Hội thảo khoa học quốc gia: An ninh phi truyền thống: thực trạng và các vấn đề đặt ra

19/10/2023

 

Thực hiện kế hoạch hoạt động khoa học của Viện Nghiên cứu Con người năm 2023, ngày 18/10/2023, tại Hội trường trụ sở Số 9 Kim Mã Thượng-Hà Nội, Viện Nghiên cứu Con người đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “An ninh phi truyền thống: Thực trạng và các vấn đề đặt ra”.

Hội thảo có sự tham gia của rất nhiều đại biểu khách là các nhà lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, chuyên gia, giảng viên, nhà khoa học đến từ các đơn vị trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội: PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; PGS.TS. Đặng Thị Hoa, Viện trưởng Viện Tâm lý học; PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học xã hội; TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý Nhân văn; PGS.TS Phạm Minh Phúc, Quyền giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản khoa học xã hội; TS. Đặng Thị Phượng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Ngôn ngữ học; TS. Nguyễn Hoàng Long, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; TS. Nguyễn Linh Giang, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật;TS. Nguyễn Xuân Khoát, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin;

Về phía khách mời bên ngoài Viện Hàn lâm có  PGS.TS. Phạm Hương Trà, Phó trưởng khoa, Khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Thượng tá, TS. Nguyễn Cao Sơn, Phó trưởng khoa, Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn, Học viện An ninh nhân dân; Trung tá, TS. Mai Vũ Dũng, Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn, Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an Nhân dân; Thiếu tá, TS. Nguyễn Đình Châu - Học viện An ninh nhân dân; PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình, Đại học Mở Hà Nội.

Về phía Viện Nghiên cứu Con người, có PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng - Chủ trì Hội thảo; PGS. TSKH. Lương Đình Hải, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người; PGS.TS. Đào Thị Minh Hương, Nguyên Phó viện trưởng cùng đông đảo cán bộ Viện tham dự Hội thảo.

Trong báo cáo khai mạc và đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê gửi lời cảm ơn tới Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tạo điều kiện tổ chức, cảm ơn các nhà khoa học đã viết bài tham luận cũng như dành thời gian tham dự Hội thảo.

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện NC Con người phát biểu khai mạc

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê cho biết, chủ đề an ninh phi truyền thống, an ninh con người được Viện Nghiên cứu Con người bắt đầu triển khai nghiên cứu từ năm 2015 với đề tài cấp Bộ đầu tiên: “An ninh con người ở Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu: các quan điểm tiếp cận và chính sách”. Từ đó đến nay, Viện thường xuyên có các công trình nghiên cứu nhiều chủ đề xung quanh vấn đề an ninh con người. Việc nghiên cứu lý luận, đánh giá thực trạng các nguy cơ thách thức và đưa ra các dự báo để có biện pháp chủ động ứng phó hiệu quả với các thách thức từ an ninh phi truyền thống là vấn đề cấp thiết đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các giảng viên,… chia sẻ các kiến thức, thông tin, kinh nghiệm nghiên cứu và xây dựng các biện pháp ứng phó hiệu quả với các vấn đề an ninh phi truyền thống nhằm đảm bảo ổn định sự phát triển bền vững của quốc gia. Hội thảo cũng là cơ hội để thiết lập các mối quan hệ, tạo sự kết nối trong cộng đồng các nhà khoa học để mở ra những cơ hội trao đổi học thuật, các hợp tác khoa học trong tương lai về vấn đề an ninh nói chung, trong đó có an ninh phi truyền thống và các vấn đề khác cùng quan tâm.

Nội dung Hội thảo được chia thành 2 phiên:

Phiên 1: An ninh phi truyền thống: một số vấn đề lý luận và quan điểm của Đảng với các tham luận của Thiếu tá, TS. Nguyễn Đình Châu, Học viện An ninh nhân dân, Bộ Công an; TS. Phạm Thị Tính, Trưởng phòng, Phòng Nghiên cứu Quyền con người – An ninh con người, Viện Nghiên cứu Con người. Các tham luận tập trung vào một số vấn đề mang tính lý luận như: một số khái niệm và nội hàm nghiên cứu lí luận về an ninh phi truyền thống, các nội dung chính thuộc chủ đề này mà Viện nghiên cứu con người tập trung nghiên cứu từ trước đến nay; nhận thức và sự phát triển tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam về an ninh phi truyền thống; sự phát triển tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam về ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống qua các thời kỳ,… đồng thời cũng chỉ ra những thách thức an ninh phi truyền thống mà Việt Nam đang phải đối mặt.

 

Thiếu tá, TS. Nguyễn Đình Châu, HV An ninh nhân dân, Bộ Công an trình bày tham luận

 

TS. Phạm Thị Tính, Trưởng phòng, Phòng Nghiên cứu Quyền con người

– An ninh con người, Viện Nghiên cứu Con người trình bày tham luận

 

Phiên 2: An ninh phi truyền thống: những vấn đề đặt ra với tham luận từ các diễn giả: PGS.TS Phạm Thị Thanh Bình, Đại học Mở Hà Nội; PGS.TS Phạm Hồng Thái, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và ThS. Phan Thanh Thanh, Viện Nghiên cứu Con người. Các tham luận trong phiên 2 đề cập tới một số vấn đề thực tiễn cụ thể của an ninh phi truyền thống trong nước cũng như quốc tế có liên quan đến Việt Nam như: vấn đề an ninh mạng; vấn đề tội phạm người Việt Nam tại Nhật Bản; vấn đề về an ninh con người, an ninh nguồn nước ở khu vực sông Mê Kông.

Phần thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp đối với các tham luận được tình bày tại Hội thảo, cũng như chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu trong các vấn đề liên quan của toàn bộ đại biểu tham dự Hội thảo. Tự chung, các ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng an ninh phi truyền thống là một vấn đề nghiên cứu ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của giới khoa học cũng như các nhà hoạch địch chính sách. Các nguy cơ và mối đe dọa do an ninh phi truyền thống ngày càng rõ nét và tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực, nó có thể là an ninh kinh tế, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh mạng, an ninh tiền tệ… Vì vậy, cần nhận thức rõ và đúng đắn về các mối đe doạ này để có các biện pháp ứng phó kịp thời và phù hợp nhằm giúp các quốc gia cũng như mỗi người dân đề xuất các biện pháp quản trị xã hội phù hợp và chủ động phòng tránh khi các rủi ro xảy ra. Một số câu hỏi được nêu ra tại Hội thảo cũng có thể là những gợi ý cho những nghiên cứu tiếp theo, ví dụ như: giải pháp để phát triển con người toàn diện, hạn chế tác động tiêu cực của các nguy cơ an ninh phi truyền thống tới thế hệ thanh niên - chủ nhân tương lai của đất nước; hay vấn đề làm sao có thể đưa ra các chỉ tiêu đại diện cho an ninh con người để có thể định kỳ đánh giá kết quả theo từng giai đoạn; hay sự hợp tác của các quốc gia trong việc đảm bảo an ninh con người, v.v…

Trong phần kết luận, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê khẳng định ngoài các bài tham luận được trình bày và các bài không trình bày, hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi của các nhà khoa học. Các ý kiến phát biểu này đã làm rõ hơn về chủ đề hội thảo, đồng thời cũng đặt ra các cơ hội trong tương lai để các cơ quan có thể hợp tác với nhau trong lĩnh vực khoa học có liên quan. Thay mặt Ban tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê cảm ơn các nhà quản lý, nhà khoa học và chuyên của các cơ quan, đơn vị đã đến tham dự và chia sẻ tại Hội thảo và rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của quý vị đại biểu trong các hoạt động khoa học tiếp theo của Viện Nghiên cứu Con người.

 

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

 

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đưa tin về hội thảo:

https://vass.gov.vn/noidung/hoinghihoithao/Pages/tin-tuc-hoi-nghi-hoi-thao.aspx?ItemID=1474

Huyền Nguyễn

The older news.............................