Tại Baku, Thủ đô nước Cộng hòa Azerbaijan, trong hai ngày, mồng 2 và mồng 3 tháng 10 năm 2014, đã diễn ra Diễn đàn Nhân văn Quốc tế thường niên lần thứ IV. Việt Nam có 9 đại biểu tham dự Diễn đàn lần thứ IV này. PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người đã tham dự Diễn đàn theo thư mời của ngài Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Azerbaijan Elmar Mammadyarov - thành viên Ban Tổ chức Diễn đàn.
Diễn đàn Nhân văn Quốc tế là hoạt động thường niên của các nhà hoạt động chính trị, khoa học và văn hóa trên thế giới với mục tiêu là đối thoại, trao đổi ý kiến, thảo luận về các vấn đề mang tính toàn cầu, thể hiện lợi ích toàn nhân loại. Diễn đàn được Tổng thống Azerbaijan là Inham Aliyev và Tổng thống Nga Đmitri Medvedev khởi xướng từ năm 2010. Tham dự và tổ chức Diễn đàn là các đại biểu của các khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, các nhà hoạt động văn hóa, với nhiệm vụ là xây dựng chương trình nhân văn mới ở tầm toàn cầu. Tham dự Diễn dàn còn có những người đã hoặc đang là nguyên thủ quốc gia, các nhà sáng lập các công ty đa quốc gia. Kết nối các đại biểu của tất cả các lĩnh vực hoạt động, đạt tới các quyết định tối ưu về những vấn đề bức thiết với toàn thể nhân loại, là mục tiêu của Diễn đàn.
Tham dự Diễn đàn lần thứ IV này có hơn 500 đại biểu từ 63 nước, 4 tổ chức quốc tế, bao gồm các nhà lãnh đạo, các chính trị gia, các nhà hoạt động xã hội, các nhà khoa học, trong đó có 4 cựu nguyên thủ quốc gia, 14 nhà khoa học đã được nhận giải Nobel, 41 nhà hoạt động chính trị và xã hội nổi tiếng thế giới. Tổng thống Azerbaijan, Ilham Aliyev, đã tham dự và phát biểu khai mạc. Tổng thống Nga V.Putin đã gửi thư chúc mừng Diễn đàn. Tại phiên Khai mạc còn có các phát biểu sau đây: Phát biểu của Chủ tịch Hội đồng liên bang Nghị viện Liên bang Nga bà V. Matviyenko; của Giám đốc chương trình phát triển của Liên hiệp quốc Helen Clark; Phát biểu qua Video của Tổng Giám đốc UNESCO, I. Bokova; Phát biểu của Tổng Giám đốc ISESCO, Abdulaziz Othman Altwaijiri;
Tại các phiên họp toàn thể Diễn đàn đã nghe các phát biểu của các cựu Tổng thống Estonia: Arnold Rutel, Croatia: Stiepan Mesic, Latvia: Valdis Zatlers, Lithuana: Vytautas Landsbergis, cựu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ytalia: Enrico Letta; Chủ tịch Hiệp hội vì một gia đình lý tưởng của Kuwait: H.H. Sheikha Fariha Al Ahmad Al Jaber Al Sabah; Phát biểu của Thứ trưởng về Hợp tác, văn hóa và thương mại Brazil: Hadil Fontes da Rocha Vianna; của Cố vấn Tổng thống Các tiểu vương quốc Arap thống nhất về những vấn đề luật pháp và tôn giáo: Al Sayed Ali Al Sayed Abdulrahman Al Hashim; của Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mexico: Gabriela Cuevas; của Chủ tịch Ủy ban điều hành UNESCO: Mohamed Sameh Amr. Mười bốn nhà khoa học được giải Nobel từ 1991 đến 2013 trong các lĩnh vực Hóa học, Y học, Kinh tế, Vật lý, Sinh lý học cũng đã phát biểu tại phiên họp toàn thể. Một số nhà hoạt động chính trị, xã hội và khoa học như Cựu Thị trưởng Los Angeles; Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã nước Nga mới ITAR-TASS; Tổng Thư ký Mạng các trường Đại học Khu vực Biển Đen; Phó Chủ tịch Quỹ Heydar Aliyev; Hiệu trưởng trưởng Đại học Tổng hợp Ataturk, Thổ Nhĩ kỳ; Đại diện Văn phòng Ủy ban Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA; Cựu Tổng thư ký Ủy ban Châu Âu, v.v…
Sau các phiên hội nghị toàn thể Diễn đàn tiến hành song song các Hội thảo bàn tròn với các chủ đề: “Nghiên cứu so sánh đa văn hóa: Từ lý luận đến thực tiễn nhân văn”, “Thay đổi của truyền thông trong kỷ nguyên số: Những xu hướng phát triển mới”, “Vai trò của sự tích hợp liên ngành trong sự phát triển sáng tạo”; “Phát triển bền vững và văn minh sinh thái”, “Những thách thức của toàn cầu hóa: giữa truyền thống và thay đổi”, “Sinh học phân tử và công nghệ sinh học trong thế kỷ XXI: lý luận, thực tiễn, triển vọng”, “Hội tụ công nghệ và những phác thảo tương lai: những thách đố mang tính bước ngoặt của thế kỷ XXI”, “Chủ nghĩa nhân văn với tính cách là giá trị căn bản trong kỷ nguyên hậu hiện đại”.
Diễn đàn đã thông qua Tuyên bố với nội dung như sau:
Tuyên bố của Diễn đàn Nhân văn Quốc tế lần thứ IV tại Baku
"Chúng tôi, các chính trị gia, các nhà khoa học, và các nhà hoạt động văn hóa, đại diện các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự và các phương tiện truyền thông đại chúng từ nhiều quốc gia trên thế giới, tham gia Diễn đàn nhân văn quốc tế lần thứ IV trong các ngày mồng 2 và mồng 3 tháng 10 năm 2014 tại Baku:
Chào mừng việc xây dựng Trung tâm đa văn hóa quốc tế tại Baku.
Lưu ý đến ý nghĩa ngày càng tăng của sự hợp tác nhân văn quốc tế và quan hệ đối tác có hiệu quả trong lĩnh vực này nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa và bền vững, ngăn chặn và loại bỏ các xung đột chính trị và quân sự đang gia tăng trên toàn thế giới.
Thấm nhuần Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc và chương trình hành động cho giai đoạn sau 2015, nhằm loại trừ sự bất bình đẳng trên thế giới trong các lĩnh vực tôn giáo, kinh tế, xã hội và phát triển giới
Chúng tôi lưu ý rằng các phương pháp kích thích kinh tế bằng việc gia tăng không ngừng nhu cầu là đối lập với các nguyên tắc phát triển bền vững và cũng vấp phải những giới hạn về các nguồn lực, đạo đức và nhân văn, và đưa tới những hệ quả sinh thái toàn cầu không thể đảo ngược.
Chúng tôi nỗ lực đóng góp vào sự phát triển bền vững lâu dài trên cơ sở tri thức hiện đại, tiềm năng con người và những nguyên tắc của nền văn minh sinh thái.
Chúng tôi nhận thức rằng sự hình thành tương lai chung của chúng ta trong bối cảnh toàn cầu hóa có hiệu quả, có căn cứ khoa học và có tính đến những nguyên tắc đạo đức nhân văn, có thể có được bằng việc huy động toàn bộ tiềm năng trí tuệ, văn hóa, xã hội của nhân loại và sự đa dạng tự nhiên trên hành tinh chúng ta.
Tính đến việc đáp lại một cách hiệu quả những thách thức của thể kỉ XXI chỉ có thể có được trong điều kiện tích hợp rộng rãi các tri thức khoa học hiện đại và tri thức truyền thống với các công nghệ thông tin, cũng như đảm bảo cho chúng có thể được tiếp cận ở khắp nơi, cả ở cấp độ toàn cầu lẫn cấp độ quốc gia.
Chúng tôi nhấn mạnh vai trò đặc biệt của xã hội dân sự và truyền thông đại chúng trong việc tăng cường thông tin cho xã hội và mở rộng sự tham gia vào việc kế hoạch hóa và thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực phát triển nhân văn.
Chúng tôi kêu gọi đội ngũ tinh hoa chính trị, văn hóa và khoa học, các tổ chức quốc tế và những đại biểu của xã hội dân sự và truyền thông đại chúng, đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác nhân văn nhằm đảm bảo tính bền vững của các quá trình phát triển.
Nhận thức rằng trong điều kiện hạn chế về nguồn lực, cách tốt nhất để sử dụng chúng theo nguyên tắc phát triển bền vững và đạo đức nhân văn, là phải hoạt động tích cực, dựa trên những thành tựu hiện có.
Xem xét qua trao đổi ý kiến rộng rãi các vấn đề như:
- Nghiên cứu so sánh đa văn hóa: từ lý luận tới thực tiễn nhân văn
-Thay đổi của truyền thông trong kỷ nguyên số: Những xu hướng phát triển mới
-Vai trò của sự tích hợp liên ngành trong sự phát triển sáng tạo
-Phát triển bền vững và văn minh sinh thái
-Những thách thức của toàn cầu hóa: giữa truyền thống và thay đổi
-Sinh học phân tử và công nghệ sinh học trong thế kỷ XXI: lý luận, thực tiễn, triển vọng
-Hội tụ công nghệ và những phác thảo tương lai: những thách đố mang tính bước ngoặt của thế kỷ XXI
-Chủ nghĩa nhân văn với tính cách là giá trị căn bản trong kỷ nguyên hậu hiện đại.
Chúng tôi xác nhận rằng việc mở rộng và tiếp tục phát triển sự hợp tác nhân văn quốc tế là điều kiện quan trọng nhất để giải quyết một cách có hiệu quả những thách đố và đe dọa hiện nay, tạo điều kiện tiếp cận và mở rộng vận dụng các công nghệ sản xuất và quản lý hiện đại, bảo đảm sự phồn vinh cho các thế hệ hiện tại và tương lai;
Nhận thức rằng Diễn đàn Nhân văn Quốc tế tại Baku được tổ chức định kỳ theo sáng kiến của nước cộng hòa Azerbajian là đóng góp quan trọng vào sự phát triển đa văn hóa, dựa trên thực tiễn nhân văn với tính cách là giá trị cơ bản của thời hậu hiện đại;
Chứng kiến hàng loạt quốc gia, trong đó có Cộng Hòa Azerbajian, trong những năm gần đây, đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc lập kế hoạch và quản lý sự phát triển bền vững, đã được thể hiện trong những con số và đánh giá của các tổ chức quốc tế.
Chúng tôi lưu ý đặc biệt đến sự cần thiết phải tiếp tục phát triển hợp tác quốc tế để chuyển xã hội tiêu thụ hiện nay sang xã hội tiêu thụ ở trình độ lý trí đầy đủ, cũng như để có lối sống đáp ứng được những đòi hỏi của văn minh sinh thái.
Ý thức được tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ sinh học và nano, dựa trên những thành tựu khoa học mới nhất, cũng như sự kết hợp các công nghệ hiện đại và truyền thống để đảm bảo an ninh lương thực và y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và hiện thực hóa tiềm năng kéo dài tuổi thọ con người.
Thừa nhận rằng sự phát triển tiềm năng con người thông qua việc tích hợp các kiến thức mới nhất và những thói quen, trong đó có cả các kiến thức liên ngành thành một chương trình giáo dục liên tục, cũng như việc mở rộng sự hợp tác trong lĩnh vực này là thành tố nhân văn quan trọng nhất của sự phát triển bền vững.
Nhận thấy sự gia tăng vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng và xã hội dân sự trong việc đạt đến các mục tiêu của sự phát triển nhân văn thông qua việc tăng cường thông tin và mở rộng sự tham gia vào quá trình nhân văn hóa sự phát triển.
Chúng tôi kêu gọi các tổ chức quốc gia và quốc tế đặc biệt trong lĩnh vực phát triển nhân văn tiến hành một cách có hệ thống các diễn đàn, các hội nghị, hội thảo và các toạ đàm bàn tròn nhằm tạo ra bầu không khí khoan dung và để giải quyết những thách thức có tính toàn cầu và khu vực hiện nay.
Chúng tôi ghi nhận sự cần thiết phải tổ chức hằng năm Diễn đàn như thế này và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến ngài Tổng thống và Chính phủ Cộng hoà Azerbaijan, Quỹ Heydar Aliyev và tất cả những nhà tổ chức Diễn đàn Nhân văn quốc tế tại Baku đã tiến hành các công việc hiệu quả và có tầm cỡ này.
Chúng tôi cho rằng cần thiết phải thông qua những tuyên bố này và sử dụng nó để đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực phát triển nhân văn."
Diễn đàn Nhân văn Quốc tế được tổ chức định kỳ hàng năm, bắt đầu từ 2010, ngày càng có tiếng vang trên thế giới, thu hút được sự quan tâm và tham gia ngày càng đông đảo của các học giả, các chính khách, các nhà hoạt động văn hóa, xã hội, các tổ chức quốc tế và các tổ chức dân sự ở các nước khác nhau. Chứng kiến sự mến khách, công tác tổ chức và điều hành Diễn đàn chu đáo, hiệu quả cùng với những thay đổi của Azerbaijan, của thành phố Baku ngày một xanh, sạch, đẹp, trật tự, các đại biểu tham dự Diễn đàn bày tỏ sự kính phục các nhà lãnh đạo và nhân dân Azerbaijan đã vượt qua khó khăn, làm được những thành tự to lớn trong 20 năm qua.
Phiên Hội thảo bàn tròn với chủ đề: "Nghiên cứu so sánh đa văn hóa: từ lý luận tới thực tiễn nhân văn".
Ảnh: Lương Hải
Lương Hải