyền và quán triệt việc thực hiện Chỉ thị số 05/2016-CT/TW nhằm nâng cao nhận thức của Đảng viên, viên chức và người lao động Viện Nghiên cứu Con người về tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Buổi sinh hoạt chuyên đề tập trung vào nội dung tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với vấn đề quyền của phụ nữ và quyền lao động nữ.
Buổi sinh hoạt chuyên đề mở rộng nằm trong kế hoạch của Chi bộ từ đầu năm, ThS.NCVC. Nguyễn Thị Nga được Chi bộ phân công nhiệm vụ là báo cáo viên. Thành phần tham dự là toàn thể cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động trong viện tham dự. Báo cáo tham luận tập trung vào các nội dung: 1. Bối cảnh hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền của phụ nữ và lao động nữ. 2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền của phụ nữ và quyền của lao động nữ. 3. Thực hiện tư tưởng của Hồ Chí Minh trong bảo vệ quyền của lao động nữ.
Trong phần đầu, tác giả phân tích bối cảnh thế giới và trong nước thời điểm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng sâu sắc từ chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là quan điểm về sự giải phóng con người, bao gồm cả giải phóng phụ nữ. Người nhận thức rằng sự bất bình đẳng giới là kết quả của sự áp bức giai cấp và chỉ khi cách mạng thành công, phụ nữ mới thực sự được giải phóng. Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) và Quốc tế Cộng sản đã khẳng định vai trò trung tâm của phụ nữ trong các phong trào cách mạng thế giới. Tư tưởng này còn được củng cố bởi các tuyên ngôn quốc tế như Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền (1948) và Công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO, 1951) với các nhấn mạnh về quyền bình đẳng và bảo vệ lao động nữ.
Tại Việt Nam, dưới ách thống trị của thực dân và phong kiến, phụ nữ bị bóc lột nặng nề, làm việc trong điều kiện khắc nghiệt và bị trà đạp về nhân phẩm và danh dự, không có quyền bình đẳng. Dù vậy, họ vẫn tham gia tích cực các phong trào yêu nước, từ Đông Du đến Đông Kinh Nghĩa Thục. Hồ Chí Minh nhìn thấy sức mạnh cách mạng to lớn ở phụ nữ và khẳng định rằng giải phóng dân tộc phải đi đôi với giải phóng phụ nữ. Theo Người, phụ nữ không chỉ là người sản xuất mà còn là lực lượng quan trọng trong cuộc đấu tranh vì độc lập và xây dựng xã hội mới. Như vậy, tư tưởng của Người về quyền của phụ nữ và quyền của lao động nữ là sự kết tinh của truyền thống, lý luận quốc tế và thực tiễn Việt Nam.
Ở phần thứ hai - Quyền của phụ nữ và quyền của lao động nữ trong tư tưởng Hồ Chí Minh, báo cáo viên phân tích các quan điểm về quyền của phụ nữ và quyền của lao động nữ. Về quyền của phụ nữ, Người luôn coi giải phóng phụ nữ là một phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng con người. Người nhấn mạnh rằng "không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa", đồng thời khẳng định vai trò của phụ nữ với cách mạng “Không có phụ nữ, riêng nam giới không thể làm nổi công cuộc cách mạng”. Hiến pháp năm 1946 (do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo) đã quy định rõ quyền bình đẳng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực, mở ra thời kỳ mới cho quyền của phụ nữ Việt Nam. Người nhấn mạnh quyền của phụ nữ không chỉ là quyền tự do cá nhân mà còn là cơ hội để họ tham gia xây dựng đất nước. Qua đó, Hồ Chí Minh đặt nền móng cho việc thúc đẩy sự bình đẳng giới trong xã hội Việt Nam hiện đại.
Về quyền của lao động nữ: Hồ Chí Minh coi lao động nữ là một phần không thể thiếu trong công cuộc xây dựng đất nước. Người nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia lao động sản xuất (lập nhà trẻ, nhà ăn và các chính sách hỗ trợ khác…); yêu cầu bảo đảm sức khỏe cho lao động nữ (tránh giao việc nặng nhọc, nguy hiểm cho phụ nữ, nhất là trong tình trạng sức khỏe đặc biệt...). Mặt khác, Bác khuyến khích lao động nữ nâng cao tính tự chủ và độc lập, tích cực rèn luyện sức khỏe, học tập và trau dồi kỹ năng để tham gia vào các lĩnh vực quan trọng, kể cả lãnh đạo, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong Di chúc, Người ngợi khen sự đảm đang của phụ nữ Việt Nam trong chiến đấu và sản xuất; Người yêu cầu Đảng, Chính phủ có chính sách cất nhắc, bồi dưỡng lao động nữ và coi đây là cuộc cách mạng thiết yếu để mang lại quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ.
Ở phần thực hiện tư tưởng của Hồ Chí Minh trong bảo vệ quyền của lao động nữ, Báo cáo viên phân tích quá trình tiếp thu và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bảo vệ quyền của lao động nữ trong các văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam Xi, XII và XIII. Trong đó Đảng ta nhấn mạnh việc nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện luật pháp, chính sách đối với lao động nữ; Bảo đảm bình đẳng cơ hội phát triển, nhất là với lao động khu vực phi chính thức; Đảng chỉ đạo “Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em”.
Thực hiện sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng trong việc bảo vệ quyền của phụ nữ và lao động nữ, Nhà nước ta đã ban hành các chính sách, pháp luật bảo đảm và bảo vệ quyền cho phụ nữ và lao động nữ. Chẳng hạn, các bản Hiến pháp của Việt Nam đều khẳng định các quyền cơ bản của phụ nữ. Trên cơ sở đó các quyền này đã được cụ thể hóa vào các luật, như: Luật Bình đẳng giới, Bộ luật Lao động, đã tạo khung pháp lý bảo vệ lao động nữ, bao gồm cả điều kiện làm việc và chế độ nghỉ phép. Để khuyến khích, động viên phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế và quản lý các cấp, Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nữ lãnh đạo và giảm lao động nữ trong nông nghiệp... Nhờ có các chính sách kịp thời và hợp lý, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ về bình đẳng giới, nâng cao tỷ lệ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, phụ nữ làm chủ các doanh nghiệp,… Thực tế điều kiện làm việc cho lao động nữ cũng có nhiều cải thiện. Những thành tựu này phản ánh tính đúng đắn và những giá trị không thể phủ nhận của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền của phụ nữ và lao động nữ, đồng thời cũng là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng và Nhà nước về vai trò quan trọng của phụ nữ trong xã hội hiện nay.
Buổi sinh hoạt chuyên đề mở rộng thực sự có ý nghĩa đối với đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng. Nó không chỉ giúp báo cáo viên có thêm cơ hội nghiên cứu sâu hơn về tư tưởng Hồ Chí Minh về nội dung mà họ quan tâm. Qua báo cáo này cũng giúp cho những người tham dự có liên hệ tới nhiệm vụ, nội dung nghiên cứu của mình gắn với việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở mỗi chuyên ngành, mỗi nhóm đối tượng. Bởi vấn đề này sẽ được duy trì liên tục thường xuyên và luân phiên làm báo cáo viên cho các lần sau. Đó là phát biểu của TS. Phạm Thị Tính - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Nghiên cứu Quyền Con người - An ninh con người Theo TS. Phạm Thị Tính, Báo cáo viên đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và công phu, dù vậy, cần trình bày một số nội dung gọn và rõ ý hơn; cần tìm hiểu phân tích rõ hơn quá trình vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh mới; làm sao để gắn kết các nội dung này với hoạt động nghiên cứu của cá nhân và của Viện sẽ thấy rõ hơn vai trò và giá trị của Chỉ thị 05-CT/TW đối với việc giáo dục thế hệ trẻ.
Kết thúc buổi sinh hoạt, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê - Bí thư Chi bộ, Viện trưởng, đã yêu cầu các Đảng viên, viên chức và người lao động trong Viện nghiêm túc, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong học tập, nghiên cứu và tích cực vận dụng những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng chí Bí thư cũng nhấn mạnh rằng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nghĩa vụ mà còn là động lực thúc đẩy mỗi cá nhân nâng cao chất lượng công việc, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Viện Nghiên cứu Con người.
Một số hình ảnh tại buổi sinh hoạt chuyên đề
Bùi Thanh Phương