Ngày 10/6/2014, tại Hội trường 606, tầng 6, tòa nhà 1B, số 1 Liễu Giai, Viện Nghiên cứu Con người - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo: “Phát triển con người: thành tựu, vấn đề và các xu hướng”. Hội thảo là một trong những hoạt động trọng tâm được tổ chức hướng tới sự kiện kỷ niệm 15 năm thành lập Viện Nghiên cứu Con người (2009 - 2014).
Tham dự hội thảo có GS. TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm); Th.S. Nguyễn Thanh Hà, Phó Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế, Viện Hàn lâm; các nhà khoa học đến từ Viện Triết học, Viện Xã hội học, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Con người,… trực thuộc Viện Hàn lâm; Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội,...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. TS. Võ Khánh Vinh khẳng định, vấn đề con người và phát triển con người luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng. Điều đó được thể hiện rất rõ qua các chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về con người và phát triển con người nhằm hoàn thiện chính sách về phát triển con người Việt Nam bền vững. Trải qua gần 15 năm, Viện Nghiên cứu Con người đã có những bước tiến nhất định trong nhiệm vụ nghiên cứu về con người nói chung và nghiên cứu về phát triển con người nói riêng. Hội thảo này đánh dấu một bước phát triển của Viện Nghiên cứu Con người và cũng đặt ra nhiệm vụ cần phải hình thành được một nhóm các nhà khoa học trẻ nghiên cứu chuyên sâu về phát triển con người. Ấn phẩm được xuất bản sau Hội thảo sẽ rất hữu ích đối với nghiên cứu về phát triển con người nói chung và công tác đào tạo tại Học viện Khoa học xã hội nói riêng.
PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người bày tỏ sự cảm ơn đối với những ý kiến của GS.TS. Võ Khánh Vinh. Sau đó, PGS. trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo. Báo cáo chỉ rõ, nghiên cứu con người là môn khoa học đa ngành, vì thế để phát triển cần phải dựa trên tri thức của các ngành khoa học có liên quan và những tri thức riêng biệt, đặc trưng. Sự phát triển của khoa học, công nghệ đã giúp nhận thức về nghiên cứu con người nói chung, PTCN nói riêng đúng đắn hơn, hữu hiệu hơn. Các nhà khoa học Việt Nam cũng đã có nhiều công trình, bài viết nghiên cứu về con người, coi con người là trung tâm và nguồn lực con người là đòn bẩy để phát triển đất nước. Viện Nghiên cứu Con người ra đời năm 1999 nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu con người, sau 15 năm thành lập, hướng nghiên cứu về PTCN đã có những đóng góp không nhỏ trong khoa học nghiên cứu về con người. Hội thảo này là một trong những hoạt động hướng tới ngày kỷ niệm ngày thành lập Viện Nghiên cứu Con người. Hội thảo nhằm chỉ ra xu hướng của nghiên cứu con người và PTCN trong thời gian tới.
Sau báo cáo đề dẫn của PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Hội thảo đã nghe 10 báo cáo trình bày qua hai phiên: phiên thứ nhất: “PTCN Việt Nam trên góc nhìn tổng thể” do PGS. TSKH. Lương Đình Hải và PGS.TS. Mai Quỳnh Nam chủ trì; phiên thứ hai: “PTCN Việt Nam từ một số khía cạnh cụ thể” do PGS. TSKH. Lương Đình Hải và TS. Đào Thị Minh Hương chủ trì. Ở giữa và cuối mỗi phiên đều có phần thảo luận.
Trong phiên thứ nhất, báo cáo của PGS. TS. Mai Quỳnh Nam - Viện Nghiên cứu Con người đã nêu và phân tích các kết luận được rút ra từ Chương trình nghiên cứu: “Một số vấn đề cơ bản về PTCN ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020” do PGS.TS. Mai Quỳnh Nam làm chủ nhiệm. Nghiên cứu này có mục đích phân tích những vấn đề cơ bản về PTCN ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản trong PTCN ở Việt Nam giai đoạn này. Báo cáo “Xây dựng và PTCN Việt Nam: Một số thành tựu và vấn đề đặt ra hiện nay” của PGS. TSKH. Lương Đình Hải - Viện Nghiên cứu Con người đã điểm qua một số quan điểm chính trong việc nhận thức và chỉ đạo xây dựng con người Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam để nhấn mạnh thêm rằng việc PTCN 30 năm qua, đặc biệt trong 10 năm gần đây, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển đất nước, so với đòi hỏi hội nhập thì sự phát triển con người chưa đáp ứng được. Bài tham luận chỉ rõ các bất cập trong nguồn lực con người Việt Nam, đưa ra nguyên nhân, đồng thời đề xuất 05 tiêu chí cơ bản để xây dựng và phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn tới. Báo cáo “PTCN Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay - một số hạn chế và nguyên nhân” của PGS. TS. Dương Văn Thịnh - Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội đã khái quát quan điểm về con người và PTCN của Đảng Cộng sản Việt Nam; nêu và phân tích những thành tựu và hạn chế trong PTCN ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay và chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế đó. Sau khi trình bày vắn tắt một số quan điểm đã có trong lịch sử liên quan đến sự xuất hiện của con người và soi rọi chúng bằng một số thành tựu mới nhất của khoa học về vai trò của môi trường, báo cáo “Môi trường và sự phát triển của con người” của GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã luận chứng về tầm quan trọng của môi trường tự nhiên và nhất là môi trường xã hội đối với sự phát triển của con người trong điều kiện hiện nay.
Phiên thứ 2, hội thảo được nghe báo cáo của PGS.TS. Đặng Nguyên Anh - Viện Xã hội học về “Đảm bảo an sinh xã hội vì mục tiêu PTCN ở Việt Nam: Định hướng mô hình và giải pháp”. Tác giả nêu các chức năng và các nguyên tắc cơ bản của an sinh xã hội, một số mô hình an sinh xã hội trên thế giới; phân tích thực trạng và chỉ ra một số vấn đề an sinh xã hội hiện nay, đồng thời đề xuất định hướng mô hình và giải pháp an sinh xã hội của Việt Nam. Báo cáo “An ninh con người: Một xu hướng quan trọng trong nghiên cứu Phát triển con người” của hai tác giả là TS. Đào Thị Minh Hương - Viện Nghiên cứu Con người và TS. Đặng Xuân Thanh - UBND tỉnh Lào Cai phân tích mối quan hệ giữa an ninh con người và PTCN, đồng thời cũng nêu rõ sự cấu thành của an ninh con người. Báo cáo “Chất lượng nguồn nhân lực vùng Tây Nguyên trong quá trình đô thị hóa” phân tích chất lượng nguồn nhân lực của Tây Nguyên qua các chiều cạnh về học vấn, trình độ chuyên môn kĩ thuật và giáo dục bậc cao, tập trung phân tích nguồn nhân lực ở một số lĩnh vực của hai tỉnh Lâm Đồng và Kon Tum. Báo cáo “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong vấn đề bảo đảm quyền con người nhìn từ góc độ pháp lý” của TS. Trương Văn Dũng khái quát về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, phân tích trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhằm bảo đảm quyền con người nhìn từ góc độ pháp lý, đồng thời chỉ ra những vấn đề đối với doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội nhằm bảo đảm quyền con người hiện nay. TS. Nguyễn Đình Tuấn - Viện Nghiên cứu Con người đã chỉ rõ “Một vài yếu tố ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người nghèo ở nước ta hiện nay” trong bài viết cùng tên. Đảm bảo quyền được cải thiện điều kiện dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho người dân chính là nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu PTCN là khẳng định của ThS. Phạm Thị Tính trong bài viết “Quyền hưởng thụ lương thực thỏa đáng vì mục tiêu PTCN”.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các nhà khoa học tham dự, như: cần nhìn nhận lại các quan điểm về xây dựng con người mới của Đảng trước đây khi đưa các quan điểm của UNDP vào Việt Nam; Đánh giá về khả năng sáng tạo của con người Việt Nam hiện nay; Gợi ý Viện Nghiên cứu Con người cần đào tạo chuyên gia về viết báo cáo PTCN; Sự mâu thuẫn trong nhận thức của người nghèo; PTCN không chỉ là con người cần được bảo vệ mà còn là có khả năng ứng phó với sự mất an ninh; nên đặt quyền lương thực trong bối cảnh cụ thể hiện nay ở Việt Nam;... Tác giả các bài tham luận đều đã đưa ra câu trả lời tuy chưa hoàn toàn giải đáp hết nhưng cũng đã đáp ứng được phần nào ý kiến trao đổi của các học giả.
Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS. TSKH. Lương Đình Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người khẳng định, 10 báo cáo khoa học trình bày trong hội thảo với 26 lượt phát biểu, trao đổi đều đã phân tích những hiện trạng, xu hướng của PTCN nói chung, khẳng định những thành tựu đã đạt được trong thời gian vừa qua, chỉ ra, và điều quan trọng là đã phân tích rất nhiều những hạn chế, bất cập và nêu rõ nguyên nhân của những hạn chế đó. Khía cạnh thứ ba cũng đề cập đến có liên quan đến định hướng nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Con người mặc dù không đặt ra như một tiêu chí của Hội thảo, nhưng qua đó cho thấy, ngay cả khi thảo luận đến các vấn đề khoa học cũng có liên quan rất chặt chẽ đến bình diện tổ chức nghiên cứu và triển khai nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Con người. Các báo cáo đã thông tin, đưa ra các luận điểm hoặc là chính xác hóa lại các khía cạnh khác nhau của nghiên cứu con người, đồng thời cũng cung cấp những chất liệu suy nghĩ, những gợi ý về những vấn đề nghiên cứu cần phải đi sâu trong thời gian tiếp theo.
Nguyễn Thắm