Ngày 26 tháng 12 năm 2014, Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Khoa học sự sống - vai trò, vị trí và định hướng phát triển,” tại Hội trường của Bộ Khoa học và công nghệ, 39 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Tham gia Hội thảo có các thành viên của Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ Quốc gia, đại diện một số Bộ, Ngành, Viện nghiên cứu. GS.TS. Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng, chủ trì Hội thảo. PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người cũng tham dự Hội thảo.
Hội thảo đã nghe các báo cáo: “Tổng quan nghiên cứu và ứng dụng khoa học sự sống” (GS.TSKH. Nguyễn Thu Vân, Uỷ viên Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ Quốc gia trình bày), “Công nghệ sinh học nên sớm đẩy mạnh phục vụ thực tiễn” (GS.TS. Lê Đình Lương, Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam trình bày), “Khoa học sự sống từ bình diện nghiên cứu cơ bản” (PGS.TS. Nông Văn Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trình bày), “Khoa học sự sống phải ưu tiên phục vụ cuộc sống nhân dân” (GS.TS. NGND. Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam trình bày), “Già hoá dân số: những khía cạnh kinh tế, xã hội và chính sách” (GS.TS. Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em trình bày), “Khoa học sự sống và công nghệ sinh học: Một số định hướng nghiên cứu trên thế giới” (GS.TS. Trương Nam Hải, Uỷ viên Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ Quốc gia trình bày).
Các báo cáo viên đã cung cấp toàn cảnh bức tranh khoa học về sự sống, các chuyên ngành, các lĩnh vực mà nó bao hàm. Dù có những chi tiết khác nhau trong quan niệm Khoa học về sự sống[1], nhưng các báo cáo đều khẳng định rằng Khoa học về sự sống hiện nay bao gồm 3 cụm khoa học chính là sinh học, y học và các ngành khoa học sự sống khác (tin sinh học, hệ gen học, máy tính sinh học, đạo đức sinh học, v.v…). Khoa học sự sống là một trong những lĩnh vực khoa học có lịch sử phát triển lâu đời nhất. Đối tượng của nó là các cơ thể sống và các quá trình sinh học xảy ra trong tế bào. Khoa học hiện đại đang nghiên cứu sự sống ở bốn cấp độ: mức độ phân tử, mức độ mô và tế bào, mức độ cơ thể và mức độ quần thể, sinh thái và môi trường. Khoa học sự sống hiện đang phát triển với tốc độ rất nhanh chóng với nhiều định hướng khác nhau phục vụ cuộc sống của con người thuộc các thế hệ khác nhau. Nó thuộc nhóm khoa học phát triển với tốc độ “bùng nổ” khiến cho các công nghệ và sản phẩm do nó tạo ra có tốc độ hạ giá thành sản phẩm rất nhanh. Khoa học sự sống giúp phát hiện ra các nguyên lý sinh học, tạo tiền đề cho viêc xây dựng các quy trình công nghệ và tạo nên các sản phẩm nâng cao chất lượng sống của con người.
Một trong những thành tựu to lớn của Khoa học sự sống là giải mã hệ gen của con người giúp cho việc nghiên cứu các quá trình sinh học và cơ thể sống đạt được những thành tựu to lớn hơn các giai đoạn trước đây, thúc đẩy Khoa học sự sống phát triển mạnh mẽ hơn. Hàng loạt các ngành khoa học như y học, sinh học, nông nghiệp, công nghiệp dược phẩm và thực phẩm, v.v… có những thành tựu to lớn nhờ ứng dụng được các thành tựu của Khoa học sự sống. Theo các báo cáo viên, trong tương lai không xa, những phát hiện và các công nghệ được tạo ra do các phát hiện mới của Khoa học sự sống có thể sẽ đảo lộn nhiều quan niệm, quan điểm và tư tưởng đang có hiện nay trong xã hội. Kỷ nguyên hậu genome đang bắt đầu. Hệ gen hay genome người có cấu trúc tinh vi và phức tạp. Mọi biểu hiện của sự sống, bao hàm các yếu tố quy định sức khỏe, thể lực, trí lực, tuổi thọ, bệnh tật, v.v… đều liên quan đến chức năng gen. Sau khi giải mã thành công hệ gen đầu tiên cách đây một thập kỷ, nhờ các công nghệ và thiết bị kỹ thuật phát triển vượt bậc, các nghiên cứu hệ gen người và các sinh vật khác đang đi vào thời kỳ mới - giải mã toàn bộ hệ gen. Những phát hiện trong lĩnh vực này sẽ mang lại những hiệu quả to lớn cho con người và xã hội trong việc nâng cao tuổi thọ, đảm bảo sức khỏe, thay đổi điều kiện sống, nâng cao chất lượng sống.
Giả thiết đặt ra là việc giải mã các hệ gen của con người có thể chỉ rõ mối quan hệ giữa cấu trúc gen và các tính cách của con người, tương tự như quan hệ giữa cấu trúc gen với các tính trạng chăng? Khi đó có thể nhiều khẳng định hiện nay của các ngành khoa học xã hội về con người có thể bị đảo lộn. Tài năng, tiềm năng của một số con người cụ thể do gen quy định hay do học tập, rèn luyện quy định, hay do cả hai. Nếu do cả hai thì yếu tố nào quy định nhiều hơn? Hàng loạt những câu hỏi tương tự sẽ được giải đáp trong tương lai không xa.
Nghiên cứu con người với tính cách là một khoa học hiện đại không thể tách rời khía cạnh tự nhiên và khía cạnh xã hội trong nó. Các thành tựu của Khoa học sự sống hiện đại cho thấy những phát hiện của Khoa học sự sống là tiền đề cho sự phát triển của khoa học về con người không chỉ ở khía cạnh tự nhiên của nó mà cả ở khía cạnh xã hội. Và ngược lại, những vấn đề của Khoa học sự sống không thể được giải quyết, thậm chí ngành khoa học này sẽ bị kìm hãm sự phát triển nếu các nghiên cứu con người về khía cạnh xã hội không được triển khai. Sự phát triển của Khoa học sự sống đang đặt ra rất nhiều vấn đề cho việc nghiên cứu con người cả từ góc độ tự nhiên lẫn xã hội và nhất là về mối quan hệ giữa mặt tự nhiên và mặt xã hội trong sự tồn tại và phát triển con người. Đây chính là địa hạt rất quan trọng và là vùng biên cương chưa được khai phá trong nghiên cứu con người ở nước ta hiện nay. Hy vọng rằng trong tương lai không xa, lĩnh vực này sẽ có những chuyên gia và những phát hiện lớn làm đảo lộn nhận thức, giúp nâng cao chất lượng sống của con người và thúc đẩy xã hội phát triển tốt nhất.
[1] Khoa học sự sống là dạng/ kiểu khoa học giải quyết vấn đề cấu trúc và hành vi của các vật sống, thí dụ: thực vật học, động vật học, hóa sinh học, nhân chủng học; Các khoa học sự sống là các ngành khoa học liên quan đến việc nghiên cứu các sinh vật sống, bao gồm sinh học, thực vật học, động vật học, vi sinh vật học,… và các bộ môn liên quan, v.v….
L.H.