Ngày 28/5/2020, Viện Nghiên cứu Con người đã tổ chức tọa đàm khoa học “Giáo dục và phát triển con người ở Việt Nam hiện nay”. Tham dự tọa đàm có các cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Con người. PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê chủ trì tọa đàm.
Tọa đàm đã được nghe hai báo cáo tham luận do TS. Nguyễn Đình Tuấn và TS. Vũ Thị Thanh trình bày.
Dựa trên số liệu thống kê thu được, trong báo cáo “Cơ hội tiếp cận giáo dục phổ thông của trẻ em ở vùng nghèo nước ta hiện nay”, TS. Nguyễn Đình Tuấn đã phân tích cơ hội tiếp cận giáo dục phổ thông của trẻ em trong các gia đình nghèo ở vùng dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay”. Vận dụng khung tiếp cận quyền trong lĩnh vực giáo dục, tác giả phân tích bốn chiều cạnh trong tiếp cận giáo dục của trẻ em ở vùng nghèo: tính sẵn có (hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên), tính có thể tiếp cận được (chính sách, khoảng cách địa lý từ nhà đến trường). tính có thể chấp nhận (chi phí cho giáo dục) và tính có thể thích ứng (tính chủ thể của học sinh và gia đình).
Dựa trên kết quả nghiên cứu thực địa của đề tài “Nghiên cứu hòa nhập xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số từ cách tiếp cận phát triển con người” và một số kết quả nghiên cứu khác về phụ nữ dân tộc, TS. Vũ Thị Thanh đã nêu một số khó khăn của phụ nữ dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận giáo dục. Các khó khăn thách thức được nêu gồm: khoảng cách địa lý từ nhà đến trường, định kiến giới về vai trò của phụ nữ, phong tục truyền thống tại địa phương, khó khăn về kinh tế, khó khăn trong tìm kiếm việc làm, khó khăn do việc xóa mù chưa được đẩy mạnh, sự chủ động tích cực của phụ nữ trong việc học chưa cao, thiếu môi trường thực hành tiếng phổ thông v.v…
Diễn giả cũng nêu một số giải pháp như lồng ghép giới vào chính sách giáo dục; hỗ trợ xóa mù (kinh phí, học liệu,…); tăng cường vai trò của hội phụ nữ trong việc học tiếng phổ thông; tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ và trẻ em về việc học; tuyên truyền phòng chống tảo hôn, và nguy cơ trở thành nạn nhân của mua bán người khi lựa chọn đi làm ăn xa; kết giữa nhà trường và gia đình trong các can thiệp phòng ngừa.
Cả hai tham luận đều nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của các nhà nghiên cứu tham dự. Nhiều ý kiến tán đồng và khẳng định rõ ràng vấn đề học tập giáo dục là một chiều cạnh quan trọng thúc đầy các cơ hội phát triển cho con người, làm rõ hơn mối liên hệ giữa hòa nhập xã hội và phát triển con người.
Một số ý kiến cũng chia sẻ thêm thông tin liên quan đến những khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục của trẻ em và phụ nữ ở những vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Ngoài các yếu tố đã nêu, có ý kiến thêm rằng truyền thống học hành của địa phương hay sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc xóa mù nâng caao dân trí cho người dân cũng có sự tác động rất lớn đến cơ hội học tập của người dân nói chung và của đối tượng nghèo, khó khăn nói riêng đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Một trong những vấn đề thúc đẩy hiệu quả các giải pháp nâng cao cơ hội học tập cho trẻ em và phụ nữ ở vùng khó khăn là cần phải phân loại đối tượng nào có thể thoát nghèo, đối tượng nào không thể thoát nghèo, đánh giá được năng lực của đối tượng để có những giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Một số kinh nghiệm chia sẻ kết quả nghiên cứu cũng được nêu: phải làm rõ được tính mới của đề tài, chỉ rõ điều gì đề tài còn chưa đạt được, vì sao và gợi mở các nghiên cứu khác sâu hơn.
Mặc dù, đây là buổi sinh hoạt khoa học đầu tiên và các phòng nghiên cứu trong Viện đứng ra tổ chức nhưng đã thu hút sự tham dự của các nhà nghiên cứu trong Viện, cung cấp nhiều thông tin mang tính thực tiễn và là những gợi mở cho các nghiên cứu tiếp theo.
Thu Hà