Tọa đàm khoa học: “Phát triển con người vùng dân tộc thiểu số ở nước ta trong bối cảnh hiện nay”

05/06/2020

Ngày 04/6/2020, Viện Nghiên cứu Con người đã tổ chức tọa đàm khoa học “Phát triển con người vùng dân tộc thiểu số ở nước ta trong bối cảnh hiện nay”. Tham dự tọa đàm có các cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Con người. TS. Nguyễn Đình Tuấn chủ trì tọa đàm.

Tọa đàm đã được nghe hai báo cáo tham luận do TS. Nguyễn Vũ Quỳnh Anh và TS. Vũ Thị Thanh trình bày.

Dựa trên kết quả rút ra từ nghiên cứu thực trạng cơ hội tiếp cận giáo dục của nhóm học sinh trung học cơ sở 15 tuổi ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, TS. Nguyễn Vũ Quỳnh Anh đã nêu lên một số yếu tố ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận với giáo dục của trẻ em ở Lào Cai hiện nay bao gồm: Chính sách giáo dục của nhà nước; động cơ học tập, năng lực học tập  và mức độ quan tâm của cha mẹ đến việc học của con, nghề nghiệp, trình độ học vấn của cha mẹ cũng như mức thu nhập của gia đình.

Dựa trên các kết quả nghiên cứu định lượng (phỏng vấn bằng bảng hỏi 200 phụ nữ DTTS) và nghiên cứu định tính (phỏng vấn sâu cán bộ và người dân) của đề tài: ‘Nghiên cứu hòa nhập xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số từ cách tiếp cận phát triển con người’ được thực hiện tại xã Khoen On và xã Phúc Than (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu), TS. Vũ Thị Thanh đã cho thấy bức tranh về tình hình tiếp cận thông tin của phụ nữ DTTS và phân tích những cơ hội, năng lực của phụ nữ DTTS trong tiếp cận thông tin. Những rào phổ biến cản trở cơ hội tiếp cận thông tin của phụ nữ DTTS là do không sẵn có các nguồn cung cấp thông tin phù hợp với khả năng tiếp cận của họ. Khó khăn ‘không biết tiếp cận thông tin ở đâu’ có tác động đáng kể đến việc phụ nữ có tiếp cận được thông tin hay không và đến sự đa dạng của thông tin mà họ tiếp cận được. Diễn giả cũng đưa ra một số giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của phụ nữ DTTS: cung cấp thông tin bằng tiếng dân tộc; xây dựng bản tin đưa về cấp thôn bản để tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh; nâng cao hoạt động của hội phụ nữ; thực hiện các hình thức sân khấu hóa để cung cấp thông tin đến người dân đặc biệt là đối tượng phụ nữ.

Cả hai tham luận đều nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, thảo luận của các nhà nghiên cứu tham dự về kết quả nghiên cứu mà hai diễn giả đã trình bày. Các ý kiến tập trung vào phương pháp nghiên cứu, cách tiếp cận nghiên cứu, làm rõ một số khái niệm liên quan và một số vấn đề liên quan tới việc nêu ra các nhận định từ việc phân tích số liệu nghiên cứu thực địa, những khó khăn trong việc triển khai nghiên cứu thực địa. Các diễn giả cũng làm rõ thêm một số vấn đề đã nêu và có tiếp thu một số ý kiến đã đóng góp nhằm hoàn thiện hơn nghiên cứu của mình.

Tọa đàm khoa học đã thu hút sự tham dự của các nhà nghiên cứu trong Viện, đặc biệt là các nghiên cứu viên trẻ. Những thông tin được chia sẻ mang tính thực tiễn, cung cấp thêm kinh nghiệm trong xây dựng bảng hỏi, triển khai nghiên cứu thực tiễn và là những gợi mở cho các nghiên cứu tiếp theo.

Thu Hà