Sáng 18/9/2020, Viện Nghiên cứu Con người đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Y tế và sự phát triển con người Việt Nam hiện nay”. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ hoạt động chung của Viện năm 2020. Tham dự tọa đàm có các cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Con người. NCS. Lê Mạnh Hùng chủ trì tọa đàm.
Tọa đàm đã được nghe hai báo cáo tham luận do TS. Nguyễn Thị Lê, phòng Con người và Xã hội và NCS An Thanh Lê, đại học La Trode trình bày.
TS. Nguyễn Thị Lê trình bày tham luận tại tọa đàm
Tham luận của TS. Nguyễn Thị Lê “Sinh đẻ ở người Dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc Việt Nam: Lựa chọn và tính chủ thể trường hợp người Mông” được rút ra từ kết quả nghiên cứu luận án tiến sĩ của diễn giả. Nghiên cứu này áp dụng phương pháp tiếp cận dân tộc học để điều tra việc ra quyết định chăm sóc sức khỏe trong bối cảnh đa nguyên y tế, tập trung vào việc sinh con của các dân tộc thiểu số Mông ở Việt Nam. Đối với người Mông, nghiên cứu này không cho rằng họ cảm thấy căng thẳng hay áp lực về lựa chọn của mình trong việc sinh con tại nhà, thay vào đó là sự tự tin và linh hoạt. Mô hình sinh con nổi bật nhất của người Mông là họ sinh con tại nhà khi mọi thứ đều ổn và sẵn sàng đến cơ sở y tế khi có biến chứng (thậm chí một số trường hợp phụ nữ trẻ có kế hoạch sinh tại bệnh viện gần đây). Ý nghĩa của nơi sinh thay đổi theo từng trường hợp và phụ thuộc vào mối quan hệ tương tác biện chứng giữa các định hướng tác nhân của các chủ thể xã hội với bối cảnh và hoàn cảnh cấu trúc.
Tham luận của NCS An Thanh Lê “Quan hệ tình dục đồng giới nam và chuyển giới nữ ở Việt Nam: thách thức đối với việc phòng ngừa HIV” cũng được rút ra từ một nghiên cứu dân tộc học về nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và chuyển giới nữ ở Hà Nội, Việt Nam. Diễn giả đã nêu ra một số thách thức liên quan đến việc xem xét các thuật ngữ được dùng để chỉ nam quan hệ tình dục đồng giới và chuyển giới nữ ở Việt Nam. Cùng với đó là những khuyến nghị các chương trình HIV ở Việt Nam có thể phát triển các thuật ngữ phân loại toàn diện và bao trùm hơn để mô tả MSM Việt Nam và phụ nữ chuyển giới, và các nhóm phụ tồn tại trong các thuật ngữ rộng này. Việc này nhằm giúp các nhóm dân số thiểu số có giới tính và tình dục ở Việt Nam tránh được những sự tồn thương, giảm kỳ thị đối với nhóm này.
NCS An Thanh Lê, đại học La Trode trình bày tham luận tại tọa đàm
Cả hai tham luận đều nhận được nhiều sự chú ý và các ý kiến chia sẻ, thảo luận của các nhà nghiên cứu tham dự. Các ý kiến tập trung làm rõ một số khái niệm liên quan và một số vấn đề liên quan tới tính chủ thể, đến diễn ngôn về người dân tộc thiểu số, đến sự đánh giá, nhìn nhận về nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới ở Việt Nam và phụ nữ chuyển giới, những khó khăn trong việc triển khai nghiên cứu. Các diễn giả cũng làm rõ thêm một số vấn đề đã nêu.
Tọa đàm khoa học đã thu hút sự tham dự của các nhà nghiên cứu trong Viện, đặc biệt là các nghiên cứu viên trẻ. Những thông tin được chia sẻ mang tính thực tiễn, tăng sự hiểu biết và góp thêm tiếng nói và sự nhìn nhận khách quan về nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội.
Thu Hà