Toạ đàm: An ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa

23/10/2020

Ngày 22 tháng  10  năm 2020, tại Viện Nghiên cứu Con người diễn ra tọa đàm khoa học “An ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa”. Toạ đàm được thực hiện trong khuôn khổ hoạt động khoa học chung của Viện Nghiên cứu Con người năm 2020. TS. Lưu Thị Lịch chủ trì tọa đàm.

Tọa đàm đã được nghe hai tham luận.

Thứ nhất TS. Đặng Thúy Hạnh, cán bộ Chương trình của Tổ chức Di cư quốc tế - Cơ quan di cư của Liên hợp quốc trình bày tham luận: “Mua bán người tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp”.  Diễn giả đã trình bày tóm lược khái niệm, quan niệm và cách hiểu về mua bán người, về nô lệ thời hiện đại, nêu ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này; vấn đề chiến lược, ứng phó của chính phủ Việt Nam về vấn đề này (ban hành các văn pháp pháp luật, các chương trình hành động, các hoạt động và việc tham gia làm thành viên các tổ chức quốc tế có liên quan vấn đề này; Các vấn đề liên quan đến xác nhận, xử lý, hỗ trợ các trường hợp nạn nhân cũng như vai trò của các cơ quan tổ chức trong nước có liên quan vấn đề mua bán người, v.v…

TS. Đặng Thúy Hạnh, Cán bộ chương trình của Tổ chức Di cư quốc tế trình bày tham luận

Thứ hai, ThS. Nguyễn Thị Huệ, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Con người trình bày tham luận “Thực trạng lao động việc làm Việt Nam giai đoạn 2011-2018”. Dựa trên các số liệu thống kê thu thập được, diễn giả khái quát tình hình lao động Việt Nam 2011-2018 trên các khía cạnh: lực lượng lao động, cơ cấu lao động, loại hình lao động, thu nhập và thời gian làm việc; phân tích đặc điểm lao động Việt Nam: trình độ chuyên môn kĩ thuật, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo, cơ cấu lao động theo trình độ học vấn, theo trình độ kĩ năng và vấn đề việc làm bền vững.

ThS. Nguyễn Thị Huệ, Viện Nghiên cứu Con người trình bày tham luận

Các báo cáo đã nhận được nhiều sự quan tâm và chia sẻ của những người tham dự. Các ý kiến trao đổi làm rõ hơn các vấn đề được nêu và cũng có ý kiến chia sẻ thêm xung quanh vấn đề đã trình bày.

Liên quan đến vấn  đề mua bán người và di cư bất hợp pháp, các ý kiến làm rõ hơn về nạn nhân của mua bán người và di cư bất hợp pháp trong quan điểm của quốc tế và Việt Nam và ứng xử của các bên liên quan việc giải quyết vấn nạn này; cách thức mua bán người hiện nay trong bối cảnh công nghệ thông tin đã có nhứng biểu hiện tinh vi khó nắm bắt, những nguyên nhân sâu xa của vấn đề này và công tác đấu tranh phòng chống hoạt động này và một số giải pháp đảm bảo cho việc di cư hợp pháp và an toàn.

Liên quan đến vấn đề lao động việc làm, các ý kiến muốn làm rõ hơn những vấn đề gì mới nảy sinh liên quan đến giới qua các năm, điểm mới của lao động di cư liên quan đến các ngành nghề địa phương. Một số ý kiến chia sẻ thêm xung quanh quan điểm thiếu việc làm là động lực của phát triển; quan điểm về việc làm ổn định trong bối cảnh hiện nay.

Tọa đàm khoa học đã thu hút sự tham dự của các nhà nghiên cứu trong Viện, đặc biệt là các nghiên cứu viên trẻ. Nhiều thông tin được chia sẻ mang tính thực tiễn và gợi mở cho các nghiên cứu tiếp theo.

Thu Hà