Hội thảo khoa học: “Phát triển con người trong bối cảnh giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”

26/11/2024

      Sáng ngày 22/11/2024, Viện Nghiên cứu Con người, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát triển con người trong bối cảnh giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức tại Hội trường Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (số 49 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Đây là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, nhà quản lí và nhà hoạt động vì môi trường chia sẻ các kiến thức, thông tin về các vấn đề liên quan đến phát triển con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) ở Việt Nam và trên thế giới; đồng thời thảo luận những giải pháp, chính sách nhằm thích ứng với BĐKH và phát triển KTTH ở Việt Nam vì mục tiêu phát triển con người (PTCN).

      Chủ trì Hội thảo có sự tham gia của Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn và PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người. Hội thảo hân hạnh được tiếp đón các vị khách mời: TS. Phí Vĩnh Tường, Quyền Viện trưởng, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới; TS Nguyễn Khánh Trung Kiên, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; TS. Đỗ Lý Hoài Tân, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Rất nhiều nhà nghiên cứu, học giả, giảng viên đến từ Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ Tp. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn,Viện Nghiên cứu Con người,… và đại diện nhiều cơ quan báo chí tham dự Hội thảo.

 

 

(Ảnh: Các đại biểu tham dự Hội thảo)

 

       Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người đã chỉ rõ những tác động mạnh mẽ của BĐKH tới PTCN Việt Nam. Mô hình KTTH là hướng đi phù hợp, giúp giảm thiểu tác động của BĐKH, cải thiện chất lượng sống và đảm bảo sự phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm và sự cạnh tranh về nguồn lực trên toàn cầu ngày càng gia tăng. Lợi ích lớn nhất của KTTH đối với sự PTCN là sự cải thiện chất lượng sống thông qua việc giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH..

 

(Ảnh: PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo)

 

      Hội thảo chia làm ba phiên. Phiên 1: Tổng quan về KTTH tại Việt Nam. Tham luận “Phát triển kinh tế tuần hoàn: chính sách và thực tiễn áp dụng ở Việt Nam” của PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn. Bài viết đã nêu lên sự cần thiết về mô hình phát triển KTTH ở Việt Nam. Đồng thời, tác giả cũng đưa ra định nghĩa về KTTH và các quan điểm, chính sách Chiến lược tăng trưởng xanh, đề án KTTH, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Chương trình Hành động Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững… Bài viết còn nêu ra các mô hình KTTH gắn với năng lượng tái tạo.

 

(Ảnh: PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn phát biểu và trình bày tham luận)

 

      Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an trong tham luận “Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, mục tiêu chủ động phát triển kinh tế xanh, KTTH thích ứng với tác động của BĐKH tại Việt Nam” đã nêu bật sự cần thiết tăng cường các nỗ lực toàn cầu, trong đó có Việt Nam nhằm ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Một trong những nỗ lực quan trọng đó là chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, trở thành xu thế bao trùm trên thế giới hiện nay, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Để có thể hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn, giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu, công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đóng vai trò rất quan trọng. Diễn giả khuyến nghị 5 nhóm giải pháp cần chủ động triển khai trong thời gian tới để có thể hướng tới hiện thực hóa mục tiêu trên.

 

(Ảnh: Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu và trình bày tham luận)

 

     Phiên 2: PTCN trong bối cảnh BĐKH. Tham luận “KTTH vì mục tiêu PTCN: Tổng quan các tài liệu và một số khuyến nghị về mô hình KTTH lấy con người làm trung tâm” do PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người trình bày  trên cơ sở tổng quan các công trình nghiên cứu đã công bố và các chính sách đã được áp dụng trên thế giới. Tham luận đã chỉ ra khoảng trống trong việc xây dựng và triển khai mô hình KTTH trên thế giới, các nghiên cứu chủ yếu tập trung ở khía cạnh kinh tế và tiết kiệm tài nguyên, còn thiếu các nghiên cứu, các lồng ghép các khía cạnh xã hội vào xây dựng KTTH, đồng thời tham luận cũng cho thấy các nghiên cứu về phát triển con người, cụ thể là tính toán chỉ số HDI chưa đề cập đến sự bền vững về môi trường. PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê nhấn mạnh sự cần thiết phải tích hợp các vấn đề xã hội và PTCN vào mô hình KTTH và đưa ra một số khuyến nghị nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội bằng cách thúc đẩy xây dựng mô hình KTTH lấy con người làm trung tâm, dự tên cách tiếp cận năng lực, và đặc biệt chú trọng các khía cạnh xã hội trong quá trình triển khai.

 

(Ảnh: PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê trình bày tham luận)

 

      Tham luận “Giải pháp thích ứng với BĐKH của cộng đồng sinh sống ở khu vực đô thị: trường hợp tại Thành phố Hồ Chí Minh” do TS. Đỗ Lý Hoài Tân, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ trình bày, tập trung vào tình trạng ngập lụt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu dựa trên khảo sát của dự án DECIDER năm 2023, tiến hành đối với các hộ gia đình tại các quận bị ảnh hưởng bởi ngập lụt. Theo kết quả nghiên cứu, tình trạng ngập lụt hiện nay được đánh giá là tương đương hoặc nghiêm trọng hơn so với cách đây mười năm. Hầu hết các hộ gia đình được khảo sát bày tỏ sự lo lắng sâu sắc về tác động của ngập lụt đối với cuộc sống, đồng thời ít hy vọng vào khả năng tình trạng này sẽ được cải thiện trong tương lai gần. Tuy nhiên, các giải pháp thích ứng của người dân hiện vẫn mang tính ngẫu hứng, tạm bợ và thiếu tính bền vững. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho chính quyền địa phương trong việc đề xuất và triển khai các giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn nhằm cải thiện chất lượng sống cho người dân tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi ngập lụt trong thời gian tới.

 

 

(Ảnh: TS. Đỗ Lý Hoài Tân trình bày tham luận)

 

      Các phiên trao đổi diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến giá trị từ các nhà khoa học và chuyên gia. Nội dung thảo luận xoay quanh các khía cạnh tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến phát triển con người (PTCN) và các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) vì mục tiêu PTCN. Các đại biểu tập trung phân tích cơ hội và thách thức trong phát triển KTTH tại Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh đến các nhóm yếu thế trong xã hội. Nhiều vấn đề được đặt ra, như: khoảng cách thế hệ, thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng, vai trò của nguồn nhân lực, và các khía cạnh xã hội trong triển khai KTTH. Các ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chính sách “lấy con người làm trung tâm” nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu phát triển KTTH, ứng phó với BĐKH và thúc đẩy PTCN. Hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp thực tiễn, góp phần định hướng phát triển bền vững trong bối cảnh mới.

 

 

(Ảnh: Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo)

 

       Tổng kết và bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người đã tổng kết những nội dung chính đã được trình bày, trao đổi tại buổi hội thảo. Hội thảo đã đã thu hút sự tham gia sôi nổi của các nhà khoa học, học giả, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và những người làm thực tiễn. Các ý kiến đóng góp không chỉ làm rõ thêm chủ đề hội thảo mà còn mở ra cơ hội hợp tác trong tương lai giữa các cơ quan và tổ chức khoa học. PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KTTH khẳng định định rằng tính liên ngành là điểm nổi bật của hội thảo. Ông nhấn mạnh, nếu thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và lĩnh vực, việc đạt được các giải pháp hướng tới phát triển bền vững và bao trùm sẽ rất khó khăn.

      Phiên 3: các đại biểu đã tham quan Nông trại Tam Nông tại Quận 12, TP. Hồ Chí Minh, một mô hình du lịch nông nghiệp tuần hoàn nổi bật. Với triết lý “Lấy nông dân làm trung tâm, nông thôn làm nền tảng, nông nghiệp làm động lực,” nông trại tập trung vào nông nghiệp xanh và du lịch nông nghiệp tuần hoàn, đề cao tinh thần hợp tác và giá trị cộng đồng. Trong chuyến tham quan, các đại biểu đã có cơ hội tìm hiểu về các hoạt động chính của nông trại, bao gồm:

  •        Ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn: Sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để tái chế và sản xuất phân bón hữu cơ, góp phần giảm thiểu rác thải và tối ưu hóa tài nguyên.
  •       Khai thác năng lượng tái tạo: Sử dụng năng lượng mặt trời và các công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
  •       Mô hình du lịch giáo dục: Kết hợp giữa hoạt động sản xuất nông nghiệp và trải nghiệm du lịch, giúp nâng cao nhận thức của du khách về bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.

      Đặc biệt, Nông trại Tam Nông còn có các chương trình hướng dẫn thực hành cho khách tham quan như trồng cây, thu hoạch nông sản, và trải nghiệm quy trình sản xuất thực phẩm sạch. Các đại biểu cũng được giới thiệu về giá trị cốt lõi của nông trại, đó là tinh thần hợp tác cộng đồng, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, vừa đảm bảo lợi ích xã hội và môi trường. Nông trại Tam Nông không chỉ là một mô hình kinh tế xanh mà còn là một ví dụ điển hình cho sự kết hợp giữa bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển cộng đồng. Đây là minh chứng sống động về tiềm năng của nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam, đồng thời gợi mở những ý tưởng và cách tiếp cận mới trong việc phát triển nông nghiệp và du lịch bền vững trong tương lai.

 

(Ảnh: Các đại biểu tham quan mô hình nông trại du lịch nông nghiệp tuần hoàn)

 

      Trong bối cảnh phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang trở thành xu thế phát triển toàn cầu, Việt Nam đối mặt với cả những cơ hội và thách thức lớn. Hội thảo lần này đã đóng góp đáng kể trong việc phân tích, thảo luận các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến phát triển con người (PTCN) gắn với BĐKH và KTTH.

      Những ý kiến và phân tích sâu sắc từ các diễn giả và nhà khoa học không chỉ làm rõ các khái niệm, định hướng mà còn cung cấp các luận cứ khoa học vững chắc, hỗ trợ quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách xanh hóa ở Việt Nam. Đây là nền tảng để thúc đẩy các giải pháp bền vững, đáp ứng mục tiêu phát triển toàn diện, bao trùm và thân thiện với môi trường trong giai đoạn phát triển mới.

Nguyễn Thắm

The older news.............................