Ngày 20 tháng 8 năm 2024, tại Hội trường Viện Nghiên cứu Con người, đề tài cấp Bộ Giáo dục và y tế khu vực biên giới trên đất liền Việt Nam: Thực trạng và giải pháp do TS. Nguyễn Thị Hoa Mai làm chủ nhiệm (thuộc Chương trình trọng điểm cấp Bộ: “Nghiên cứu tổng thể vùng biên giới đất liền ở Việt Nam góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị trong điều kiện hiện nay”), Viện Nghiên cứu Con người là tổ chức chủ trì đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Thực trạng giáo dục, y tế khu vực biên giới đất liền Việt Nam.
Tham dự hội thảo có GS.TS. Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam; GS.TS. Vũ Dũng - Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam; PGS.TS. Trần Hoàng Thị Diễm Ngọc, Trường Đại học Thủ Dầu Một; PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Lan - Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Xã hội học, Tâm lý học và Công tác xã hội, Học viện Khoa học xã hội; PGS.TS. Phạm Tiến Nam, Trường Đại học Y tế Công cộng; PGS.TS. Dương Văn Huy, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; TS. Dương Thị Thanh Hương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; TS. Trần Lệ Thanh, Học viện An ninh nhân dân; TS. Hoàng Văn Chung và TS. Phạm Quang Tùng, Viện Nghiên cứu Tôn giáo cùng đông đảo các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Con người, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, phóng viên báo Thông tấn xã Việt Nam, nhóm đề tài cùng nhiều nhà khoa học.
Phát biểu chào mừng hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự; nhấn mạnh hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học chia sẻ, đánh giá và tổng kết những thành tựu về giáo dục và y tế khu vực biên giới đất liền thời gian qua; thảo luận những khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển giáo dục và y tế khu vực biên giới trên đất liền Việt Nam, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Khu vực biên giới đất liền Việt Nam, với vị trí chiến lược và đặc thù về địa lý, dân tộc, văn hóa, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh đó, y tế và giáo dục không chỉ đơn thuần là các lĩnh vực phát triển xã hội, mà còn mang ý nghĩa chiến lược, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
TS. Nguyễn Thị Hoa Mai - chủ nhiệm đề tài bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm và dành thời gian tham dự hội thảo của tất cả các chuyên gia, nhà khoa học. TS. Nguyễn Thị Hoa Mai nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định y tế và giáo dục là những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là ở khu vực biên giới. Đảng coi việc chăm sóc sức khỏe và nâng cao dân trí cho người dân sống ở vùng biên giới, trong đó có các dân tộc thiểu số, là trách nhiệm quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với người dân sống ở vùng biên. Nhà nước đã và đang triển khai nhiều chính sách toàn diện nhằm phát triển y tế và giáo dục khu vực biên giới. Tuy nhiên, giáo dục và y tế khu vực biên giới vẫn đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm.
Ảnh 1: PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê phát biểu chào mừng hội thảo
Ảnh 2: TS. Nguyễn Thị Hoa Mai, chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo đã lắng nghe 07 tham luận trình bày. Ở chiều cạnh giáo dục, PGS.TS. Trần Hoàng Thị Diễm Ngọc đã trình bày tham luận Giáo dục khu vực biên giới đất liền Việt Nam - một số vấn đề cần quan tâm, chỉ ra những thách thức và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục tại khu vực này. TS. Dương Thị Thanh Hương đã phân tích Một số tính chất đặc thù của giáo dục khu vực biên giới – đề xuất định hướng nghiên cứu đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu chuyên sâu để xây dựng chiến lược giáo dục phù hợp. PGS.TS. Nguyễn Thị Huệ đã cung cấp cái nhìn tổng quan về Tình hình phát triển giáo dục tại An Giang và Quảng Trị, làm nổi bật những thành tựu và tồn tại trong thực tiễn giáo dục tại hai tỉnh biên giới. TS. Trần Lệ Thanh đã chia sẻ Một số kết quả khảo sát về giáo dục khu vực biên giới trên đất liền Việt Nam, cung cấp cơ sở dữ liệu quan trọng để đánh giá thực trạng cũng như các thành tựu và thách thức trong triển khai giáo dục tại khu vực biên giới. Ở chiều cạnh y tế, PGS.TS. Phạm Tiến Nam đã trình bày tham luận Tổng quan về rào cản trong chăm sóc sức khỏe của người dân các dân tộc thiểu số khu vực biên giới đất liền Việt Nam, chỉ ra những khó khăn đặc thù trong việc tiếp cận dịch vụ y tế của đồng bào dân tộc thiểu số. TS. Nguyễn Thị Hoa Mai đã báo cáo Thực trạng y tế khu vực biên giới trên đất liền Việt Nam, cung cấp bức tranh toàn cảnh về hệ thống y tế và những thách thức đặt ra cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Thực hiện báo cáo về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ThS. Nguyễn Thị Huệ đã trình bày tham luận Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng về khu vực biên giới đất liền Việt Nam, nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong việc củng cố an ninh quốc gia tại khu vực biên giới.
Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng chia sẻ quan điểm về những khó khăn mà người dân khu vực biên giới đang phải đối mặt trong việc tiếp cận giáo dục và y tế. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ phía Nhà nước và các tổ chức xã hội, nhưng người dân tại khu vực biên giới, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn còn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế chất lượng. Các vấn đề như thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và y tế không đủ, khoảng cách địa lý xa xôi, rào cản ngôn ngữ và văn hóa, cùng với điều kiện kinh tế khó khăn,… đã tạo nên những thách thức lớn đối với sự phát triển toàn diện của khu vực này. Các đại biểu cho rằng, việc giải quyết những khó khăn này đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, từ việc tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đào tạo đội ngũ giáo viên và y tế có chuyên môn cao, đến việc xây dựng các chương trình giáo dục và y tế phù hợp với đặc thù văn hóa của từng địa phương. Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người dân khu vực biên giới, giúp họ vượt qua khó khăn và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu một cách thuận lợi hơn. Trên thực tế, cần mở rộng hơn nữa diện bao phủ bảo hiểm y tế, hỗ trợ người dân khó khăn tham gia bảo hiểm y tế để giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh; tăng cường hợp tác với các nước láng giềng trong lĩnh vực giáo dục, y tế, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh biên giới; tuyên truyền, vận động người dân vùng biên giới về tầm quan trọng của giáo dục, y tế, chủ động tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích người dân phát huy tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn,... Bằng những giải pháp đồng bộ, toàn diện và kiên trì, chúng ta có thể xây dựng một vùng biên giới vững mạnh, giàu đẹp, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia, để không ai bị bỏ lại phía sau.
TS. Nguyễn Thị Hoa Mai, chủ nhiệm đề tài trân trọng cảm ơn những ý kiến chia sẻ, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học và khẳng định các ý kiến có giá trị quan trọng để đề tài hoàn thiện báo cáo kết quả nghiên cứu.
Phát biểu bế mạc, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê khẳng định y tế và giáo dục, như hai ngọn hải đăng soi sáng vùng biên cương, đóng vai trò không thể thay thế trong việc xây dựng và phát triển khu vực này. Y tế, với sứ mệnh bảo vệ sức khỏe cộng đồng, không chỉ giúp người dân vùng biên giới chống chọi với bệnh tật, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn là nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Giáo dục, với vai trò khai phóng tri thức, vun đắp tình yêu quê hương đất nước, không chỉ trang bị cho thế hệ trẻ kiến thức, kỹ năng để vươn lên mà còn thắp sáng niềm tin, khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương. Hai lĩnh vực này, như hai cánh chim, cùng nâng đỡ sự phát triển bền vững của vùng biên giới, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng một cộng đồng văn minh, giàu mạnh và hạnh phúc. Đồng thời, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các chuyên gia, nhà khoa học đã tham dự hội thảo; khẳng định, sự hiện diện và những đóng góp quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học đã góp phần quan trọng vào thành công của hội thảo, mang đến những góc nhìn sâu sắc, những phân tích chuyên sâu và đề xuất giải pháp thiết thực cho sự phát triển của khu vực biên giới. Viện Nghiên cứu Con người tin tưởng rằng, hội thảo này sẽ là cầu nối để các nhà khoa học tiếp tục hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau nỗ lực vì một tương lai tươi sáng hơn cho người dân khu vực biên giới.
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm
Nguyễn Thị Huệ - Nguyễn Thị Hoa Mai