Thực hiện kế hoạch khoa học năm 2023, ngày 22/9/2023, tại trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Con người đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Di cư và phát triển con người trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi”. Hội thảo do GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê-Viện trưởng Viện nghiên cứu Con người chủ trì. Hội thảo có sự tham gia của gần 100 chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế tham dự theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Di cư là một hiện tượng toàn cầu tác động đến cuộc sống của hầu hết mọi người. Trong những điều kiện thuận lợi phù hợp, người di cư có những đóng góp đáng kể về kinh tế, xã hội và văn hóa cho các cộng đồng trên toàn cầu. Di cư mở ra các thị trường và cơ hội thương mại mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và do đó thúc đẩy các mục tiêu của phát triển con người bởi di cư có thể đem đến cho con người những cơ hội kinh tế tốt hơn, việc làm tốt hơn, tiếp cận với giáo dục và y tế có chất lượng hơn, giúp họ thoát ra khỏi những vai trò truyền thống mà họ được trông đợi ở xã hội nơi họ rời đi v.v.. Tuy nhiên, những lợi ích về phát triển con người không phải lúc nào cũng được đảm bảo cùng với quá trình di cư. Cách quản lý di cư ở cấp quốc tế, khu vực, quốc gia và địa phương sẽ có tác động đáng kể đến tương lai của các xã hội và các nền kinh tế.
Di cư đã sớm trở thành một vấn đề rất được quan tâm trong nghiên cứu về Phát triển con người. Trong những năm qua, Viện Nghiên cứu Con người, với vai trò là một cơ quan nghiên cứu về phát triển con người ở Việt Nam, đã có nhiều hoạt động khoa học (nghiên cứu, tư vấn, tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo) về vấn đề di cư.
Hội thảo khoa học quốc tế năm 2023 với chủ đề “Di cư và phát triển con người trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi” nhận được gần 30 báo cáo tập trung vào các nội dung chính: những vấn đề chung về di cư và phát triển con người trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi và những vấn đề đặt ra về di cư và phát triển con người trong bối cảnh đang chuyển đổi.Trong đó có 08 báo cáo được lựa chọn trình bày tại Hội thảo, được chia thành 02 phiên: Phiên 1: Di cư quốc tế và các vấn đề đặt ra đối với khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi và Phiên 2: Di cư phát triển con người Việt Nam.
GS.TS. Đặng Nguyên Anh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
đồng chú tọa
PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người đồng chủ tọa
Tại Phiên 1, Hội thảo lắng nghe 04 tham luận, bao gồm: (1) Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện NC Con người; (2) The Russian-speaking Economy in Southeast Asia: Scale, Dynamics, and Contribution to the Development of Host Societies, GS.TS. Sergey Ryazantsev, Viện Hàn lâm khoa học Nga; (3) Thu hút di cư lao động chất lượng cao ASEAN: Thực trạng và Giải pháp, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới ; (4) Migration in Southeast Asia from a Human Rights Perspective, GS.TS. Sriprapha Petcharamesree, ĐH Chulalongkorn, Thái Lan
Các tham luận trình bày cũng như phần thảo luận phiên 1 tập trung vào các vấn đề chung về di cư và phát triển con; vấn đề lí luận về di cư và phát triển con người; các xu hướng di cư trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi và kinh nghiệm quản lý di cư gắn với phát triển con người.
Tại Phiên 2, Hội thảo tiếp tục với 04 tham luận trình bày: (5) Việc triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của liên hợp quốc và giải pháp tăng cường quản lý di cư quốc tế vì sự phát triển con người, Bà Phan Thị Minh Giang, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; (6) Di cư lao động nông thôn ra nước ngoài và vấn đề đặt ra đối với trẻ em trong các gia đình từ góc nhìn phát triển con người, TS. Phạm Thị Tính, Viện Nghiên cứu Con người; (7) Mối quan hệ giữa di cư với chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, NCS. Nguyễn Thị Huệ, Viện Nghiên cứu Con người; (8) Hòa nhập xã hội của người di cư từ góc độ tiếp cận y tế, TS. Vũ Thị Thanh, Viện Nghiên cứu Con người
Trong phiên này, các tham luận trình bày và phần thảo luận liên quan tới những vấn đề đặt ra đối với di cư và phát triển con người trong bối cảnh đang chuyển đổi, từ đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của con người liên quan tới sự di cư; thực trạng, các cơ hội và rủi ro đối với sự phát triển con người của người di cư; các vấn đề về quyền con người, an ninh con người của người di cư; đảm bảo an sinh xã hội cho người di cư; các vấn đề về bình đẳng xã hội, hòa nhập xã hội của người di cư và xu hướng, giải pháp thúc đẩy và quản lý di cư gắn với phát triển con người.
Hội thảo là diễn đàn trao đổi hữu ích giữa các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng chia sẻ các kiến thức, thông tin, kinh nghiệm nghiên cứu và quản lý về vấn đề di cư và phát triển con người và các biện pháp thúc đẩy, quản lý di cư vì sự phát triển con người của nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới. Đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà quản lý, giáo dục ở các nước xây dựng các mối quan hệ, tạo ra sự kết nối để mở ra những cơ hội trao đổi học thuật trong tương lai về vấn đề di cư và phát triển con người nói riêng và các hợp tác khoa học nói chung. Qua đó đề xuất các biện pháp thúc đẩy và quản lý di cư nhằm đảm bảo phát triển kinh tế xã hội gắn với phát triển con người trong thời gian tới.
Hội thảo đã nhận được nhiều bài viết nhấn mạnh những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế để đảm bảo quyền lợi của người di cư, đặc biệt là “Thoả thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc”; đồng thời chú trọng đảm bảo quyền lợi và cơ hội của người dân di cư trong nước cũng như di cư quốc tế. Các chính sách này đã và đang thể hiện vai trò tích cực trong việc đảm bảo một cuộc sống ổn định, bền vững, hướng tới mục tiêu phát triển con người nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê đánh giá cao các ý kiến thảo luận tại hội thảo. Đây là những tư liệu quan trọng giúp cho Viện Nghiên cứu Con người có những tư vấn chính sách góp phần nâng cao di cư an toàn hướng tới mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Đồng thời, PGS Viện trưởng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia đã đóng góp công sức và trí tuệ cho Hội thảo; cảm ơn các cơ quan, các tổ chức đã giúp đỡ, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả tham dự Hội thảo quan trọng và giàu ý nghĩa này.
Thanh Huyền