Đầu tháng 8 năm 2023, Chi bộ Viện Nghiên cứu Con người phối hợp cùng cùng Công đoàn Viện đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đây là một hoạt động nằm trong kế hoạch hoạt động toàn khóa năm 2023 của Chi bộ Viện Nghiên cứu Con người, cũng như Công đoàn Viện Nghiên cứu Con người hưởng ứng việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kế hoạch của Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và kêu gọi của Công đoàn Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Tại buổi sinh hoạt, toàn thể lãnh đạo, viên chức, người lao động của Viện đã hân hạnh được tiếp đón và lắng nghe Giáo sư Hoàng Chí Bảo chia sẻ các câu chuyện dung dị, đời thường về sự nghiệp và cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua lối kể chuyện mẫn tiệp và lôi cuốn, Giáo sư Hoàng Chí Bảo đã khắc họa lên chân dung Hồ Chí Minh với tư cách là một nhà tư tưởng vĩ đại. Người tìm ra con đường giải phóng dân tộc, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước đó 10 năm, Người còn là một trong những đồng sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (năm Bác Hồ 30 tuổi). Đặc thù của Đảng Cộng sản Việt Nam là gồm cả tính dân tộc, tính nhân dân, đây được xem là một phát kiến của Hồ Chí Minh. Bác Hồ sáng lập ra chính thể quân đội và rất nhiều các tổ chức quần chúng, tổ chức chính trị xã hội tại Việt Nam. Bác là Chủ tịch nước, là Thủ tướng Chính phủ, vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam. Cuộc đời Bác Hồ gắn liền với một huyền thoại về tên bút danh, bí danh của Người. Trong đó, tên phổ biến nhất hầu hết trên thế giới và mọi tầng lớp nhân dân đều biết đó là Bác Hồ. Trong sự nghiệp của Người, Người sử dụng nhân tài rất tài tình, chú trọng vào thực Đức, thực Tài và được quần chúng tin tưởng, ủng hộ chứ không phải bắt buộc đã vào Đảng Cộng sản hay chưa. Người xa lạ với giáo điều, có khả năng tích hợp mọi nguồn tri thức, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin là căn bản nhưng không phải duy nhất, tiếp thu tinh hoa của mọi thời đại. Hồ Chí Minh là biểu tượng của văn hóa hòa bình và văn hóa khoan dung.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo trình bày tại buổi sinh hoạt chuyên đề
Hồ Chí Minh là một nhà đạo đức học. Mệnh đề: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư được Bác Hồ coi là trọng tâm của người cộng sản. Đây được coi là 4 mĩ đức của người cộng sản. Hồ Chí Minh đối nhân xử thế rất nhân nghĩa. Nỗi đau của toàn dân tộc là Nỗi đau của Người.
Hồ Chí Minh là một người biện chứng thực hành. Bác Hồ không câu nệ về lý thuyết mà chú trọng vào thực hành, mà thực hành này cần thiết phải lợi cho dân, tốt cho dân, phục vụ nhân dân là phục tùng cao nhất, làm đầy tớ cho nhân dân là lẽ sống cao nhất. Cô đặc lí luận của Bác đó là: Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lí luận, lí luận lãnh đạo thực hành. Bác cũng rất chú trọng đổi mới. Người có tư tưởng đổi mới kể từ khi chưa có Đảng, đến khi Đảng ra đời thì chủ trương hội nhập. Đây là điểm rất độc đáo trong tư tưởng của Hồ Chí Minh. Sắc thái trong tư tưởng của Người là không hàn lâm, không bác học nhưng có thể tồn tại vượt thời gian như một định lý kinh điển.
Phong cách Hồ Chí Minh là giản dị. Càng giản dị càng vĩ đại. Giản dị là cốt lõi của bản chất, phải có bản lĩnh văn hóa lớn mới có thể giản dị được. Giản dị khác hoàn toàn với giản đơn. Đó là triết học vô ngôn, thông điệp không lời.
Nghiên cứu về Hồ Chí Minh là phải thấy, phải cảm nhận tất cả về ý chí, nghị lực, và cả nỗi đau nhân thế của Người. Chia sẻ với Viện Nghiên cứu Con người về công tác nghiên cứu khoa học, Giáo sư Hoàng Chí Bảo chỉ ra sự cần thiết nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh, nhất là nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về con người. Việc nghiên cứu này cũng nên gắn liền với Chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Cuối buổi sinh hoạt, các đảng viên, viên chức và các công đoàn viên đã có những trao đổi rất xúc động về học tập ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của Bác, cũng để thấy rõ hơn trách nhiệm của từng cá nhân và tập thể trong công cuộc xây dựng tổ quốc, xây dựng đảng.
Buổi sinh hoạt chuyên đề để lại ấn tượng sâu sắc đối với toàn thể viên chức, người lao động Viện Nghiên cứu Con người. PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê bày tỏ sự cảm kích, khâm phục GS. Hoàng Chí Bảo vì sự sâu sắc trong nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. PGS cũng chia sẻ thông tin về việc hằng năm, Viện cũng tổ chức đều đặn nội dung sinh hoạt chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Viện Nghiên cứu Con người cũng đã nghiên cứu tập trung về tư tưởng Hồ Chí Minh, đã tổ chức hội thảo quốc gia và có kỷ yếu về nội dung này, tài liệu được lưu giữ ở thư viện của Viện. Gợi ý nghiên cứu của Giáo sư Hoàng Chí Bảo đối với Viện rất thú vị và có nhiều ý nghĩa, Viện hi vọng các nghiên cứu vên sẽ nghiêm túc xem xét đề xuất này của GS Hoàng Chí Bảo trong thời gian tới.
Nguyễn Thắm