Tọa đàm khoa học kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

14/05/2024

      Ngày 13.5.2024, Viện Nghiên cứu Con người tổ chức sinh hoạt chuyên đề với chủ đề “Tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh: thực tế và những ẩn ý chính trị - xã hội và tôn giáo” tại trụ sở số 9A Kim Mã Thượng, Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội. Buổi sinh hoạt đã thu hút sự tham gia của toàn thể viên chức, người lao động Viện Nghiên cứu Con người.

 

      Mở đầu buổi sinh hoạt chuyên đề, Bí thư Chi bộ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người - PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê phát biểu đây là hoạt động do Chi ủy, Lãnh đạo và Công đoàn Viện Nghiên cứu Con người phối hợp tổ chức để hướng tới kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024). Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê, dưới góc độ tôn giáo, tín ngưỡng, việc thần thánh hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh đang diễn ra ở nhiều nơi trong nước và cả nước ngoài. Điều đó cho thấy, trong tâm thức người Việt, Bác không chỉ là một tượng đài về chính trị, nhân cách, đạo đức mà còn được coi như một vị thánh. Nội dung của buổi sinh hoạt Chi bộ - Tọa đàm khoa học sẽ tập trung vào việc phân tích, nhận xét để hiểu rõ thêm về lòng tôn kính của người dân Việt Nam với vị anh hùng dân tộc và qua đó thể hiện niềm tin đối với lãnh tụ lỗi lạc của dân tộc. Đây cũng là hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bởi lẽ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là hai bộ phận hợp thành nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Thế nhưng, hiện nay, để chống phá cách mạng Việt Nam, một trong những thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch là ra sức xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, thông qua buổi sinh hoạt, Lãnh đạo Viện, Chi ủy mong muốn các viên chức, người lao động của Viện, một lần nữa, có thể thấy rõ niềm tin, tình yêu và lòng kính trọng của người dân Việt Nam với Bác sẽ không vì những âm mưu, thủ đoạn chống phá, xuyên tạc… mà phai nhạt đi; vẫn có rất nhiều người hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Bác; tri ân những cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng nước nhà của Người.

 

 

Đảng viên, viên chức Viện Nghiên cứu Con người tại buổi Tọa đàm

      Tiếp sau lời phát biểu khai mạc của đồng chí Viện trưởng, TS. Hoàng Văn Chung (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) trân trọng cảm ơn lãnh đạo và Chi bộ Viện đã tạo điều kiện để diễn giả chia sẻ kết quả nghiên cứu và những suy nghĩ của mình về hiện tượng tôn kính, thần thánh hóa Hồ Chí Minh. Theo diễn giả, tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang diễn ra ngày một mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; là một thách thức to lớn đối với việc đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trước tình hình đó, một đảng viên, một nhà nghiên cứu không những cần có bản lĩnh chính trị vững vàng mà phải nắm được những thông tin đa chiều, từ nhiều nguồn để có thái độ và cách ứng xử phù hợp. Diễn giả hy vọng, chuyên luận "Tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh: thực tế và những ẩn ý chính trị-xã hội và tôn giáo" sẽ cung cấp được những thông tin hữu ích cho đảng viên, viên chức của Viện Nghiên cứu Con người.

      Bài nói chuyện của TS. Hoàng Văn Chung tập trung vào các nội dung sau: Thứ nhất là giới thiệu về các hình thức tôn kính Hồ Chí Minh bao gồm: Tôn kính Hồ Chí Minh theo cách của Đảng và Nhà nước (các chương trình, phong trào, cuộc vận động xã hội; xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ sở tưởng niệm Hồ Chí Minh ở nhiều tỉnh, thành…);  tôn kính Hồ Chí Minh trong nhân dân (lập bàn thờ trong các gia đình; lập các đền thờ Bác, lập bàn thờ  trong các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng…). Diễn giả đã có những so sánh về hai hình thức tôn kính Hồ Chí Minh này. Thứ hai là trao đổi về việc thần thánh hóa Hồ Chí Minh trong các hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện từ sau năm 1986. Diễn giả đã đề cập đến các nhóm tôn giáo như Nguyễn Thanh Minh vì nghĩa tình dân tộc - 1992, nhóm Đạo trời tâm linh nước Việt - 2001; nhóm Hội Tiên (bà Sàng), nhóm Nguyễn Thị Điền: Đạo Hoàng Thiên Long - 2002 và một số nhóm khác). Thứ ba là về cách thức phản ứng của Nhà nước,  ví dụ như đề nghị không tôn thờ Bác Hồ trong các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; không cấp đăng ký hoạt động hay thừa nhận bất cứ hiện tượng tôn giáo mới nội sinh nào, kể cả các nhóm thờ Hồ Chí Minh; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không theo các nhóm thờ cúng Hồ Chí Minh; gia tăng quản lý, giám sát…). Thứ tư là trao đổi về quan điểm của giới nghiên cứu trong và ngoài nước, ví dụ như nghiên cứu về Hồ Chí Minh của các học giả Shaun Kingsley Malarney, Huệ Tâm-Hồ Tài, Phạm Quỳnh Phương, Ngô Thị Thanh Tâm. Thứ năm là đề cập đến những ẩn ý chính trị - xã hội. Theo đó, từ phía Đảng và Nhà nước thì việc tôn kính Hồ Chí Minh là chiến lược đại đoàn kết toàn dân, tạo nên phong trào học tập từ tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Một số hiện tượng tôn kính Hồ Chí Minh của các nhóm tôn giáo đã lên tiếng trước tình trạng tham nhũng, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức nhưng đôi khi nó lại thể thể hiện tư tưởng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, bài ngoại.. Sau khi phân tích các yếu tố nói trên, diễn giả đã rút ra những nhận xét về thái độ và cách ứng xử của người Việt Nam trước các tôn giáo truyền thống, chủ lưu; sự xuất hiện các ý tưởng và thực hành tôn giáo mang tính mới mẻ hơn và tính thay thế; nhu cầu đổi mới thần linh, gia tăng tính hiệu nghiệm của nghi lễ; đa dạng hóa tôn giáo như một quá trình tất yếu…

 

TS. Hoàng Văn Chung trao đổi cùng đảng viên, viên chức của Viện

 

 

      Sau phần nói chuyện của TS. Hoàng Văn Chung, buổi sinh hoạt chuyên đề tiếp tục diễn ra sôi nổi, tiếp nhận nhiều ý kiến chia sẻ kinh nghiệm, nhiều vấn đề muốn trao đổi của các cán bộ nghiên cứu như: sự hình thành, xu hướng phát triển của các nhóm thần thánh hóa Hồ Chí Minh; mối quan hệ giữa các hiện tượng tôn giáo mới với bối cảnh đất nước (kinh tế, chính trị, xã hội…); tác động tích cực và tiêu cực (nếu có) của những hiện tượng tôn giáo này; khó khăn trong việc điều tiết, quản lý các hoạt động và hình thức sinh hoạt tôn giáo; vấn đề có tồn tại hay không những xung đột, mâu thuẫn giữa các nhóm thờ cúng Hồ Chí Minh…

      Trả lời câu hỏi của các đảng viên, cán bộ nghiên cứu Viện Nghiên cứu Con người, TS. Hoàng Văn Chung khẳng định việc nghiên cứu về các hiện tượng tôn giáo và sự tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng, nghiên cứu về con người nói chung là một chủ đề rộng và phải dựa trên cách tiếp cận đa chiều, phải luôn luôn đặt trong những bối cảnh cụ thể. Ở Việt Nam, sự ra đời của các hiện tượng tôn giáo mới đều gắn với những biến động lớn về xã hội, kinh tế, văn hóa… Việc tôn thờ Hồ Chí Minh, mặc dù có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, nhưng ở đây đó, do những mục đích khác nhau, đã có tồn tại một số hiện tượng tiêu cực. Tuy nhiên, về cơ bản, nếu được quản lý tốt, hoạt động này góp phần giúp chúng ta có những hiểu biết rõ ràng hơn về tư tưởng, đạo đức, cống hiến và đóng góp Bác, từ đó góp phần vào việc củng cố lòng tin trong nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Sự xuất hiện của các nhóm tôn giáo mới khiến cho đời sống tinh thần của người dân Việt Nam thêm phong phú và sôi động; đồng thời sẽ đặt ra một số thách thức đối với các nhóm tôn giáo chủ lưu, buộc các nhóm tôn giáo này phải nhìn lại và điều chỉnh lại mình để tiến gần đến tâm tư, nguyện vọng của người dân hơn… Hiện nay, một số nhóm đối tượng và tổ chức nước ngoài thường xuyên lợi dụng các vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam hoặc đưa ra những đánh giá chủ quan và tiêu cực về tình hình tự do tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam. Do đó, chúng ta cần tỉnh táo để nhận diện và phản bác những hình thức và luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch…

       Kết thúc buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê - Bí thư Chi bộ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người nhận định dù có những biến động nhất định nhưng cho đến nay, dòng người vào lăng viếng Bác vẫn rất đông và chưa bao giờ ngưng nghỉ qua thời gian… Từ đó, có thể thấy được vị trí của Bác trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam. Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê cũng gửi lời cảm ơn đến TS. Hoàng Văn Chung vì bài nói chuyện tâm huyết, thú vị, giàu tính khoa học và cảm xúc về Chủ tịch Hồ CHí Minh. 

 

 

Diễn giả TS. Hoàng Văn Chung, Viện trưởng Nguyễn Thị Hoài Lê

cùng viên chức Viện Nghiên cứu Con người

      Buổi sinh hoạt chuyên đề không chỉ cung cấp những thông tin quan trọng về các hoạt động tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức tranh toàn cảnh Việt Nam, mà còn góp phần củng cố niềm tin vào Đảng và Nhà nước, nâng cao nhận thức về tư tưởng cho mỗi viên chức, đảng viên Viện Nghiên cứu Con người. Đây cũng là hành động thiết thực của Chi bộ hướng tới chào mừng sinh nhật lần thứ 134 của Bác.

Bùi Thanh Phương

 

The older news.............................